Bạn lo lắng về biến động kinh tế? Bạn thấy không chắc chắn về sự nghiệp tương lai trước làn sóng layoffs hay Quite Firing? Career Cushioning có lẽ là điều bạn nên chuẩn bị cho bản thân lúc này. Cùng Vieclam24h.vn tìm hiểu kỹ hơn về thuật ngữ này qua bài viết.
Career Cushioning là gì?
Career Cushioning (đệm nghề nghiệp hay sự nghiệp dự phòng) là kế hoạch sự nghiệp dự phòng cho khả năng mất việc hay chuẩn bị cho kế hoạch nghỉ việc trong tương lai.
Các hoạt động tạo ra sự nghiệp dự phòng thường bao gồm trau dồi kiến thức và kỹ năng mới, tìm hiểu hoặc thực hiện các công việc khác trong khi vẫn đảm nhận công việc hiện tại.
Ý tưởng về “đệm nghề nghiệp” được tạo ra khi người lao động cảm thấy cần tự bảo vệ bản thân trước những bất ổn của thị trường lao động trong giai đoạn khủng hoảng, đối mặt với các tình huống nghỉ việc đột ngột…
Nghỉ việc thầm lặng (Quiet Quitting) cũng được xem là một trong những hành động chuẩn bị cho đệm nghề nghiệp. Đó là khi người lao động chỉ thực hiện đúng những đầu việc trong phận sự, từ chối nhận thêm các việc cấp trên giao, từ chối hỗ trợ các công việc liên quan không bắt buộc.
Thực tế, nhiều người thực hiện Quiet Quitting để có thêm thời gian tập trung kiếm những nguồn thu nhập khác: Side hustles (việc tay trái), Moonlighting (làm thêm giờ), freelancing (làm việc tự do), Side gigs (hợp đồng làm việc bên ngoài … Việc này giúp họ không bị ảnh hưởng quá nhiều về mặt tài chính nếu đột ngột mất việc.
Xem thêm: Quiet quitting và quiet firing là gì? Ảnh hưởng đến thị trường lao động ra sao?
Vì sao nhiều người cần Career Cushioning?
Từ sau đại dịch Covid, đặc biệt là giữa bối cảnh kinh tế khó khăn, nỗi lo lắng về khủng hoảng và nguy cơ mất việc đã khiến Career Cushioning trở thành xu hướng.
Một nghiên cứu từ Clarify Capital cho thấy: 66% người tham gia cho rằng khủng hoảng là nguyên nhân chính dẫn tới layoff tại công ty họ, 81% lo lắng bị mất việc làm, 37% cho rằng họ sẽ không thể cân bằng được cả về tinh thần lẫn tài chính khi bị layoff.
Một khảo sát khác từ Robert Walters năm 2023 cho biết: 72% nhân sự tham gia khảo sát đang chuẩn bị cho sự thay đổi nghề nghiệp có thể xảy ra trong tương lai, 46% tìm đến tư vấn tuyển dụng, 15% cho biết họ theo dõi sát thị trường việc làm, 31% cập nhật CV.
Thực tế, Career Cushioning mang đến nhiều lợi ích như:
- Giúp gia tăng thu nhập.
- Giúp người lao động cảm thấy an toàn hơn, nếu bị mất việc, họ vẫn có một công việc khác dự phòng.
- Giúp học hỏi và cải thiện kỹ năng khi làm cùng lúc nhiều công việc.
- Bổ sung thêm kinh nghiệm, kiến thức để chuẩn bị cho kế hoạch chuyển việc trong tương lai.
Bên cạnh lợi ích, Career cushioning cũng gây ra nhiều thách thức:
- Đòi hỏi người lao động phải cân đối thời gian, nếu không biết cách quản lý có thể dẫn tới kiệt quệ cả về thể chất, tinh thần.
- Với doanh nghiệp, điều này có thể dẫn đến giảm năng suất, giảm hiệu quả công việc.
Khi nào nên chuẩn bị cho Career Cushioning?
Như vậy hẳn bạn đã hiểu Career Cushioning là gì. Vậy khi nào cần bắt đầu xây dựng Career Cushioning cho bản thân?
Ngay cả trước khi nhận thấy nguy cơ mất việc, bạn có thể bắt đầu chuẩn bị cho quá trình này. Những hoạt động bao gồm:
- Học thêm kỹ năng mới.
- Nâng cao trình độ.
- Liên tục tìm hiểu về yêu cầu tuyển dụng, xu hướng thị trường.
Ngoài ra, bạn có thể chuẩn bị đệm nghề nghiệp khi:
- Muốn chuyển việc: Công ty cũ không còn đáp ứng được mong muốn về mức lương hay cơ hội phát triển, bạn đang lên kế hoạch chuyển đổi sang công việc khác.
- Công việc không ổn định: bạn cảm thấy vị trí hiện tại có thể bị đe doạ (do công ty tái cấu trúc, giảm ngân sách…).
- Muốn phát triển sự nghiệp: Career cushioning còn là hoạt động mở rộng mạng lưới quan hệ, tìm hiểu thêm các cơ hội để đẩy sự nghiệp lên một tầm cao mới.
Thực hiện Career Cushioning như thế nào?
Đánh giá lại bản thân
Bạn nên xem xét lại toàn bộ kỹ năng và năng lực hiện tại của bản thân: hãy xem những kỹ năng nào giỏi nhất, bạn đang ứng dụng những kỹ năng đó ra sao, cần học tập thêm những kỹ năng nào để có được công việc mới hoặc vị trí mới tốt hơn.
Để thực hiện đánh giá, bạn có thể dụng phương pháp SWOT xem lại điểm mạnh, điểm yếu, lợi thế cạnh tranh của bản thân rõ hơn.
Các nhà tuyển dụng hiện nay cũng đang tìm kiếm ứng viên có khả năng thích ứng cao, cho phép nhân sự hoàn thành tốt nhiều nhóm công việc khác nhau.
Ngoài ra, việc đánh giá lại cũng bao gồm xem xét tình hình hiện tại lẫn mong muốn trong tương lai. Cân nhắc tất cả những điều này để có một hình dung rõ hơn về chặng đường tiếp theo.
Nâng cấp kỹ năng hiện tại, học hỏi kỹ năng mới
Sau khi đã hoàn tất đánh giá, bạn hãy bắt tay vào việc lên kế hoạch: cải thiện, nâng cao những kỹ năng mềm hiện tại hoặc học thêm những kỹ năng mới.
Việc xây dựng kỹ năng mới có thể thông qua việc tham gia các khóa học ngắn hạn, khoá đào tạo chuyên sâu, học từ đồng nghiệp, bạn bè, cộng đồng, chuyên gia…
Xây dựng kết nối chất lượng
Những kết nối chất lượng là vô cùng quan trọng trong sự nghiệp. Bạn cần thực hiện việc này liên tục, không nên đợi tới khi có ý định chuyển việc, đối mặt nguy cơ cho nghỉ việc.
Tạo kết nối chất lượng không chỉ giúp bạn có thêm cơ hội việc làm mà còn được lắng nghe những chia sẻ hữu ích, những kinh nghiệm thực tiễn từ những người xung quanh. Đây sẽ là những kiến thức quý báu giúp bạn phát triển sự nghiệp tốt hơn.
Cập nhật xu hướng việc làm
Cập nhật liên tục biến động của xu hướng việc làm là điều cần thiết của quá trình xây dựng Career Cushioning.
Thao tác này còn giúp bạn liên tục nắm bắt được nhu cầu tuyển dụng. Bạn sẽ biết nhà tuyển dụng hiện đang tìm kiếm những tiêu chuẩn nào cho từng vị trí cụ thể.
Bạn có thể theo dõi các nhóm nghề nghiệp, các trang tuyển dụng, các trang mạng xã hội để nắm bắt thông tin mới nhất của nghề nghiệp và dễ tìm được công việc phù hợp.
Tìm một “người dẫn đường”
Đó có thể là một mentor (người hướng dẫn), một career influencer hoặc một vị tiền bối có khả năng định hướng, tư vấn nghề nghiệp cho bạn. Một người nhiều kinh nghiệm và có cái nhìn khách quan có thể đưa đến những lời khuyên hữu ích và đúng đắn cho hành trình sự nghiệp của bạn.
Sẵn sàng cho cơ hội
Nhiều cơ hội có thể xuất hiện trên đường bạn học tập kỹ năng mới, trau dồi bản thân, networking… Hãy luôn sẵn sàng cho bất cứ cơ hội nào tới, đánh giá và đừng ngại nắm bắt.
Career Cushioning không chỉ giúp bạn an tâm cho những tình huống xấu xảy đến mà còn giúp bạn sẵn sàng, chủ động nắm bắt những cơ hội mới tốt hơn.
Lời khuyên lên chiến lược Career Cushioning hiệu quả
Để có một kế hoạch xây dựng Career Cushioning hiệu quả, bạn nên cân nhắc một số điểm sau.
- Hãy tính đến tất cả công việc tự do có liên quan đến chuyên môn chính – đây là những công việc không đòi hỏi bạn phải học tập hay bắt đầu từ con số không.
Lưu ý: Nếu công việc chính đòi hỏi nhiều năng lượng thì việc làm thêm nên bắt đầu đơn giản, hãy đảm bảo chúng không ảnh hưởng quá nhiều tới công việc chính của bạn.
- Nâng cao trị giá của bản thân và trở thành “tài sản” khó thay thế: Hãy thử sáng tạo và rèn luyện các kỹ năng chỉ bạn mới có để tạo nên thương hiệu cá nhân. Đồng thời liên tục học hỏi, quan sát, tham vấn từ đồng nghiệp, cấp trên để trở thành “tài sản” giá trị của tổ chức.
- Lên kế hoạch cho Career Cushioning chi tiết: liệt kê những đầu việc bạn cần làm và thực hiện nghiêm túc (cập nhật hồ sơ cá nhân, hồ sơ LinkedIn, networking, tìm hiểu những nhà tuyển dụng bạn muốn làm việc, tìm hiểu những công việc bạn muốn thực hiện, lên kế hoạch học những kỹ năng mới, đặt lịch học tập cụ thể…). Kế hoạch càng cụ thể và càng thực hiện nghiêm túc, bạn sẽ càng chủ động hơn cho mọi tình huống xảy đến.
- Chuẩn bị tâm lý cho tình huống tệ nhất: Ngay cả khi làm mọi thứ tốt nhất, bạn vẫn có thể nằm trong danh sách layoff. Tuy nhiên không sao cả, hãy tin tưởng bản thân và kế hoạch nghề nghiệp của bạn. Một cánh cửa đóng lại nhưng bạn vẫn còn những cánh cửa khác mở bất cứ lúc nào.
- Đừng quên chăm sóc bản thân: Lo lắng thái quá trước làn sóng sa thải không giúp bạn giải quyết vấn đề, dồn quá nhiều tâm sức cho việc làm thêm, học thêm có thể khiến bạn kiệt sức. Điều quan trọng để đi đường dài là có sự cân bằng công việc, cuộc sống với sức khỏe.
- Đừng để cảm xúc ảnh hưởng tới quyết định của bạn: Dù nóng giận hay cãi nhau với sếp, dù đang buồn bực chán nản về công việc hiện tại, quyết định nghỉ việc đột ngột hay chuyển nghề mà không có bước đệm sự nghiệp có thể khiến bạn hối tiếc trong tương lai.
Lời kết
Vieclam24h.vn mong rằng đã giúp bạn hiểu rõ hơn Career Cushioning là gì. Dù bạn có ý định chuyển việc hay đang lo lắng cho vị trí của bản thân ở công ty, Career Cushioning rất hữu ích để bạn lấy lại tự tin lẫn sự chủ động trong phát triển sự nghiệp bản thân.
Thường xuyên theo dõi Blog Vieclam24h.vn cũng là một cách giúp bạn có thêm kiến thức để nâng cấp bản thân và tự tin hơn giữa thị trường lao động nhiều biến động.
Bên cạnh đó, Vieclam24h.vn cung cấp công cụ tạo CV online với hàng trăm mẫu CV hoàn toàn miễn phí. Ngoài nội dung đúng chuẩn dựa theo vị trí công việc và lĩnh vực ứng tuyển, các bạn có thể thỏa sức sáng tạo CV cá nhân với chức năng tùy chỉnh màu sắc, nội dung, bố cục,… để tìm việc nhanh chóng tại môi trường làm việc mơ ước.
Xem thêm: Career Path là gì? Tự xây dựng lộ trình sự nghiệp phù hợp với đam mê