Mở quầy thuốc được xem như một ngành nghề kinh doanh đặc biệt, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của người dân. Vì vậy, nếu có ý tưởng kinh doanh mô hình này, bạn cần đảm bảo đủ các điều kiện nhất định. Để quầy thuốc hoạt động thuận lợi, yếu tố quan trọng phải có là chứng chỉ hành nghề dược. Vậy chính xác chứng chỉ hành nghề dược là gì? Chứng chỉ có thời hạn bao lâu? Điều kiện cấp chứng chỉ là gì? Cùng Việc Làm 24h tìm hiểu ngay nhé!
Chứng chỉ hành nghề là gì?
Chứng chỉ hành nghề là một loại giấy phép được cấp cho cá nhân khi cá nhân ấy đã tốt nghiệp các lớp học bồi dưỡng, tập huấn về lĩnh vực chuyên môn nhất định, như kế toán – kiểm toán, tư vấn giám sát,…
Về cơ bản, chứng chỉ hành nghề không phải loại “giấy chứng nhận” chuyên môn của người hành nghề. Trên thực tế, loại giấy này được cấp cho những người đã qua đào tạo tại các cơ sở quốc gia như trường đại học, trung cấp, cao đẳng,…, và những người hành nghề lâu năm, có kinh nghiệm chuyên môn cũng như không vi phạm pháp luật.
Thế nên, bằng tốt nghiệp tại các cơ sở đào tạo quốc gia mới là chứng chỉ xác nhận trình độ, chuyên môn của người hành nghề. Trong khi đó, chứng chỉ hành nghề chỉ đơn thuần là tờ giấy chứng nhận, đóng vai trò như công cụ giám sát, thực hiện đạo đức nghề nghiệp của người hành nghề.
Thế nào là chứng chỉ hành nghề dược?
Ngành dược là một trong những ngành nghề thuộc hệ thống y tế, đảm nhiệm vai trò chuyên môn về dược. Không chỉ kinh doanh thuốc, các dược sĩ còn hỗ trợ, phối hợp với y bác sĩ trong quá trình theo dõi, điều trị bệnh tật cho bệnh nhân bằng thuốc. Bên cạnh đó, dược sĩ còn có nhiệm vụ giải đáp chi tiết đơn thuốc của bác sĩ, tư vấn các loại thuốc phù hợp và nghiên cứu, bào chế các loại thuốc.
Theo đó, chứng chỉ hành nghề dược (Certificate of pharmacy practice) là một loại giấy phép thông hành của những người học dược. Dù học ở cấp bậc nào như trung cấp, cao đẳng hay đại học dược, bạn cũng phải có chứng chỉ hành nghề dược. Lý do vì đây là ngành nghề ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của con người. Thế nên, chỉ khi có chứng chỉ hành nghề, bạn mới có đủ tư cách làm việc cũng như theo đuổi ngành dược.
Xem thêm: Học dược ra làm gì? Điểm chuẩn ngành dược các trường đại học cập nhật
Chứng chỉ hành nghề dược do ai cấp?
Chứng chỉ hành nghề dược là loại văn bản do Bộ Y tế cấp cho các cá nhân có đủ trình độ chuyên môn theo quy định để kinh doanh và hoạt động dược lâm sàng (nghiên cứu khoa học và thực hành dược về các vấn đề sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, hiệu quả nhằm tối ưu hoá việc sử dụng thuốc).
Tầm quan trọng của chứng chỉ hành nghề dược
Chứng chỉ hành nghề dược được xem là tiền đề thúc đẩy các dược sĩ phải thường xuyên rèn luyện, trau dồi và học tập để nâng cao trình độ chuyên môn. Vì vậy, dù đã hoàn thành các khóa học liên quan, các dược sĩ vẫn phải cập nhật những thông tin mới nhất về khoa học, kỹ thuật và quy định của pháp luật trong lĩnh vực y dược.
Không những thế, để thuận lợi kinh doanh các mặt hàng liên quan đến dược phẩm, bạn bắt buộc phải đáp ứng đầy đủ và chặt chẽ các điều kiện của Bộ Y Tế.
Không chỉ mang giá trị về mặt hành chính, hồ sơ, chứng chỉ hành nghề dược còn là minh chứng cho thấy người hành nghề đã đáp ứng đủ các điều kiện cần thiết để tham gia chăm sóc sức khỏe cho mọi người.
Điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề dược là gì?
Để được cấp chứng chỉ hành nghề dược, cá nhân cần đáp ứng đủ các điều kiện được quy định tại Điều 13 Luật Dược năm 2016, cụ thể là:
- Cá nhân có văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận chuyên môn (văn bằng chuyên môn) được cấp hoặc công nhận tại Việt Nam tương ứng với vị trí công việc và cơ sở kinh doanh ngành dược, bao gồm:
- Bằng tốt nghiệp đại học ngành dược hay bằng dược sĩ;
- Bằng tốt nghiệp đại học ngành y đa khoa;
- Bằng tốt nghiệp đại học ngành y học cổ truyền hoặc đại học ngành dược cổ truyền;
- Bằng tốt nghiệp đại học ngành sinh học;
- Bằng tốt nghiệp đại học ngành hoá học;
- Bằng tốt nghiệp cao đẳng ngành dược;
- Bằng tốt nghiệp trung cấp ngành dược;
- Bằng tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp ngành y;
- Bằng tốt nghiệp trung cấp y học cổ truyền hoặc dược cổ truyền;
- Văn bằng, chứng chỉ sơ cấp dược;
- Giấy chứng nhận về lương y, giấy chứng nhận về lương dược, giấy chứng nhận các bài thuốc gia truyền hoặc văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận khác về y dược cổ truyền được cấp trước ngày 01/01/2017.
- Cá nhân có thời gian thực hành tại những cơ sở kinh doanh dược, bộ phận dược của cơ sở khám, chữa bệnh, trường đào tạo chuyên ngành dược, cơ sở nghiên cứu dược, cơ sở kiểm nghiệm thuốc, nguyên liệu làm thuốc, cơ quan quản lý về dược hoặc văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài đang hoạt động trong lĩnh vực ngành dược tại Việt Nam (cơ sở dược); các cơ sở khám, chữa bệnh phù hợp với chuyên môn của người hành nghề dược theo các quy định cụ thể như sau:
- Đối với người bị thu hồi chứng chỉ do không có giấy xác nhận hoàn thành chương trình đào tạo, phổ cập kiến thức chuyên môn về ngành dược trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp chứng chỉ hoặc từ ngày có giấy xác nhận hoàn thành chương trình đào tạo, phổ cập kiến thức chuyên môn về ngành dược gần nhất thì không yêu cầu về thời gian thực hành nhưng vẫn phải cập nhật kiến thức chuyên môn về dược;
- Đối với người có trình độ chuyên khoa sau đại học phù hợp với các tiêu chuẩn hành nghề sẽ được giảm thời gian thực hành theo quy định Chính phủ (dựa trên Điều 21 Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 08/05/2017);
- Đối với người có giấy chứng nhận về lương y, giấy chứng nhận về lương dược, giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền hoặc văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận khác về y dược cổ truyền được cấp trước ngày 01/01/2017, thời gian thực hành sẽ dựa trên quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
- Có giấy chứng nhận có đủ sức khoẻ hành nghề dược do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp.
- Cá nhân không thuộc một trong những trường hợp sau đây:
- Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đang chấp hành các bản án, quyết định của Toà án; đang trong thời gian bị cấm hành nghề, cấm làm những công việc liên quan đến hoạt động dược theo bản án và quyết định của Toà án;
- Đang bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Ngoài ra, một số vị trí trong ngành dược phẩm yêu cầu:
- Các chủ đại lý bán thuốc của doanh nghiệp bắt buộc phải có văn bằng dược tá trở lên; thời gian thực hành ít nhất 2 năm tại cơ sở dược pháp;
- Người quản lý chuyên môn về dược của doanh nghiệp bán, buôn thuốc phải có bằng tốt nghiệp đại học ngành dược; có thời gian thực hành ít nhất 2 năm tại cơ sở dược phù hợp.
- Người quản lý chuyên môn về dược của doanh nghiệp bán, buôn vắc xin, sinh phẩm y tế phải có bằng tốt nghiệp đại học ngành dược hoặc ngành y đa khoa hoặc ngành sinh học với thời gian thực hành ít nhất 2 năm tại cơ sở dược hợp pháp;
- Người quản lý chuyên môn về dược của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ cá thể buôn bán dược liệu, thuốc đông y, thuốc từ dược liệu phải có thời gian thực hành ít nhất 2 năm tại cơ sở dược hợp pháp và có một trong văn bằng sau:
- Bằng tốt nghiệp đại học dược;
- Bằng tốt nghiệp trung học dược;
- Bằng tốt nghiệp đại học hoặc trung học về y học cổ truyền;
- Các loại văn bằng về lương y, lương dược, giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền và trình độ chuyên môn y dược cổ truyền;
- Các loại văn bằng về lương y, lương dược, giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền và trình độ chuyên môn y dược cổ truyền.
Chứng chỉ hành nghề dược có thời hạn bao lâu?
Theo Khoản 1 Điều 29 Luật Dược 2016 quy định về quản lý chứng chỉ hành nghề dược như sau:
“Mỗi cá nhân chỉ được cấp một Chứng chỉ hành nghề dược. Trên Chứng chỉ hành nghề dược ghi đầy đủ phạm vi hành nghề mà người có Chứng chỉ hành nghề dược đáp ứng Điều kiện và được phép hành nghề. Chứng chỉ hành nghề dược không quy định thời hạn hiệu lực và có giá trị trong phạm vi cả nước.
Chứng chỉ hành nghề dược hết hiệu lực khi người hành nghề chết hoặc mất tích theo quyết định, bản án của Tòa án hoặc không có giấy xác nhận hoàn thành đào tạo, cập nhật kiến thức chuyên môn về dược trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Chứng chỉ hành nghề dược hoặc kể từ ngày có giấy xác nhận hoàn thành chương trình đào tạo, cập nhật kiến thức chuyên môn về dược gần nhất”.
Vậy nên, dựa theo điều khoản trên, chứng chỉ không quy định thời gian hiệu lực là bao lâu. Tuy nhiên, cũng trong điều khoản này có quy định về các trường hợp chứng chỉ hết hiệu lực, cụ thể là:
- Khi người hành nghề qua đời hoặc mất tích theo quyết định, bản án của Toà án;
- Khi người hành nghề không có giấy xác nhận việc hoàn thành đào tạo, cập nhật kiến thức chuyên môn về dược trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp chứng chỉ hoặc kể từ ngày có giấy xác nhận hoàn thành chương trình đào tạo, cập nhật kiến thức chuyên môn về ngành dược gần nhất.
Làm chứng chỉ hành nghề dược cần những gì?
Các loại hồ sơ cấp chứng chỉ cần có những giấy tờ sau:
- Đơn đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề dựa trên Mẫu 01 phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.
- Bản sao văn bằng chuyên môn hợp lệ phù hợp với các phạm vi hoạt động chuyên môn đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề, cụ thể như sau:
- Văn bằng chuyên môn y.
- Văn bằng cử nhân y khoa do nước ngoài cấp được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận tương đương trình độ đại học nhưng phải kèm theo giấy chứng nhận đã qua đào tạo bổ sung theo ngành, chuyên ngành phù hợp với thời gian đào tạo ít nhất 12 tháng tại các cơ sở đào tạo hợp pháp của Việt Nam theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ được xem là tương đương với văn bằng bác sĩ, được cấp chứng chỉ hành nghề với chức danh là bác sĩ;
- Văn bằng cử nhân hóa học, sinh học, dược sĩ trình độ đại học và phải kèm theo chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận đào tạo chuyên ngành kỹ thuật y học về xét nghiệm với thời gian đào tạo ít nhất là 3 tháng hoặc văn bằng đào tạo sau đại học về chuyên khoa xét nghiệm;
- Giấy chứng nhận là lương y hoặc giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền do Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc Giám đốc Sở Y tế cấp.
- Trường hợp mất các văn bằng chuyên môn trên, bạn phải có giấy chứng nhận tốt nghiệp hoặc bản sao hợp lệ giấy chứng nhận thay thế bằng tốt nghiệp do cơ sở đào tạo nơi đã cấp văn bằng chuyên môn ấy cấp.
- Giấy xác nhận quá trình thực hành theo Mẫu số 02 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này hoặc bản sao hợp lệ các văn bằng tốt nghiệp bác sĩ nội trú, bác sĩ chuyên khoa I, bác sĩ chuyên khoa II, trừ các trường hợp là lương y, người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền.
- Giấy chứng nhận đủ sức khoẻ do cơ sở khám, chữa bệnh quy định tại Khoản 6 Điều 23 và Khoản 5 Điều 25 Nghị định này cấp.
- Phiếu lý lịch tư pháp.
- Sơ yếu lý lịch dựa trên Mẫu số 3 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này có xác nhận của thủ trưởng đơn vị nơi công tác đối với người đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề đang làm việc tại cơ sở ý tế ở thời điểm đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề hoặc sơ yếu lý lịch tự thuật có xác nhận của Uỷ ban nhân xã, phường hoặc thị trấn nơi thường trú đối với những người xin cấp chứng chỉ hành nghề không làm việc tại các cơ sở y tế nào tại các thời điểm đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề.
- 2 tấm ảnh màu 04cm x 06cm được chụp trên nền trắng trong thời gian không quá 6 tháng, tính đến ngày nộp đơn.
Có thể thấy, chứng chỉ đóng vai trò quan trọng đối với những người kinh doanh thuốc chữa bệnh. Qua bài viết trên, Nghề Nghiệp Việc Làm 24h hy vọng bạn đã hiểu rõ hơn về chứng chỉ hành nghề dược cũng như những thông tin liên quan.
Xem ngay: FOMO là gì? Dấu hiệu và bí kíp vượt qua FOMO chốn công sở