Nhân viên chăm sóc khách hàng chính là đại diện cho tiếng nói của một công ty, bởi vì họ chính là những người sẽ trực tiếp giao tiếp, điều đình, giải quyết mọi thắc mắc, phàn nàn từ khách hàng. Vậy làm thế nào để nhà tuyển dụng nhận biết đâu là ứng viên phù hợp cho vị trí này.
1. Thái độ, biểu hiện của ứng viên
Trong bất kỳ ngành nghề nào cũng vậy, thái độ là yếu tố quyết định sự khác biệt và thành công trong công việc. Đối với nghề chăm sóc khách hàng thì thái độ càng đặc biệt quan trọng, bởi vì thái độ còn thể hiện được cả kỹ năng chuyên môn của ứng viên. Thử hình dung, nếu một nhân viên chăm sóc khách hàng không có được thái độ chuyên nghiệp trong lúc trao đổi, tư vấn cho khách hàng, đặc biệt là khi gặp phải những khách hàng quan trọng, khó tính của công ty thì chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến cả hình ảnh và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, những biểu hiện ra bên ngoài như sự tin tin, vui vẻ, khả năng lắng nghe, nói chuyện lưu loát cũng là những tiêu chuẩn mà một nhân viên chăm sóc khách hàng cần có. Nhà tuyển dụng có thể quan sát cách ứng xử, phong thái trả lời câu hỏi của ứng viên trong lúc phỏng vấn hoặc đặt tình huống để đánh giá những biểu hiện này của ứng viên.
2. Có chỉ số thông minh cảm xúc (EQ) cao
Phần lớn thời gian làm việc của một nhân viên chăm sóc khách hàng liên quan đến việc tiếp xúc, giao tiếp, làm việc với con người. Trong một ngày, họ phải giải quyết các công việc với rất nhiều loại người với nhiều tính cách khác nhau, nên rất khó tránh khỏi những tình huống gay gắt, tiêu cực từ khách hàng. Do đó, trí thông minh cảm xúc cao, thể hiện qua khả năng kiểm soát, kiềm chế sự tức giận, sợ hãi, lo lắng là rất quan trọng đối với nhân viên chăm sóc khách hàng, những yếu tố này sẽ giúp ứng viên hoàn thành tốt công việc và có thể duy trì hiệu suất làm việc trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
3. Sự yêu thích và tâm huyết với nghề
Sự yêu thích và tâm huyết trong công việc là những yếu tố quan trọng giúp cho một nhân viên chăm sóc khách hàng có trách nhiệm và mong muốn được nâng cao, hoàn thiện công việc của mình theo thời gian.
Có một số nhà tuyển dụng cho rằng, ứng viên sẽ có thiên hướng nói rằng họ rất yêu thích và dành nhiều tâm huyết cho vị trí đang ứng tuyển. Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, nhà tuyển dụng hoàn toàn có thể xác định được ứng viên có đang thành thật hay không qua sự lưu loát trong câu trả lời và ánh mắt của họ. Sẽ thật không đáng tin một chút nào nếu ứng viên chia sẻ rằng họ có có sở thích tìm hiểu về sách tâm lý hay các phương pháp chăm sóc khách hàng nhưng khi nhà tuyển dụng yêu cầu ứng viên chia sẻ một vài ví dụ thì ứng viên này lại có ánh mắt lo lắng, ấp úng, thậm chí không trả lời được câu hỏi từ nhà tuyển dụng.
4. Mong muốn được gắn bó lâu dài với công ty
Hiện nay, tình trạng ứng viên ứng tuyển một vị trí mà không có sự tìm hiểu kỹ về doanh nghiệp hay công ty, sau đó lại nhảy việc với lý do môi trường không phù hợp khá phổ biến. Điều này sẽ gây ra sự lãng phí về cả tài chính và thời gian của doanh nghiệp cho công tác đào tạo lại. Đặc biệt là ở vị trí nhân viên chăm sóc khách hàng là vị trí cần khá nhiều thời gian và tập huấn để có thể phù hợp với khách hàng và văn hóa doanh nghiệp.
Vì vậy trong buổi phỏng vấn, nhà tuyển dụng nên xác định mục tiêu làm việc lâu dài của ứng viên, xem xét các yếu tố nào ứng viên quyết định lựa chọn và muốn gắn bó với doanh nghiệp, đồng thời kiểm tra độ xác thực trong câu trả lời. Bởi nếu thể ứng viên có thể đáp ứng đầy đủ các mục 1,2 và 3 nhưng lại không muốn gắn bó quá lâu dài với một công việc thì sẽ khá khó khăn cho công ty về sau. Mặt khác, nếu muốn giữ được ứng viên làm việc lâu dài thì ngoài việc yêu cầu từ họ, doanh nghiệp cũng phải tạo ra một môi trường làm việc phù hợp, khả năng thăng tiến tốt thì mới có thể giữ chân được nhân tài.