Nếu như ai đó nói với tôi rằng họ chưa từng vấp ngã, họ chưa từng thất bại, thì tôi nghĩ rằng họ chưa làm gì có ý nghĩa trong cuộc đời họ. Tôi, một cô gái 24 tuổi, cái tuổi cũng không gọi là lớn mà cũng không gọi là trẻ. Nhưng tôi biết tôi đã đủ lớn để có thể chịu trách nhiệm cho những gì mình làm mà không hề trốn chạy. Tất nhiên để được như vậy, cuộc đời tôi đã phải trải qua biết bao nhiêu nốt trầm mà cuộc sống đã ban tặng. Để giờ đây tôi có thể mỉm cười mỗi khi vấp ngã và nói rằng: “Vấp ngã ư, chị đây chẳng sợ!”.
Năm 18 tuổi, tôi rời làng quê, xa gia đình để vào thành phố học tập. Bước chân vào chốn thành thị phồn hoa, biết bao nhiêu cám dỗ, biết bao sự lừa lọc đang chờ đợi tôi. Tôi đắm chìm vào ăn chơi cùng đám bạn “sang chảnh” trong thành phố. Tôi bắt đầu đua đòi nhiều thứ, gọi điện về nhà nói dối bố mẹ phải đóng tiền này, học thêm cái kia để có tiền “chiều chuộng” cho những cuộc vui của tôi. Kết quả là học kì đó tôi rớt hơn nửa số môn học và những môn còn lại thì điểm chẳng cao là mấy. Tôi bắt đầu than thân trách phận nhưng suy cho cùng tất cả cũng là tại tôi. Để không bị bố mẹ phát hiện tôi bắt đầu xin đi làm thêm để có tiền học lại, nghỉ hè tôi cũng không về quê để ở lại trường trả nợ. Tôi cố gắng vừa đi học vừa đi làm thật chăm chỉ và kết quả là chẳng những quạ môn mà tôi còn đạt được số điểm rất cao. Thế mới biết, bản thân tôi có thể làm được những gì và tôi nên tránh xa những gì. Đó chính là bước ngã đầu tiên của tôi khi bước đầu sống xa gia đình.
Làm thêm được một năm, tôi được một anh khóa trên gợi ý rằng tôi hợp với nghề bán hàng và tôi nên đeo đuổi nó, nghề này kiếm được nhiều tiền, có thể giúp tôi mở rộng các mối quan hệ xã hội. Tôi thấy hấp dẫn quá, sung sướng quá, đây là cơ hội cho tôi “tỏa sáng”. Nhưng để vào được công ty thì trước tiên tôi phải bỏ tiền túi để mua sản phẩm của công ty trước. Anh ta nói em muốn làm “giàu” thì phải biết làm “liều”. Nghe vậy tôi cũng cảm thấy có lý, nên gom góp tiền đưa cho anh ta. Trải qua nhiều tháng, chẳng những không bán được hàng mà tôi còn chẳng lôi kéo được ai vào công ty, thế là phải bỏ tiền túi mua sản phẩm để đủ chỉ tiêu. Mãi đến khi, số tiền tôi bỏ ra là quá lớn, không chỉ là tiền của tôi mà thêm cả tiền của gia đình tôi. Tôi nhận ra con đường mình đang đi chính là đa cấp, con đường mà ai cũng né tránh. Đến với đa cấp tôi vừa mất tiền vừa mất bạn. Nhưng qua đó tôi cũng tự rút ra bài học quý giá cho chính mình.
Sau vấp ngã ấy tôi nhận ra đối với tôi lúc bấy giờ việc học vẫn là quan trọng nhất. Tôi bắt đầu tập trung nghiên cứu về chuyên ngành của mình, thời gian tôi dành cho việc học gấp đôi so với lúc trước. Thấy tôi sôi nổi, giảng viên trong khoa giới thiệu tôi thực tập ở một công ty người quen của cô. Vừa đi học vừa đi thực tập tuy hơi cực nhưng bù vào đó, tôi tích cóp cho mình khá nhiều kinh nghiệm. Đi làm rồi mới thấy tiếng anh quan trọng như thế nào, cũng vì nó mà tôi chịu biết bao nhiêu thiệt thòi, mất đi những cơ hội hấp dẫn. Tôi bắt đầu lên kế hoạch để cải thiện trình độ anh văn của mình. Học trên trường, đi thực tập, tối lại học thêm, thời gian ấy tôi dường như bị stress và muốn buông xuôi. Tự cổ vũ bản thân, tôi vượt qua sự chán nản, mệt mỏi ấy. Cuối cùng mọi cố gắng của tôi đã được đền đáp ngày cầm trên tay tấm bằng loại giỏi và xin vào làm tại một công ty đa quốc gia. Tôi của ngày hôm nay không thể vỗ ngực xưng tên là mình hơn người nhưng có thể tự hào với mọi người rằng tôi đã không bỏ cuộc trước những khó khăn mà tôi đã trải qua.
Vấp ngã trên đường đời là điều khó tránh khỏi. Sau mỗi lần vấp ngã, thay vì tự trách móc, dằn vặt bản thân, thì ta nên tìm hiểu xem ta vấp ngã ở đâu để bắt đầu đứng dậy từ đó. Sau mỗi lần như vậy, ta sẽ trở nên mạnh mẽ và trưởng thành hơn.
Chia sẻ từ độc giả giấu tên!