Hạng nhất trong trường nhưng ra đời thụ động thì cũng như không

Số là tôi có đọc bài phỏng vấn bạn Bùi Thị Hà, tốt nghiệp thủ khoa Đại học Sư phạm nhưng sau khi tốt nghiệp thì về quê chăn lợn, làm công việc đồng áng hơn 1 năm nay. Hà nói trong suốt 1 năm, ở quê không có đợt thi tuyển giáo viên dù lãnh đạo sở GD&ĐT có bảo Hà khi nào có đợt thi tuyển sẽ thông báo. Thế nên Hà cứ thế mà đợi. Theo tôi, Hà là một thủ khoa rất thụ động, mà hạng nhất trong trường nhưng ra đời thụ động thì cũng như không.

Thời buổi cạnh tranh khốc liệt. Mỗi năm có mấy chục nghìn sinh viên tốt nghiệp, lứa này chưa có việc thì lứa kia lại ra trường. Cái dây chuyền mỗi năm mỗi tiếp diễn và ngày càng chồng chất thêm. Vì thế, muốn có việc làm mà không lăn xả tìm cơ hội cho chính mình thì nguy cơ bị đẩy ra bên lề cuộc chiến là rất lớn. Cạnh tranh mà, ai giỏi hơn, xuất sắc hơn, ưu tú hơn, biết nắm bắt cơ hội thì thắng thôi. Không thể cứ thụ động ngồi chờ được ban việc, phải tự mình đi giành lấy công việc thôi.

hang-nhat-trong-truong-nhung-ra-doi-thu-dong-thi-cung-nhu-khong-hinh-anh-1
Không thể cứ thụ động ngồi chờ được ban việc, phải tự mình đi giành lấy công việc thôi

Xã hội đã bỏ xa so với 1-2 năm trước, chứ đừng nói là 10 năm trước. Sự thay đổi trong cơ cấu việc làm, trong thị trường lao động khác nhau mỗi ngày, mỗi tháng. Các cơ quan nhà nước bây giờ đều tinh giản biên chế cho đỡ phức tạp là cái thứ nhất. Cái thứ hai là tạo môi trường minh bạch, rõ ràng, công bằng hơn trong tuyển dụng lao động. Cứ trông chờ vào thi tuyển nhưng lỡ người ta không cho thi tuyển nữa thì chờ chết đói à? Mà dù có thi tuyển thì liệu có chen nổi một chân vào hay không?

Nhiều bạn là thủ khoa, tức là năng lực cũng không phải hạng “tép riu” mà lại đi chờ đợi một công việc thay vì chủ động tìm kiếm. Thế chẳng khác nào tạt một gáo nước lạnh vào bộ mặt ngành giáo dục là chỉ dừng ở việc đào tạo ra một thủ khoa lý thuyết, còn kỹ năng phát triển bản thân và định hướng tương lai không có. Người Trung Hoa có một câu nói rất hay trong trường hợp này: núi không đổi, sông đổi; sông không đổi, đường đổi; đường không đổi thì mình đổi con đường. Thay đổi chính mình để thích nghi là một trong những kỹ năng để tồn tại.

Học cho giỏi chưa chắc ra đời sẽ sống được. Một tấm bằng thủ khoa chẳng đáng là gì nếu không chịu hành động gì tiếp theo sau khi cầm nó trên tay. Tốt nghiệp rồi thì sinh viên dù giỏi-khá-trung bình cũng đứng ở vạch xuất phát như nhau trên cuộc đua tìm kiếm việc làm. Chưa đến đích, chưa biết ai chạy nhanh hơn ai đâu.

hang-nhat-trong-truong-nhung-ra-doi-thu-dong-thi-cung-nhu-khong-hinh-anh-2
Chưa đến đích, chưa biết ai chạy nhanh hơn ai đâu

Ai rồi cũng có những tuổi thanh xuân như thế. Có đi mới biết đường dài, có đường dài mới biết ngựa hay. Tôi cũng đã từng như thế. Ra trường 2 năm với tấm bằng giỏi nhưng cũng làm những công việc không liên quan đến ngành học như nhân viên bán hàng, thu ngân,…May mắn là công việc hiện tại là công việc mà tôi mơ ước dù hành trình đến với nó hơi lâu một chút. Nhưng chỉ cần là bạn biết kiên trì và không ngừng bước tiếp. Cơ hội thì nhiều lắm, ở dưới thấp cũng có, ở trên cao cũng có. Quan trọng là bạn có muốn đứng dậy với lấy hay cứ chờ chúng rơi xuống chỗ bạn ngồi.

Chia sẻ của N. Mai

Top công việc mới nhất

Cùng chuyên mục