Với cương vị là nhà tuyển dụng, có một khía cạnh quan trọng không thể bỏ qua – đó là khả năng đọc vị ngôn ngữ cơ thể của ứng viên. Sức mạnh của ngôn ngữ cơ thể nằm ở khả năng truyền tải những tín hiệu phi ngôn ngữ, tiết lộ nhiều thông tin quý báu về thái độ và tính cách của ứng viên. Vậy ngôn ngữ cơ thể là gì? Làm cách nào tìm hiểu ngôn ngữ cơ thể ứng viên? Trong bài viết này, Nghề Nghiệp Việc Làm 24h sẽ tiết lộ chìa khóa bí mật để đọc vị ngôn ngữ cơ thể trong phỏng vấn. Cùng theo dõi nhé!
Ngôn ngữ cơ thể là gì?
Ngôn ngữ cơ thể là kiểu giao tiếp phi ngôn ngữ, bao gồm tư thế, cử chỉ, biểu cảm khuôn mặt, ánh mắt… Ngôn ngữ cơ thể có ý nghĩa quan trọng trong giao tiếp, đặc biệt là trong các buổi phỏng vấn. Theo tiến sĩ khoa học giao tiếp và tâm lý học Ross Buck – tại Đại học Connecticut, “Ngôn ngữ cơ thể tồn tại song song với ngôn ngữ nói, nhưng bao gồm cả cảm xúc và phần lớn xảy ra ở cấp độ tiềm thức.”
Vì sao nhà tuyển dụng nên tìm hiểu ngôn ngữ cơ thể trong giao tiếp?
Ngôn ngữ cơ thể sử dụng chuyển động cơ thể và biểu cảm để diễn đạt cảm xúc tự nhiên. Việc học ngôn ngữ cơ thể có thể mang lại lợi ích cho cả ứng viên và nhà tuyển dụng. Nhiều nhà tuyển dụng thường đọc vị ngôn ngữ cơ thể của ứng viên để đánh giá thái độ, tính cách và sự tự tin trong các buổi phỏng vấn. Mặc dù ngôn ngữ cơ thể chỉ là một yếu tố trong quá trình lựa chọn ứng viên, tuy nhiên, nhiều nhà tuyển dụng thường dựa vào đó để đưa ra quyết định tuyển dụng.
Tuy nhiên, ngôn ngữ cơ thể tương đối phức tạp. Nếu ứng viên chớp mắt thường xuyên trong buổi phỏng vấn, chưa chắc đó là dấu hiệu căng thẳng, lo lắng như bạn nghĩ mà chỉ bị khô mắt do đeo kính áp tròng quá lâu? Do đó, chìa khóa để nhà tuyển dụng có thể tận dụng sức mạnh của đọc vị ngôn ngữ cơ thể chính là thấu hiểu động cơ đang thúc đẩy hành vi của ứng viên là gì.
Bí quyết đọc vị ngôn ngữ cơ thể trong phỏng vấn
Ngôn ngữ cơ thể gồm 2 loại chính: ngôn ngữ cơ thể có mục đích và ngôn ngữ cơ thể vô thức. Trong phỏng vấn, nếu một số ứng viên có thể kiểm soát ngôn ngữ cơ thể thì số còn lại thường thể hiện một số hành động, cử chỉ theo thói quen vô thức. Những hành động này có thể tiết lộ một số thông tin quan trọng về tính cách và thái độ của họ trong công việc.
Dưới đây là các loại ngôn ngữ cơ thể trong phỏng vấn mà nhà tuyển dụng cần chú ý:
1. Giao tiếp bằng mắt
Đôi mắt là một phần quan trọng của tín hiệu ngôn ngữ cơ thể. Mỗi ánh mắt sẽ bộc lộ những cung bậc cảm xúc khác nhau như tự tin, hạnh phúc cho đến khó chịu, đau đớn,… Khi duy trì ánh mắt liên tục với nhà tuyển dụng, ứng viên thể hiện sự thoải mái, thẳng thắn, tập trung và sẵn sàng tạo ra sự kết nối trong cuộc phỏng vấn.
Mặc dù một vài ứng viên có thể cố ý tiếp xúc ánh mắt trực tiếp với nhà tuyển dụng, tuy nhiên ánh mắt tự nhiên và thoải mái là cách mà những ứng viên tiềm năng thiết lập kết nối chân thành với nhà tuyển dụng. Sẽ rất khó để nhà tuyển dụng tin tưởng một ứng viên luôn lảng tránh ánh mắt hoặc đặt ánh mắt lang thang đâu đó như sau vai nhà tuyển dụng chẳng hạn.
Những ứng viên nhìn chằm chằm vào nhà tuyển dụng thể hiện hành vi tương đối thô lỗ. Hành vi đảo mắt liên tục là dấu hiệu cho thấy ứng viên khó chịu, chỉ trích và không quan tâm nội dung buổi phỏng vấn. Những người nhút nhát thường không muốn hoặc không dám giao tiếp trực tiếp bằng mắt. Tuy nhiên, việc ứng viên nhìn đi chỗ khác trong giây lát và tập trung vào mắt nhà tuyển dụng ngay lập tức thể hiện việc họ đang cố gắng suy nghĩ hoặc ghi nhớ điều gì đó.
Xem thêm: Cách giúp nhà tuyển dụng phát hiện ứng viên nói dối trong vòng đầu phỏng vấn
2. Biểu cảm trên khuôn mặt
Cách diễn đạt cảm xúc qua khuôn mặt là một trong những yếu tố quan trọng của ngôn ngữ cơ thể trong giao tiếp. Nhà tuyển dụng thường chú ý đến các biểu cảm của ứng viên trước mỗi câu hỏi được đặt ra. Từ khoé miệng nở nụ cười, cách chớp mắt, mắt mở to, mày nhăn nhẹ,… đều thể hiện những cung bậc cảm xúc khác nhau.
Một nụ cười tự nhiên thường thể hiện tâm trạng thoải mái và tự tin của ứng viên. Nếu ứng viên liên tục nở nụ cười, ánh mắt mở to và sáng ngời trong quá trình phỏng vấn có thể là dấu hiệu của sự háo hức, phấn khích trước cơ hội công việc. Nếu ứng viên chớp mắt liên tục, nụ cười gượng gạo, nhà tuyển dụng có thể đánh giá mức độ chân thật trong lời nói của ứng viên.
3. Đọc vị ngôn ngữ cơ thể qua cử chỉ tay
Một số ứng viên có sử dụng các cử chỉ tay để thể hiện sự tự tin trong việc diễn đạt ý kiến và nhấn mạnh các điểm quan trọng. Tuy nhiên, việc sử dụng cử chỉ tay quá mức thể hiện ứng viên đang lúng túng, hoảng sợ.
Đã bao giờ bạn gặp phải ứng viên thường chạm vào mặt hoặc nghịch tóc của mình chưa? Họ chỉ làm điều này khi thiếu tự nhiên, không thoải mái. Nếu ứng viên thường xoa cổ, họ đang cố an ủi bản thân và giảm bớt căng thẳng. Không tránh trường hợp các hành động này là một thói quen khi nói dối của ứng viên.
Nếu ứng viên khoanh tay trước ngực trước buổi phỏng vấn, họ đang tạo ra khoảng cách và tự vệ trước những điều bất an. Tuy nhiên đây là một phản ứng hoàn toàn tự nhiên khi gặp người lạ, nhà tuyển dụng có thể nhận thấy dấu hiệu cởi mở của ứng viên khi ứng viên bắt tay và đặt thoải mái lên bàn.
4. Bắt tay
Bắt tay là một trong những cách mà nhà tuyển dụng thường đọc vị ngôn ngữ cơ thể. Những cái bắt tay mạnh mẽ, lực vừa phải và thời gian 3 – 5 giây phù hợp thường thể hiện sự tự tin của ứng viên. Những người nhút nhát thường lo lắng khi phải bắt tay quá lâu, họ thường khá rụt rè, hời hợt khi bắt tay và cố gắng rút tay lại nhanh chóng. Nếu một ứng viên bắt tay với lực quá mạnh, đó có thể là dấu hiệu của tính cách nóng nảy, hung hăng. Sẽ thật tuyệt vời nếu cái bắt tay đi kèm với một nụ cười chân thành và ánh mắt lịch sự.
5. Tư thế cơ thể
Tư thế của ứng viên có thể thể hiện sự tập trung và quan tâm đối với vị trí công việc. Những ứng viên quan tâm thường giữ tư thế thăng bằng, hướng cơ thể về phía người phỏng vấn.
Nhà tuyển dụng có thể đọc vị ngôn ngữ cơ thể của ứng viên qua sự tự tin của tư thế ngồi. Những ứng viên thiếu tự tin thường chọn tư thế ngồi khom lưng, co rụt vai. Trong khi các ứng viên ngồi thoải mái với lưng thẳng, chuyển động vai tự nhiên, không cứng nhắc thường là người giữ được bản lĩnh tự tin trong các cuộc phỏng vấn.
Hơn nữa, tư thế ngồi nghiêng người về phía trước, hướng về nhà tuyển dụng là một dấu hiệu tích cực của ngôn ngữ cơ thể. Điều này cho thấy ứng viên đang hứng thú và quan tâm đến những điều đang được thảo luận. Tuy nhiên, nếu ứng viên di chuyển quá gần, họ có thể là người thường phản ứng quá khích trong giao tiếp. Nghiêng người về phía sau cho thấy ứng viên đang tự bảo vệ bản thân do không cảm thấy thoải mái.
6. Đọc vị ngôn ngữ cơ thể qua một số cử chỉ vô thức
Khi lo lắng, thỉnh thoảng ứng viên sẽ thể hiện một vài cử chỉ, hành động để giải tỏa căng thẳng như nghịch bút, nghịch tay, gõ mặt bàn,… Nhà tuyển dụng có thể bỏ qua những cử chỉ lo lắng ở mức độ nhẹ. Tuy nhiên, với một số công việc có yêu cầu khắt khe, ứng viên có những cử chỉ lo lắng này thường bị đánh dấu “X” nhanh chóng.
Việc liên tục liếc nhìn điện thoại hoặc đồng hồ cho thấy ứng viên dễ bị phân tâm hoặc thiếu tôn trọng buổi phỏng vấn. Khi đã đồng ý tham gia phỏng vấn với thời gian cụ thể, ứng viên nên tập trung trong suốt thời gian này.
Bên cạnh đó, mặc dù hành động thở dài thường là chức năng tự nhiên của cơ thể, tuy nhiên, việc cố ý thở dài nặng nhọc hoặc liên tục cho thấy rằng ứng viên đang mất kiên nhẫn, chán nản khi tham gia phỏng vấn. Nhà tuyển dụng chẳng cần thiết phải tốn thời gian trao đổi với những ứng viên này làm gì cả! Tuy vậy, sẽ có trường hợp những cái thở dài lại mang hàm ý tích cực. Đặt trong trường hợp ứng viên thở phào nhẹ nhõm khi kết thúc buổi phỏng vấn hoặc nếu buổi phỏng vấn diễn ra suôn sẻ chẳng hạn.
Xem thêm: 5 cách phát hiện ứng viên nói dối nhanh chóng trong quá trình phỏng vấn
Bí kíp giúp nhà tuyển dụng đọc vị ngôn ngữ cơ thể
Nhà tuyển dụng nên tìm hiểu ngôn ngữ cơ thể kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định tuyển dụng. Việc đọc vị ngôn ngữ cơ thể của ứng viên phải dựa trên các đánh giá có cơ sở. Do đó, khi diễn giải ngôn ngữ cơ thể của ứng viên, nhà tuyển dụng nên chú ý các yếu tố quan trọng sau:
Mức độ
Hãy đọc vị ngôn ngữ cơ thể của ứng viên và đánh giá dựa trên yếu tố mức độ và tần suất. Những hành vi nhỏ, không thường xuyên là những phản ứng hoàn toàn tự nhiên. Chẳng hạn như nhiều người có thói quen nháy mắt để chỉnh lại vị trí kính áp tròng chứ không phải che giấu vụng về một lời nói dối nào đó. Nếu ứng viên thể hiện những hành vi cực đoan hoặc thói quen xấu liên tục sẽ là là mối lo ngại trong tương lai. Ngược lại, nếu ứng viên thể hiện sự tự tin và ổn định trên mọi khía cạnh ngôn ngữ cơ thể, hãy cân nhắc đến các tiêu chí tiếp theo.
Thời gian
Nhà tuyển dụng nên chú ý vào thời điểm xảy ra những thay đổi trong ngôn ngữ cơ thể của ứng viên. Nếu ứng viên bất ngờ thay đổi tư thế và bắt đầu khoanh tay sau khi được hỏi về kinh nghiệm làm việc, điều này có thể cho thấy họ đang bất an. Ngược lại, nếu ứng viên mỉm cười và nghiêng người về phía trước, họ đang đặc biệt quan tâm vào câu hỏi thú vị của bạn.
Vị trí ứng tuyển
Việc đọc vị ngôn ngữ cơ thể còn phải dựa vào vị trí ứng tuyển. Các vị trí dịch vụ khách hàng thường yêu cầu ứng viên phải thể hiện ngôn ngữ cơ thể tự tin, cởi mở. Trong khi đó, các vị trí quản lý yêu cầu ngôn ngữ cơ thể toát lên bản lĩnh, quyền lực và khả năng lãnh đạo.
Kết hợp với các câu hỏi phỏng vấn
Nếu không chắc chắn trong việc đọc vị ngôn ngữ cơ thể của ứng viên, hãy đặt những câu hỏi phỏng vấn về thái độ và quan điểm của họ. Qua cách trả lời, nhà tuyển dụng có thể thấu hiểu hơn động cơ cho các hành vi của ứng viên trong phỏng vấn.
Đọc vị ngôn ngữ cơ thể là một trong những cách giúp nhà tuyển dụng đánh giá sự chuyên nghiệp của ứng viên. Tuy nhiên, bạn không phải là một chuyên gia tâm lý để chắc chắn rằng ngôn ngữ cơ thể của ứng viên sẽ quyết định trực tiếp đến năng lực của họ trong công việc. Hãy xem xét toàn bộ các yếu tố về năng lực, kỹ năng mềm, kinh nghiệm và kết hợp với cách đọc vị ngôn ngữ cơ thể của ứng viên để đưa ra quyết định tuyển dụng đúng đắn.
Kết luận
Khả năng đọc vị ngôn ngữ cơ thể có thể giúp nhà tuyển dụng hiểu rõ hơn về tính cách và thái độ ứng viên. Tìm hiểu ngôn ngữ cơ thể trong phỏng vấn là chìa khóa quan trọng giúp bạn đưa ra quyết định đúng đắn trong quá trình tuyển dụng và tìm kiếm nhân tài phù hợp cho công ty. Hy vọng rằng bài viết trên của Nghề Nghiệp Việc Làm 24h đã giúp bạn biết cách lắng nghe và giải mã “tiếng nói” cơ thể của ứng viên, nhờ đó nâng cao chất lượng quá trình giao tiếp chuyên nghiệp hơn.
Ngoài ra, đừng quên follow trang LinkedIn của Việc Làm 24h để có thể học hỏi thêm những kỹ năng tuyển dụng và cập nhật các thông tin mới nhất về thị trường lao động nhé!
Xem thêm: 3 bước lập kế hoạch tuyển dụng nhân sự hiệu quả cho doanh nghiệp