Brand Loyalty là gì và tại sao quan trọng trong kinh doanh? Đó là câu hỏi mà nhiều doanh nghiệp đang tìm kiếm để giữ chân khách hàng cũ, thu hút khách hàng mới, đồng thời tăng doanh số bán hàng và nâng cao danh tiếng thương hiệu. Tuy nhiên, việc xây dựng Brand Loyalty không phải là điều dễ dàng. Trong bài viết dưới đây của Nghề Nghiệp Việc Làm 24h, chúng ta sẽ tìm hiểu khái niệm Brand Loyalty là gì và các bước quan trọng để khách hàng trở nên trung thành với thương hiệu.
Brand Loyalty là gì?
Brand Loyalty là sự trung thành của khách hàng đối với thương hiệu, khi khách hàng tin tưởng và luôn sẵn sàng lặp đi lặp lại hành vi mua sắm sản phẩm hoặc sử dụng dịch vụ của thương hiệu thay vì các đối thủ cạnh tranh khác trên thị trường.
Brand Loyalty giúp xác định mức độ thành công của thương hiệu khi biến sự trung thành trong hành vi mua hàng trở thành mối liên hệ cảm xúc lâu dài và bền vững giữa doanh nghiệp và khách hàng. Ví dụ cụ thể về Brand Loyalty chính là việc bạn sẽ chẳng thể nào bắt một tín đồ Apple “tậu” cho mình một em Samsung hoặc ngược lại, đã là “fan cứng” thì chẳng thể nào vứt bỏ Samsung để mua “quả táo cắn dở” cả.
Xem thêm: Brand Strategy là gì? Tiết lộ 7 bước xây dựng chiến lược thương hiệu thành công
Tầm quan trọng của Brand Loyalty đối với thương hiệu
Trong kinh doanh, so với việc duy trì chăm sóc khách hàng thân thiết, doanh nghiệp phải tốn chi phí gấp 3 – 5 lần cho việc tìm kiếm khách hàng mới. Brand Loyalty giúp doanh nghiệp thiết lập thương hiệu “top-of-mind” trong lòng khách hàng. Khách hàng sẽ nghĩ ngay đến doanh nghiệp khi muốn mua bất kỳ sản phẩm, dịch vụ liên quan. Hơn nữa, khách hàng thường có xu hướng sử dụng hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ khác nhau từ thương hiệu mà họ yêu thích. Chẳng hạn như, “fan cứng” của Apple thường có xu hướng sử dụng iPhone, iPad, Macbook, iMac, Apple Watch,…
Bên cạnh đó, khách hàng trung thành thường giới thiệu và chia sẻ lợi ích khi sử dụng sản phẩm, dịch vụ của thương hiệu mà họ ưa chuộng đến những người xung quanh. Brand Loyalty chính là “tài nguyên quý giá” mở ra cơ hội giúp doanh nghiệp giữ chân khách hàng hiện tại, thu hút khách hàng mới và giảm chi phí tối đa dành cho các chiến lược tiếp thị sản phẩm, dịch vụ. Đặc biệt, Brand Loyalty giúp xây dựng và củng cố danh tiếng thương hiệu, mang đến cơ hội thành công và phát triển lâu dài trong bối cảnh nhiều cạnh tranh hiện nay.
Các mức độ brand loyalty
1. Nhận diện thương hiệu (Brand Awareness)
Đây bước đầu tiên giúp doanh nghiệp phát triển lòng trung thành của khách hàng. Khách hàng sẽ ấn tượng với thương hiệu sau khi tiếp xúc với thương hiệu liên tục và đều đặn. Khi có nhu cầu về sản phẩm, dịch vụ, khách hàng sẽ nhớ đến thương hiệu đầu tiên.
Do đó, các chiến lược Marketing được đầu tư trên các kênh phù hợp và nhắm đúng đối tượng khách hàng mục tiêu sẽ giúp doanh nghiệp truyền tải câu chuyện thương hiệu và tiếp cận khách hàng nhanh chóng.
Xem thêm: Brand Awareness là gì? 15 bí kíp tăng giúp tăng Brand Awareness nhanh chóng
2. Ưa chuộng thương hiệu (Brand Preference)
Khách hàng thường ưu tiên thương hiệu khi đã thiết lập mức độ ưa chuộng nhất định. Để làm được điều này, doanh nghiệp phải khéo léo xây dựng “tình cảm” của khách hàng bằng các chiến lược Marketing nâng cao bản sắc thương hiệu.
3. Khẳng định thương hiệu (Brand Insistence)
Đây là mức độ trung thành cao nhất của khách hàng mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng muốn đạt được. Mức độ này cho thấy tâm trí khách hàng đã đồng điệu với doanh nghiệp, thương hiệu của bạn luôn thường trực trong tâm trí khách hàng. Nếu doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ chất lượng và mang đến trải nghiệm mua sắm tốt, khách hàng sẽ sẵn sàng chia sẻ về thương hiệu đến những người xung quanh.
Tiết lộ các bước xây dựng brand loyalty
Bước 1: Chiến lược thương hiệu chuyên nghiệp
Để có được lòng trung thành của khách hàng, doanh nghiệp cần xác định chiến lược thương hiệu. Kế hoạch phát triển thương hiệu dài hạn tập trung vào những giá trị cốt lõi cho sản phẩm, dịch vụ sẽ giúp doanh nghiệp cạnh tranh hiệu quả với các đối thủ trên thị trường và thu hút khách hàng tiềm năng.
Càng chuyên nghiệp trong thiết lập chiến lược, doanh nghiệp càng để lại ấn tượng đặc biệt cho khách hàng.
Bước 2: Định vị thương hiệu rõ ràng
Sau khi xác định chiến lược phát triển thương hiệu dài hạn, doanh nghiệp cần định hình rõ nhận thức của thị trường về doanh nghiệp. Để làm điều này, cần thực hiện một số bước như khảo sát các chiến lược Marketing hoặc Sales trước đây đã được khách hàng đón nhận hay chưa, và tìm hiểu khách hàng đánh giá thế nào về thương hiệu. Sau khi hoàn tất việc tiến hành nghiên cứu và đánh giá thị trường, doanh nghiệp sẽ có được cái nhìn tổng quan về mức độ nhận diện của thương hiệu trong lòng khách hàng.
Bước 3: Định hình tính cách và phẩm chất thương hiệu
Bước tiếp theo là định hình tính cách của thương hiệu qua việc đặt tên thương hiệu, slogan, thiết kế logo,… mang ý nghĩa đặc trưng, khiến cho khách hàng luôn nhớ đến khi nghĩ đến thương hiệu. Thường thì khách hàng có xu hướng cảm thấy gần gũi và tin tưởng những thương hiệu thể hiện phẩm chất, tính chất rõ ràng.
Bước 4: Bật mí câu chuyện thương hiệu
Để truyền tải câu chuyện thương hiệu (Brand Story), không đơn thuần chỉ là miêu tả các tính năng và công dụng của sản phẩm, dịch vụ một cách khô khan, mà còn là phải tạo ra một câu chuyện đầy bất ngờ, kích thích và truyền tải ý nghĩa sâu sắc.
Bước 5: Đánh giá lại tên thương hiệu
Để xây dựng lòng trung thành của khách hàng, việc đánh giá tên thương hiệu rất quan trọng.
Chẳng hạn như cách mà Nike đặt tên thương hiệu, “Nike” được lấy cảm hứng từ tên của thần Hy Lạp Nike, người được coi là nữ thần chiến thắng và thành công. Tên thương hiệu này gợi lên hình ảnh của sức mạnh, sự nhanh nhẹn và chiến thắng, góp phần tạo ra một thương hiệu có sức ảnh hưởng to lớn đến các vận động viên và người hâm mộ thể thao.
Tuy nhiên, việc tìm kiếm tên thương hiệu vừa ngắn gọn, đơn giản nhưng vẫn chứa đựng ý nghĩa cốt lõi của thương hiệu không phải là điều dễ dàng. Do đó, doanh nghiệp cần đánh giá lại tên thương hiệu kỹ lưỡng để xem mức độ phù hợp và sự nhận diện của tên thương hiệu trên thị trường.
Bước 6: Xây dựng cộng đồng “fan cứng” và giữ chân khách hàng
Nếu muốn thương hiệu trở nên phổ biến và được yêu thích hơn trên thị trường, việc tạo dựng cộng đồng, xây dựng mối quan hệ thân thiết và giữ chân khách hàng là điều không thể bỏ qua. Một cộng đồng “fan cứng” sẽ giúp thương hiệu của bạn tăng lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ khác trên thị trường.
Nike đã tạo ra sự tương tác và liên kết với khách hàng thông qua ứng dụng Nike Training Club (NTC) miễn phí cho phép người dùng truy cập vào các chương trình tập luyện của Nike, dễ dàng kết nối, chia sẻ, cảm nhận và cổ vũ lẫn nhau.
Qua ứng dụng NTC, Nike đã tạo ra một cộng đồng khách hàng trung thành, những người đam mê tập luyện và thể thao, cảm thấy rằng họ không chỉ mua sản phẩm của Nike mà còn là trải nghiệm cùng Nike. Việc xây dựng cộng đồng này giúp Nike tăng tính tương tác với khách hàng, tạo ra những đòn bẩy tiếp thị hiệu quả, tăng doanh số bán hàng và giữ chân khách hàng.
Xem thêm: 5 phương pháp giúp thương hiệu chinh phục vị trí Top Of Mind trong lòng khách hàng
Bước 7: Thiết lập kiến trúc thương hiệu chặt chẽ với brand loyalty
Kiến trúc thương hiệu (Brand architecture) là một phần rất quan trọng trong việc xây dựng lòng trung thành của khách hàng. Nó giúp khách hàng thiết lập kiến thức về cấu trúc thương hiệu, bao gồm hệ sinh thái về các dòng sản phẩm và dịch vụ khác nhau của thương hiệu.
Ví dụ về tập đoàn Procter & Gamble (P&G), đây là một công ty đa quốc gia có nhiều thương hiệu nổi tiếng trên toàn thế giới như Tide, Pampers, Gillette, Olay, Pantene… Để quản lý các thương hiệu này, P&G đã xây dựng một kiến trúc thương hiệu gồm ba cấp độ:
- Thương hiệu mẹ: P&G là thương hiệu mẹ chi phối toàn bộ các thương hiệu con của mình.
- Thương hiệu nhóm: P&G đã phân loại các thương hiệu con của mình thành các nhóm dựa trên chức năng hoặc lĩnh vực sản phẩm. Ví dụ: nhóm sản phẩm chăm sóc răng miệng, chăm sóc da, tẩy rửa và giặt giũ, chăm sóc trẻ em.
- Thương hiệu con: Mỗi thương hiệu con của P&G có một tên riêng và giá trị riêng biệt. Ví dụ: thương hiệu Gillette mang đến các sản phẩm dao cạo râu với phong cách lịch lãm và chất lượng cao.
Kiến trúc thương hiệu của P&G giúp công ty quản lý các thương hiệu của mình một cách hiệu quả và đồng bộ. Nó cũng giúp khách hàng dễ dàng nhận ra các thương hiệu của P&G trên thị trường và cảm thấy an tâm khi mua các sản phẩm của công ty này.
Kết luận
Xây dựng Brand Loyalty và lấy được trái tim khách hàng không phải là việc dễ dàng, đòi hỏi doanh nghiệp phải xây dựng lộ trình rõ ràng. Để làm được điều đó, hãy tham khảo và nắm rõ Brand Loyalty là gì cũng như các bước xây dựng lòng trung thành của khách hàng đối với thương hiệu. Hy vọng bài viết trên của Nghề Nghiệp Việc Làm 24h đã mang đến cho bạn những kiến thức hữu ích về Brand Loyalty. Đừng quên truy cập website Việc Làm 24h thường xuyên để không bỏ qua bất kì công việc phù hợp với bạn nhé!
Xem thêm: Tung hoành trong lĩnh vực Marketing với 21 thuật ngữ Brand Marketing quan trọng