1. Tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động
Theo Điều 169 Bộ luật Lao động năm 2019, tuổi nghỉ hưu sẽ được điều chỉnh hàng năm kể từ 2021, mỗi năm sẽ tăng thêm 3 tháng với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028; thêm 4 tháng với lao động nữ cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035.
Như vậy, năm 2022, tuổi nghỉ hưu của người lao động làm việc trong điều kiện bình thường sẽ có sự thay đổi như sau:
- Lao động nam: Từ đủ 60 tuổi 06 tháng (Tăng 03 tháng so với năm 2021).
- Lao động nữ: Từ đủ 55 tuổi 08 tháng (Tăng 04 tháng so với năm 2021).
Tùy trường hợp, người lao động có thể nghỉ hưu sớm hoặc muộn hơn, nhưng không quá 5 tuổi so với quy định.
Nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường: người lao động có đủ 15 năm trở lên làm nghề nặng nhọc, độc hại thuộc danh mục quy định; người làm việc 15 năm trở lên ở vùng điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn; người bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.
Nghỉ hưu ở tuổi cao hơn tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường: Người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nếu người lao động đạt được thỏa thuận với người sử dụng lao động.
2. Thay đổi số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu của lao động nam
Lương hưu năm 2022 vẫn được tính theo công thức (căn cứ Luật BHXH năm 2014)
Lương hưu = Tỷ lệ hưởng x Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH
Nhưng cách xác định tỷ lệ hưởng lương hưu đối với lao động nam sẽ có sự điều chỉnh.
Cụ thể, tại khoản 2 Điều 56 Luật BHXH năm 2014 quy định:
Từ ngày 01 tháng 01 năm 2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 54 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 62 của Luật này và tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội như sau:
- Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm;
- Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động quy định tại điểm a và điểm b khoản này được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.
Theo quy định trên, lao động nam nghỉ hưu năm 2022 phải đóng BHXH đủ 20 năm mới được tính tỷ lệ hưởng thấp nhất là 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Trong khi đó, ở năm 2021, chỉ cần đóng BHXH đủ 19 năm là lao động nam đã được hưởng 45%. Và muốn hưởng tỷ lệ tối đa 75% thì lao động nam phải đóng BHXH từ đủ 35 năm trở lên (năm 2021 chỉ cần đóng từ đủ 34 năm trở lên).
Quy định không áp dụng với lao động nữ. Người đóng đủ 15 năm BHXH hưởng mức lương hưu tối thiểu 45% và tối đa 75% với lao động nữ đóng đủ 30 năm. Mức hưởng tăng thêm 2% cho một năm đóng, ngược lại nghỉ hưu sớm trước tuổi bị trừ 2% mức hưởng, áp dụng với cả lao động nam lẫn nữ.
3. Tăng lương hưu, trợ cấp BHXH
Khoản 1 Điều 2 Nghị định 108/2021/NĐ-CP quy định: kể từ ngày 1/1/2022, mức lương hưu và mức trợ cấp hàng tháng sẽ được tăng lên. Theo đó, mức tăng sẽ là 7,4% so với mức lương hưu, mức trợ cấp bảo hiểm xã hội của tháng 12/2021.
Cũng theo Nghị định, từ 1/1/2021, có 8 nhóm đối tượng sẽ được hưởng mức tăng thêm, gồm: cán bộ, công chức, công nhân, viên chức, quân nhân, công an… đang hưởng lương hưu hàng tháng; cán bộ xã, phường, người hoạt động không chuyên trách cấp xã; người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hằng tháng; công nhân cao su, người hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; bộ đội, công an tham gia kháng chiến chống Mỹ đã xuất ngũ về địa phương…
Ngoài ra, sau khi tăng 7,4% mà mức hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng của người nghỉ hưu trước ngày 1/1/1995 vẫn thấp hơn 2,5 triệu đồng thì họ còn được tăng thêm với mức như sau:
- Tăng 200.000 đồng/người/tháng: Người có mức hưởng từ 2,3 triệu đồng/người/tháng trở xuống.
- Tăng lên bằng 2,5 triệu đồng/người/tháng: Người có mức hưởng từ 2,3 – dưới 2,5 triệu đồng/người/tháng.
4. Lao động là công dân nước ngoài được rút BHXH một lần
Từ 1/1/2022, khoản 2 Điều 17 Nghị định 143/2018/NĐ-CP quy định lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam tham gia BHXH bắt buộc được rút một lần nếu có yêu cầu. Điều kiện là:
- Người lao động phải đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH;
- Đủ điều kiện hưởng lương hưu nhưng không tiếp tục cư trú tại Việt Nam;
- Đang mắc bệnh nguy hiểm tính mạng theo quy định của Bộ Y tế;
- Bị chấm dứt hợp đồng lao động, chứng chỉ hành nghề, giấy phép hành nghề hết hiệu lực mà không tiếp tục gia hạn.
Trong vòng 10 ngày tính đến thời điểm chấm dứt hợp đồng, giấy phép lao động, chứng chỉ hành nghề, giấy phép hành nghề hết hiệu lực mà người đó không tiếp tục làm việc, hoặc gia hạn giấy phép thì có thể nộp hồ sơ để hưởng. Tối đa 5 ngày kể từ lúc nhận hồ sơ, cơ quan BHXH giải quyết thủ tục và chi trả tiền, nếu không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người lao động biết.
5. Tăng mức đóng BHXH tự nguyện
Theo quy định hiện hành, mức đóng BHXH tự nguyện bằng 22% mức thu nhập do người lao động lựa chọn, thấp nhất bằng chuẩn nghèo khu vực nông thôn từng giai đoạn và cao nhất bằng 20 lần tháng lương cơ sở.
Theo Nghị định 7/2021 quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 – 2025, mức chuẩn nghèo từ đầu năm 2022 áp dụng với khu vực nông thôn là 1.500.000 đồng/tháng, thay vì 700.000 đồng như hiện tại.
Mức đóng tối thiểu = 22% x 1,5 triệu đồng = 330.000 đồng
Vì vậy, mức đóng BHXH tự nguyện thấp nhất là 330.000 đồng mỗi tháng.
Bên cạnh đó, số tiền hỗ trợ hằng tháng của Nhà nước với người đóng BHXH tự nguyện cũng sẽ tăng lên, cụ thể, với người thuộc hộ nghèo là 99.000 đồng; người thuộc hộ cận nghèo là 82.500 đồng, và người thuộc nhóm khác là 33.000 đồng.
Trên đây là những thay đổi trong chính sách có liên quan đến BHXH mà Việc Làm 24h đã tổng hợp. Người lao động cần nắm rõ những chính sách mới này để đảm bảo được quyền lợi của bản thân trong năm mới. Chúc bạn một năm mới 2022 thành công!
Tổng Hợp