Sinh viên mới ra trường: Khi con đường xin việc không như mơ!

23 tuổi, tôi bước ra đời, đem nhiệt huyết và những dự định của tuổi trẻ bắt đầu những ngày dài tìm kiếm việc làm. Rời xa giảng đường Đại học cũng là lúc tôi thấm thía được rằng, con đường xin việc vốn chẳng như mơ.

Những ai đã và đang là sinh viên chắc hẳn đều mang cho mình những mộng ước, những hoài bão riêng. Nhiều người còn vạch rõ từng đường đi nước bước cho tương lai của mình – cái ngày được cầm trên tay tấm bằng Đại học, bước chân ra ngoài xã hội tìm kiếm việc làm. Thế rồi, mọi người có giống như tôi, bị cái thực tế tát thật đau vào mặt và kéo tôi ra khỏi giấc mơ ấp ủ bấy lâu?

Ngày còn học Đại học, tôi quyết tâm học và chỉ học. Tôi nghĩ, một kết quả tốt chính là bước đệm giúp tôi dễ dàng hơn trên con đường xin việc. Việc học choáng hết thời gian của tôi khiến tôi không mảy may gì đến việc đi làm thêm như bao đứa bạn cùng trang lứa. Tôi không biết rằng đó chính là một bất lợi lớn, hay nói cách khác, đó chính là sai lầm.

sinh-vien-moi-ra-truong-khi-con-duong-xin-viec-khong-nhu-mo-hinh-anh-1
Một kết quả học tập tốt đôi khi lại trở thành bất lợi khi xin việc…

Cầm trên tay tấm bằng Đại học loại Giỏi. Tôi mang cái tư thế hiên ngang bước vào đời, hăng hái bắt đầu công cuộc tìm kiếm việc làm. Và giờ phút đó, tôi mới thực sự tỉnh giấc: Tất cả các vị trí tuyển dụng đúng chuyên ngành của tôi đều yêu cầu kinh nghiệm ít nhất 1 năm. Còn lại, những công việc không yêu cầu kinh nghiệm đều là những việc trái ngành, chưa bao giờ tôi suy nghĩ tới. Hàng chục hồ sơ gửi đi đều rơi vào trạng thái im lặng.

Suốt 2 tháng trời loay xoay xin việc, vẫn chẳng có gì tươi sáng hơn với tôi. Cuối cùng tôi đành phải chấp nhận một công việc trái ngành vì lông bông mãi cũng chẳng được. Tôi làm nhân viên kinh doanh cho một công ty thi công công trình nội thất. Công ty quy mô không lớn, một tháng chỉ một hai công trình nhỏ lẻ nên việc cũng không nhiều. Giám đốc là một người cộc tính, thường xuyên quát tháo nhân viên và đưa ra những quy định chẳng đâu vào đâu. Tâm trạng tôi rối bời. Cuộc sống của kẻ đi làm thật khác xa với những tháng ngày sinh viên vô tư không lo nghĩ gì.

Con đường xin việc lại trở nên dài ra. Công việc là theo đuổi đam mê hay là 8 tiếng vật vã nơi công sở để rồi về nhà vẫn trăn trở về biết bao nhiêu điều? Tôi cảm giác như mình đã đi sai hướng. Một kết quả học tập tốt không phải là lợi thế mà đôi khi còn gây khó khăn cho tôi khi tôi phỏng vấn cùng nhà tuyển dụng. Họ nói với tôi, họ cần kinh nghiệm, còn điểm số chẳng nói lên được điều gì cả.

sinh-vien-moi-ra-truong-khi-con-duong-xin-viec-khong-nhu-mo-hinh-anh-2
“Họ nói với tôi, họ cần kinh nghiệm, còn điểm số chẳng nói lên được điều gì cả”

Phải chăng những người bạn của tôi, khi đi làm thêm họ đã gặp vấp phải, họ rèn luyện được sự tự tin, họ biết những vị sếp cần gì ở họ? Còn tôi, kiến thức, sách vở, chỉ làm tôi xa rời thực tế, chỉ biết định hướng mà không biết mình cần làm gì, học gì. Còn nhớ lần đầu tiên đi phỏng vấn, run, hồi hộp, lúng túng và cuối cùng là thất vọng – tôi đã đi qua những cảm giác như thế. Ra trường, chính là khi tôi bắt đầu từ con số 0.

Chặng đường vẫn còn rất dài, con đường xin việc dù khó khăn nhưng vẫn luôn rộng mở với những kẻ như tôi. Khó khăn nhiều, va vấp nhiều để tôi rút ra được những kinh nghiệm cho mình. Tôi hiểu rằng mình cần phải bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt nhất mới có thể chạm đến được cái đích sau cùng.

Chia sẻ từ độc giả T.Y

Top công việc mới nhất

Cùng chuyên mục