1. Cho rằng công ty không phù hợp với bạn
Đã bao giờ bạn bước vào một cuộc phỏng vấn mà nhà tuyển dụng chỉ chờ trực tấn công và chứng minh rằng bạn không hề phù hợp với định hướng và môi trường làm việc của công ty chưa? Nếu thực sự bạn đã nghiên cứu chính xác mô tả công việc cũng như tìm hiểu trước về công ty thì đừng lo lắng. Đó là một trong những tình huống nhà tuyển dụng đặt ra để thử thách khả năng ứng phó của bạn. Hãy để cho nhà tuyển dụng thấy rằng tuy bạn không phải là con người hoàn hảo, nhưng là người cầu tiến, ham học hỏi và phù hợp với nhu cầu của công ty.
2. Đặt ra những câu hỏi không liên quan đến công việc
Bạn sẽ làm thế nào nếu bỗng dưng nhà tuyển dụng hỏi bạn về sở thích, món ăn yêu thích hoặc về thú cưng mà bạn đang nuôi ở nhà. Đừng nhầm tưởng rằng họ cảm thấy nhàm chán mà đặt những câu hỏi đó cho bạn. Đằng sau những câu hỏi này có thể là chìa khóa giúp bạn bước thẳng qua vòng phỏng vấn cuối cùng đấy. Nếu bạn nhạy bén một tí, cộng thêm một chút khéo léo và thông minh thì bạn sẽ cho họ thấy mình có phù hợp và hòa nhập tốt với môi trường và văn hóa của công ty hay không.
3. Giữ im lặng
Sau khi bạn đã trả lời câu hỏi và chờ đợi câu hỏi tiếp theo thì đáp lại điều đó là sự im lặng. Bạn sẽ mất bình tĩnh, luống cuống và không biết phải xử lý tình huống này như thế nào. Đây rõ ràng là một kiểu bẫy phổ biến trong khi phỏng vấn và cũng không ít ứng viên gặp thất bại. Bởi họ không biết nên nói gì, làm gì để phá vỡ bầu không khí im lặng hay hơn nữa là làm những điều gây bất lợi cho bản thân. Điều bạn nên làm ở đây là nhìn thẳng nhà tuyển dụng với sự tự tin, bình tĩnh. Tốt nhất là bạn nên chủ động đặt câu hỏi. Cách xử lý này sẽ giúp bạn có thêm nhiều điểm cộng đấy.
4. Tỏ ra thích nghe bạn nói
Điều các nhà tuyển dụng thích nhất ở ứng viên khi phỏng vấn đó là sự ngắn gọn, rõ ràng và đi thẳng vào trọng tâm vấn đề. Vậy nên, nếu họ tỏ ý chăm chú lắng nghe và thích thú khi nghe bạn nói càng nhiều càng tốt thì rõ ràng đây là cái bẫy rồi. Nếu bạn “dính bẫy”, nói luyên thuyên hết chuyện này đến chuyện khác thì chắc chắn sẽ bị đánh giá là người “khoa tay múa mép”, nói nhiều hơn làm. Nhớ kĩ điều này để đến lúc rơi vào tình huống tương tự, bạn sẽ không bị mắc lừa nhé.
5. Đặt các câu hỏi, tình huống khiêu khích
Có tình huống khi bạn đang say sưa trả lời phỏng vấn thì bị hỏi những câu kiểu “Tôi thấy anh có nhiều kinh nghiệm ở các công ty khác nhau, có phải điều đó cho thấy anh/ chị là người không có khả năng thích nghi và hợp tác với mọi người?” Hoặc họ cho rằng bạn không có khả năng làm việc, thiếu kỹ năng hay thậm chí bạn không nên ứng tuyển vào công ty của họ cho mất công. Điều đó có khiến bạn tự ái, tức giận và đập bàn ra về không? Nếu có thì chắc chắn bạn không phải là ứng cử viên thông minh. Đây hoàn toàn là cái bẫy khôn khéo mà nhà tuyển dụng đặt ra và bạn đã sa bẫy. Cách ứng xử thông minh nhất là bình tĩnh trình bày quan điểm của mình. Đồng thời khéo léo lèo lái buổi nói chuyện theo một hướng khác. Như vậy là bạn đã tránh bẫy thành công rồi đấy.
Có rất nhiều tình huống khó khăn, các kiểu bẫy tinh vi của nhà tuyển dụng đòi hỏi ở bạn sự thông minh, khéo léo vượt qua các cạm bẫy này. Hy vọng những chia sẻ trên sẽ giúp ích phần nào trên chặng đường chinh phục thành công của bạn. Chúc bạn may mắn.
Nguồn: CareerLink