Nếu được bình chọn ngày đẹp nhất của dân văn phòng hẳn là ngày nhận lương mỗi tháng. Còn vui nhất là ngày được thông báo thăng chức lẫn tăng lương. Thế mà ở đời lại không thiếu những cuộc vui chưa trọn vẹn, chẳng hạn như thăng chức nhưng không tăng lương – một loại niềm vui nửa vời làm bạn như ở lưng chừng, nói không vui thì chưa đúng mà vui thì lại chưa tới. Vậy khi rơi vào trường hợp này bạn sẽ hành xử như thế nào? Nghề Nghiệp Việc Làm 24h sẽ mách bạn tuyệt chiêu để đi qua “kiếp nạn” thăng chức nhưng không tăng lương ở bài viết dưới đây.
Tại sao các công ty thăng chức không tăng lương?
Có thể bạn cảm thấy không hài lòng khi được thăng chức nhưng không tăng lương. Tuy nhiên đừng vội vã phán xét, nhiều khi công ty có nỗi lòng riêng với một số lý do chưa tăng lương cho bạn như:
– Bạn đã quen đảm nhiệm các nhiệm vụ của vị trí cao hơn do đó thăng chức chỉ là hợp thức hóa theo quy trình của công ty hay gọi là “bình mới rượu cũ”.
– Công ty khó khăn về tài chính. Thăng chức là dấu hiệu cho thấy bạn đang thể hiện rất tốt trong công việc nhưng kết quả toàn công ty có thể không tốt. Vì vậy, trong một số trường hợp, sếp có thể muốn tăng lương cho bạn nhưng hiện tại chưa thể thực hiện.
– Chính sách công ty. Có lẽ mức lương hiện tại của bạn đã ở mức cao nhất trong phạm vi lương. Hoặc thời điểm đề xuất thăng chức cho bạn chưa phải là lúc xét tăng lương theo quy định của công ty. Đôi khi, thăng chức là một cách để công ty cho bạn biết bạn đang làm tốt công việc
Xem thêm: Bỏ túi ngay 5 cách đề nghị tăng lương khéo léo, khiến sếp không thể chối từ
Thăng chức mang đến lợi ích gì?
Thông thường bạn sẽ có vị trí, chức danh tốt hơn đồng thời có thêm những nhiệm vụ, trách nhiệm mới. Khi được thăng thức, bạn có thể nhận được các dự án thú vị hoặc quan trọng và bắt đầu tập trung vào nhiệm vụ quản lý. Đây là một bước tiến trong sự nghiệp để:
Phát triển kỹ năng và trau dồi kinh nghiệm
Chức danh mới luôn đi kèm với trách nhiệm mới, do đó đây là cơ hội tốt để bạn học hỏi những kỹ năng mới, mài giũa kỹ năng mềm hiện có. Ví dụ khi thăng chức cần quản lý một nhóm nhân viên dưới quyền hạn, bạn có cơ hội học các kỹ năng lãnh đạo và trao quyền.
Ngoài ra, thông qua những va chạm thực tế, bạn hiểu rõ bản thân hơn về điểm mạnh, điểm yếu, nhu cầu, khả năng… Những điều này rất quan trọng đối với bất kỳ cá nhân nào. Càng hiểu mình, bạn càng thành công hơn.
Gặp gỡ, mở rộng mối quan hệ trong và ngoài công ty
Chấp nhận vị trí mới có nghĩa là bạn sẽ hợp tác với các đồng nghiệp mới, tham gia các cuộc họp, có nhiều cơ hội hơn để làm việc với sếp cũng như các giám đốc điều hành cấp cao khác. Ngoài ra nếu vị trí của bạn yêu cầu làm việc với khách hàng, bạn lại mở rộng thêm mạng lưới kết nối của mình. Việc kết nối, phát triển mối quan hệ cực kỳ có lợi về lâu dài và hỗ trợ rất nhiều khi hợp tác hoàn thành công việc hay xử lý các vấn đề phát sinh.
Tăng giá trị cho CV
Một trong những lợi ích giá trị nhất khi được thăng chức là giúp CV của bạn nổi bật và ấn tượng hơn đối với các nhà tuyển dụng trong tương lai. Bạn có thể sử dụng chức danh mới làm đòn bẩy để ứng tuyển vào các vai trò cấp cao ở công ty khác và đàm phán mức lương tốt hơn.
Mở rộng trải nghiệm của bản thân
Khi đảm nhiệm vị trí mới bạn có thể thực hiện các nhiệm vụ mà trước đây chưa được giao. Chẳng hạn như bạn cần đi công tác ở những tỉnh thành hay quốc gia chưa từng đến. Những trải nghiệm này sẽ mở rộng hiểu biết cũng thế giới quan và giúp bạn tập trung vào những gì thật sự muốn trong sự nghiệp. Chấp nhận thăng chức mà không tăng lương là một chiến lược dài hạn có lợi khi bạn nộp đơn xin việc mới
Xem thêm: Bài toán muôn thuở: Tăng lương hàng năm cho nhân viên thế nào mới là hợp lý?
Có nhiều đòn bẩy hơn khi yêu cầu tăng lương vào lần tới
Không tăng lương ở thời điểm này không có nghĩa là lần sau cũng không. Nếu chấp nhận thăng chức mà không tăng lương và thành công trong vai trò mới, bạn sẽ có rất nhiều minh chứng để yêu cầu tăng lương là cần thiết. Vì vậy khi đồng ý, hãy ghi lại những thành quả quan trọng mà bạn đã đạt được để trao đổi với sếp về vấn đề này.
Nên làm gì khi bạn nhận được đề nghị thăng chức không tăng lương?
Trao đổi trực tiếp với sếp hoặc nhân sự về lời đề nghị thăng chức không tăng lương
Bạn cảm thấy ngạc nhiên, thậm chí khó chịu khi được thăng chức mà không tăng lương. Không cần thiết phải chia sẻ tất cả cảm xúc với sếp hay nhân sự về việc này, nhưng đừng ngần ngại hỏi lý do, các chính sách của công ty liên quan đến thăng chức, tăng lương. Bằng cách này, bạn có thể biết lý do đằng sau lời đề nghị và thời điểm nào bạn sẽ được tăng lương.
Ngoài ra, bạn không cần đưa ra quyết định nhanh chóng. Như với một lời mời làm việc, bạn cũng cần thời gian để suy nghĩ. Do đó, nếu chưa thể quyết định ngay, hãy lịch sự chia sẻ rằng bạn sẽ trả lời sau và đưa ra thời gian cụ thể.
Tìm hiểu mức lương của các vị trí tương đương với chức danh mới
Hãy tham khảo mức lương trung bình của vị trí bạn được đề xuất để so sánh. Đồng thời biết giá trị của bản thân và đánh giá mức lương hiện tại như thế nào, có phù hợp để chấp nhận không.
Đàm phán về các phúc lợi khác khi thăng chức không tăng lương
Bên cạnh lương, các phúc lợi khác cũng quan trọng không kém như thời gian làm việc linh hoạt, ngày nghỉ có lương nhiều hơn, các chương trình đào tạo… Do đó nếu được đề nghị thăng chức mà không tăng lương thì đây là thời điểm tuyệt vời để yêu cầu các lợi ích khác. Bất kể những gì bạn đàm phán được thì cũng với mục tiêu là tạm thời chấp nhận đề nghị để có cơ hội nâng cấp CV vì lợi ích lâu dài.
Sau khi đã có đầy đủ thông tin, quyết định cuối cùng phụ thuộc vào tình huống cụ thể và liệu bạn có thấy đề nghị thăng chức nhưng không tăng lương của công ty là hợp lý hay không. Nhìn chung điều này vẫn mang lại những lợi ích nhất định khi theo một khảo sát 63% nhân viên muốn được thăng chức mà không tăng lương thay vì điều ngược lại.
Trường hợp xấu nhất là bạn bị bóc lột công sức khi thăng chức nhưng không tăng lương và không sẵn lòng thương lượng, thậm chí còn bắt ép. Nếu bạn cảm thấy công ty không minh bạch với bạn về những lo ngại về tiền lương, bạn có thể cân nhắc đến lựa chọn nghỉ việc. Vì nếu công ty không sẵn lòng đàm phán với bạn, khả năng cao họ cũng sẽ không đồng ý khi bạn muốn có thêm phúc lợi khác. Hãy tìm công ty khác tôn trọng và đánh giá cao những đóng góp của bạn. Trong trường hợp không đạt được thỏa thuận, bạn có thể lựa chọn phương án ra đi
Xem thêm: Nghệ thuật đàm phán khéo léo giúp lương cao hơn khi nhảy việc
Tạm kết
Thăng chức nhưng không tăng lương có phải là một lựa chọn tốt, chỉ có bạn mới có thể đưa ra câu trả lời xác đáng nhất. Tuy nhiên, trong quá trình đưa ra quyết định vẫn cần có những thông tin tham khảo nên làm như thế nào để thỏa đáng. Hy vọng với những chia sẻ trên của Việc Làm 24h đã giúp bạn đọc có hướng đi để giải quyết vấn đề này và có quyết định tốt nhất. Chúc các bạn thành công trên con đường sự nghiệp.
Xem thêm: Vì sao bạn chọn sai nghề? Tư vấn nghề nghiệp có cần thiết không?