Kỷ nguyên công nghệ bùng nổ đã mở ra những tiến bộ vượt bậc về trí tuệ nhân tạo (AI). AI trở thành một phần không thể thiếu trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau như chăm sóc sức khỏe, an ninh mạng, tài chính,… Tuy nhiên, sử dụng AI cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ đạo đức khi cung cấp kết quả đầu ra thiếu chọn lọc. Do đó, vai trò của AI Ethicist trở nên vô cùng quan trọng trong việc định hướng tương lai của công nghệ này. AI Ethicist là gì, giữ vai trò gì? Làm thế nào để trở thành AI Ethicist? Cùng Nghề Nghiệp Việc Làm 24h tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
AI Ethicist là gì?
AI Ethicist là chuyên gia đạo đức trí tuệ nhân tạo, đảm bảo sự phát triển và ứng dụng của trí tuệ nhân tạo (AI) tuân thủ các nguyên tắc đạo đức. Họ đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng AI, nhận thức những rủi ro của AI và thúc đẩy AI thực hiện các hành động phù hợp với các chuẩn mực đạo đức.
AI Ethicist giữ vai trò then chốt giữa tốc độ đổi mới nhanh chóng của AI và các vấn đề về đạo đức mà những đổi mới này chưa thể theo kịp. Nhờ đó, khi các doanh nghiệp khai thác sức mạnh chuyển đổi của trí tuệ nhân tạo, các ứng dụng AI sẽ được phát triển và triển khai có trách nhiệm, tránh những vấn đề về vi phạm bản quyền, sai lệch thông tin.
Mối tương quan giữa AI Ethic và AI Ethicist
AI Ethic (đạo đức trí tuệ nhân tạo) được xây dựng và triển khai chọn lọc sẽ mang đến những thay đổi đột phá trong nhiều lĩnh vực khác nhau như y học, tài chính, giao thông vận tải,… Tuy nhiên, bất kỳ sai sót nào xảy ra trong các lĩnh vực này do AI không được định hướng đạo đức có thể làm người dùng mất lòng tin, khiến họ do dự khi sử dụng các công nghệ mới.
Chẳng hạn, sai sót trong kết quả y tế do AI chẩn đoán sai có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí tính mạng con người. Lỗi trong hệ thống tự lái do AI điều khiển có thể dẫn đến tai nạn. Sử dụng AI trong hệ thống tư pháp có thể dẫn đến oan sai, ảnh hưởng đến công lý và lòng tin vào pháp luật.
AI Ethicist có nhiệm vụ:
1. Bảo vệ quyền con người và giá trị xã hội
Thời đại kỹ thuật số đánh dấu sự bùng nổ trong việc thu thập và sử dụng dữ liệu, đương nhiên không thiếu các thông tin cá nhân nhạy cảm. Việc sử dụng AI thiếu đạo đức có thể dẫn đến vi phạm quyền riêng tư dữ liệu, gây ra những hậu quả nghiêm trọng như đánh cắp thông tin cá nhân, lừa đảo và phân biệt đối xử. AI Ethicist đề cao việc bảo vệ quyền riêng tư dữ liệu, đảm bảo rằng dữ liệu cá nhân được thu thập, sử dụng và lưu trữ hợp pháp.
Thuật toán AI được sử dụng có thể thiên vị chống lại một số nhóm người nhất định dựa trên yếu tố chủng tộc, giới tính, tôn giáo, tuổi tác,…. AI Ethicist hướng đến sự công bằng, không thiên vị, đảm bảo các thuật toán AI không ủng hộ hoặc lan truyền định kiến và vi phạm các quyền cơ bản của con người.
2. Xây dựng niềm tin cho người dùng khi sử dụng AI
AI Ethicist có nhiệm vụ quan trọng giúp mọi người hiểu rõ cách thức hoạt động của AI Ethic, sẵn sàng sử dụng AI trong cuộc sống hàng ngày và tin tưởng vào những quyết định AI đưa ra.
3. Thúc đẩy nghiên cứu và đổi mới
Trí tuệ nhân tạo sở hữu sức mạnh to lớn để định hình lại toàn bộ các lĩnh vực trong đời sống. Đi kèm với sức mạnh đó là trách nhiệm của AI Ethicist, đảm bảo AI được phát triển và sử dụng minh bạch, đạo đức và có trách nhiệm.
4. AI Ethicist hiểu và giải thích cách thức hoạt động của AI
Sự phức tạp của AI, đặc biệt là các mô hình học sâu, có thể gây khó hiểu về cách thức hoạt động và việc ra quyết định. Khi AI đưa ra quyết định, AI Ethicist có nhiệm vụ phải đảm bảo những quyết định đó được đưa ra công bằng, đạo đức.
5. Giải quyết các tác động kinh tế
Sự phát triển vượt bậc của AI kéo theo mối lo ngại về vấn đề dịch chuyển lao động trong nhiều lĩnh vực. Việc sử dụng AI hiệu quả có thể nâng cao năng suất, thúc đẩy đổi mới và tăng trưởng kinh tế. Thay vì thay thế hoàn toàn con người, AI có thể được sử dụng để hỗ trợ công việc. AI Ethicist hướng đến việc để AI tự động hóa các nhiệm vụ tẻ nhạt, lặp đi lặp lại, giúp giải phóng thời gian để tập trung vào các công việc đòi hỏi cảm xúc.
6. Giảm thiểu tác hại trong thế giới thực
Các hệ thống AI được sử dụng trong các lĩnh vực quan trọng như chăm sóc sức khỏe, giao thông vận tải, tài chính,… cần đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn cao nhất.
Trước khi triển khai các hệ thống AI trong thế giới thực, AI Ethicist có trách nhiệm kiểm tra, đánh giá rủi ro, mô phỏng và thử nghiệm để đảm bảo quy trình hoạt động an toàn, hiệu quả, không vi phạm các nguyên tắc đạo đức. Sau khi triển khai, các hệ thống AI này được AI Ethicist giám sát liên tục để phát hiện và sửa chữa các sự cố có thể xảy ra. Không dừng ở đó, các AI Ethicist còn có trách nhiệm triển khai các biện pháp bảo mật, xây dựng hệ thống dự phòng và thiết lập quy trình xử lý khẩn cấp.
Mô tả công việc của AI Ethicist
Tạo dựng và thực thi khuôn khổ đạo đức: AI Ethicist đưa ra các nguyên tắc và hướng dẫn cách thức sử dụng AI Ethic. AI Ethicist còn giám sát việc tuân thủ các nguyên tắc này để đảm bảo quá trình triển khai AI luôn đưa yếu tố đạo đức lên hàng đầu.
Kiểm tra hệ thống AI: AI Ethicist có trách nhiệm đánh giá các thuật toán và kết quả đầu ra của hệ thống AI. Qua đó, xác định và khắc phục các thành kiến, phân biệt đối xử.
Hợp tác với các bên liên quan: Công việc của AI Ethicist liên quan chặt chẽ với các nhà phát triển AI, nhà hoạch định chính sách,… AI Ethicist tham gia vào các cuộc thảo luận, chia sẻ kiến thức và đưa ra lời khuyên về các vấn đề đạo đức liên quan đến AI.
Cập nhật liên tục các tiến bộ của AI: Lĩnh vực AI phát triển nhanh chóng, đòi hỏi AI Ethicist phải liên tục cập nhật và theo dõi các nghiên cứu, công nghệ và những ứng dụng mới của AI.
Nâng cao nhận thức về đạo đức khi sử dụng AI: AI Ethicist tham gia các hoạt động nâng cao nhận thức của cộng đồng về AI và các vấn đề đạo đức liên quan.
Tham mưu thay đổi chính sách về AI: AI Ethicist có trách nhiệm tư vấn, tham mưu cho các nhà hoạch định chính sách về việc xây dựng quy định như các biện pháp bảo vệ quyền riêng tư, ngăn chặn hành vi sử dụng AI phi đạo đức,…
Đánh giá rủi ro đạo đức: AI Ethicist xác định, đánh giá những rủi ro tiềm ẩn trong các dự án AI và phát triển các chiến lược đảm bảo các sáng kiến AI luôn tuân thủ các tiêu chuẩn đạo đức.
Hợp tác đa ngành: AI Ethicist hợp tác với các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực khác nhau như khoa học dữ liệu, kỹ thuật, triết học, luật pháp, khoa học xã hội,… Qua đó, AI Ethicist có thể nắm rõ các quy chuẩn đạo đức liên quan đến AI để đưa ra các giải pháp phù hợp.
Làm thế nào để trở thành AI Ethicist?
Kiến thức về AI và mô hình học máy (machine learning)
Để trở thành AI Ethicist, bạn cần có bằng cử nhân hoặc các chứng chỉ liên quan đến AI và sở hữu nền tảng kiến thức vững chắc về hệ thống AI, thuật toán AI Ethic, mô hình học máy. Lĩnh vực AI phát triển nhanh chóng, do đó, bạn phải cập nhật những tiến bộ mới nhất.
Am hiểu AI Ethic
AI Ethicist cần có kỹ thuật chuyên môn để hiểu cách thức hoạt động của AI, đồng thời phải nắm vững các giá trị và chuẩn mực xã hội để đánh giá tác động của AI đối với con người và xã hội. Để có nền tảng vững chắc về các nguyên tắc đạo đức liên quan đến AI, hãy tham gia các khóa học về đạo đức của trí tuệ nhân tạo.
Lấy ví dụ về AI nhận dạng khuôn mặt ngày càng trở nên phổ biến trong nhiều lĩnh vực, từ giám sát an ninh đến xác minh danh tính. Tuy nhiên, công nghệ này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ về đạo đức, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng các thuật toán nhận dạng khuôn mặt có xu hướng “thiên vị” đối với một số nhóm người nhất định.
Bên cạnh đó, sử dụng AI nhận dạng khuôn mặt có thể xâm phạm quyền riêng tư của cá nhân, đặc biệt khi dữ liệu khuôn mặt được thu thập mà không có sự đồng ý của người dùng. AI nhận dạng khuôn mặt có thể bị đối tượng xấu lạm dụng và gây ảnh hưởng đến quyền riêng tư của con người. Vì vậy rất cần đến vai trò của các AI Ethicist.
Tham gia nghiên cứu liên ngành
Trí tuệ nhân tạo là một lĩnh vực phức tạp, đan xen nhiều lĩnh vực khác nhau. Để phát triển đạo đức khi sử dụng AI hiệu quả, đòi hỏi AI Ethicist phải hợp tác và nghiên cứu liên ngành. Chẳng hạn các nghiên cứu AI ở Trung Quốc thường tập trung vào chính phủ, với các lĩnh vực ứng dụng AI trong giám sát, giáo dục, tài chính. Trong khi đó, Châu Âu có cách tiếp cận AI tập trung vào yếu tố con người và quyền riêng tư, ứng dụng AI trong chăm sóc sức khỏe, giao thông vận tải, sản xuất.
Kinh nghiệm thực chiến với AI Ethic
Các AI Ethicist phải có kinh nghiệm làm việc với các công cụ và kỹ thuật AI. Các bạn có thể tải xuống các bộ dữ liệu và mô hình AI có sẵn trên Internet để thực hành, tham gia các thử thách về AI trên các nền tảng như Kaggle để rèn luyện kỹ năng.
Tham dự hội thảo về AI, đăng ký các khóa học trực tuyến hoặc đào tạo chuyên sâu về AI cũng là cách giúp bạn hiểu rõ hơn về cơ chế và AI đạo đức. Bạn cũng có thể ứng tuyển vào các chương trình thực tập tại các công ty khởi nghiệp hoặc tập đoàn công nghệ trí tuệ nhân tạo.
Cập nhật liên tục những tiến bộ về AI
Lĩnh vực trí tuệ nhân tạo phát triển không ngừng, đòi hỏi AI Ethicist phải luôn cập nhật những tiến bộ mới nhất và các cuộc thảo luận xung quanh vấn đề đạo đức khi sử dụng AI. Bạn nên khai thác các nguồn thông tin đáng tin cậy, ví dụ Brookings Institution.
Kết luận
AI Ethicist đảm bảo trí tuệ nhân tạo được phát triển và ứng dụng có trách nhiệm, mang lại lợi ích thiết thực cho con người. Nếu bạn quan tâm đến AI Ethic thì AI Ethicist chắc chắn là lựa chọn nghề nghiệp đầy hứa hẹn. Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về vai trò của AI Ethicist. Chúc bạn thành công.
Bên cạnh đó, Vieclam24h.vn cung cấp công cụ tạo CV online với hàng trăm mẫu CV hoàn toàn miễn phí. Ngoài nội dung đúng chuẩn dựa theo vị trí công việc và lĩnh vực ứng tuyển, các bạn có thể thỏa sức sáng tạo CV cá nhân với chức năng tùy chỉnh màu sắc, nội dung, bố cục,… để tìm việc nhanh chóng tại môi trường làm việc mơ ước.
Xem thêm: Ngành trí tuệ nhân tạo: Học trường nào, cơ hội phát triển ra sao?