Khi cậu ấm cô chiêu đi làm!

Với cái tính tiểu thơ tránh khó tìm dễ, chay lười ham chơi, cứ để nó đi học đi, đừng dại mà “thả” nó ra xã hội để đi gây họa cho nhân loại.

Làm việc cùng cậu ấm cô chiêu

Sáng sớm, khi tôi đang chạy thục mạng qua công ty, tranh thủ uống nốt ly cà phê đắng ngắt mua vội ở đầu hẻm thì điện thoại rung lên. Bà cô họ bên ngoại muốn xin cho con bé An sang công ty thực tập, làm ba tháng rồi đóng cho nó cái dấu là được. Không có gì nhiều.

Ừ thì, chỉ có cái dấu, không có gì nhiều thật. Vậy là tôi gật đầu cái rụp mặc kệ bên đầu điện thoại bên kia có nhìn thấy hay không.

Những cậu ấm cô chiêu thích tránh khó tìm dễ lại ưa ăn biếng làm

Bé An vào công ty trong lúc tình trạng công ty đang lộn xộn nhất. Mấy cái dự án lớn cứ đè cuối năm ra mà thực thi, khách hàng thì hối sản phẩm còn mấy chàng thiết kế thì vò đầu bức tai bảo đã “tắc” (tắc ở đây là tắc ý tưởng).

Ngày đầu tiên em vào, mấy anh bỗng nhiên tươi tỉnh hẳn, ý tưởng cứ thế mà ào ào ra. Tôi đứng ở cửa nhìn vậy liền không ngại cho lời khen: “Giỏi!”

Nhưng mà, càng về sau, cái “giỏi” cũng chỉ đừng lại ở đó.

Sáng sớm, An vào An mở facebook, đăng một tin: “Lại một ngày làm việc mới rồi! (Mà hình như không ngày nào không đăng). Sau đó ngồi nhìn chằm chằm vào facebook đếm like, chờ bình luận để còn kịp trả lời cho tăng tương tác.

Đồ đạc xung quanh bày bừa cả ra, chồng tài liệu tôi bảo em đọc trước hình như cũng chưa rớ tới. Với cái khung cảnh mọi người đầu tắt mặt tối ở xung quanh làm không kịp thở, chỉ mình em thong dong ngồi chơi mạng xã hội ở trung tâm, tôi thấy ôi sao mà kì dị quá.

Mạng xã hội dường như là toàn bộ cuộc sống của những bạn trẻ kia

Có mấy giấy tờ cần photo, chỉ khi nào nhờ, An mới làm. Mà đã làm thì làm siêu chậm. Có hôm tôi nhờ đánh máy dùm cái bảng báo giá, chỉ cần thay tên khách hàng là được, còn lại giữ nguyên. Tới tận chiều em mới đem lên nộp cho tôi, tên khách hàng thì khác thật nhưng xưng hô “Bà Nguyễn Văn Long” nó cứ ngồ ngộ thế nào.

Tiếp theo là chuyện lông gà vỏ tỏi nơi công sở, bé An vào bữa thứ nhất, bữa thứ hai thì mấy bà cô già trong công ty đã than thở. Thanh niên thời nay thật khó tính, rủ nó đi ăn trưa quán cóc thì nó bảo dơ, rủ đi cà phê thì bảo chỉ thích trà sữa, rủ ăn kem BR thì nói không thích chỗ đông người.

Mấy chị thấy thế thì lần sau không rủ nữa, thế là đến lượt bé An chạy lên “méc” tôi nó bị người ta cô lập. Với cái tính tiểu thư đỏng đảnh đó, sống sót được qua ba tháng văn phòng hay không còn là câu hỏi chưa có lời giải đâu.

Sau ba tháng, cả văn phòng tổ chức tiệc mừng, à không, tiệc chia tay cho con bé. Giữa dòng nước mắt vui mừng vì đã tống khứ được “vị tiểu thư” này đi, An đem lên cho tôi bảng đánh giá năng lực nhân viên.

Đánh giá gì cho những bạn trẻ sống một cuộc sống “chây lười”

Ngán ngẩm vì thái độ

Đêm đó, tôi thao thức tới sáng. Bảng đánh giá có ba mục thôi nhưng xem đi xem lại tôi chẳng thấy em đạt được mục nào.

– Về thái độ: em không nhiệt tình lại không tích cực làm việc. Em chẳng siêng năng cũng chẳng bao giờ giúp đỡ đồng nghiệp công ty. Không có thái độ cầu thị cũng như nhiệt tình của tuổi trẻ.

– Về kỹ năng: em đánh máy còn sai lỗi chính tả, viết câu không đầy đủ chủ vị, tin học văn phòng chỉ ở tầm trung. Kỹ năng giao tiếp càng tệ hơn, sau khi kết thúc cả ba tháng mà không có lấy một người thân quen làm bạn.

– Về kiến thức: trình độ kiến thức sơ sài, hầu như chẳng thể áp dụng gì vào thực tế. An lại không chịu học hỏi, chồng tài liệu tôi đưa tham khảo vẫn chưa được mở ra xem.

Xét tới xét lui, tôi cũng chỉ có thể phê cho em: “Hoàn thành trọn vẹn nhiệm vụ được giao – Tuân thủ giờ giấc làm việc – Có khả năng làm việc cá nhân tốt”

Sáng hôm sau, em lại đem lên cho tôi một khóa luận không biết ở đâu ra, nhờ tôi đóng thêm một cái dấu xác nhận. Tôi đọc sơ qua một lần, thấy vẫn còn sai lỗi chính tả, ngày tháng thì tận năm 2010 và cái lời kết bài vẫn thấy một cái tên công ty tôi chưa từng nghe trước đây.

Tôi hỏi em không biết khóa luận không thể copy quá 8% à, em ngay ngô trả lời, ơ em sao chép thì làm sao giáo viên biết được, đâu ai rảnh mà ngồi kiểm tra từng câu, từng từ.

Tôi, với tư cách một thằng anh họ, phải ngồi giảng cho nó thời nay khoa học kỹ thuật phát triển thế nào, phần mềm kiểm tra gian lận tiên tiến ra sao. An nghe xong thì tái mặt, bảo mai là tới hạn nộp rồi, nó làm gì sửa kịp trong hôm nay.

Tôi nghe xong đành im lặng.

Mấy tuần sau, tôi nghe phong phanh An nó cũng có thể tốt nghiệp đúng hạn. Rồi ba má nó lại gửi nó sang nước ngoài du học nâng cao. Tôi nghĩ tới nghĩ lui cảm thấy ba má nó làm quá đúng. Với cái tính tiểu thơ tránh khó tìm dễ, chay lười ham chơi, cứ để nó đi học đi, đừng dại mà “thả” nó ra xã hội để đi gây họa cho nhân loại.

Top công việc mới nhất

Cùng chuyên mục