Bạn vô cùng hào hứng vì đã được nhà tuyển dụng gửi thư mời nhận việc nhưng sau đó lại ngập ngừng vì không chắc công ty đó có phải là môi trường phù hợp để mình gắn bó lâu dài hay không? Đây là tâm lý bình thường, khi ứng viên có cảm giác này nghĩa là công ty mới vẫn có điều gì đó chưa ổn. Nếu không cân nhắc kỹ, khoảng thời gian tám tiếng mỗi ngày sẽ trở nên không mấy ý nghĩa. Dưới đây là một số khía cạnh để xem xét công ty mới có đáp ứng được nhu cầu và mong muốn của bạn hay không? Hãy cùng Nghề Nghiệp Việc Làm 24h khám phá ngay 5 điều cần xem xét trước khi nhận lời mời làm việc từ nhà tuyển dụng trong bài viết nhé!
5 điều cần xem xét trước khi nhận lời mời làm việc từ nhà tuyển dụng
1. Văn hóa công ty
Bạn nên tìm hiểu kỹ càng văn hóa của công ty với những câu hỏi sau: Họ coi trọng khả năng cạnh tranh hay đề cao sự sáng tạo? Họ định hướng con người hay định hướng kết quả? Tầm nhìn và tuyên bố sứ mệnh của họ là gì?
Quan trọng nhất, bạn cần đánh giá liệu văn hóa công ty có phù hợp với tính cách và mong đợi của bạn hay không. Nếu miễn cưỡng tuân thủ những quy định công ty khi không hài lòng về nó, chắc chắn một ngày nào đó bạn sẽ trở nên thờ ơ và rơi vào trạng thái làm việc để được trả lương chứ không có cảm giác thuộc về tổ chức và gắn bó với mọi người ở công ty.
Xem thêm: Career Path là gì? Tự xây dựng lộ trình sự nghiệp phù hợp với đam mê
2. Yếu tố con người
Khi đi làm, chúng ta sẽ gặp phải khá nhiều tình huống cần đến sự hỗ trợ của đồng nghiệp nhiệt tình và một ông chủ tâm lý. Tất nhiên, rất khó để đánh giá họ thông qua một lần tham gia phỏng vấn, vì vậy bạn cần một chút tinh ý.
Khi phỏng vấn, sếp có thể sẽ để lại một vài ấn tượng nhất định, lúc này bạn có thể đưa ra cảm nhận của mình. Ngoài ra, trong lúc chờ đợi được phỏng vấn, đừng quên quan sát nhân viên trong công ty thuộc độ tuổi nào, phong cách, tinh thần của họ ra sao để đánh giá sơ lược về các đồng nghiệp tương lai nhé.
3. Khối lượng công việc
Trong cuộc phỏng vấn, bạn sẽ được nhà tuyển dụng chia sẻ về số lượng công việc sẽ đảm nhiệm, hãy tìm hiểu rõ ràng mọi nhiệm vụ đã được liệt kê và đánh giá liệu bạn có đáp ứng được khối lượng công việc đó không.
Nên nhớ, đôi lúc người phỏng vấn sẽ bỏ qua một vài “kỳ vọng ngầm”, điều này đồng nghĩa ngoài việc hoàn thành các chức năng công việc cơ bản, bạn vẫn có thể sẽ nhận được các nhiệm vụ bổ sung.
Nhiều nhà quản lý sẽ mong đợi nhân viên thực hiện các công việc ngoài lề hoặc hỗ trợ công việc lẫn nhau.Trong khi mọi người trong công ty đều cố gắng làm nhiều hơn để được chú ý thì bạn có sẵn sàng đảm nhiệm các công việc bổ sung đó không?
Xem thêm: Phải làm sao khi làm việc với sếp là tín đồ cuồng công việc?
4. Con đường phát triển
Nếu bạn đang tìm một môi trường mang lại cơ hội thăng tiến cao thì đừng quên tìm hiểu về tính nghiêm ngặt trong quy trình phát triển của công ty. Đồng thời, hãy tự hỏi bạn có sẵn lòng dồn hết tâm sức đề đạt được những mục tiêu khó nhằn đó không.
Tùy thuộc vào nhu cầu và mong muốn, một số người có thể thích sự ổn định hơn phát triển. Để tránh những lời hứa hẹn của nhà tuyển dụng, bạn có thể tự mình kiểm tra thông qua các nhân viên đã hoặc đang làm ở công ty đó. Bạn nên chú ý tần suất một nhân viên của một vị trí tương tự như bạn đã được thăng chức và họ có thường xuyên nghỉ việc không? Bạn thậm chí có thể xem xét bức tranh lớn hơn liệu ngành nghề mình đang làm có ổn định và triển vọng trong tương lai không?
Xem thêm: Career Path là gì? Tự xây dựng lộ trình sự nghiệp phù hợp với đam mê
5. Thù lao và quyền lợi là vấn đề quan trọng cần xem xét trước khi nhận lời mời làm việc
Tại sao chúng ta làm việc? Bao nhiêu người trong chúng ta có thể nói rằng chúng ta yêu những gì chúng ta làm? Rõ ràng là hầu hết chúng ta làm việc trước tiên để duy trì nhu cầu của bản thân trước khi có thể nghĩ đến đam mê. Vì vậy, vấn đề tiền lương và lợi ích luôn được đặt lên hàng đầu.
Chắc chắn, bạn vẫn có thể tồn tại với mức lương thấp hơn nhưng bạn cần nhận được thành quả xứng đáng với giá trị của mình. Hãy so sánh vị trí và mức lương của bạn trên thị trường lao động và nhớ xem xét các đặc quyền của công ty, chẳng hạn như bảo hiểm, nghỉ ốm, các chương trình đào tạo, v.v.
Thời hạn tăng lương cùng với hạn mức tăng cụ thể cũng là vấn đề bạn cần quan tâm. Sẽ không quá khả quan nếu mức lương khởi điểm của bạn khá cao nhưng nó lại nằm yên trong thời gian dài.
Nếu đang băn khoăn có nên nhận việc hay không thì những chia sẻ trên đây của Việc Làm 24h hy vọng có thể hỗ trợ cho bạn!
Xem thêm: Cập nhập mẫu giấy xin phép nghỉ ốm hưởng BHXH mới nhất