Tôi là một sinh viên mới ra trường, và thực sự mà nói tôi đang rất cần một công việc. Tôi chẳng dám mong công việc đó sẽ ổn định, dài lâu, chỉ cần một công việc phù hợp, giúp một “tân binh” như tôi có thể tích lũy thêm kinh nghiệm, bản lĩnh về sau. Vậy là đủ rồi.
Ra trường 4 tháng, tôi cũng đã phỏng vấn kha khá nơi, gặp nhiều điều, rút ra được nhiều bài học xương máu. Và dĩ nhiên cũng vấp phải vài trường hợp oái ăm. Tôi vốn có tính nhút nhát, ngại đám đông, những năm tháng đi học hầu như tôi rất khép kín và chỉ chơi cùng một vài đứa bạn. Với tôi, chuyện phỏng vấn là một cái gì đó cực kỳ to lớn mà không phải chỉ cần quyết tâm là tôi có thể làm được.
Tôi nhận thức được những thử thách mà tôi phải đối mặt. Càng sợ hãi, tôi càng muốn bản thân mình phải vượt qua nó. Chính vì thế mà tôi đã lao đầu vào các cuộc phỏng vấn như thể đó chính là cách tôi giúp bản thân mình can đảm hơn. Tham gia các cuộc phỏng vấn vừa mang lại cho tôi những cơ hội công việc mới, vừa để tôi rèn luyện bản thân mình hơn. Và cũng từ đó, tôi nhận ra điều gì nên và không nên trong hành trình tìm việc của mình.
Nói về chuyện phỏng vấn thì có lẽ có muôn vàn những điều dở khóc dở cười. Với một đứa sinh viên mới ra trường, như tôi, được nhận vào làm việc là đã quá tốt rồi, chẳng dám mơ đến một mức lương cao. Thế nhưng phải đến khi đứng giữa sự lựa chọn cho tương lai của mình, tôi mới hiểu được rằng lương bổng đôi khi chẳng quan trọng đến thế. Mọi sự đều có lý do riêng của nó cả…
Một ngày đẹp trời, tôi nhận được cuộc gọi từ số lạ, một số điện thoại bàn mời tôi đi phỏng vấn. Đó là một công ty nhập khẩu ô tô. Tôi tới chỗ hẹn và được anh quản lý mời phỏng vấn tại một … quán cóc cạnh công ty. Tôi cũng hơi bối rối một chút sau đó vui vẻ trở lại vì tôi thực sự không quan trọng đến địa điểm phỏng vấn. Thế nhưng, điều quan trọng là anh quản lý không đi vào việc trao đổi ngay lập tức mà nửa đùa nửa thật: “Em cứ bình tĩnh, thong thả nói chuyện, không có gì phải gấp gáp cả!”. Tôi nghĩ, à chắc có lẽ là một người dễ tính đây. Suy nghĩ đó khiến tâm trạng tôi bớt căng thẳng phần nào.
Và rồi, tôi rất sốc khi anh quản lý hỏi tôi học ở đâu. Tôi trả lời câu hỏi của anh, để rồi nhận được một câu phản hồi thế này: “Trường lạ em nhỉ, anh chưa nghe bao giờ, chắc là dạy không tốt đâu. Mà trường đã dạy không tốt thì chắc em làm cũng không giỏi!”. Tôi sốc tập 1, cười bối rối: “Em nghĩ, quan trọng vẫn là ở bản thân mình nữa, trường học chỉ hỗ trợ phần nào cho mình thôi anh à.”
Anh cười cười và nói vu vơ những chuyện không đâu, nào là chuyện công ty anh hay đi… đá bóng với sếp, rồi hay tụ tập sau giờ làm,… chốt lại là “Em sẽ thấy mọi thứ rất thoải mái khi làm việc ở đây”. Rồi anh lại huyên thuyên một lúc sau nữa mới vào vấn đề chính, vấn đề chính ở đây là cho tôi làm bài test ngay lập tức, cung cấp cho tôi một vài thông tin và tôi phải tương tác trực tiếp với anh. Tôi sốc tập 2. Vì tôi không lường trước được chuyện phỏng vấn của mình sẽ có hồi chậm chạp và cao trào, dồn dập đến mức này. Tôi gần như chẳng có đủ thời gian để đọc hết thông tin nhưng vẫn cố gắng “làm bài test” với nhà quản lý thất thường này.
Khi mọi thứ đã gần như trao đổi xong, anh đưa ra cho một mức lương khá cao so với tưởng tượng của tôi, nếu như được nhận việc. Đó là con số mà tôi nghĩ phải có trong tay 2 3 năm kinh nghiệm tôi mới có thể đạt được. Anh quản lý với sự tự tin ngất trời, đinh ninh rằng tôi sẽ chấp nhận không ý kiến. Thế nhưng, tôi chỉ bình tĩnh nói với anh rằng tôi sẽ trả lời anh trong ngày mai, sau đó chào anh và ra về.
Tối đó, tôi đã viết một email từ chối. Không phải vì sợ, cũng không phải vì thiếu tự tin với năng lực của mình. Mà tôi không muốn phải làm việc với một người thiếu chuyên nghiệp như vậy. Lương thì quan trọng thật đấy, nhưng nếu làm với một tâm trạng bất an, khó chịu, thì thật tôi không thể làm được.
Tôi vẫn đang tìm việc. Và sẽ không nản lòng. Một công việc dù có thể không tốt hơn nhưng tôi mong rằng tôi sẽ học được nhiều điều mới từ nó, từ một người nào đó người mà tôi tin sẽ giúp tôi trưởng thành!
Chia sẻ từ độc giả giấu tên