Con người đứng trước kiến thức chỉ như là một cái cây giữa núi rừng bạt ngàn không nhìn thấy điểm cuối. Người thức thời luôn hiểu được đạo lý này để sống và làm việc theo châm ngôn của Lenin “học, học nữa, học mãi”. Đây chính là tinh thần cầu thị. Ở môi trường công việc, thái độ này lại càng quan trọng hơn để bất kỳ ai dù là lãnh đạo hay nhân viên, trình độ cao hay thấp đạt được sự thành công. Vậy cầu thị là gì, như thế nào được gọi là cầu thị? Hãy cùng Vieclam24h.vn tìm hiểu ở bài viết sau đây.
Tính cầu thị là gì?
Cầu thị là một từ Hán Việt, trong đó cầu có nghĩa là mong muốn, cần, tìm tòi; còn thị là quan sát, nhìn. Cầu thị là mong muốn mở rộng tầm nhìn. Vậy tinh thần cầu thị chính là thái độ luôn tìm tòi, tìm kiếm và mong muốn được học hỏi, hướng đến những điều chưa biết để trau dồi cũng như hoàn thiện bản thân.
Trong công việc, cầu thị được thể hiện qua việc một người có ý thức rằng vị trí hiện tại của bản thân chưa phải là điểm dừng mà còn cần học hỏi kiến thức, kỹ năng mềm từ nhiều nguồn khác nhau. Con đường tìm tòi tri thức, cập nhật những điều mới mẻ là không giới hạn, càng đi càng thấy những gì bạn biết trước đây chỉ là một hạt cát rất nhỏ giữa sa mạc rộng lớn. Chính vì hiểu được điều này nên người cầu thị luôn giữ tư duy mở và tâm thế sẵn sàng học hỏi.
Dấu hiệu nhận biết người cầu thị là gì?
Một trong những đặc trưng thể hiện rõ nhất ở người cầu thị đó chính là năng lực tự nhận thức bản thân và mong muốn phát triển theo chiều hướng tích cực. Họ luôn sẵn sàng tiếp nhận những ý kiến từ mọi người xung quanh, sau đó soi chiếu lại chính mình để dần dần cải thiện trở thành phiên bản tốt hơn. Ngoài ra, những người cầu thị còn có những biểu hiện khác rất dễ nhận biết trong công việc và cuộc sống như:
Tư duy mở, tinh thần ham học hỏi
Rất dễ nhận biết điều này ở những người có tính cầu thị. Dù trong công việc hay cuộc sống, họ vẫn mở lòng tiếp nhận ý kiến của người khác dù đó là sự góp ý hay khác biệt quan điểm. Họ có thể học hỏi từ bạn bè, đồng nghiệp hay bất kỳ nguồn khác có giá trị. Họ hiểu rõ mình còn thiếu điều gì, cần bổ sung kiến thức nào, hướng đi của bản thân là gì nên sẽ sẵn sàng tiếp thu những điều mới để nâng cao kỹ năng và chuyên môn.
Xem thêm: Tư duy ngược: Tạo chất riêng khác biệt hay hành động chống đối đám đông?
Có ý thức trách nhiệm
Cầu thị cao không chỉ phản ánh tinh thần chịu trách nhiệm mà còn là quá trải nghiệm và khắc phục những hạn chế của bản thân. Trong công việc, họ thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ được giao với những tiêu chuẩn nhất định. Khi có thiếu sót, sai lầm, người cầu thị sẽ không đổ lỗi mà chịu trách nhiệm đến cùng nhằm khắc phục hậu quả. Chính điều này sẽ thúc đẩy họ liên tục nỗ lực để hoàn thiện bản thân và công việc.
Luôn tìm tòi những điều mới mẻ
Tinh thần cầu thị thường bắt nguồn từ thái độ khiêm nhường kết hợp cùng niềm đam mê học hỏi. Đặc điểm nhận diện người cầu thị là siêng năng, cống hiến trong công việc, không ngừng học hỏi, đầu tư thời gian và nỗ lực cho sự phát triển của bản thân. Bên cạnh đó, họ còn tích lũy kinh nghiệm mới từ mọi trải nghiệm, áp dụng những bài học này vào cả công việc và cuộc sống cá nhân.
Điều đặc biệt là họ không chủ quan khi tiếp thu thông tin mới mà luôn dành thời gian để hiểu rõ giá trị, ứng dụng thực tế của kiến thức đó. Họ tận dụng mọi cơ hội để nâng cao trình độ chuyên môn, mở rộng tầm nhìn cá nhân, nhằm đạt được mục tiêu và thăng tiến trong công việc.
Lợi ích của thái độ cầu thị là gì?
Tinh thần cầu thị không chỉ không làm bạn trở nên khiêm nhường, nhỏ bé mà ngược lại đây chính là nguồn động lực để tự trau dồi bản thân trở thành phiên bản tốt nhất.
Thứ nhất, thái độ cầu thị giúp bạn tự tạo cơ hội để bản thân học hỏi và tích lũy kiến thức mới. Kiến thức là một kho báu vô tận, vì vậy nếu đề cao tinh thần cầu thị sẽ giúp bạn không chỉ mở rộng tầm nhìn, kích thích tư duy sáng tạo đổi mới mà còn nâng cao giá trị bản thân thông qua việc thấu hiểu chính mình để thay đổi.
Ngoài ra, nhờ tinh thần cầu thị bạn sẽ giữ được tư duy mở, sẵn sàng lắng nghe, tiếp thu ý kiến từ người khác mà không phán xét. Đây là cách bạn tích lũy những bài học, kinh nghiệm quý giá.
Cuối cùng, tinh thần cầu thị trong cuộc sống, công việc sẽ giúp bạn luôn được yêu mến và tạo ra môi trường giao tiếp tích cực với mọi người xung quanh.
Xem thêm: Chủ động trong công việc là chìa khóa giúp bạn thăng tiến nhanh chóng
Làm thế nào để trở thành người cầu thị?
Không phải ai sinh ra cũng đã có tinh thần cầu thị. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể rèn luyện phẩm chất này theo thời gian bằng những cách như:
Phát triển nhận thức về bản thân
Đầu tiên và quan trọng nhất đó chính là có năng lực tự nhận thức sâu sắc về chính mình. Bạn có điểm mạnh, điểm yếu gì, con đường bạn đang theo đuổi có thật sự phù hợp với bản thân. Từ đó mới có những hiểu biết đúng đắn về thiếu sót của mình để tập trung bổ sung, trau dồi thêm. Ngoài ra, còn phát huy đúng thế mạnh giúp bạn tự tin hơn và có được sự cân bằng.
Chấp nhận những sai lầm, thất bại
Sự thấu hiểu về những điểm yếu của bản thân không chỉ là việc nhận biết những hạn chế mà còn là cơ hội để tìm hiểu về bản chất và nguồn gốc của chúng. Điều này đòi hỏi sự thành thật với chính mình và quá trình tự phê bình để định hình lại bản thân theo hướng tích cực.
Thực tế, khi hiểu rõ về những sai lầm hay thất bại là lúc bạn cải thiện cũng như tạo điều kiện để bản thân phát triển mạnh mẽ hơn. Từ đó tạo dựng được nền tảng vững chắc và có thể tự tin hơn khi đối mặt với thách thức trong công việc và cuộc sống.
Sẵn sàng học hỏi, tìm kiếm những phản hồi từ mọi người
Đừng ngừng nỗ lực để tìm kiếm kiến thức mới từ mọi nguồn khác nhau. Đọc sách, tham gia khóa học, thậm chí là từ cuộc trò chuyện với người khác. Mỗi trải nghiệm là một cơ hội để học hỏi.
Bên cạnh đó, việc tìm kiếm và chấp nhận phản hồi cũng là một bước quan trọng trong quá trình tự cải thiện, mở rộng tầm nhìn và tiến xa hơn trên hành trình phát triển cá nhân. Hãy xem phản hồi như một nguồn thông tin quý báu, là một góc nhìn khách quan từ người khác mà từ đó bạn có thể rút ra những bài học quan trọng và áp dụng chúng vào công việc, cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên bạn cần đối mặt với những phản hồi này khôn ngoan và biết sàng lọc.
Bằng việc tự rèn giũa tính cầu thị cho bản thân, bạn sẽ thu hút được những người cũng có tinh thần cầu thị, giúp bạn học hỏi cách tư duy, suy nghĩ và lối sống. Dần dần cầu thị trở thành một tính cách rất tự nhiên từ bạn mà không cần phải cố gắng hay gượng ép. Qua bài viết trên, Vieclam24h.vn hy vọng bạn đọc đã hiểu hơn về cầu thị là gì cũng như cách để trở thành người có tính cầu thị giúp bạn đạt được những mục tiêu trong sự nghiệp và cuộc sống.
Bên cạnh đó, Nghề Nghiệp Việc Làm 24h cung cấp công cụ tạo CV online với hàng trăm mẫu CV thực tập hoàn toàn miễn phí. Ngoài nội dung đúng chuẩn dựa theo vị trí công việc và lĩnh vực ứng tuyển, các bạn có thể thỏa sức sáng tạo CV cá nhân với chức năng tùy chỉnh màu sắc, nội dung, bố cục,… để tìm việc nhanh chóng tại môi trường làm việc mơ ước.
Xem thêm: Phương pháp Feynman là gì? Chiến thuật học chủ động chinh phục mọi lĩnh vực