Gửi đến Góc chia sẻ của Việc Làm 24h, tôi muốn chia sẻ đôi chút tâm sự nghề nghiệp của bản thân mình, rất mong mọi người cùng đón đọc.
Sau 1 năm đi làm, tôi nhận ra rằng những cái gọi là “phụ cấp xăng xe, điện thoại” chỉ là chiêu trả lương mang tính khích lệ mà hầu như công ty nào cũng sử dụng.
Khi đi làm, ngoài tiền lương nhận được hàng tháng thì tôi được công ty trả những loại phụ cấp như phụ cấp đi lại và phí gọi điện thoại. Tôi là một nhân viên phát triển thị trường, yêu cầu công việc buộc tôi phải dùng xe máy di chuyển và gọi điện liên tục cho các nhà phân phối nên ngoài tiền lương+thưởng là 8 triệu đồng, tôi nhận thêm được 1 triệu đồng phụ cấp xăng xe, điện thoại nữa.
Những phụ cấp thêm như thế không đơn giản chỉ là một số tiền trả thêm, mà công ty tôi còn dùng cách này như một liệu pháp tinh thần cho cấp dưới. Khi tôi có dịp hỏi sếp của mình, thì anh ấy cho rằng làm như thế sẽ khiến mỗi nhân viên cảm thấy công ty có sự quan tâm, chú trọng đến mình nhiều hơn. Lâu dài việc này sẽ để lại ấn tượng tốt cho nhân viên về công ty và khiến họ trung thành với công ty hơn.
Với các bạn sinh viên đi làm thêm hoặc mới tốt nghiệp, những phụ cấp ghi trong những tin tuyển dụng như “hỗ trợ phụ cấp xăng xe, điện thoại” có lẽ quá quen thuộc. Đây là cách khích lệ mà nhiều nhà tuyển dụng dùng để tuyển thực tập sinh mới vào công ty của mình.
Nghe hấp dẫn là thế thôi, nhưng khi thật sự làm việc lâu mới thấy chúng không lý tưởng chút nào đâu. Cuối tháng, cộng luôn 2 triệu phụ cấp xăng xe, phí công tác mà lương tôi vẫn không khá hơn, hoặc dù có tăng lên thì cũng chỉ bằng phần lẻ của con số phụ cấp đã được nhận.
Tôi đã tự hỏi bản thân mình câu hỏi “Tại sao lại như thế”? không biết bao nhiêu lần. Và tôi đã tìm ra câu trả lời. Nó nằm ở cái gọi là “thuế thu nhập cá nhân”. Và tôi thì luôn cho rằng đó là một sự nhập nhằng, thậm chí khắc nghiệt với người lao động. Luật của chúng ta quy định rằng cứ một khoản tiền nào mà chúng ta nhận được từ sếp của mình, thì sẽ được tính vào phần “thu nhập chịu thuế”. Và khắc nghiệt hơn là tiền phụ cấp vẫn bị coi là “tiền sếp trả cho nhân viên”, vì thế cho nên nó vẫn không thoát được thuế thu nhập cá nhân.
Một vấn đề khác phát sinh ra nữa chính là dù điều trên được thể hiện trong Khoản 2, Điều 2 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính, quy định rõ nếu số tiền phụ cấp nhận được ít hơn mức quy định hiện hành của Nhà nước thì sẽ không phải đóng thuế tiền phụ cấp, nhưng thực tế thì công ty tôi đã bỏ qua con số này. Vì thế tôi hoàn toàn không có cơ hội để phần tiền phụ cấp thoát khỏi việc phải đóng thuế. Tôi thật sự rất buồn và hụt hẫng về việc này. Dù biết luật pháp là thế, nhưng khoản phụ cấp là khoản mà tôi trông đợi còn nhiều hơn so với lương, và dù nó không lớn lao gì thì tôi cũng mong được nhận một cách đầy đủ, hoàn chỉnh. Bởi vì tôi đã đổ mồ hôi, sôi nước mắt ngoài thị trường, vật vã suốt một năm trời để làm việc, ấy thế mà cái phần phụ cấp mang tính chất công ty “khích lệ” này cứ phải tính vào thu nhập chịu thuế mới đau.
Lấy ví dụ, nếu phụ cấp hàng tháng của sinh viên là 1 triệu đồng thì khi nhận về, bạn sẽ chỉ được cầm 900.000 đồng thôi. Hay như anh bạn của tôi thời sinh viên cũng từng trải qua 3 tháng thực tập không lương tại một ngân hàng với số tiền trợ cấp hàng tháng là 1 triệu đồng. Kết thúc kỳ thực tập, trừ tất cả các loại thuế, phí, số tiền mang về cuối cùng chỉ ngót nghét 2 triệu mà thôi.
Vì thế cho nên tôi nghĩ rằng những bạn thực tập sinh, sinh viên nên cân nhắc khi tìm những công việc có tính chất “phụ cấp” như thế này. Nếu không cẩn thận thì rất dễ hụt hẫng, cũng như khó chấp nhận vì công sức làm việc có cảm giác gần như đổ sông đổ biển.
Chia sẻ N.T.T