Các nhà lãnh đạo thường áp dụng nhiều phong cách khác nhau trong việc giám sát cũng như quản lý nhân viên. Trong đó học thuyết X, Y, Z được sử dụng như điểm tham chiếu cho các cách tiếp cận đối với vấn đề về quản lý và tổ chức nguồn nhân lực. Học thuyết X, Y, Z là gì, áp dụng như thế nào? Hãy cùng Nghề Nghiệp Việc Làm 24h khám phá về chủ đề này qua bài viết dưới đây.
Học thuyết X, Y, Z là gì?
Học thuyết X, Y, Z là các học thuyết quản lý được xây dựng dựa trên nhiều giả định về bản chất con người để đưa ra những phương pháp quản lý khác nhau. Trong đó, học thuyết X và Y được phát triển bởi Douglas McGregor vào những năm 1950 – 1960 giúp các nhà quản lý nhận thức và giải quyết động lực của nhân viên. Học thuyết Z được phát triển bởi giáo sư William Ouchi, là mô hình có sự kết hợp giữa thực tiễn quản lý phương Đông và phương Tây.
Học thuyết X
Học thuyết X được McGregor xây dựng dựa trên quan điểm truyền thống về bản chất con người đó là lười biếng, không thích làm việc và chỉ làm việc khi bị ép buộc. Do đó cần có sự kiểm soát chặt chẽ từ người quản lý để hoàn thành công việc. Các nhà lãnh đạo theo học thuyết X thường có những giả định về nhân viên như:
– Không thích công việc, trốn tránh trách nhiệm bất cứ khi nào có thể.
– Phải bị kiểm soát, ép buộc mới có thể làm việc tốt.
– Hầu hết đều ít có khả năng sáng tạo trong việc giải quyết vấn đề và không thích sự thay đổi.
– Động lực chỉ xảy ra ở cấp độ nhu cầu sinh lý và an toàn trong tháp Maslow.
– Không có nhiều tham vọng, động lực làm việc, cần phải đưa ra phần thưởng để thu hút nhân viên.
Học thuyết X giả định rằng nguồn động lực chính của nhân viên là tiền bạc sau đó là sự an toàn và nhà quản lý có thể áp dụng cách tiếp cận cứng rắn hoặc mềm mỏng để đạt được kết quả.
Cách tiếp cận cứng rắn để tạo động lực dựa vào sự ép buộc, quản lý vi mô, kiểm soát chặt chẽ. Ngược lại, cách tiếp cận mềm mỏng được xem là dễ dãi, tìm kiếm sự hòa hợp với hy vọng rằng nhân viên sẽ hợp tác khi được yêu cầu. Tuy nhiên, cả hai thái cực này đều không tối ưu. Cách tiếp cận cứng rắn dẫn đến sự thù địch, hiệu suất thấp, còn thái cực mềm mỏng tạo ra mong muốn phần thưởng lớn hơn.
Hiện tại, mặc dù cách quản lý theo học thuyết X gần như đã không còn hợp thời nhưng nhiều tổ chức vẫn áp dụng nếu phù hợp với tình hình doanh nghiệp.
Học thuyết Y
Các nhà quản lý theo học thuyết Y có quan điểm tích cực về nhân viên và sử dụng phong cách lãnh đạo phân quyền. Điều này khuyến khích mối quan hệ hợp tác dựa trên sự tin cậy giữa người quản lý và các thành viên trong nhóm. Từ đó mỗi người đều có ý thức trách nhiệm cao và nhà quản lý khuyến khích họ phát triển kỹ năng. Phong cách quản lý này giả định nhân viên có xu hướng:
– Hạnh phúc khi được làm việc theo cách riêng.
– Tham gia nhiều hơn vào việc ra quyết định.
– Tự động viên bản thân hoàn thành nhiệm vụ.
– Tận hưởng việc làm chủ công việc.
– Tìm kiếm, chấp nhận thử thách trong công việc và cần ít sự hướng dẫn.
– Giải quyết vấn đề sáng tạo.
Học thuyết này dần phổ biến hơn trong các tổ chức, phản ánh mong muốn ngày càng tăng của nhân viên về công việc có ý nghĩa, mang lại nhiều điều hơn chỉ là tiền. Nếu học thuyết Y đúng, tổ chức có thể áp dụng các nguyên tắc quản lý khoa học sau đây:
– Phân cấp và ủy quyền.
– Mở rộng công việc.
– Đưa hướng dẫn cho nhân viên tự hoàn thành công việc.
– Để nhân viên tham gia vào quá trình đặt mục tiêu và tự đánh giá hiệu suất.
Học thuyết Z
Mặc dù sinh ra và thừa hưởng nền giáo dục ở Mỹ nhưng Ouchi là người gốc Nhật Bản và đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu cách tiếp cận của các nhà lãnh đạo Nhật. Kết quả là lý thuyết Z ra đời với sự kết hợp những thực tiễn quản lý tốt nhất của phương Đông và phương Tây. Ouchi cũng đưa ra những lợi ích của học thuyết Z như giảm tỷ lệ luân chuyển nhân viên, tăng cường cam kết, cải thiện tinh thần và sự hài lòng trong công việc cũng như tăng năng suất.
Học thuyết này nhấn mạnh sự cần thiết phát triển nhân viên theo chiều ngang. Luân chuyển công việc, đào tạo liên tục được xem là giải pháp để nâng cao kiến thức về các quy trình của công ty đồng thời phát triển nhiều kỹ năng và khai phá tiềm năng của nhân viên. Học thuyết Z cũng đưa ra những giả định về nhân viên, đó là:
Đầu tiên, họ tìm cách xây dựng mối quan hệ hợp tác lành mạnh với đồng nghiệp, mong muốn tạo ra những liên kết tích cực ở môi trường làm việc.
Tiếp đến là nhân viên mong đợi sự có đi có lại và hỗ trợ từ công ty. Họ muốn duy trì sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống.
Thứ ba, dưới sự quản lý của học thuyết Z, nhân viên không chỉ có ý thức gắn kết với đồng nghiệp mà còn phát triển ý thức về kỷ luật và nghĩa vụ làm việc chăm chỉ.
Cuối cùng, học thuyết Z giả định rằng, nhân viên sẽ an tâm thực hiện công việc với năng suất tối đa khi có chính sách phúc lợi tốt cho họ và gia đình.
Xem thêm: 5 bí quyết cải thiện mức độ hài lòng, tạo niềm vui làm việc cho nhân viên
Sự khác biệt giữa lý thuyết X, Y, Z
Sự khác biệt giữa 3 học thuyết này là giả định của nhà quản lý về nhân viên, trong đó:
– Học thuyết X cho rằng nhân viên đều không thích làm việc nên cần được giám sát và thúc đẩy bằng phần thưởng.
– Học thuyết Y đưa ra góc nhìn nhân văn hơn, cho rằng nhân viên xem công việc như một phần của cuộc sống. Họ sử dụng khả năng sáng tạo để giải quyết vấn đề, tìm kiếm cơ hội mới, đồng thời đạt hiệu suất tốt nhất khi được tự do làm việc thay vì có sự chỉ đạo liên tục từ cấp trên.
– Học thuyết Z là sự kết hợp của hai mô hình trên, nghiêng về học thuyết Y hơn vì tập trung vào sự gắn bó với công ty, quản lý linh hoạt và quan tâm mạnh mẽ đến hạnh phúc, phúc lợi của nhân viên.
Ưu nhược điểm của học thuyết X, Y, Z
Học thuyết X | Học thuyết Y | Học thuyết Z | |
Ưu điểm | – Dễ áp dụng. – Hiệu quả trong thời gian ngắn. – Phù hợp với doanh nghiệp có dây chuyền sản xuất. | – Tạo điều kiện để nhân viên phát huy khả năng của mình. – Thúc đẩy sự sáng tạo và đổi mới. – Phù hợp với các doanh nghiệp có quy mô lớn, sản xuất hiện đại. | – Tạo môi trường làm việc gắn kết, hài hòa. – Tăng sự trung thành, sự hài lòng của nhân viên. – Phù hợp với các doanh nghiệp có quy mô lớn, văn hóa doanh nghiệp mạnh. |
Nhược điểm | – Gây ra căng thẳng, bất mãn cho nhân viên. – Dễ dẫn đến sự thụ động, trì trệ. | – Không áp dụng trong thời gian ngắn. – Đòi hỏi nhà quản lý có kỹ năng và kinh nghiệm lãnh đạo tốt. | – Khó áp dụng trong thời gian ngắn. – Yêu cầu nhà quản lý phải có tầm nhìn và chiến lược dài hạn. |
Khi nào nên áp dụng học thuyết X, Y, Z?
Hầu hết các nhà quản lý có thể sử dụng kết hợp 2 hay 3 học thuyết trên nhưng đa số sẽ nghiêng về học thuyết này hơn học thuyết kia một cách tự nhiên. Mỗi phong cách quản lý đều thúc đẩy động lực của nhân viên nhưng sự thành công sẽ phụ thuộc phần lớn vào nhu cầu, mong muốn của nhóm cũng như mục tiêu của tổ chức.
Bạn có thể sử dụng phong cách quản lý theo học thuyết X cho những nhân viên mới cần nhiều hướng dẫn hoặc trong tình huống đòi hỏi bạn phải nắm quyền kiểm soát, ví dụ giai đoạn khủng hoảng. Tuy nhiên, không nên áp dụng đối với nhóm có kinh nghiệm và đã quen với cách làm việc tự do vì sẽ gây mất động lực.
Hoàn cảnh cũng ảnh hưởng không ít đến phong cách quản lý. Ví dụ, học thuyết X thường phổ biến hơn trong các nhóm có sự lặp đi lặp lại của công việc và hướng đến mục tiêu. Còn học thuyết Y lại được ưa chuộng bởi các tổ chức có cấu trúc phẳng, trong đó những nhân viên ở cấp thấp sẽ tham gia vào quá trình ra quyết định.
Đối với học thuyết Z, việc áp dụng tất cả các nguyên tắc có thể không thực tế. Tuy nhiên sẽ hữu ích khi tổ chức có những yếu tố như:
Triết lý và văn hóa doanh nghiệp vững mạnh
Các công ty theo học thuyết Z thường có văn hóa doanh nghiệp mạnh giúp tạo ra lòng trung thành và ý thức về bản sắc doanh nghiệp.
Khuyến khích nhân viên gắn bó dài hạn
Thật không thực tế khi mong đợi các thành viên trong nhóm gắn bó với công ty suốt đời. Tuy nhiên, điều quan trọng là cần có các chương trình đào tạo để giúp nhân viên học hỏi, phát triển chuyên nghiệp.
Xem thêm: 5 bí quyết làm sếp khiến nhân viên tâm phục, muốn gắn bó lâu dài với công ty
Quan tâm đến hạnh phúc, phúc lợi của nhân viên
Nhân viên có cảm thấy hài lòng không, họ có đảm nhiệm những vai trò phù hợp nhất với khả năng của mình không? Trách nhiệm của nhà lãnh đạo nói riêng và tổ chức theo học thuyết Z nói chung là cần đảm bảo nhân viên hạnh phúc, khỏe mạnh.
Ưu tiên sự đồng thuận trong các quyết định
Việc để mọi người cùng tham gia vào quá trình ra quyết định không phải lúc nào cũng thực tế. Nhưng cần đảm bảo việc khuyến khích nhân viên tự giải quyết vấn đề và nhà lãnh đạo chỉ cần hướng dẫn nhân viên đi đúng hướng khi họ cần hỗ trợ.
Trách nhiệm cá nhân
Doanh nghiệp ghi nhận những đóng góp của cá nhân nhưng không tách biệt với đội nhóm.
Các học thuyết X, Y, Z đều có những quan điểm khác nhau về bản chất con người, từ đó dẫn đến cách tiếp cận về nguồn nhân lực sao cho phù hợp trong từng môi trường và hoàn cảnh. Với bài viết trên, hy vọng bạn đọc đã hiểu hơn về học thuyết X, Y, Z. Đừng quên theo dõi blog của Vieclam24h.vn để đón đọc những chủ đề mới nhất nhé!
Ngoài ra, đừng quên follow trang LinkedIn của Vieclam24h.vn để có thể học hỏi thêm những kỹ năng tuyển dụng và cập nhật các thông tin mới nhất về thị trường lao động nhé!
Xem thêm: DEI là gì? Cách ứng dụng DEI để xây dựng văn hóa doanh nghiệp