Đam mê không đáng sợ, đáng sợ là bạn chỉ còn có đam mê
Hà vừa nghỉ việc, đây là lần thứ 3 trong năm, lí do cũng giống 2 lần trước: nhàm chán, không hứng thú. Hà tốt nghiệp năm ngoái, mới tốt nghiệp đã xin được vào một công ty lớn, tuy lương không cao nhưng có môi trường làm việc rất tốt, nhưng cô vẫn chưa thấy hài lòng, làm vài tháng thì nghỉ vì cảm thấy nhàm chán.
Ban đầu cô cho rằng đó là vấn đề thuộc về phía công ty, nên đã xin sang một công ty khác mới thành lập, vẫn là vị trí đó, và sự nhàm chán lại tiếp tục tái diễn. Và cô kết luận: cô không phù hợp với công việc này, phải đổi việc khác.
Mọi người đều khuyên cô, nửa năm mà nhảy việc những 2 lần, có vẻ nhanh quá, nên làm thêm một thời gian nữa hãy quyết định. Thái độ của cô vô cùng kiên quyết: “Cần phải làm những việc bản thân cảm thấy hứng thú, mình không thích công việc này, vì vậy không thể làm tốt, mọi người khuyên can cũng không có tác dụng”
Nói là làm, cô thấy nhân viên kinh doanh năng động, lương cũng cao, vậy là cô ứng tuyển làm nhân viên kinh doanh.
Kết quả, cô làm được một tháng, không kí được bất cứ hợp đồng nào, cô lại phán đây không phải công việc cô “thích”, vậy là lại tiếp tục xin nghỉ, tiếp tục tìm công việc tiếp theo mà cô “thực sự có hứng thú”. Cứ thế, cho đến giờ vẫn ở nhà ăn bám bố mẹ.
Từ trước đến nay, hầu hết mọi người đều tin vào câu nói: “Đam mê chính là thầy giáo tốt nhất”. Không ít người xem đây là lời nói vàng ngọc, bất kể chọn hướng đi, ngành nghề, công việc, bắt buộc phải là “bản thân yêu thích”, “có hứng thú”, nhưng trong trường hợp này, chúng ta cần cân nhắc lại.
Hứng thú cũng như việc uống Coca, ngay lúc đó sẽ khiến bạn thấy sảng khoái, nhưng cũng rất nhanh mà bạn cảm thấy ngấy, không thể uống mỗi ngày
Vì vậy, đôi khi đam mê không phải thầy giáo tốt nhất, nếu chỉ dựa vào sở thích để tìm việc thì vô cùng lãng phí sự nghiệp, tuổi trẻ của bản thân.
Rất nhiều người yêu cầu khi tìm việc là bản thân cảm thấy có hứng thứ, hay là thích công việc đó. Nhưng vấn đề là, đối với rất nhiều người sự hứng thú đó chỉ là hứng thú đối với hào quang mà công việc đó đem lại.
Muốn làm diễn viên, người nổi tiếng vì như vậy sẽ nhiều người biết đến, kiếm được nhiều tiền, muốn trở thành nhà thiết kế, vì cảm thấy công việc đó “chất”, mới mẻ và sáng tạo…
Nếu sở thích của bạn là những công việc như trên, trước khi cần lựa chọn chúng, xin hãy tự hỏi bản thân: Bạn thực sự thích công việc đó, hay đang thích ánh hào quang mà nó phát ra.
“Đam mê là người thầy tốt nhất”, câu nói này chưa hợp lý ở chỗ, nó quá khuếch đại mong muốn chủ quan cá nhân, từ đó xem nhẹ những nhân tố khác.
Nhân tố năng lực phụ thuộc vào việc bạn có thể làm gì
Kiến thức về quản lý nguồn lực cho chúng ta biết, sắp xếp một vị trí công việc cần xem xét 3 nhân tố:
1. Năng lực
2. Sở thích đam mê
3. Yếu tố nội tại
Nhân tố năng lực, chính là bạn có thể làm được gì, sở thích chính là bạn thích làm gì, và cuối cùng yếu tố nội tại chính là bản thân bạn có tính cách thế nào. Cũng có thể nói, lựa chọn công việc phù hợp, ngoài đam mê, sở thích, bạn còn cần cân nhắc năng lực và tính cách của bản thân.
Cho dù bạn có thích bóng rổ, nhưng bạn chỉ cao 1m50, vận động viên bóng rổ có chiều cao trung bình 1m70, như vậy bạn có cố gắng đến đâu, tỷ lệ thất bại cũng sẽ cao hơn.
Cho dù công việc nhân viên kinh doanh có kiếm được nhiều tiền đến đâu, nhưng bạn là người hướng nội, cứ gặp người lạ là không muốn nói chuyện, thì công việc này cũng không hợp với bạn.
Niềm đam mê không phải vạn năng, bạn đam mê không đồng nghĩa với việc bạn thích hợp, bạn có thể làm tốt nó.
Đam mê, chỉ như xuất phát điểm, kích thích tò mò cũng như sự quan tâm của bạn trong lĩnh vực nào đó, nếu chỉ dừng lại ở đó, bạn chỉ có thể khiến cho bản thân thỏa mãn lúc đó, chứ không thể phát triển thành sự nghiệp.
Từ sở thích cho đến sự nghiệp, ở giữa cần trải qua cả quá trình gian khổ và lâu dài.
Không trả giá cho “đam mê” cả chính mình, đa phần đều không đáng tin
Vì vậy để đánh giá xem có thể khiến sở thích trở thành sự nghiệp của bạn, có một câu hỏi đơn giản để đánh giá: “Vì niềm đam mê của bạn thân, bạn đã trả giá qua những gì?”
Có một người bạn, là biên tập viên cuả một tòa soạn có tiếng, tự mình mở thêm một trang cá nhân, thu nhập từ việc làm thêm hàng năm lên đến tiền tỉ. Cô thường xuyên nhận được không ít mail của sinh viên đại học, nói muốn đến thực tập tại công ty của cô.
Nhưng lí do của họ luôn là: “Em rất thích những bài viết của chị, hãy cho em một cơ hội”, “Em rất thích viết lách, nhất định sẽ làm tốt”…
Nếu nhận được những mail tương tự thế này, cô trước nay đều chưa từng để ý mà lập tức xóa. Cho đến một lần, cô nhận được mail của một sinh viên nữ với nội dung:
“Em muốn viết được những tác phẩm như chị, mỗi một tác phẩm mới của chị em đều đọc rất kỹ, phân tích cách viết, kết cấu bố cục và hướng chọn đề tài. Mỗi tuần em đều luyện viết 2 bài và đăng trên trang cá nhân của mình, cho đến nay đã viết được hơn 50 bài. File đính kèm là một số những bài em viết. Mong có cơ hội được thực tập tại công ty chị”.
Cô đọc xong mail liền xem những bài viết gửi kèm, sau đó lập tức báo nhân sự liên hệ với cô bé thông báo ngày đi làm.
Về sau cô có nói: “Chỉ nói miệng mình thích có tác dụng gì? Không bỏ ra một chút nỗ lực hay đưa ra chút thành tích nào. Kiểu “thích” này thường thì đều không đáng tin, tốt nhất đừng nói với tôi! Tôi muốn trở thành tác giả, liền đi mua một chồng sách báo, đăng kí vài khóa học viết lách, tiêu tiền, có ai là không biết.”
Bạn đam mê cái gì, không phải điều quan trọng nhất. Bạn vì niềm đam mê của mình bỏ ra những gì, mới là điều quan trọng nhất.
Cái cần bỏ ra, không chỉ là những khoản tiền, mà cần bỏ thời gian và công sức, từng chút từng chút mài giũa hoàn thiện bản thân, cho dù có thất bại thì cũng không dễ dàng bỏ cuộc.
Thời gian, công sức, nhẫn nại, mệt mỏi, mồ hôi, thậm chí là cả nước mắt…, đây mới chính là vốn liếng để bạn có thể nói ra câu “Đây là công việc mà tôi đam mê”.
Giống như tác giả trẻ Li Gang có nói: “Nếu trong đầu bạn đã ấp ủ một nguyện vọng gì đó đã vài năm, nhưng cũng chưa từng thực sự bỏ ra một chút nỗ lực hay đầu tư vì nó, thì đó không phải là đam mê, đó chỉ là một loại cảm giác “bản thân đang ấp ủ một sở thích đam mê” mà thôi”.
Không phải vì đam mê mới có thể làm tốt mà là làm tốt sẽ khiến cho bạn đam mê
Một sự thật rất tàn nhẫn đó là: cái “không đam mê” mà nhiều người nói đến, thực ra chỉ là để trốn tránh cảm giác nhàm chán trong công việc.
Không ít người không chịu được cảm giác này, và rồi lại trốn chạy, nhưng lại không biết làm thế nào, chỉ có thể ôm hi vọng tìm được công việc khác “có hứng thú”, dường như làm như vậy thì sẽ thoát khỏi nhạt nhẽo vậy.
Sau đó, họ sẽ không ngừng nhảy việc, hi vọng công việc tiếp theo, chính là “công việc yêu thích” mà họ đang tìm kiếm.
Thực ra, làm như vậy là đang che đi gốc rễ vấn đề, khiến chúng ta càng mất đi phương hướng.
Bởi vì, không có bất kì công việc nào là hoàn mỹ cả, cho dù công việc có mới mẻ đến đâu, bạn có rất thích đi chăng nữa thì công việc lặp lại theo năm tháng, sớm muộn cũng sẽ lấy đi nhiệt huyết ban đầu của bạn.
Nếu chỉ dựa vào đam mê, sẽ không thể vượt qua được những khó khăn, bởi vì những công việc bắt đầu từ đam mê, cũng cần xem các yếu tố khác như đãi ngộ, thành tích bản thân, giá trị bản thân, sự kiên trì của cá nhân.
Tác dụng của đam mê, không quan trọng như chúng ta thường nghĩ, bởi rất nhiều người thành công trong một lĩnh vực, không chỉ bởi họ thích, mà còn bởi họ có đủ năng lực để làm tốt công việc đó.
Nếu như đến nay bạn vẫn không biết bạn thích làm gì, vậy hãy tập trung tinh thần, làm tôt những công việc bạn đang làm.
Không phải cứ đam mê là sẽ làm tốt, mà là làm tốt rồi mới cảm thấy yêu thích, đam mê.
Đến một ngày bạn sẽ nhận ra, cái gọi là xuất sắc, ngoài việc lựa chọn thì năng lực và thói quen mới là mấu chốt quyết định.