Nhân viên không được công nhận
Rất nhiều nhân viên tâm sự rằng lý do khiến họ không muốn tiếp tục công việc và thường xuyên đăng CV trên các trang tìm việc để có việc mới là do cảm giác không được sếp hay đồng nghiệp công nhận khả năng của mình. Họ đã rất cố gắng để thể hiện bản thân, nhưng không ai nhận thấy. Điều này khiến họ bị hụt hẫng và mất hứng thú với công việc hiện tại.
Nhiều nghiên cứu thực hiện tại Úc chỉ ra rằng có đến 55,3% lực lượng lao động cảm thấy không được công nhận và 49% người trong số đó sẽ rời bỏ công việc để tìm một nơi xứng đáng hơn.
Do đó, ở vị trí là một nhà lãnh đạo thay vì cố gắng tìm kiếm lỗi sai để trách mắng nhân viên, bạn hãy thử nhìn nhận những thành tích, đóng góp và tạo động lực bằng cách khen ngợi, nói lời cảm ơn… họ trước toàn thể công ty.
Thiếu sự kết nối tại nơi làm việc
Khi quy trình làm việc trong công ty thiếu khoa học, nhân viên thiếu sự kết nối, họ sẽ có cảm giác bị bỏ rơi. Điều này có thể xảy ra giữa nhân viên với sếp, giữa những người đồng nghiệp với nhau, hoặc có những mâu thuẫn trong quy trình làm việc.
Bạn nên xây dựng một hệ thống làm việc gắn kết hơn (tạo ra các cuộc trò chuyện nhóm, trả lời email trong 24 giờ…), xây dựng các chủ đề để các nhân viên được bàn luận, tạo điều kiện để tất cả các nhân viên chia sẻ ý kiến với nhau. Điều này không chỉ hỗ trợ công việc trở nên hiệu quả hơn mà còn giúp các nhân viên tự tin hơn, có sự kết nối giữa các thành viên công ty với nhau.
Họ không nhìn thấy tương lai nếu tiếp tục ở công ty
Một trong những lý do khiến nhân viên của bạn nghỉ việc là vì họ không thấy tương lai cho chính họ trong công ty. Nếu nhân viên của bạn không đặt được mục tiêu mà họ muốn hướng đến cũng như họ cảm thấy sẽ không thể phát triển bản thân ở môi trường này, sẽ rất dễ chán nản. Đó là một dấu hiệu cho thấy công việc của họ có thể sẽ đi vào ngõ cụt. Nhân viên cần nhìn thấy bản thân họ sẽ trưởng thành ra sao và tiến bộ ở nơi làm việc như thế nào. Bạn phải cho họ thấy điều đó.
Do đó, bạn hãy tạo điều kiện để nhân viên của bạn có cơ hội thăng tiến. Khi nhân viên nhận ra họ được học hỏi và phát triển, họ sẽ nỗ lực ở lại với công ty để đạt được mục tiêu mong muốn. Hơn nữa, hãy thường xuyên khuyến khích nhân viên đánh giá công việc để họ biết mình đã làm tốt điều gì và cần cải thiện những gì.
Thiếu thách thức
Không có gì tệ hơn là ngồi ở bàn làm việc cả ngày nhưng lại không tạo ra được thành quả gì đáng kể. Tất cả công việc nằm trong một chu kỳ đơn điệu, nhân viên lặp lại các nhiệm vụ tương tự mỗi ngày và không có động lực để làm tốt công việc của họ.
Nếu không muốn mình phải vất vả để đăng tin tuyển dụng thì bạn nên tạo ra những “nấc thang” trong công việc, khi nhân viên vượt qua thử thách này, hãy hướng họ tới một giá trị cao hơn. Tuy nhiên, hãy sắp xếp một cách khoa học, để họ cảm thấy đây là một cuộc hành trình thú vị và họ luôn có động lực để vượt qua mỗi ngày.
Nhân viên làm việc quá sức
Nghiên cứu mới từ Stanford cho thấy năng suất giảm mạnh nếu nhân viên làm việc vượt quá 50 giờ mỗi tuần và sẽ giảm rất nhiều nếu thời gian làm việc là 55 giờ.
Làm việc quá sức cũng là một trong những lí do khiến nhân viên nghỉ việc nhiều nhất. Điều này còn khiến các nhân viên cảm thấy công việc giống như một gánh nặng với họ.
Nếu bạn phải tăng khối lượng công việc mà nhân viên của bạn đang làm, bạn cũng cần phải tăng vị trí của họ. Nhân viên sẽ đảm nhận một khối lượng công việc lớn hơn, nhưng họ sẽ có được cấp bậc cao hơn và mức lương tốt hơn, điều này sẽ trở thành động lực với họ.
Công ty bạn hiện tại có đang quan tâm đến tỷ lệ nghỉ việc của nhân viên và đặt câu hỏi tại sao chưa? Nếu chưa, hãy thực hiện điều này ngay bây giờ. Đừng bỏ lỡ bất cứ nhân viên xuất sắc nào. Hãy nhớ rằng, nếu bạn không cố gắng thì dù cho một nhân viên có trách nhiệm đến đâu cũng khó có thể không suy nghĩ đến chuyện rời đi.