Nhớ lại những ngày mới bước chân ra khỏi cánh cửa Đại học, tôi cũng đã ôm ấp rất nhiều những ước mơ, hoài bão, tin rằng mình đủ mạnh mẽ để bước chân vào đời, vào môi trường công sở lắm điều phức tạp. Thế nhưng, tình thế đã khiến tôi chao đảo khi bị đánh rớt ngay từ lần phỏng vấn đầu tiên. Bất kỳ ai có lẽ cũng phải trải qua cảm giác đó một lần trong đời, để thấm thía được cảm giác thất bại thật sự rất đau đớn và hiểu được bản thân mình đang ở đâu.
Ngày còn là sinh viên mới ra trường, tôi mang những mộng ước màu hồng. Nhưng cuộc đời đẩy đưa, nỗi lo cơm áo gạo tiền nặng trên vai, tôi buộc phải thay đổi mình. Khi thật sự bước chân vào môi trường công sở, tôi mới nhận ra rằng mình không hề giỏi như mình đã nghĩ, có quá nhiều thứ trong thế giới công sở bao la mà tôi chưa bao giờ thấy và trải qua trước đó. Từ những việc lặt vặt như in ấn, soạn thảo mail, sử dụng máy móc thiết bị,… cho đến khi đi làm rồi tôi mới thấy nó quan trọng vô cùng. “Kiến thức đã từng học không là gì với việc áp dụng thực tế” – chốn công sở đã dạy tôi điều đó. Tôi thật sự bị “ngộp”, bị đuối giữa những kiến thức mới và công việc mới đến mức tôi đã từng nghĩ rằng mình sẽ bỏ cuộc.
Chia sẻ vài điều nho nhỏ về câu chuyện của mình, tôi chỉ muốn nhắn nhủ đến các bạn sinh viên mới ra trường, rằng các bạn đã, đang và luôn phải đối mặt với những bất ngờ, những cú sốc trong đời. Khi tôi ngồi đây và cầm trên tay những bộ hồ sơ của các bạn, cho dù bạn là người mới hay kẻ đã trải qua nhiều vị trí công việc khác nhau, thì để có được một chỗ đứng nào đó, bạn buộc lòng phải trải qua một hành trình dài với một sự nỗ lực, kiên trì lớn lao. Hơn ai hết, tôi thấm thía được cảm giác thất bại của các bạn ứng viên, nhưng đó không có nghĩa là tôi sẽ dễ dàng hơn với các bạn, mà các bạn phải chấp nhận thất bại, chấp nhận thử thách bản thân mình.
Tôi từng nói với một em đồng nghiệp, cũng là sinh viên mới ra trường, rằng kiến thức trường học và thực tế rất khác nhau, nếu không chịu học hỏi thì con người sẽ không phát triển được, xã hội cũng vậy, và đó là lý do vì sao em phải luôn cố gắng. Nhiều bạn khi tham gia phỏng vấn rất tự tin với bản thân mình, đó là điều tốt, nhưng các bạn phải biết mình ở đâu, khả năng thực sự của mình đến đâu. Những người quản lý đánh giá cao nhất ở các bạn chính là sự nỗ lực phấn đấu, hết lòng và trách nhiệm với công việc của mình.
“Khi cây lúa chín, nó cúi đầu” – hãy biết vươn lên trong mọi hoàn cảnh, và khiêm nhường khi thành công. Sự khởi đầu nào cũng lắm khó khăn, và thành công nào cũng cần một hành trình nỗ lực của tất cả các bạn!
Chia sẻ của độc giả Hoài An