Tiền lương luôn là một vấn đề quan trọng mà bất kỳ người lao động nào cũng quan tâm. Và muốn biết mức thu nhập có xứng đáng với thành quả lao động hay không. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ về lương cơ bản là gì và phân biệt với các loại lương khác.
Trong một tổ chức luôn có chính sách về lương dựa trên tiêu chuẩn của pháp luật quy định. Hiện nay, có nhiều khái niệm về lương tương đồng nhau mà mọi người hay nhầm tưởng như: lương tối thiểu, lương cơ sở hay lương cơ bản. Mỗi doanh nghiệp khi chính thức đi vào hoạt động sẽ có công thức tính lương khác nhau. Mặc dù vậy, lương cơ bản vẫn được coi là lương đặc thù và được tính toán theo luật chung.
Trong bài viết dưới đây, Việc Làm 24h sẽ chia sẻ đến bạn đọc các thông tin cần thiết về lương cơ bản là gì? Cách tính lương cơ bản mới nhất năm 2022 theo quy định của pháp luật hiện hành mà người lao động nào cũng phải biết.
Lương cơ bản là gì?
Đây là mức lương thấp nhất hay mức lương tối thiểu mà người lao động có thể nhận được khi làm việc trong một tổ chức nào đó. Lương cơ bản thường được thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động, tùy thuộc vào tính chất và yêu cầu cụ thể của từng vị trí công việc. Theo đó, mức lương cơ bản không bao gồm những khoản tiền thưởng, phụ cấp, phúc lợi, phụ phí và các khoản thu nhập bổ sung khác.
Lương cơ bản có phải là lương cơ sở hay lương tối thiểu vùng hay không?
Có không ít người lao động nhầm tưởng rằng lương cơ bản chính là lương cơ sở. Thế nhưng, bạn cần phải biết lương tối thiểu vùng và lương cơ sở không phải là lương cơ bản mà chỉ là căn cứ để xác định mức lương cơ bản của các đối tượng.
Cụ thể như sau:
- Lương cơ sở: là mức lương được dùng để làm căn cứ xác định tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp. Tùy vào các chế độ khác nhau theo quy định của pháp luật áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan Nhà nước.
- Lương tối thiểu vùng: là mức thấp nhất làm cơ sở để người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận trả lương.
Cách tính lương cơ bản theo quy định hiện hành
Căn cứ xác định mức lương cơ bản đối với người lao động làm việc trong doanh nghiệp và cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong cơ quan Nhà nước có sự khác biệt. Vì vậy nên mức lương cơ bản đối với mỗi người lao động cũng có sự khác biệt. Cụ thể như sau:
1. Nhóm người lao động là công chức, viên chức, cán bộ làm việc trong cơ quan Nhà nước.
Lương cơ bản của nhóm đối tượng này được tính dựa trên mức lương cơ sở theo công thức sau:
Lương cơ bản = Mức lương cơ sở x Hệ số lương hiện hưởng
Trong đó:
- Mức lương cơ sở: Quốc hội quyết định lùi cải cách tiền lương đối với công chức, viên chức thay vì thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 01/07/2022 theo nội dung tại Nghị quyết 34/2021/QH15 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2022. Kể từ Nghị định 38/2019/NĐ-CP được ban hành thì đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có thêm văn bản nào quy định mới về mức lương cơ sở. Vì vậy, từ ngày 01/01/2022, mức lương cơ sở tiếp tục thực hiện theo Nghị định 38 và vẫn giữ mức 1.490.000 đồng/tháng. (mức lương này được thực hiện từ ngày 01/07/2019 đến nay).
- Hệ số lương: thể hiện dựa trên sự chênh lệch mức lương giữa các cấp bậc, vị trí của các cán bộ, công chức. Điều này dựa vào yếu tố về bằng cấp, trình độ, lĩnh vực. Hệ số này càng cao thì bậc càng cao.
Lưu ý:
- Hệ số lương chuyên môn, nghiệp vụ của các chức danh nghề nghiệp, ngạch công chức, viên chức hoàn toàn khác nhau.
- Nếu có cùng một chức danh nghề nghiệp nhưng vị trí bậc lương khác nhau thì hệ số lương cũng sẽ khác nhau.
- Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP dành cho cán bộ, công nhân viên có từ 1 – 12 bậc lương, tương ứng với hệ số lương sẽ tăng dần từ bậc 1 – bậc 12.
- Căn cứ vào chức vụ, công việc, thâm niên… của từng đối tượng cán bộ, công nhân viên sẽ được tính phần lương phụ cấp khác nhau.
2. Lương cơ bản đối với người lao động làm việc trong doanh nghiệp
Khác với bộ phận làm việc trong cơ quan Nhà nước, lương cơ bản của người lao động làm việc trong các doanh nghiệp tư nhân được tính dựa trên mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định hằng năm. Theo đó, căn cứ khoản 2 Điều 90 Bộ luật Lao động 2019, người sử dụng lao động trả lương cho người lao động không được thấp hơn so với mức lương tối thiểu này.
Trường hợp đối với công việc đòi hỏi người lao động đã trải qua quá trình học nghề, đào tạo nghề thì người sử dụng lao động phải trả lương cho người lao động cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng.
Năm 2022, chịu sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu khiến cho nền kinh tế ngưng trệ và gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, mức lương tối thiểu vùng vẫn được giữ nguyên như trước và chưa có thay đổi, theo quy định tại Nghị định 90/2019/NĐ-CP:
Áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc: | Mức lương tối thiểu vùng |
Vùng I | 4.420.000 đồng/tháng |
Vùng II | 3.920.000 đồng/tháng |
Vùng III | 3.430.000 đồng/tháng |
Vùng IV | 3.070.000 đồng/tháng |
Như vậy, nếu bạn làm công việc tại bộ phận kỹ thuật cho công ty tư nhân (thuộc vùng III), mức lương cơ bản sẽ do hai bên thỏa thuận. Tuy nhiên công ty phải trả cho bạn mức lương cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng.
Vị chi mức lương cơ bản thấp nhất mà Doanh nghiệp phải trả cho bạn là:
3.430.000 + (3.430.000×7%) = 3.670.100VNĐ
Lương cơ bản còn liên quan đến hai khái niệm là lương gross và lương net
- Lương gross là tổng thu nhập ghi trên hợp đồng của người lao động. Bao gồm chi phí thuế, bảo hiểm và phí công đoàn (nếu có). Lương thực lãnh sẽ thấp hơn lương gross.
- Lương net là số tiền lương người lao động thực lãnh sau khi đã trừ hết các khoản thuế, bảo hiểm và phí công đoàn (nếu có).
Vậy làm thế nào để biết mức lương thực lãnh khi biết lương gross và ngược lại? Hiện tại Việc Làm 24h đã có công cụ tính lương gross sang net rất tiện lợi. Chỉ cần một cú click chuột là bạn đã biết được mức lương thực nhận của mình.
Xem thêm: Lương gross là gì, cách tính lương gross sang net mà mọi người lao động đều cần biết
Lương cơ bản có phải lương đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) không?
Nếu như trước đây, doanh nghiệp sử dụng lao động thường áp dụng mức lương cơ bản để làm mức đóng BHXH hàng tháng cho người lao động. Tuy nhiên, hiện nay mức đóng bảo hiểm xã hội gồm có phụ cấp lương, mức lương và các khoản bổ sung khác. Kể từ ngày 01/01/2021 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác quy định tại khoản 5 Điều 3 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH. Như vậy, lương cơ bản không phải lương đóng bảo hiểm mà lương đóng bảo hiểm và bao gồm cả phụ cấp và các khoản bổ sung khác.
Cụ thể như sau:
- Tiền lương cơ bản;
- Phụ cấp chức danh, chức vụ;
- Phụ cấp trách nhiệm;
- Phụ cấp độc hại, nặng nhọc, nguy hiểm;
- Phụ cấp thâm niên làm việc;
- Phụ cấp khu vực;
- Phụ cấp lưu động;
- Phụ cấp thu hút;
- Phụ cấp có tính chất tương tự;
- Lương OT;
- Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương.
Kết luận
Đối với những người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp thì mức lương cơ bản sẽ không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng. Đồng thời, lương cơ bản cũng sẽ được thỏa thuận theo nhu cầu giữa 2 bên sử dụng lao động và người lao động đã ký kết trong hợp đồng lao động kèm theo sau đó. Ngoài các yếu tố về cơ hội phát triển thăng tiến, môi trường làm việc và danh tiếng của doanh nghiệp,… thì chính sách tiền lương luôn là yếu tố quan trọng để thu hút và giữ chân nhân tài để đồng hành cùng doanh nghiệp.
Hy vọng với bài chia sẻ này Việc Làm 24h sẽ mang đến cho bạn đọc nguồn thông tin hữu ích Và câu hỏi “lương cơ bản là gì” sẽ không còn là khúc mắc khiến mọi người quan ngại nữa. Đừng quên tìm kiếm thêm công việc mới tại Việc Làm 24h nhé.