1. Than phiền quá nhiều
Trong công việc và cuộc sống, đôi khi bạn sẽ cảm thấy chán nản và cần nơi để giải tỏa áp lực thế nhưng điều này không đồng nghĩa với việc ngày nào bạn cũng cứ phàn nàn với đồng nghiệp của mình. Trước hết, không ai thích một người hay than phiền, nhưng hơn thế nữa, mọi người sẽ không muốn hợp tác hay làm việc chung với một người tiêu cực và điều đó có thể gây rắc rối cho bạn.
Thay vào đó, nếu bạn đang gặp khó khăn trong việc xử lý khối lượng công việc hoặc gặp rắc rối với mối quan hệ cá nhân hãy nói chuyện với gia đình, bạn thân hoặc chuyên gia trị liệu, họ sẽ giúp bạn đưa ra lời khuyên hữu ích đấy.
2. Luôn luôn tình nguyện
Làm nhiều hơn so với yêu cầu của công việc là một cách tốt để có được thiện cảm từ người quản lý, thậm chí điều này sẽ giúp bạn thăng tiến trong công việc.
Nhưng một điều bạn không nên làm, đó là trở thành một người liên tục “tình nguyện” nhận nhiều công việc hơn hoặc làm giúp phần việc của người khác trong một số trường hợp không cần thiết. Bạn không chỉ có nguy cơ bị người khác lợi dụng, mà còn bị ôm đồm quá nhiều việc dẫn đến sức khỏe và hiệu quả công việc giảm sút.
3. Hay tìm lý do để biện hộ cho lỗi sai
Thường xuyên biện hộ cho những lỗi mà mình mắc phải, không chịu nhận lỗi về mình điều đó sẽ làm bạn mất điểm với đồng nghiệp và sếp. Điều bạn cần làm trong trường hợp này đó là phải biết thẳng thắn nhận lỗi do mình gây ra và khắc phục nó một cách nhanh nhất có thể.
4. Sử dụng máy tính công ty vào mục đích cá nhân
Có rất nhiều công ty cung cấp đầy đủ thiết bị máy tính cho nhân viên để phục vụ cho công việc. Thậm chí các máy tính đó đã cài sẵn những chương trình, ứng dụng dành riêng cho doanh nghiệp. Do đó, bạn chỉ nên dùng máy tính cho các hoạt động phục vụ cho mục đích công việc, không nên lạm dụng cho các sở thích cá nhân như xem phim, đọc truyện hoặc nhắn tin nhé.
5. Không biết cách kiểm soát cảm xúc
Đa số chúng ta hầu như ai cũng có thời điểm bị cảm xúc chi phối lý trí và quyết định của mình. Và thường những quyết định đưa ra vào lúc đó lại có phần thiếu sự chính xác. Trong giao tiếp hàng ngày cũng như trong công việc, việc làm chủ cảm xúc là rất quan trọng bởi nó là một trong các yếu tố quyết định sự thành công của bạn. Hầu hết những người điều khiển tốt cảm xúc và hành vi của mình sẽ xây dựng được mối quan hệ bền vững cũng như có khả năng xử lý các vấn đề phức tạp trong cuộc sống và phục hồi nhanh chóng khi có các sự cố xấu hay những điều không mong muốn xảy ra.
6. Sử dụng điện thoại cá nhân
Trong giờ làm việc, sếp không muốn thấy nhân viên của mình gọi điện thoại hay nhận cuộc gọi từ người thân, bạn bè… vì việc này không những làm xao nhãng công việc mà còn thể hiện bạn có tác phong làm việc, thiếu chuyên nghiệp, mất lịch sự.
Bên cạnh đó, bạn còn khiến các đồng nghiệp xung quanh cảm thấy khó chịu vì khiến họ phân tâm trong công việc. Thế nên, nếu cần thực hiện các cuộc gọi riêng tư, bạn hãy tìm cho mình một nơi kín đáo và yên tĩnh để thoải mái nghe điện thoại mà không khiến người khác cảm thấy khó chịu.
Dù bạn có xuất sắc đến mức nào thì một trong những thói quen xấu trên cũng có thể khiến bạn gặp rắc rối và ảnh hưởng đến danh tiếng của bản thân. Vì vậy, bạn nên cố tránh những điều trên đây để xây dựng mối quan hệ tốt và nhanh chóng thăng tiến trong công việc nhé.