Giảm lương là một trong những chủ đề nhạy cảm trong bối cảnh kinh tế hiện nay khiến nhiều người lao động lo lắng. Vậy khi đối diện với tình huống này, liệu bạn nên hành động như thế nào để bảo vệ quyền lợi của bản thân? Về phía doanh nghiệp, như thế nào là giảm lương nhân viên đúng luật? Bài viết dưới đây của Nghề Nghiệp Việc Làm 24h sẽ giúp bạn trả lời câu hỏi này!
Công ty có được giảm lương của người lao động không?
Căn cứ theo quy định về nguyên tắc trả lương tại khoản 1 Điều 94 Bộ luật Lao động năm 2019: Người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp.
Theo quy định tại Điều 33 Bộ luật Lao động năm 2019, sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động như sau:
1. Trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động, nếu bên nào có yêu cầu sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động thì phải báo cho bên kia biết trước ít nhất 03 ngày làm việc về nội dung cần sửa đổi, bổ sung.
2. Trường hợp 02 bên thỏa thuận được thì việc sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động được tiến hành bằng việc ký kết phụ lục hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng lao động mới.
3. Trường hợp 02 bên không thỏa thuận được việc sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động thì tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết.
Nếu công ty không thông báo về việc giảm lương nhưng vẫn giảm lương của người lao động thì công ty đang vi phạm pháp luật.
Trường hợp nào công ty giảm lương nhân viên đúng luật?
Thay đổi hợp đồng lao động
Theo quy định pháp luật, mọi thay đổi trong hợp đồng lao động phải được sự đồng thuận của cả người lao động, người sử dụng lao động. Công ty phải thông báo và thảo luận với nhân viên trước khi tiến hành bất kỳ thay đổi nào về lương bổng.
Khủng hoảng kinh tế, tài chính khó khăn
Trong những trường hợp khủng hoảng kinh tế hoặc tài chính, công ty có thể buộc phải giảm lương để duy trì hoạt động và tránh phá sản. Tuy nhiên, việc này cũng phải được thực hiện minh bạch và thông báo rõ ràng tới nhân viên.
Thỏa thuận giảm lương tự nguyện
Có những trường hợp nhân viên đồng ý tự nguyện giảm vì lợi ích chung của công ty, chẳng hạn như trong thời gian khó khăn hoặc khi cần phải duy trì việc làm cho tất cả mọi người. Đây là một hành động thể hiện sự đoàn kết và cam kết của nhân viên.
Nhân viên bị kỷ luật
Việc giảm lương có thể là một trong những hình thức kỷ luật được áp dụng cho nhân viên có hành vi vi phạm quy định công ty hoặc không đạt KPI theo quy định được 2 bên thoả thuận trong hợp đồng lao động.
Trường hợp công ty giảm lương nhân viên trái quy định
Nếu công ty không thông báo về việc giảm lương nhưng vẫn giảm lương của người lao động thì công ty đang vi phạm pháp luật. Người lao động không bị ép buộc chấp nhận các sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động mà không có sự đồng thuận của 2 bên. Nếu nhân viên không đồng ý với quyết định cũng như các sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động, công ty không thể ép buộc họ chấp nhận điều này.
Việc giảm lương của người lao động phải có lý do chính đáng, nếu công ty không thể đưa ra lý do rõ ràng và hợp lý, nhân viên có quyền từ chối. Nhân viên có quyền nhờ đến sự can thiệp của pháp luật trong các trường hợp sau:
- Giảm lương để trù dập nhân viên có hành động tự vệ trước hành vi đối xử bất công hoặc nhân viên tố cáo cấp trên, nội bộ có hành vi sai trái, quấy rối.
- Giảm lương do phân biệt đối xử về giới tính, tuổi tác, vùng miền,…
- Giảm lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.
Nhân viên nên làm gì khi nhận đề nghị giảm lương?
Giảm lương là vấn đề không ai mong muốn khi đi làm, đây là tình huống khó khăn và nhạy cảm đòi hỏi người lao động phải có kiến thức và sự chuẩn bị để bảo vệ quyền lợi của bản thân.
1. Tìm hiểu thông tin giảm lương
Khi nhận thông báo giảm lương, bạn nên giữ bình tĩnh và tìm hiểu kỹ lưỡng các thông tin về quyết định của công ty.
- Nguyên nhân giảm lương là gì?
- Giảm lương tự nguyện hay bắt buộc?
- Giảm lương trong bao lâu?
- Mức lương sau khi giảm là bao nhiêu?
- Ai là người đề nghị giảm lương?
- Có thể tăng lương lại không, thời gian và các điều kiện cụ thể ra sao?
Hãy kiểm tra lại hợp đồng lao động, xem xét các điều khoản liên quan đến lương bổng và các điều kiện thay đổi lương. Bạn cần xác định liệu việc giảm lương có phù hợp với các điều khoản trong hợp đồng hay không.
Nếu việc giảm lương không hợp lý hoặc không đúng quy định, bạn nên thu thập các thông tin và bằng chứng cần thiết để làm cơ sở cho để trao đổi hoặc thương lượng sau này với công ty. Việc này không chỉ giúp bạn bảo vệ quyền lợi bản thân mà còn đảm bảo bạn đang hành động dựa trên những thông tin chính xác và đầy đủ.
2. Đánh giá tình hình cá nhân
Bạn nên đánh giá tình hình tài chính để xem việc giảm lương sẽ ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống cá nhân. Hãy xem xét các khoản chi tiêu hiện tại, các khoản chi phí cố định hàng tháng và lập kế hoạch để đối phó trước sự thay đổi. Càng nắm rõ tình hình tài chính cá nhân bạn càng có cái nhìn tổng quan và chuẩn bị cho các bước tiếp theo.
3. Trao đổi và thương lượng với cấp trên
Một cuộc trao đổi thẳng thắn và chuyên nghiệp với cấp trên là điều vô cùng cần thiết. Bạn cần giữ sự chuyên nghiệp và bình tĩnh để hiểu rõ lý do đằng sau quyết định của công ty cũng như trình bày quan điểm. Đừng quên chuẩn bị sẵn những câu hỏi và các điểm cần trao đổi:
- Yêu cầu giải thích rõ ràng: Hỏi rõ lý do cụ thể và các yếu tố dẫn đến quyết định.
- Đưa ra các thắc mắc về quy định pháp luật: Hỏi xem liệu quyết định này đã tuân thủ các quy định pháp luật và hợp đồng lao động chưa.
Nếu không đồng ý với quyết định giảm lương, bạn nên bắt đầu cuộc thương lượng bằng cách thể hiện sự thông cảm tình hình công ty đang gặp phải. Hãy trình bày những khó khăn mà bạn sẽ phải đối mặt nếu mức lương bị giảm, bạn có thể đề xuất giảm tạm thời trong thời gian nhất định, yêu cầu các khoản bù đắp khác ngoài lương hoặc đưa ra mong muốn cấp trên xem xét lại quyết định.
Tuyệt đối không thể hiện sự tức giận hoặc thất vọng trong buổi trao đổi, điều này chỉ khiến cấp trên mất thiện cảm và chẳng giúp ích gì cho quá trình thương lượng. Hãy cố gắng thuyết phục cấp trên dựa trên các lập luận hợp lý.
5. Chuẩn bị kế hoạch B: Tìm kiếm cơ hội mới
Nếu việc thương lượng không đi đến một ‘happy ending’ và tình hình tài chính cá nhân không cho phép bạn chấp nhận mức lương giảm, hãy bắt đầu tìm kiếm cơ hội việc làm mới. Trước khi bắt đầu tìm kiếm công việc mới, bạn cần đánh giá lại mục tiêu nghề nghiệp. Hãy cập nhật CV để những kỹ năng và kinh nghiệm được phản ánh chính xác nhất, tăng cơ hội được gọi phỏng vấn.
Khi quyết định tìm kiếm công việc mới, bạn nên thực hiện thủ tục nghỉ việc chuyên nghiệp. Hãy thông báo cho cấp trên và phòng nhân sự về quyết định nghỉ việc, đồng thời đề xuất thời gian bàn giao. Đương nhiên bạn phải hoàn thành các công việc hiện tại và bàn giao đầy đủ cho người tiếp nhận để đảm bảo quá trình diễn ra suôn sẻ.
6. Tìm hiểu quy định pháp luật
Trong trường hợp công ty sai quy định và đôi bên không thể đi đến tiếng nói chung, hãy ghi chép lại tất cả các thông tin và tài liệu liên quan để tìm sự giúp đỡ từ luật sư hoặc tổ chức lao động.
Kết luận
Đối mặt với đề nghị giảm lương là một thách thức không nhỏ, nhưng nếu có sự chuẩn bị tốt, bạn hoàn toàn có thể bảo vệ quyền lợi của mình. Hy vọng những thông tin được Vieclam24h.vn chia sẻ trên sẽ là hành trang hữu ích giúp bạn đưa ra quyết định đúng đắn.
Bên cạnh đó, Vieclam24h.vn cung cấp công cụ tạo CV online với hàng trăm mẫu CV hoàn toàn miễn phí. Ngoài nội dung đúng chuẩn dựa theo vị trí công việc và lĩnh vực ứng tuyển, các bạn có thể thỏa sức sáng tạo CV cá nhân với chức năng tùy chỉnh màu sắc, nội dung, bố cục,… để tìm việc nhanh chóng tại môi trường làm việc mơ ước.
Xem thêm: Giam lương là gì? Doanh nghiệp có được phép giam lương nhân viên không?