GS-TS Trương Nguyện Thành, Hiệu phó Đại học Hoa Sen được biết đến với câu chuyện từ một cậu bé làm ruộng trở thành giáo sư nổi tiếng ở Mỹ. Gần đây, ông được biết đến khi diện quần đùi áo may ô đứng lớp để giúp học trò cởi bỏ những định kiến đang trói buộc tư duy.
Không ai thành công hoài
Khi đọc câu chuyện thủ khoa phải về quê chăn lợn, đợi đến kỳ thi công chức để thi tuyển nhưng chưa được, hiệu phó Đại học Hoa Sen bày tỏ sự tiếc rẻ: “Giới trẻ bây giờ thông minh, chịu khó học nhưng lại thiếu đi sức phấn đấu, thiếu cái nhìn sự việc đúng đắn, thiếu đánh giá tương lai chuẩn xác. Tôi thấy các em sinh viên đang ảo tưởng về một tương lai không có thực”.
Ông cho rằng một phần lỗi nằm ở truyền thông khi cứ thổi phồng thành quả của người thành công mà biết bao cái thất bại ở sau lưng thì lại không nói đến. “Ở những xã hội khác, cộng đồng khuyến khích bạn trẻ làm tốt hơn hằng ngày. Họ tập trung vào khuyến khích lúc người trẻ ngã, chứ không để ý quá nhiều đến chuyện thành công”, ông nói.
“Trên đời không ai thành công hoài. Những người rất giỏi thường gặp thất bại ở đường gia đình, vì bản thân họ không có khả năng phát triển quan hệ giữa con người với con người. Người siêu giỏi cũng không có nhiều cơ hội để phát triển mình hơn nữa do tâm lý, áp lực”, hiệu phó Đại học Hoa Sen nói.
Người siêu giỏi khó xin việc
Nhà tuyển dụng không chỉ vì điểm số, thậm chí còn gạt bỏ tiêu chí đó. Họ sẽ ngồi nói chuyện và tiếp xúc với ứng viên để xem trình độ về ứng xử, độ già dặn, kỹ năng mềm của người đó ra sao. Một nhân viên mới ham học, ham tìm hiểu thì chỉ trong vòng 3 năm có thể vượt xa trình độ thủ khoa không chịu học. Người tuyển dụng luôn nghĩ chuyện đường dài, không nghĩ đến vấn đề của hiện tại.
Hiệu phó Đại học Hoa Sen cho rằng: “Nhà tuyển dụng rất ngại mướn những bạn siêu giỏi. Nhà tuyển dụng sẽ luôn xem xét cách bạn giải quyết vấn đề. Những người giỏi sẽ hay có suy nghĩ nếu thử cái này lỡ nó thất bại thì sao? Họ là những người rất sợ thất bại vì thất bại là một thứ gì đó lớn lao lắm. Họ chịu không được cảm giác đó”.
Đừng chọn việc vì vật chất hay lương bổng
Theo GS-TS Trương Nguyện Thành thì thông minh, học giỏi không phải là yếu tố thành công trên đường dài. Giáo dục nên khuyến khích chuyện học và phát triển một người trẻ theo hướng toàn diện: kiến thức chuyên môn, ứng xử, giao tiếp, giải quyết vấn đề, tâm lý ổn định, cái nhìn xã hội đúng đắn, cách phân tích vấn đề chững chạc.
Nói về việc nhiều sinh viên đại học đi chạy Grab. Hiệu phó Đại học Hoa Sen cho rằng chạy Grab để trang trải tiền nhà, mua ổ bánh mì thịt ăn thì không sao. Thời gian còn lại, nên dùng để đi tìm cơ hội cho tương lai chứ không phải trông cậy đồng tiền của Grab để mà sống và cam chịu số phận.
“Kiến thức mà sinh viên học ngày hôm nay, 5 năm nữa chưa chắc xã hội cần. Bạn trẻ buộc phải có khả năng thay đổi nhanh chóng để đi trước, đón đầu nếu không muốn bị loại bỏ”, hiệu phó Đại học Hoa Sen nói.
Đừng sợ việc khó
“Nơi nào khó khăn nhất, nơi đó có nhiều cơ hội nhất. Càng khó khăn, càng có ít người có khả năng giải quyết xông pha. Mà mình dám làm thì mình có nhiều cơ hội để thể hiện. Trong khi đó giới trẻ lại sợ khó khăn, sợ những công việc khó. Công việc dễ, lương cao, nhàn, an toàn… những cái đó là dành cho những ông già như tôi làm”, GS-TS Trương Nguyện Thành chia sẻ.
Theo Trí Thức Trẻ