Nhảy việc vào cuối năm nghe có vẻ là một quyết định đầy mạo hiểm và thách thức, khi người lao động lựa chọn bắt đầu một trạng thái không mấy “ổn định” trước thềm năm mới. Tuy nhiên, khi hiểu rõ bản thân khi nhảy việc giúp bạn tận dụng thế mạnh bản thân và nắm bắt cơ hội từ thị trường thông qua phân tích SWOT. Hãy cùng Nghề Nghiệp Việc Làm 24h tìm hiểu ngay trong bài viết!
SWOT là gì?
SWOT là một từ viết tắt cho các thành tố của các cá nhân cũng như tổ chức trong giới kinh doanh, bao gồm Strengths (Điểm mạnh), Weaknesses (Điểm yếu), Opportunities (Cơ hội) và Threats (Thách thức), nhằm khai thác thế mạnh của bản thân, tận dụng cơ hội từ môi trường, từ đó có thể phát triển bản thân một cách tốt nhất.
Xem thêm: SWOT là gì? Cách các doanh nghiệp ứng dụng mô hình SWOT đạt hiệu quả cao
Lợi thế khi hiểu rõ bản thân khi nhảy việc và thị trường khi nhảy việc cuối năm
Việc lập phân tích SWOT cá nhân sẽ giúp bạn có cơ hội nhìn nhận và đánh giá lại năng lực của mình, từ đó tìm cách để phát triển và thể hiện ưu thế của bản thân một cách tối đa, cũng như cải thiện các hạn chế và tìm cách khắc phục. Khi đã hiểu rõ bản thân, bạn có thể dễ dàng xác định và sắp xếp lại thứ tự các tiêu chí ưu tiên về công việc và môi trường làm việc mà bạn hướng đến. Từ đó, bạn có thể dễ dàng xác định được một môi trường và công việc phù hợp với bản thân.
Ngoài ra, hiểu rõ được năng lực bản thân cũng như môi trường khách quan bên ngoài sẽ giúp bạn dự liệu được các khả năng có thể xảy ra, cũng như tỉ lệ thành công trong chuyện nhảy việc cuối năm. Điều này giúp bạn có đủ cơ sở và phương tiện để thiết lập một kế hoạch vững chắc, phù hợp bản thân mình và đưa ra quyết định một cách sáng suốt, khách quan hơn.
Phân tích SWOT để hiểu rõ bản thân khi nhảy việc
Đầu tiên, chia ra 4 ô trên giấy: Điểm mạnh, Điểm yếu, Cơ hội, Thách thức. Sau đó, suy nghĩ về công việc mà bạn dự định ứng tuyển và điền vào các ô với những nội dung liên quan.
Hiểu rõ bản thân khi nhảy việc qua các điểm mạnh cá nhân
Điểm mạnh là những yếu tố nổi trội của bạn. Nó có thể bao gồm trình độ học vấn, kinh nghiệm chuyên môn, những kiến thức, kĩ năng hoặc các mối quan hệ xã hội mà bạn có.
Điểm mạnh còn là những thành tựu mà bạn cảm thấy tự hào, những điều mà người khác đánh giá cao ở bạn, những đặc điểm mà bạn cảm thấy mình phù hợp với công việc, vị trí mong muốn.
Điểm yếu
Điểm yếu là những yếu tố gây hạn chế cho bạn, bao gồm những công việc mà bạn thường né tránh hoặc cảm thấy tự ti, những tính cách gây cản trở bạn trong công việc, những đặc điểm (kiến thức, kỹ năng mềm, kinh nghiệm, ngoại hình,…) không phù hợp với công việc bạn mong muốn. Ngoài ra, điểm yếu còn là những hạn chế mà người khác nhìn thấy ở bạn,
Cơ hội
Cơ hội là những yếu tố không kiểm soát được bên ngoài môi trường, giúp bạn gia tăng khả năng thành công. Cơ hội có thể là bất kỳ thay đổi hay tiến bộ trong ngành nghề của bạn, lợi thế thị trường hiện tại mà bạn có thể tận dụng, hoặc có thể là bạn có kỹ năng phù hợp với vị trí bạn muốn ứng tuyển. Ngoài ra, cơ hội còn bao gồm những sự hỗ trợ mà bạn nhận được, những định hướng và lời khuyên hữu ích cho bạn.
Vào thời điểm cuối năm, các công ty thường tuyển dụng nhiều để bổ sung nguồn nhân lực nhằm hoàn thành KPIs. Đây có thể được xem là một cơ hội khi bạn quyết định nhảy việc vào thời điểm này.
Thách thức
Thách thức là những yếu tố gây trở ngại cho bạn. Đó có thể là những khó khăn bạn gặp ở thời điểm hiện tại, gây ra bởi hoàn cảnh xã hội hay những biến đổi về công nghệ. Thách thức đôi khi là những đặc điểm, sở thích cá nhân của bạn không phù hợp với vị trí mà bạn mong muốn, hoặc những điểm yếu mà bạn cảm thấy có thể trở thành mối đe dọa.
Xây dựng kế hoạch nhảy việc từ phân tích SWOT cá nhân
Chiến lược S-O: Bằng cách theo đuổi các cơ hội phù hợp với thế mạnh cá nhân, bạn có thể khai thác tiềm năng của mình một cách tối đa và đảm bảo khả năng thành công khi nhảy việc.
Chiến lược W-O: Với những cơ hội đang có, bạn có thể xem xét các khả năng có thể tận dụng để cải thiện điểm yếu của mình.
Chiến lược S-T: Thông qua việc xác định được điểm mạnh và thách thức, bạn có thể biết được mình cần phải tận dụng ưu thế nào của bản thân để hạn chế những rủi ro do thách thức mang lại.
Chiến lược W-T: Bằng cách nhận dạng được điểm yếu và thách thức, bạn có thể tìm phương pháp cải thiện các hạn chế cũng như ngăn ngừa các rủi ro, lên kế hoạch phòng thủ khi các thách thức đánh thẳng vào điểm yếu của bạn.
Việc dùng phân tích SWOT khi nhảy việc không chỉ giúp bạn xác định rõ ràng các yếu tố bên trong và bên ngoài, mà còn cho thấy sự ảnh hưởng và tác động qua lại lẫn nhau giữa chúng. Từ đó, bạn có thể xây dựng một chiến lược phù hợp và chặt chẽ để gia tăng tỉ lệ nhảy việc thành công.
Xem thêm: Vướng phải tin đồn nơi công sở, giải quyết thế nào để sóng yên biển lặng?