Tôi không thích làm việc cho các công ty lớn mà thích đầu quân vào các công ty khởi nghiệp. Năm 2013, startup nơi tôi làm việc bị một tập đoàn lớn mua lại. Năm đó tôi 33 tuổi. Trong khi đang suy tính nghỉ việc sẽ làm gì tiếp, thì một người đồng nghiệp cũ giới thiệu tôi cho một doanh nhân trẻ.
Anh ta là nhà sáng lập mới 23 tuổi. Công ty của anh ta kinh doanh dịch vụ vé xe giá rẻ. Dù tôi khá thích thú khi làm việc với người trẻ, nhưng làm việc với một lãnh đạo trẻ hơn mình 10 tuổi là một trải nghiệm mới nên tôi khá lo lắng.
Trong buổi gặp mặt lần đầu tiên ở một quán cà phê, tôi khá cởi mở. Anh ta nói với tôi về những dự án công ty anh ta đang thực hiện. Chúng tôi đàm đạo về hệ sinh thái startup. Sau đó, anh ta nói với tôi rằng: “Em nghe kể về anh nhiều rồi và em đang phân vân không biết liệu em có đủ quyền để phỏng vấn anh không. Nhưng em sẽ rất vui nếu anh có thể tham gia vào đội ngũ của em và cùng em đi tiếp con đường này”.
Cuộc trò chuyện ngắn ngủi đó cũng chính là cuộc phỏng vấn tuyển dụng của tôi. Tôi thích cái cách đặt vấn đề của vị doanh nhân trẻ nên hai hôm sau, tôi có mặt tại văn phòng anh ta lúc 8 giờ sáng. 1 năm tiếp theo, khi công ty sáp nhập với một công ty khác, ngày nào tôi cũng đều đặn có mặt lúc 8 giờ sáng.
Tôi có nhiều bài học quý giá sau 1 năm làm việc cho sếp trẻ hơn mình 10 tuổi. 12 tháng làm việc, tôi rút ra cho mình bài học đầu tiên chính là tuổi tác cho tôi kinh nghiệm, hiểu biết nhưng cũng khiến tôi mờ mắt. Kinh nghiệm là rất quan trọng, nhưng nó không phải là kim chỉ nam tuyệt đối, nhất là khi văn hóa làm việc ở các công ty trẻ là thử nghiệm và chấp nhận rủi ro.
Bài học thứ hai mà tôi nhận được chính là khi làm việc cho một công ty trẻ cần phải hòa nhập thật nhanh. Dù văn hóa công ty có hoang đường đến đâu, tôi phải học cách thích nghi thay vì chỉ trích, trốn tránh. Tôi cũng học được cách cân bằng giữa gia đình và công việc để các đồng nghiệp trẻ không nghĩ rằng tôi không phù hợp văn hóa công ty.
Thứ ba, làm việc cho công ty trẻ, tôi nhất định phải giữ vững lập trường đối với vấn đề hệ trọng và không thể thỏa hiệp. Ví dụ, công ty này từng yêu cầu tôi thông báo họp lúc 9h tối một cách ngẫu hứng cho mọi người và các nhân viên nữ phải thực hiện theo, nhưng không hề quan tâm có nhân viên nữ nhà xa công ty hay về nhà khuya rất nguy hiểm.
Thứ tư, tuổi tác cao đồng nghĩa với việc ít nhận trách nhiệm, chậm chạp, ít năng lượng, ít biết đến những xu thế mới. Và tôi đã đập tan định kiến đó để nhận được sự tôn trọng. Khi cần chia sẻ kinh nghiệm thì tôi nói giảm nói tránh và không vội vàng kết luận. Tôi đã phải làm việc chăm chỉ để giành được niềm tin mỗi ngày trong một startup vì những kinh nghiệm ở công ty cũ không giúp tôi lúc nào cũng có thể hòa nhập. Tôi đã sử dụng kinh nghiệm của mình để giúp đỡ đồng nghiệp giải quyết khó khăn và dần dần họ trân trọng ý kiến của tôi.
Suốt 1 năm, tôi không ngừng nhắc nhở rằng con người nhỏ hơn tôi 10 tuổi kia chính là sếp. Nhưng sếp của tôi cũng có những điểm yếu vì là nhà lãnh đạo trẻ. Đôi khi anh ta không biết phải đi tìm ai hay làm thế nào nhìn rõ vấn đề đang gặp phải, và dễ vấp ngã trước những vấn đề cỏn con. Nên nhiều lần tôi giúp sếp trẻ vượt qua và giải quyết những vấn đề đó.
Cuối cùng, tôi nghĩ những nhân viên lớn tuổi nên học cách công nhận và sẵn sàng khen những người trẻ hơn mình khi họ giỏi. Cuộc đời mỗi người không được phép để cho những thành công trước đây vây quanh tâm trí. Hãy duy trì sự tò mò của một đứa trẻ để luôn sẵn sàng học hỏi, thảo luận với bất kỳ ai mà không có định kiến. Hãy mạnh dạn nói “Tôi không biết” hoặc “Bạn có thể nói thêm cho tôi biết được không?”.
Chia sẻ của H.T.Nhân