Để hiểu rõ hơn về việc xây dựng văn hóa công ty và làm cho nhân viên gắn bó, đoàn kết thì Việc Làm 24h xin lấy một ví dụ như sau.
Một công ty có tổng nhân sự hơn 100 người. Họ quan tâm đến việc xây dựng văn hóa công ty, truyền thông nội bộ và đang tuyển nhân sự để lo tốt vấn đề này. Thông tin tuyển dụng yêu cầu nhân sự phụ trách và quản lý thương hiệu xây dựng kế hoạch và thực hiện truyền thông nội bộ, xây dựng mối quan hệ với truyền thông, thu thập và phân tích nghiên cứu thị trường về truyền thông, xử lý khủng hoảng truyền thông,…
Nhưng chủ yếu công ty này muốn tuyển nhân sự làm tốt việc truyền thông nội bộ, xây dựng văn hóa công ty giúp gắn kết nhân viên. Yêu cầu là nhân sự trẻ, nhiệt huyết, biết làm MC, khuấy động phong trào, biết đàn hát,…Hàng năm, công ty này đều tổ chức khá nhiều hoạt động phong trào để gắn kết nhân viên của mình lại.
Tuy nhiên, kết quả vẫn không được như mong đợi. Nhân viên vẫn không gắn bó với nhau à với tổ chức hơn trước. Nhiều hoạt động thiết thực là thế nhưng công ty trên vẫn không xây dựng được văn hóa công ty, không làm nhân viên gắn bó, đoàn kết. Thật vậy, văn hóa của một công ty, sự gắn bó của các thành viên với công ty và nhân viên với nhau phải được thực hiện từ những hoạt động chiều sâu chứ không phải những hoạt động bề nổi. Bên cạnh những hoạt động ngoại khóa để kéo gần nhân viên lại với nhau hơn thì một số hoạt động chiều sâu khác đem đến sự thỏa mãn về nhu cầu làm việc của nhân viên cao hơn.
Đãi ngộ
Chính sách đãi ngộ nhân sự phải làm nhân sự thực sự muốn gắn bó lâu dài, thậm chí cả đời với doanh nghiệp. Công việc, thu nhập, lộ trình phát triển cho mỗi vị trí đều phải phù hợp. Nếu nhân sự không thể làm quản lý, thì có thể làm chuyên viên các cấp độ, có đãi ngộ tương xứng với năng lực,…
Xây dựng theo chiều sâu
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Mỹ rất chú trọng đến việc xây dựng văn hóa công ty. Vì họ cho rằng đó chính là chìa khóa cho sự phát triển bền vững và lâu dài.
Văn hóa công ty cần được xây dựng theo chiều sâu. Đó là trách nhiệm của một nhóm người, sự tham gia của ban lãnh đạo doanh nghiệp. Người đứng đầu doanh nghiệp là người hiểu rõ nhất cần phải xây dựng như thế nào và có thể truyền cảm hứng về điều đó.
Giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, xây dựng văn hóa công ty được toàn thể nhân sự góp ý, thống nhất, liên tục thể hiện ở bên trong, cũng như bên ngoài doanh nghiệp. Nhân sự của công ty được kết nối với nhau bằng chính giá trị cốt lõi đó. Trong các phòng ban, nhân sự gắn bó và quan tâm tới nhau như một gia đình.
Chi nhánh và trụ sở
Xây dựng văn hóa công ty là sự kết nối những chi nhánh có cùng chung hệ giá trị, cách hành xử với trụ sở. Nhân sự ở rất nhiều chi nhánh có khoảng cách địa lý cách xa nhau, thì khi gặp gỡ, làm việc với nhau cũng không có khoảng cách. Mỗi nhân viên là một thành viên của một đại gia đình, là đại sứ thương hiệu, là nhân viên bán hàng, chăm sóc khách hàng của công ty…
Doanh nghiệp nào cũng nên có sổ tay văn hóa, giới thiệu về các thành viên, những kỷ niệm với quá trình phát triển của công ty, hoạt động của các phòng ban, những khó khăn thuận lợi, những mong muốn trong việc hợp tác, sáng tạo, định hướng phát triển của ban lãnh đạo,…Những hỗ trợ doanh nghiệp dành cho nhân sự như bán cổ phần, cho vay tiền để mua nhà an cư lập nghiệp, chữa bệnh cũng nên được khuyến khích.
Chú ý những điều nhỏ nhặt nhất
Nói đến văn hóa, thì cần phải chú ý đến xây dựng văn hóa công ty một cách nhân văn từ những điều nhỏ nhất trở đi. Đừng sử dụng hình ảnh hay bất cứ một thứ gì gây vướng khúc trong lòng công chúng, khách hàng ví dụ như việc từ thiện để PR thương hiệu nhưng lại làm không đến nơi đến chốn và làm cho có.
Theo Nhịp sống kinh tế