Trong cấu trúc tổ chức của doanh nghiệp, Middle Manager là một vị trí quan trọng, như sợi dây liên kết giữa ban lãnh đạo và nhân viên cấp dưới. Cũng chính vì là người đứng giữa mà Middle Manager phải đối mặt với nhiều thử thách. Vậy Middle Manager là gì, cần những kỹ năng gì để làm tốt và vượt qua khó khăn? Hãy cùng Nghề Nghiệp Việc Làm 24h khám phá về chủ đề này qua bài viết dưới đây.
Middle Manager là gì?
Middle Manager hay còn gọi là quản lý cấp trung, đóng vai trò như một mắt xích quan trọng giữa lãnh đạo cấp cao và nhân viên cấp dưới. Dưới chỉ thị của ban lãnh đạo, họ không chỉ hướng dẫn và quản lý nhóm nhân viên mà còn là cánh tay đắc lực của quản lý cấp cao khi triển khai chiến lược kinh doanh, vận hành hệ thống, đảm bảo sự liền mạch và thống nhất các hoạt động trong doanh nghiệp.
Tên gọi khác của Middle Manager có thể là giám đốc bộ phận, trưởng nhóm, quản lý chi nhánh, giám đốc khu vực…
Vai trò của Middle Manager trong doanh nghiệp
Hỗ trợ nhà quản lý cấp cao
Middle Manager thường làm việc trực tiếp với các quản lý cấp cao để nắm bắt chiến lược và triển khai kế hoạch theo chỉ thị của ban lãnh đạo. Nhiệm vụ này có thể liên quan đến phát triển các hoạt động, nâng cao hiệu suất ở những bộ phận cụ thể. Họ không chỉ truyền động lực và động viên nhân viên phát huy tối đa năng lực mà còn đưa ra đề xuất cho ban lãnh đạo.
Nếu trách nhiệm của các nhà quản lý cấp cao là đưa ra chiến lược cho toàn bộ doanh nghiệp thì quản lý cấp trung sẽ tập trung vào việc dẫn dắt đội nhóm thực hiện.
Giám sát, quản lý nhân viên cấp dưới
Middle Manager chịu trách nhiệm trực tiếp quản lý và điều phối công việc của đội ngũ nhân viên cấp dưới. Trong đó, họ sẽ tuyển dụng, phân bổ, đào tạo cũng như hỗ trợ nhân viên thực hiện đúng công việc để đạt mục tiêu..
Ngoài ra, quản lý cấp trung là người trực tiếp giám sát và đánh giá hiệu suất làm việc của nhân viên. Những hoạt động như thúc đẩy sự hợp tác, gắn kết, tạo động lực cũng rất quan trọng để đảm bảo nhân viên thực hiện công việc đúng thời hạn.
Cung cấp phản hồi có giá trị
Quản lý cấp trung có vai trò đánh giá, đề xuất cho các giám đốc điều hành. Qua đó họ sẽ báo cáo về hiệu suất, tiến độ công việc hiện tại, đưa ra những đề xuất điều chỉnh chiến lược nếu cần thiết. Sự tham gia chặt chẽ vào các hoạt động hàng ngày giúp Middle Manager tích lũy những hiểu biết sâu sắc, từ đó cung cấp phản hồi và thông tin có giá trị cho cấp quản lý cấp cao.
Bộ kỹ năng cần có của Middle Manager
1. Giao tiếp
Một trong những nhiệm vụ chính của Middle Manager là truyền đạt thông tin từ cấp trên cho nhân viên và báo cáo lại cho ban lãnh đạo. Do đó sở hữu kỹ năng giao tiếp sẽ giúp bạn làm tốt việc giao nhiệm vụ. Đồng thời, kỹ năng giao tiếp bằng lời nói và văn bản tốt còn là một lợi thế khi viết báo cáo, chia sẻ thông tin với cấp trên.
2. Khả năng thích ứng
Middle Manager cần khả năng thích ứng nhanh chóng để thực hiện những thay đổi cần thiết đối với chính sách hoặc quy trình của doanh nghiệp. Việc linh hoạt khi giải quyết các vấn đề hiện tại hay trường hợp phát sinh bất ngờ là rất cần thiết khi đảm nhiệm vị trí này. Không chỉ vậy, quản lý cấp trung còn cần sở hữu kỹ năng ra quyết định để thực hiện những thay đổi phù hợp.
3. Kỹ năng lãnh đạo: Kỹ năng quan trọng của Middle manager
Middle Manager thực hiện các chính sách và khuyến khích hiệu suất tối ưu thông qua việc áp dụng kỹ năng lãnh đạo. Kỹ năng này còn giúp giải quyết xung đột và tạo động lực cho nhân viên.
Kỹ năng lãnh đạo mạnh mẽ còn giúp nhà quản lý cấp trung hướng dẫn đội nhóm, giám sát dự án để tối ưu hóa hoạt động và lợi nhuận của tổ chức.
Xem thêm: Kỹ năng lãnh đạo là gì? Kinh nghiệm phát triển kỹ năng lãnh đạo hiệu quả
4. Khả năng tự nhận thức
Điều quan trọng không kém là Middle Manager cần tự nhận thức về điểm mạnh và điểm yếu của bản thân. Việc này không chỉ giúp bạn tự cải thiện, phát triển bản thân mà còn tạo động lực cho thành viên trong nhóm để họ thực hiện những điều tương tự.
5. Đào tạo
Middle Manager sử dụng kỹ năng đào tạo để tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển năng lực của các thành viên trong nhóm. Bạn có thể ủy quyền cho các thành viên để họ có cơ hội học hỏi, thể hiện tài năng, ý tưởng.
Bên cạnh đó, đào tạo còn là cách giúp bạn giữ chân nhân viên khi cung cấp những chương trình hỗ trợ cần thiết và làm tăng sự hài lòng với môi trường làm việc.
Quản lý cấp trung và những thử thách chỉ người trong cuộc mới hiểu
Theo nghiên cứu của Gallup, Middle Manager cho biết họ căng thẳng hơn cũng như khả năng cân bằng giữa công việc và cuộc sống kém hơn so với các thành viên khác trong đội nhóm. Điều gì đã tạo nên tình trạng kiệt sức ở Middle Manager?
1. Nhiệm vụ hành chính chồng chất
Có một sự thật là danh sách công việc của quản lý cấp trung rất dài. Một khi thăng chức thì trách nhiệm của họ lại tăng lên rất nhiều với những nhiệm vụ khác nhau. Trong đó các nhiệm vụ hành chính cũng tốn khá nhiều thời gian và công sức chẳng hạn như giới thiệu nhân viên mới, phổ biến những cập nhật từ bộ phận nhân sự đến các thành viên… Khi mọi thứ cùng ập đến một lúc sẽ tiêu hao năng lượng, thời gian và khiến họ không thể hoàn thành công việc vào cuối ngày.
2. Lịch họp kín mít
So với các thành viên trong nhóm, quản lý cấp trung thường có rất nhiều cuộc họp, cụ thể hơn họ dành 35% thời gian cho các cuộc họp. Điều này khiến họ chỉ còn hơn một nửa thời gian trong ngày để xử lý những công việc khác. Chưa kể, còn phải di chuyển đến công ty đối tác hoặc cuộc họp ở bên ngoài.
3. Chuyên môn kém
Một tình trạng khá phổ biến là nhiều quản lý cấp trung đang ở “level lấp lửng”. Họ không còn là nhân viên bình thường nhưng lại chưa đủ sức để gánh vác trách nhiệm của vị trí quản lý. Nhiều Middle Manager không được cung cấp cơ hội đào tạo hay phát triển kỹ năng lãnh đạo cần thiết để quản lý tốt hơn. Ngoài ra họ cũng không có nhiều thời gian hay tiềm lực để tự trau dồi kiến thức, kỹ năng ngoài vai trò hiện tại. Kết quả là họ lại rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan và không có lộ trình phát triển.
4. Lực bất tòng tâm khi bị kẹt ở giữa
Cảm giác này thường xuất hiện trong quá trình giao tiếp giữa Middle Manager với ban lãnh đạo và nhân viên cấp dưới. Họ phải truyền đạt mục tiêu hay thay đổi từ cấp trên đến các thành viên trong nhóm nhưng đôi khi đó là những yêu cầu có vẻ vô lý, thậm chí “điên rồ”.
Khi ấy nhân viên cấp dưới sẽ phản ứng dữ dội hay phản đối kịch liệt. Và người phải giải quyết tàn cuộc này chính là quản lý cấp trung. Họ cũng không có nhiều quyền lực và lực bất tòng tâm để thay đổi mọi thứ theo chiều hướng tích cực hơn.
5. Bị đánh giá thấp
Vòng lặp thường xuất hiện ở vị trí Middle Manager thường là các nhiệm vụ sẽ được thêm vào công việc theo thời gian mà không có lộ trình cụ thể. Nhiệm vụ được đưa đến và họ tiếp tục làm việc. Trách nhiệm này càng tăng nhưng quyền hạn hay tiền lương vẫn như cũ.
Ngoài ra, họ cũng không được chú ý mặc dù trách nhiệm của họ rất quan trọng đối với sự quy trình làm việc hay sự thành công của nhóm. Phải cho đến khi họ bứt phá ngoạn mục thì mới được công nhận.
Làm thế nào để Middle Manager phát triển hơn?
Dù có nhiều thách thức nhưng đây vẫn là một vị trí rất đáng để thử sức. Và bạn sẽ thực sự phát huy được năng lực cũng như biết cách vượt qua khó khăn khi nắm giữ được chìa khóa dưới đây:
1. Phối hợp nhịp nhàng với các thành viên trong nhóm và cấp trên
Hãy trao đổi thẳng thắn và thống nhất với mọi người về những yêu cầu của bạn trong công việc cũng như cách các bạn làm việc cùng nhau. Chẳng hạn như khi ai đó không kịp deadline thì cần phải thông báo cho toàn nhóm ngay khi có thể để hỗ trợ lẫn nhau.
Hoặc mỗi tháng sẽ có một cuộc họp riêng để đánh giá, báo cáo về công việc cũng như khó khăn đang gặp phải. Khi phối hợp cùng đồng nghiệp sẽ giúp bạn giảm bớt gánh nặng và thiết lập quy trình làm việc tối ưu.
2. Trao quyền cho nhân viên cấp dưới
Một trong những thước đo cho kỹ năng lãnh đạo của Middle Manager là khả năng trao quyền. Đã qua rồi cái thời mà bạn phải ôm khư khư tất cả mọi việc và nhân viên chỉ là những người nhận lệnh. Tốt hơn hết là nên nuôi dưỡng văn hóa làm việc mà mỗi người đều tin tưởng vào chính mình và tin tưởng lẫn nhau. Là quản lý cấp trung, bạn hãy tạo cơ hội để nhân viên được thể hiện năng lực và cho họ biết bạn luôn ủng hộ họ. Ngoài ra, đây cũng là cách để bạn giảm bớt gánh nặng công việc.
Xem thêm: Cầm quyền và trao quyền: Đâu mới là nước đi đúng đắn trong ván cờ quản lý nhân sự?
3. Đừng quên xây dựng mối quan hệ tốt đẹp
Có lẽ bạn muốn dành nhiều thời gian để hoàn thành công việc một cách tốt nhất nhưng đừng quên chú ý đến các mối quan hệ. Giữ mối quan hệ với cấp dưới và các bộ phận khác cũng là một yếu tố quan trọng giúp bạn xử lý vấn đề tốt hơn hoặc có thêm những người bạn để chia sẻ.
4. Middle manager giữ vững tinh thần học, học nữa, học mãi
Dù ở bất kỳ vị trí nào thì giữ vững tinh thần tự học là không bao giờ thừa. Bạn có thể trau dồi chuyên môn bằng cách tham gia các khóa học ngắn hạn, đọc thêm tài liệu, cập nhật thông tin từ những chuyên gia trong ngành. Về kỹ năng tự học hãy học hỏi từ những người quản lý khác hay cấp trên, đồng thời tìm một mentor để mang lại những góc nhìn đa dạng cũng như xây dựng mạng lưới quan hệ.
5. Middle manager cần thiết lập ranh giới giữa công việc và cuộc sống
Hãy quan tâm đúng cách đến sức khỏe cả về thể chất và tinh thần. Khi cơ thể, tâm trí ở trạng thái tốt nhất thì bạn mới có thể duy trì năng lượng tích cực, từ đó tối ưu hóa hiệu suất làm việc và đạt được kết quả cao nhất trong công việc. Ngoài ra, bằng cách giữ tinh thần luôn tích cực, bạn có thể góp phần xây dựng môi trường làm việc lành mạnh.
Quản lý cấp trung là vị trí gần như ở bất kỳ công ty nào cũng cần đến. Đồng thời đây cũng là mục tiêu nghề nghiệp nên đạt được để có thể tiến xa hơn. Để tìm việc quản lý cấp trung mới nhất, hãy truy cập Vieclam24h.vn ngay nhé!
Ngoài ra, hiện Vieclam24h.vn đã trang bị tính năng tạo CV miễn phí giúp hành trình tìm việc trở nên đơn giản cho ứng viên. Hàng trăm mẫu CV với nhiều màu sắc, bố cục cho bạn thỏa sức sáng tạo và tùy chỉnh để sở hữu bộ CV xin việc cực ấn tượng.
Xem thêm: Top 5 phần mềm CRM tốt nhất để quản lý mối quan hệ khách hàng