Theo điều tra của Công ty nghiên cứu và quản lý nguồn nhân lực ADP (Mỹ) thì có tới 46% số ứng viên nói dối dưới một hình thức nào đó trong hồ sơ ứng viên của họ. Mục đích cuối cùng vẫn là để có một bản lý lịch sáng loáng nhằm thu hút sự chú ý của nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, hậu quả của việc “tô vẽ” có thể lớn hơn họ tưởng.
Hãng tư vấn Marquet International xác định 10 điều ứng viên hay thổi phồng và che giấu phổ biến nhất . Bạn cần phải biết được rằng, đâu là điều mà bản thân đang mắc phải để cân nhắc xem có thật sự rằng mình cần phải thổi phồng và che giấu vấn đề đó không?
1. Tăng thời gian làm việc ở công ty cũ
Thời gian làm việc dưới 1 năm ở công ty cũ sẽ khiến nhiều người quyết định tăng số thời gian đó sao cho dài hơn thực tế và ghi vào hồ sơ ứng viên. Bạn nên nhớ nhà tuyển dụng có thể gọi đến công ty cũ của bạn để điều tra tính chính xác của thông tin.
2. Thổi phồng kỹ năng, thành tích
Nếu bạn thật sự không có thành tích, không có một số kỹ năng nào đó thì vui lòng đừng cho nhà tuyển dụng thấy bạn sở hữu chúng.
3. Tự thăng chức và đề cao trách nhiệm
Việc tự thăng chức vụ cho mình và tự đề cao trách nhiệm ở việc làm cũ có thể gây cho bạn những tình huống khó khăn một khi bạn được tuyển dụng và giao nhiệm vụ tương tự. Làm sao bạn có thể đảm đương trong khi bạn chưa đủ tầm?
4. Tô vẽ trình độ, giả mạo bằng cấp
Bạn sẽ dễ bị sa thải trong trường hợp bạn được tuyển dụng một khi nhà tuyển dụng phát hiện ra. Bạn cũng có thể vi phạm pháp luật nếu nhà tuyển dụng chống lại bạn. Đừng dại dột đưa mình vào rủi ro khi ghi chúng vào hồ sơ ứng viên của bạn.
5. Im lặng về khoảng thời gian không có việc
Nếu bạn dành thời gian để chăm sóc con, đi học nâng cao, cân bằng lại bản thân thì nên nói thật hơn là bịa chuyện trên trời, dưới đất. Không nhà tuyển dụng nào đánh giá thấp bạn đâu.
6. Che giấu công việc cũ
Có thể bạn có lý do để không nêu công việc mà bạn đã từng làm trong hồ sơ ứng viên. Tuy nhiên nếu được, hãy cố gắng thành thật và điền vào hồ sơ theo hướng tích cực nhất có thể.
7. Làm giả thư giới thiệu
Bạn không nên mạo hiểm vào việc này vì hậu quả cũng sẽ tương tự khi bạn làm giả bằng cấp, học vấn.
8. Nói dối về lý do nghỉ việc ở công ty cũ
Hãy tìm ra cách tốt nhất để giải thích lý do nghỉ việc ở công ty cũ theo hướng có lợi cho bạn và không ảnh hưởng đến hình ảnh của công ty cũ mà không cần phải nói dối trong hồ sơ ứng viên.
9. Không trung thực về thông tin tham khảo
Hãy tôn trọng những người thân và tìm nơi cung cấp thông tin tham khảo có thật để tránh đem rắc rối cho bản thân và những người xung quanh.
10. Nói dối về việc phục vụ trong quân ngũ
Những người từng phục vụ trong quân ngũ có thể được hưởng ưu đãi khi tham gia ứng tuyển vào một số lĩnh vực hay doanh nghiệp. Tuy nhiên, đây là một lời nói dối nhạy cảm và gây bất lợi tới tương lai của bạn.
Việc nói dối trong hồ sơ ứng viên sẽ không kết thúc cho dù bạn được tuyển và bạn sẽ phải đi cùng chúng trong suốt sự nghiệp. Chỉ cần bạn sơ hở, mọi chuyện sẽ bị lộ ngay. Liệu bạn có thể chịu đựng được đến bao lâu?