Trên thương trường cạnh tranh khốc liệt, việc định hình chiến lược và đảm bảo sự phát triển bền vững là ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp. Để thực hiện điều này, các doanh nghiệp cần một vị trí quan trọng mang tên CSO. Vậy CSO là vị trí gì? Nhiệm vụ của CSO là gì? Trong bài viết này, hãy cùng Nghề Nghiệp Việc Làm 24h tìm hiểu sâu hơn về vai trò của CSO và những ý nghĩa quan trọng mà vị trí này đem lại.
CSO là gì?
CSO là viết tắt của Chief Strategy Officer, có nghĩa là Giám đốc chiến lược. Đây là vị trí quản lý cấp cao trong doanh nghiệp, có nhiệm vụ quan trọng trong việc xây dựng và thúc đẩy chiến lược phát triển.
Cụ thể hơn, Giám đốc chiến lược là người chịu trách nhiệm xây dựng và điều hành các sáng kiến chiến lược cho một dự án hoặc mục tiêu phát triển của doanh nghiệp.
CSO ngân hàng là gì?
Nhiều bạn thường nhầm lẫn giữa công việc của CSO trong doanh nghiệp và CSO trong ngân hàng. Cụ thể thì CSO ngân hàng (Customer Service Officer) là nhân viên dịch vụ khách hàng, hay còn được gọi là giao dịch viên ngân hàng. Nhiệm vụ của các CSO ngân hàng là chịu trách nhiệm xử lý chính xác các giao dịch thông thường tại các chi nhánh, phòng giao dịch hoặc điểm giao dịch của ngân hàng. Nhân viên dịch vụ khách hàng là người tiếp xúc, tư vấn và giải quyết các nhu cầu về gửi tiền, rút tiền, thu hộ, chi hộ, uỷ nhiệm chi, mở tài khoản, hạch toán giao dịch, xử lý thông tin tài khoản,… cho khách hàng.
Vai trò của CSO là gì?
Khi thị trường trở nên phức tạp, tầm nhìn chiến lược của doanh nghiệp càng trở nên khó nắm bắt hơn bao giờ hết. Ngay cả những Giám đốc điều hành (CEO) cũng có thể gặp khó khăn trong việc xác định chiến lược dài hạn của doanh nghiệp. Nhiều quyết định được đưa ra thiếu tính khả thi có thể khiến doanh nghiệp phải trả giá đắt như mất doanh thu, lãng phí thời gian và nguồn lực hay thậm chí là thất bại trong kinh doanh. Lúc này, việc đầu tư vào một vị trí lãnh đạo cấp cao để xây dựng và thúc đẩy các sáng kiến chiến lược là một ý kiến sáng suốt.
Các Giám đốc chiến lược (CSO) là người cố vấn của Giám đốc điều hành (CEO), đưa ra những đóng góp đáng kể và lâu dài cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. CSO làm việc với CEO để cải thiện các hoạt động kinh doanh hiện tại và điều chỉnh phù hợp nhằm đảm bảo tầm nhìn dài hạn của doanh nghiệp. Vì thế, CSO thường tham gia các cuộc họp với CEO, thành viên hội đồng quản trị và các giám đốc điều hành khác để đưa ra các ý tưởng kinh doanh sáng tạo và theo dõi tiến độ triển khai các sáng kiến này.
Mặt khác, tham vọng của CSO là xây dựng và thúc đẩy chiến lược tổng thể của doanh nghiệp. Các giám đốc chiến lược có vai trò chủ chốt trong việc dự đoán các tác động của thị trường đến tình hình kinh doanh và huy động nguồn lực để vượt qua những thách thức, rủi ro có thể xảy ra.
Công việc của CSO là gì?
Công việc cụ thể của CSO thường khác nhau giữa các doanh nghiệp, nhưng đa số công việc của các CSO vẫn có những điểm chung như sau:
1. Thiết lập các chiến lược phát triển kinh doanh
Các CSO cần xác định xem doanh nghiệp có tham vọng chuyển đổi như thế nào khi thị trường thay đổi. Doanh nghiệp có muốn thâm nhập vào các thị trường ngách và tạo ra các hoạt động kinh doanh mới mang tính chuyển đổi không? Hoặc mục tiêu chính của doanh nghiệp là duy trì hoạt động kinh doanh cốt lõi để giữ an toàn.
Nhiệm vụ của CSO là nghiên cứu và nắm bắt nhu cầu của thị trường, hiểu rõ tình hình của doanh nghiệp và đưa ra phương thức phát triển phù hợp. Nhờ đó, doanh nghiệp sẽ dự đoán các rủi ro có thể xảy ra, định hướng rõ từng bước phát triển và triển khai phương thức tối ưu nhất.
2. Triển khai và giám sát chiến lược kinh doanh
Muốn triển khai các sáng kiến chiến lược, CSO phải xây dựng bản kế hoạch cụ thể và trình lên ban giám đốc. Sau khi được phê duyệt, CSO sẽ chỉ đạo các bộ phận liên quan thực hiện, đồng thời theo dõi và giám sát tiến độ theo đúng kế hoạch. Không những thế, CSO chịu trách nhiệm kiểm soát nguồn lực như ngân sách, nhân lực,… được sử dụng hiệu quả, minh bạch. Trong quá trình này, CSO phải liên tục báo cáo tình hình triển khai kế hoạch đến ban giám đốc.
3. Dự đoán, phòng tránh và xử lý rủi ro
Bất kỳ rủi ro nào cũng có thể xảy ra trong quá trình triển khai chiến lược kinh doanh, dù doanh nghiệp có tính toán cẩn thận, kỹ lưỡng đến đâu. Đó có thể là bệnh dịch, thiên tai, đối thủ cạnh tranh hoặc các nguy cơ tiềm ẩn của thị trường kinh doanh. Để phòng tránh rủi ro và giảm thiệt hại đáng kể cho doanh nghiệp, các CSO cần chuẩn bị các phương án giải quyết và xử lý ổn thoả các tình huống xấu nhất có thể xảy ra.
4. Đo lường hiệu suất chiến lược
Việc đo lường hiệu suất là một phần quan trọng của quá trình triển khai các chiến lược kinh doanh. Doanh nghiệp có thể đánh giá và đo lường mức độ thành công của các hoạt động và chiến lược. Dựa trên quá trình phân tích và đo lường kết quả dự án so với mục tiêu đã đề ra, CSO có thể xác định nguyên nhân thành công hoặc thất bại của chiến lược. Nhờ đó, tối ưu quy trình, điều chỉnh nguồn lực và thay đổi hướng đi nếu cần thiết để đạt được thành công trong điều kiện thị trường biến đổi không ngừng.
Mức thu nhập của CSO như thế nào?
Với vị trí quản lý cấp cao, đảm nhiệm nhiều trọng trách trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, mức thu nhập của các giám đốc chiến lược vô cùng hấp dẫn. Mức thu nhập bình quân của CSO từ 40 – 60 triệu đồng/tháng, tùy vào năng lực, kinh nghiệm và quy mô hoạt động cũng như tiềm năng phát triển của doanh nghiệp.
Các kỹ năng cần có của CSO là gì?
Bên cạnh trình độ chuyên môn và kinh nghiệm, giám đốc chiến lược cần phải sở hữu nhiều kỹ năng quan trọng để tham gia vào vị trí quản lý cấp cao của doanh nghiệp. Vậy các kỹ năng thực sự quan trọng ở cương vị là một CSO là gì?
Tư duy chiến lược
Một giám đốc chiến lược giỏi là người có tư duy đổi mới, đưa ra những ý tưởng kinh doanh sáng tạo. Tư duy chiến lược giúp các CSO xác định tầm nhìn dài hạn của doanh nghiệp thông qua quá trình đánh giá thị trường, xác định lợi thế cạnh tranh và xây dựng kế hoạch hoạt động để đi đến mục tiêu cuối cùng.
Kỹ năng giao tiếp
CSO là người làm việc trực tiếp với ban giám đốc và các lãnh đạo cấp cao khác trong doanh nghiệp. Họ phải trình bày các ý tưởng, sáng kiến, kế hoạch chiến lược và thuyết phục ban giám đốc triển khai. Không những thế, CSO còn phải hướng dẫn và giải thích cho đội ngũ nhân sự thực hiện theo đúng kế hoạch. Chính vì thế, kỹ năng giao tiếp là yếu tố quan trọng giúp các CSO truyền đạt thông tin rõ ràng, chính xác.
Kỹ năng ra quyết định
Mọi quyết định của CSO đều mang ý nghĩa quan trọng đối với doanh nghiệp. Do đó, CSO cần phải ưu tiên các nhiệm vụ, sáng kiến kinh doanh quan trọng dựa trên tầm nhìn và mục tiêu của doanh nghiệp. Đồng thời, họ phải đánh giá các rủi ro có thể xảy ra và cân nhắc khi đưa ra quyết định chiến lược.
Xem thêm: Bí quyết rèn luyện kỹ năng ra quyết định nhanh chóng, đúng thời cơ
Kỹ năng giải quyết vấn đề
Kinh doanh luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất định, kỹ năng giải quyết vấn đề giúp CSO hiểu rõ tình hình, xác định nguyên nhân và tìm ra giải pháp xử lý vấn đề thích hợp. CSO sẽ xem xét các lựa chọn khả thi và cân nhắc hoạt động thúc đẩy thành công của chiến lược hoặc giảm thiểu các thiệt hại có thể xảy ra.
Kỹ năng quản lý thời gian
Các sáng kiến chiến lược được thực hiện cần đáp ứng tiêu chí nhanh chóng và kịp thời. CSO là người theo dõi và điều chỉnh tiến độ công việc để đảm bảo doanh nghiệp đạt được mục tiêu và thời hạn đã đề ra. Đặc biệt là những dự án, kế hoạch lớn và ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Xem thêm: Trở thành bậc thầy quản lý thời gian hiệu quả chỉ trong 3 bước
Kỹ năng lãnh đạo
Nhiệm vụ của CSO không chỉ là lập kế hoạch mà còn xây dựng và quản lý đội ngũ nhân sự thực hiện theo đúng kế hoạch. Họ có trách nhiệm huy động, phân công, hỗ trợ và thúc đẩy sự hợp tác của các thành viên trong nhóm, bộ phận thực hiện các nhiệm vụ phù hợp.
Kỹ năng quản lý tài chính
Kỹ năng này giúp các CSO lập kế hoạch tài chính cần thiết để triển khai chiến lược kinh doanh và quản lý nguồn tài chính đó hiệu quả. Không chỉ thế, CSO còn phải dự kiến lợi tức đầu tư dài hạn để đảm bảo ngân sách được tối ưu, đạt được mục tiêu chiến lược. Đặc biệt là trường hợp công ty khởi nghiệp cần thắt chặt dòng tiền đầu tư.
Xem thêm: Phương pháp 6 chiếc lọ tài chính: Bí quyết quản lý tài chính và cân đối chi tiêu hiệu quả
Kết luận
Hy vọng những thông tin hữu ích mà Việc Làm 24h chia sẻ trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về nhiệm vụ và tầm quan trọng của vị trí CSO. Vị trí Giám đốc chiến lược (CSO) không đơn thuần chỉ là một chức danh mà còn là nhân tố quyết định đối với hành trình phát triển bền vững của doanh nghiệp. CSO định hình chiến lược, thúc đẩy thực hiện, giúp doanh nghiệp nhanh chóng thích nghi và nắm bắt cơ hội trong bối cảnh kinh doanh luôn biến đổi hiện nay.
Xem thêm: Tăng thu nhập với 12 việc làm thêm cho dân văn phòng phổ biến nhất hiện nay