Công ty hợp danh là loại hình công ty phổ biến tại nước ta hiện nay. Vậy công ty hợp danh là gì? Cơ cấu tổ chức của công ty hợp danh ở Việt Nam như thế nào? Công ty hợp danh có tư cách pháp nhân không? Việc Làm 24h sẽ chia sẻ về khái niệm, đặc điểm công ty hợp danh và thành viên công ty hợp danh thật chi tiết qua bài viết dưới đây!
Công ty hợp danh là gì?
Căn cứ vào khoản 1 Điều 177 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định công ty hợp danh là:
- Phải có ít nhất hai thành viên là chủ sở hữu chung của công ty và cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung (được gọi là thành viên hợp danh). Ngoài thành viên hợp danh, các công ty hợp danh có thể thêm thành viên góp vốn;
- Thành viên hợp danh là các cá nhân chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình liên quan đến các nghĩa vụ của công ty;
- Thành viên góp vốn của công ty hợp danh là các cá nhân hoặc tổ chức và chỉ chịu trách nhiệm liên quan đến các khoản nợ của công ty hợp danh trong phạm vi số vốn đã cam kết đóng góp vào công ty.
Cụ thể thì công ty hợp danh là loại hình công ty, trong đó các thành viên cùng tiến hành hoạt động thương mại dưới một tên chung và cùng liên đới trách nhiệm vô hạn liên quan đến mọi khoản nợ của công ty. Công ty hợp danh ở Việt Nam bắt đầu có tư cách pháp nhân từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Đồng thời, công ty hợp danh không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào (theo Điều 172 Luật Doanh nghiệp năm 2020).
Việc thành lập công ty hợp danh dựa trên cơ sở hợp đồng giữa các thành viên trong công ty. Hợp đồng thành lập công ty hợp danh có thể được lập thành văn bản, tuy nhiên, luật pháp Việt Nam không có quy định bắt buộc về vấn đề này Các thành viên hợp danh có thể tiến hành thỏa thuận miệng, thậm chí không cần tuyên bố cụ thể, chỉ cần tiến hành các hoạt động thương mại thì công ty đã được coi là đã thành lập. Trong hợp đồng thành lập phải có sự thỏa thuận trách nhiệm của ít nhất 2 thành viên.
Xem thêm: Phụ lục hợp đồng là gì? Gợi ý một số mẫu phụ lục hợp đồng thường gặp
Cơ cấu tổ chức của công ty hợp danh ở Việt Nam
1. Hội đồng thành viên
Điều 182 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định, hội đồng thành viên bao gồm tất cả thành viên của công ty, bao gồm thành viên hợp danh và thành viên góp vốn. Trong đó, hội đồng thành viên bầu một thành viên hợp danh làm Chủ tịch Hội đồng thành viên, kiêm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty dựa theo quy định tại Điều lệ công ty.
Hội đồng thành viên có quyền quyết định tất cả công việc kinh doanh của công ty hợp danh. Nếu Điều lệ công ty không quy định thì hội đồng thành viên khi quyết định các vấn đề sau phải thông qua sự tán thành của ít nhất 3/4 tổng số thành viên:
- Định hướng các chiến lược phát triển công ty;
- Sửa đổi và bổ sung Điều lệ công ty;
- Tiếp nhận thêm thành viên mới;
- Chấp thuận các thành viên hợp danh rút khỏi công ty hoặc ra quyết định khai trừ thành viên;
- Quyết định dự án đầu tư;
- Quyết định việc vay, huy động vốn hoặc cho vay với giá trị từ 50% vốn điều lệ công ty trở lên, trừ khi Điều lệ công ty quy định tỷ lệ khác cao hơn;
- Quyết định mua và bán tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn vốn điều lệ công ty, trừ khi Điều lệ công ty quy định tỷ lệ khác cao hơn;
- Thông qua báo cáo tài chính hằng năm để tổng kết lợi nhuận được chia và lợi nhuận chia riêng cho từng thành viên trong công ty hợp danh;
- Quyết định giải thể hoặc yêu cầu phá sản công ty.
- Quyền tham gia biểu quyết của các thành viên góp vốn được thực hiện dựa theo quy định của Luật Doanh nghiệp cũng như Điều lệ công ty.
Xem thêm: BOD là gì? Hội đồng quản trị có thực sự quan trọng đối với doanh nghiệp?
3. Chủ tịch Hội đồng thành viên
Chủ tịch Hội đồng thành viên là thành viên hợp danh trong công ty, đóng vai trò quan trọng trong việc điều hành công ty và đưa ra những quyết định chủ chốt. Theo khoản 1 Điều 182 Luật Doanh nghiệp năm 2020, Chủ tịch Hội đồng thành viên được Hội đồng thành viên bầu ra, chủ tịch Hội đồng thành viên có thể kiêm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của công ty hợp danh.
- Chủ tịch Hội đồng thành viên là người có quyền triệu tập các cuộc họp Hội đồng thành viên khi cần thiết hoặc dựa theo yêu cầu của các thành viên hợp danh trong công ty.
- Chủ tịch Hội đồng thành viên có nghĩa vụ quản lý và điều hành các công việc kinh doanh của công ty với tư cách là thành viên hợp danh. Đồng thời thực hiện phân công và phối hợp chặt chẽ với các thành viên hợp danh trong công ty.
3. Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc
Chủ tịch Hội đồng thành viên có thể kiêm nhiệm vị trí Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty hợp danh. Ngoài Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Giám đốc/Tổng giám đốc thì các thành viên hợp danh của công ty đều có quyền điều hành hoạt động kinh doanh của công ty.
Chính vì vậy mà các thành viên hợp danh dù không giữ chức vụ trong công ty cũng có quyền đại diện và điều hành hoạt động kinh doanh của công ty theo pháp luật. Đồng thời Chủ tịch hội đồng thành viên hoặc Giám đốc/Tổng giám đốc của công ty hợp danh cũng có quyền quản lý và điều hành hoạt động của công ty với tư cách là thành viên hợp danh.
Đặc điểm của công ty hợp danh
Thứ nhất: Về thành viên công ty hợp danh
Theo Luật Doanh nghiệp, công ty hợp danh gồm 2 loại thành viên:
– Thành viên hợp danh: Thành viên nòng cốt của công ty hợp danh, có vai trò quan trọng đến việc thành lập và hoạt động của công ty. Thành viên hợp danh là những người có trình độ chuyên môn và uy tín nghề nghiệp nhất định. Trong trường hợp thành viên hợp danh qua đời, mất năng lực hành vi dân sự, rút vốn khỏi công ty,… thì công ty hợp danh không thể tiếp tục hoạt động.
– Thành viên góp vốn: Vai trò của thành viên góp vốn không quan trọng như thành viên hợp danh, tuy nhiên thành viên này giúp khả năng huy động vốn của công ty cao hơn.
Thứ hai: Về trách nhiệm tài sản
– Thành viên hợp danh: Phải cùng liên đới chịu trách nhiệm vô hạn về tất cả khoản nợ phát sinh trong quá trình hoạt động kinh doanh của công ty hợp danh, bao gồm số tài sản bỏ vào kinh doanh và toàn bộ tài sản thuộc sở hữu của thành viên hợp danh đối với toàn bộ khoản nợ của công ty.
Công ty hợp danh có ít nhất 02 thành viên hợp danh, do đó, khi một thành viên hợp danh giao kết hợp đồng với đối tác nhân danh công ty thì các thành viên hợp danh khác vẫn phải chịu trách nhiệm phát sinh liên quan đến hợp đồng đó dù không trực tiếp giao kết hợp đồng. Chính vì vậy các thành viên hợp danh ràng buộc chặt chẽ với nhau và phải dựa trên sự tin cậy, hiểu biết lẫn nhau để lựa chọn thành viên.
Tuy nhiên, trách nhiệm vô hạn của các thành viên hợp danh chỉ phát sinh sau trách nhiệm trả nợ của công ty hợp danh, do công ty có tài sản độc lập với các thành viên. Do đó, khi công ty hợp danh có khoản nợ cần thanh toán, thì công ty phải trả dựa trên tài sản của công ty. Nếu tài sản đó không đủ để trả nợ thì công ty hợp danh phải giải thể hay phá sản để trả nợ bằng toàn bộ tài sản còn lại. Trong trường hợp tài sản công ty vẫn không đủ để trả nợ thì các thành viên hợp danh mới phải trả nợ bằng tài sản của cá nhân thay cho công ty.
– Thành viên góp vốn: Chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty. Nếu công ty hợp danh thua lỗ thì các thành viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm đến hết số vốn đã góp vào công ty. Chính vì vậy, thành viên góp vốn sẽ hạn chế rủi ro khi đầu tư vào công ty.
Thứ ba: Về vốn điều lệ của công ty hợp danh
Vốn điều lệ của công ty hợp danh được tính bằng tổng giá trị tài sản mà các thành viên đã góp khi thành lập công ty, đó có thể là tiền Việt Nam, ngoại tệ có thể tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, bí mật công nghệ – kỹ thuật hoặc các tài sản khác được ghi trong Điều lệ công ty.
Thành viên hợp danh và thành viên góp vốn cam kết và nhất trí thông qua phần góp vốn theo thời hạn và tiến độ được được quy định tại Điều lệ công ty, do đó các thành viên có nghĩa vụ góp đầy đủ và đúng hạn như đã cam kết.
- Nếu thành viên hợp danh không góp đầy đủ và đúng hạn theo số vốn đã cam kết mà gây thiệt hại cho công ty hợp danh thì thành viên đó phải bồi thường thiệt hại cho công ty.
- Nếu thành viên góp vốn không góp đầy đủ và đúng hạn theo số vốn đã cam kết thì số vốn chưa đóng đủ sẽ được coi là khoản nợ của thành viên góp vốn đó đối với công ty hoặc có thể bị khai trừ khỏi công ty hợp danh theo quyết định của Hội đồng thành viên.
Khi góp đủ vốn, các thành viên công ty hợp danh sẽ được cấp giấy chứng nhận phần vốn góp.
Nếu thành viên hợp danh hoặc thành viên góp vốn không muốn là thành viên của công ty hợp danh có quyền:
- Chuyển nhượng phần vốn góp của mình sang cho các thành viên khác.
- Chuyển cho một người khác không phải là thành viên công ty.
- Rút vốn khỏi công ty.
Thứ tư: Về huy động vốn của công ty hợp danh
Công ty hợp danh không được phép phát hành chứng khoán để công khai huy động vốn.
Khi muốn tăng vốn điều lệ, công ty hợp danh phải huy động vốn bằng cách:
- Kết nạp thêm thành viên mới
- Tăng phần vốn góp của mỗi thành viên
- Tăng giá trị tài sản của công ty
Tuy nhiên việc huy động vốn này không dễ dàng, đặc biệt là kết nạp thêm thành viên mới do có khả năng phá vỡ tính chất liên kết của thành viên công ty.
Khi có nhu cầu tăng vốn hoạt động, công ty hợp danh có thể huy động bằng cách vay các tổ chức, cá nhân, các nguồn khác để đảm bảo nhu cầu về vốn của công ty.
Xem thêm: Xin lỗi vì lỡ nổi: Bí kíp trở thành ứng viên tài năng sáng giá nhất vòng phỏng vấn
Công ty hợp danh có tư cách pháp nhân không?
Luật doanh nghiệp 2020 quy định, công ty hợp danh có tư cách pháp nhân bắt đầu từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Do đó, công ty hợp danh có tư cách pháp nhân độc lập khi tham gia tất cả giao dịch, có tài sản độc lập so với các thành viên và công ty chịu trách nhiệm độc lập dựa trên chính tài sản của mình.
Kết luận
Hy vọng bài viết trên của Việc Làm 24h đã giúp các bạn hiểu rõ công ty hợp danh là gì, cũng như đặc điểm của công ty hợp danh ở Việt Nam, cơ cấu tổ chức của công ty hợp danh và thành viên công ty hợp danh. Các bạn có thể theo dõi các bài viết mới nhất của Nghề Nghiệp Việc Làm 24h để tiếp tục tìm hiểu những thông tin hữu ích khác nhé!
Xem thêm: Marketing bản thân: Tuyệt chiêu tán đổ nhà tuyển dụng ngay lần đầu phỏng vấn