Tác giả cuốn sách nổi tiếng “Làm vừa lòng kẻ bá quyền nơi công sở: Bạn sẽ điều chỉnh hành vi thiếu chín chắn của sếp như thế nào trong khi vẫn có thể chú trọng vào việc phát triển sự nghiệp của mình”, chuyên gia về việc làm và tuyển dụng Lyn Taylor đã đưa ra một số lời khuyên hữu ích về vấn đề đàm phán lương.
Khi nhà tuyển dụng hỏi “Mức lương thế nào sẽ khiến bạn hài lòng?” thì bạn phải “biết mình biết ta, trăm trận trăm thắng”. Khi bạn biết được giá trị của bản thân thì bạn sẽ đạt được mục đích thương lượng tốt nhất.
1. Xác định mức lương mong muốn, nhưng không phải một con số cụ thể
Bạn có thể đưa ra phạm vi thu nhập bạn có thể chấp nhận cho công việc này. Theo Lyn Taylor, khi đàm phán lương hãy luôn thực tế và giữ vững quan điểm của mình. Xác định vị trí của bạn và đưa ra mức lương từ X đến Y mà bạn nghĩ mình xứng đáng.
2. Luôn trung thực
Đừng bao giờ ba hoa về mức lương bạn từng được nhận trong công việc trước hòng nâng giá bản thân. Bạn nên thành thật với nhà tuyển dụng bằng cách đi thẳng vào vấn đề và nói “Lương bổng là một khoảng quan trọng, nhưng em cũng đang tìm một điều mới mẻ cho công việc tiếp theo của mình như tiềm năng phát triển ngành nghề hoặc môi trường làm việc tốt, hiệu quả hơn. Anh/chị có thể cho em biết ngân sách dành cho vị trí này để chúng ta bàn bạc tốt hơn ạ”.
3. Có cái nhìn bao quát để đưa ra con số hợp lý
Bạn cũng nên tìm hiểu thêm về tiền thưởng, mức hưu trí, khoảng phụ cấp, hỗ trợ hay đãi ngộ của công ty với nhân viên. Cần tìm hiểu kỹ càng và đánh giá bao quát tình hình trước khi đưa ra con số cụ thể.
Con số bạn đưa ra cần dựa vào tình hình thực tế và năng lực của chính bạn. Nếu muốn đàm phán lương cao, bạn nên chuẩn bị lí do để thuyết phục nhà tuyển dụng rằng bạn xứng đáng với con số đó.
Ví dụ: Khi đàm phán lương mà bạn nói “Em đang kiếm được 6 triệu mỗi tháng và em mong muốn sẽ kiếm được 7 triệu với công việc mới”, bạn sẽ chỉ nhận được một cái nhíu mày của nhà tuyển dụng. Nhưng nếu bạn giải thích hợp lý rằng người chủ cũ đã trả cho bạn một mức lương chưa tương xứng với năng lực của mình thì có thể nhà tuyển dụng sẽ đánh giá bạn cao hơn.
4. Giữ vững quan điểm
Đừng bao giờ đưa ra một con số và sau đó dễ dàng bị “đánh bại” trước lí lẽ của nhà tuyển dụng khi đàm phán lương. Nếu bạn đã tìm hiểu kỹ thị trường việc làm và chắc chắn bản thân xứng đáng với mức lương đó, hãy giữ vững quan điểm. Có thể bạn sẽ phải nhân nhượng một chút, nhưng đừng để đối phương nghĩ rằng bạn dễ dàng chấp nhận lùi bước.
5. Thỏa thuận thời gian thử việc
Thời gian thử việc rất quan trọng. Có thể nhà tuyển dụng chấp thuận trả mức lương cao cho bạn, nhưng thời gian thử việc bạn sẽ chỉ nhận được 70 – 80% mức lương thỏa thuận. Hãy làm rõ thời gian thử việc và các điều kiện kèm theo khi đàm phán lương. Thông thường các công ty có thời gian thử việc 2 tháng. Bạn nên cân nhắc vì trong nhiều trường hợp, thỏa thuận về thời gian thử việc không rõ ràng dẫn đến tình trạng bạn đi làm mãi mà mức lương không tăng lên như thỏa thuận.
Hy vọng những chia sẻ của chuyên gia nhân sự Lyn Taylor sẽ giúp ích nhiều cho bạn trong công cuộc đạt đến mức lương mong muốn nhé!
Theo Trí Thức Trẻ