Lao động xuất khẩu phải về nước trước hạn được hỗ trợ đến 30 triệu đồng
Cũng trong tháng 2/2022, các quy định tại Quyết định 40/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước sẽ chính thức được áp dụng với nhiều nội dung mới.
Đáng chú ý phải kể đến việc tăng mức hỗ trợ đối với người lao động phải về nước trước thời hạn từ ngày 21/2/2022. Theo quy định tại Điều 10, Điều 11 và Điều 12 của Quyết định 40, mức hỗ trợ với từng trường hợp như sau:
Lý do về nước trước hạn | Mức hỗ trợ từ 21/2/2022 | Mức hỗ trợ trước 21/2/2022 |
Bị tai nạn lao động, tai nạn rủi ro, ốm đau, bệnh tật đến mức không còn khả năng tiếp tục làm việc | 10 – 30 triệu đồng/trường hợp | Tối đa 5 triệu đồng/trường hợp |
Người sử dụng ở nước ngoài bị giải thể, phá sản hoặc thu hẹp sản xuất do thiên tai, dịch bệnh, bất ổn chính trị, chiến tranh, suy thoái kinh tế hoặc vì lý do bất khả kháng khác | 7 – 20 triệu đồng/trường hợp | |
Do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động khi bị người sử dụng lao động ngược đãi, cưỡng bức lao động hoặc có nguy cơ rõ ràng đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe hoặc bị quấy rối tình dục trong thời gian làm việc ở nước ngoài | 7 – 20 triệu đồng/trường hợp | Chỉ quy định hỗ trợ cho một số trường hợp rủi ro khách quan khác do Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quyết định theo đề nghị của Hội đồng quản lý quỹ nhưng không quá 5 triệu đồng/trường hợp |
Tăng thời gian làm thêm giờ của công việc có tính chất thời vụ
Ngày 1/2/2022 tới đây, Thông tư 18/2021 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm các công việc sản xuất có tính thời vụ, công việc gia công theo đơn đặt hàng sẽ có hiệu lực.
Thông tư này sẽ thay thế cho Thông tư 54/2015 quy định thời giờ làm việc, nghỉ ngơi đối với lao động thời vụ.
Theo đó, giới hạn về giờ làm việc tiêu chuẩn và giờ làm thêm đã được mở rộng hơn. Cụ thể như sau:
Thông tư 18/2021/TT-BLĐTBXH (có hiệu lực từ ngày 1/2/2022) | Thông tư 54/2015/TT-BLĐTBXH (có hiệu lực đến hết ngày 31/1/2022) | |
Tổng số giờ làm việc tiêu chuẩn và số giờ làm thêm/ngày | ≤ 12 giờ | ≤ 12 giờ hoặc ≤ 09 giờ (nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm) |
Tổng số giờ làm việc tiêu chuẩn và số giờ làm thêm/tuần | ≤ 72 giờ | ≤ 64 giờ hoặc ≤ 48 giờ (nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm) |
Tổng số giờ làm thêm/tháng | ≤ 40 giờ | ≤ 32 giờ hoặc ≤ 24 giờ (nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm) |
Điều chỉnh mức trần thù lao theo hợp đồng môi giới xuất khẩu lao động
Đầu tháng 2/2022 cũng là thời điểm áp dụng Thông tư 21/2021 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quy định chi tiết một số điều của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020.
Thông tư này đã điều chỉnh lại mức trần thù lao môi giới xuất khẩu lao động như sau:
Từ 1/2/2022: ≤ 0,5 tháng tiền lương cho mỗi 12 tháng làm việc. Hợp hợp đồng lao động có thời hạn từ 36 tháng trở lên: ≤ 1,5 tháng tiền lương.
Trước đó, mức trần thù lao môi giới xuất khẩu lao động tính đến hết ngày 31/1/2022 chỉ là ≤ 1 tháng lương/người lao động cho 1 năm hợp đồng.
Bên cạnh đó, Phụ lục X Thông tư này còn công bố mức thù lao theo hợp đồng môi giới tại một số thị trường, ngành, nghề, công việc cụ thể như sau:
- Mọi ngành, nghề tại thị trường Nhật Bản, Thái Lan: 0 đồng.
- Thuyền viên tàu cá xa bờ, tàu vận tải tại thị trường Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc: 0 đồng.
- Lao động giúp việc gia đình tại Ma-lai-xi-a, Bru-nây và các nước Tây Á: 0 đồng.
Bổ sung chức danh di sản viên hạng I, lương hơn 11 triệu đồng/tháng
Ngày 5/2/2022, Thông tư 16/2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp chuyên ngành di sản văn hóa sẽ có hiệu lực. Trong đó, Thông tư mới này có bổ sung thêm chức danh: Di sản viên hạng I.
Trước đây, Thông tư liên tịch 09/2015 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch – Bộ Nội vụ mới chỉ ghi nhận 3 hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành di sản văn hóa bao gồm: Di sản viên hạng II; Di sản viên hạng III; Di sản viên hạng IV.
Theo quy định mới, hệ số lương của di sản viên hạng II, III, IV vẫn giữ nguyên như trước đó, còn chức danh di sản viên hạng I được hưởng hệ số lương từ 5,75 – 7,55.
Hiện nay, mức lương cơ sở vẫn thực hiện theo Nghị định 38/2019 của Chính phủ là 1,49 triệu đồng/tháng. Như vậy, mức lương cao nhất mà di sản viên hạng I được nhận là 1,49 triệu đồng/tháng x 7,55 = 11.249.500 đồng/tháng.
Nguồn: Dân Việt