Công ty thực phẩm tài trợ cho chương trình chạy vì cộng đồng, công ty công nghệ cung cấp các giải pháp phần mềm nguồn mở cho cộng đồng, ngân hàng cấp học bổng hoặc doanh nghiệp sản xuất ủng hộ các quỹ trồng rừng, bảo vệ nước sạch… Đó đều là các hoạt động CSR. Vậy CSR là gì? CSR đóng vai trò như thế nào với doanh nghiệp? Mời bạn cùng tìm hiểu kỹ hơn qua bài viết của Nghề Nghiệp Việc Làm 24h.
Hoạt động CSR là gì?
CSR là viết tắt của cụm từ tiếng Anh: Corporate Social Responsibilities – có nghĩa là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
CSR là thuật ngữ phổ được đưa vào như một trong các tiêu chí đánh giá tác động của doanh nghiệp tới cộng đồng. CSR có thể hiểu là mô hình kinh doanh tự điều chỉnh của doanh nghiệp thể hiện trách nhiệm của với chính bản thân doanh nghiệp (người lao động, cán bộ công nhân viên…), các bên liên quan (cổ đông, đối tác…) và với cộng đồng xã hội (môi trường, kinh tế…).
Bằng việc thực hiện CSR, doanh nghiệp thể hiện vai trò như một “công dân doanh nghiệp” và nhận thức rõ hơn tác động mà họ đang tạo ra với xã hội, cộng đồng, nền kinh tế và cả môi trường sống.
Các hoạt động CSR cần thoả mãn mục tiêu sau:
+ Kinh tế: Thỏa mãn nhu cầu phát triển của doanh nghiệp nói chung và xã hội nói riêng, tăng mức phúc lợi xã hội.
+ Pháp lý: Doanh nghiệp thực hiện đủ và đúng các quy định pháp lý với các bên liên quan: người lao động, cổ đông, đối tác, người tiêu dùng …
+ Đạo đức: Doanh nghiệp thực hiện thêm các hoạt động mà xã hội kỳ vọng
+ Tính nhân văn: Doanh nghiệp thực hiện những hoạt động thể hiện mong muốn được đóng góp cho sự phát triển chung của cộng đồng và xã hội
Ví dụ, Vinamilk đã thực hiện chiến dịch CSR có tên “Vươn cao Việt Nam” giúp cho 40.000 trẻ em nghèo tại 40 tỉnh thành của Việt Nam đều được uống sữa mỗi ngày. Từ đó, đóng góp vào việc thúc đẩy sự phát triển chung của xã hội và cộng đồng.
Xem thêm: Hướng dẫn mẫu tính lương theo KPI chuẩn nhất doanh nghiệp cần biết
Năm 2010, ISO (tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế) phát hành một bộ tiêu chuẩn tự nguyện về thực hiện trách nhiệm xã hội cho doanh nghiệp. Đó là tiêu chuẩn ISO 26000 với nội dung làm rõ: CSR là gì, hướng dẫn (thay vì yêu cầu bắt buộc như trong các bộ ISO khác) cách thực hiện CSR cho doanh nghiệp ở mọi loại hình, mọi quy mô, mọi vùng miền. Với sự đóng góp đến từ nhiều chuyên gia khắp nơi trên thế giới, ISO 26000 được xem là bộ tiêu chuẩn có phạm vi ứng dụng quốc tế.
Vai trò của CSR là gì?
Năm 2018, một phân tích (*) của Governance & Accountability Institute (Mỹ) cho thấy 86% công ty trong nhóm S&P 500 Index (500 công ty có chỉ số chứng khoán đứng đầu thị trường chứng khoán Mỹ) đều công bố các báo cáo CSR. Bởi, các báo cáo này có tác động làm tăng niềm tin của thị trường với doanh nghiệp.
Một khảo sát khác của Nielsen (**) với 30.000 người tiêu dùng đến từ 60 quốc gia cũng cho thấy 66% người tham gia sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho hàng hoá đến từ những thương hiệu cam kết xã hội.
Báo cáo năm 2020 của Edelman (***) (một công ty truyền thông toàn cầu có trụ sở chính tại Mỹ) về các yếu tố giúp thương hiệu gây dựng lòng tin với cộng đồng cho thấy, 74% người tiêu dùng nói rằng tác động của thương hiệu lên cộng đồng là lý do khiến thương hiệu được tin tưởng hơn. 80% người được hỏi muốn thương hiệu cùng chung tay giải quyết các vấn đề xã hội.
Như vậy, rõ ràng các chiến dịch CSR có ảnh hưởng không nhỏ tới niềm tin của người tiêu dùng vào thương hiệu. Ngoài ra, lợi ích của CSR có thể kể đến là:
- Cải thiện lòng trung thành của người tiêu dùng với thương hiệu.
- Xây dựng nên hình ảnh thương hiệu có tiêu chuẩn đạo đức cao.
- Đóng vai trò quan trọng trong chiến lược quan hệ công chúng của doanh nghiệp.
- Khẳng định văn hoá, giá trị của doanh nghiệp.
- Thúc đẩy sự gắn bó của nhân sự nội bộ.
Xem thêm: PDCA là gì? Vì sao bạn nên ứng dụng PDCA nếu muốn doanh nghiệp bền vững?
4 hình thức CSR phổ biến với doanh nghiệp
Trách nhiệm với môi trường qua hoạt động CSR là gì?
Trách nhiệm với môi trường của doanh nghiệp thể hiện thể hiện qua hoạt động CSR là gì?
- Giảm ô nhiễm, giảm rác thải, giảm khí thải.
- Giảm hàng hoá và nguyên liệu sử dụng trong quá trình sản xuất.
- Bù đắp lại những tác động tiêu cực tới môi trường hoặc tài nguyên thiên nhiên (ví dụ như cam kết trồng rừng).
- Có ý thức lựa chọn phương pháp phân phối hàng hoá ít tạo ra khí thải và ô nhiễm.
- Tạo ra các dòng sản phẩm nâng cao giá trị bảo vệ môi trường và cộng đồng (cung cấp máy cắt cỏ chạy bằng điện thay cho máy cắt cỏ chạy xăng).
Trách nhiệm đạo đức
Công ty có thể thiết lập các tiêu chuẩn riêng định hình giá trị về đạo đức đối với nội bộ hoặc khách hàng bao gồm:
- Đối xử công bằng với tất cả mọi khách hàng bất kể tuổi tác, tôn giáo, văn hoá hay giới tính.
- Đối xử tích cực và công bằng với toàn thể nhân viên, bao gồm việc trả lương và phúc lợi vượt trên mức tối thiểu bắt buộc.
- Làm việc với nhiều nhà cung cấp đa dạng không phân biệt chủng tộc, giới tính, vùng miền…
- Tiết lộ thông tin trung thực với các nhà đầu tư trên nguyên tắc tôn trọng, kịp thời.
Trách nhiệm từ thiện
Các hoạt động từ thiện là cách đơn giản nhất để thể hiện rằng công ty đang dành các nguồn lực của mình nỗ lực tạo nên một thế giới tốt hơn. Những hoạt động từ thiện có thể bao gồm:
- Trực tiếp tài trợ hoặc thành lập quỹ từ thiện từ nguồn tiền lợi nhuận.
- Giao dịch hoặc làm việc với các nhà cung cấp, đối tác có các hoạt động từ thiện.
- Hỗ trợ nỗ lực của nhân viên thực hiện các hoạt động từ thiện.
Trách nhiệm về tài chính
Trách nhiệm về tài chính trong CSR là hỗ trợ các kế hoạch thực hiện các hoạt động CSR thông qua các khoản đầu tư tài chính như tài trợ, quyên góp, nghiên cứu sản phẩm… Ví dụ như:
- Đầu tư cho nghiên cứu và phát triển các sản phẩm mới có tính bền vững, bảo vệ sinh môi.
- Tuyển dụng nhân sự với tài năng khác nhau đảm bảo sự đa dạng của lực lượng lao động.
- Báo cáo tài chính minh bạch, kịp thời.
Xây dựng chiến lược CSR là gì?
Để đạt được mục tiêu và thành công cho doanh nghiệp khi thực hiện một chiến dịch CSR, bạn nên cân nhắc dựa trên các giá trị sau:
Hướng tới đúng mục tiêu
Trước khi bắt đầu lên kế hoạch thực hiện chiến dịch CSR, bạn cần dành thời gian trả lời câu hỏi: vì sao doanh nghiệp cần thực hiện chiến dịch CSR này? Mục đích của chiến dịch CSR là gì?
Để tăng lòng tin của khách hàng? Tăng sức cạnh tranh trước đối thủ? Vì doanh nghiệp đang chịu ảnh hưởng tiêu cực từ khủng hoảng truyền thông hay các vụ kiện tụng? Vì xã hội đang gặp những vấn đề cần sự chung tay của nhiều bên liên quan? Hay vì mục tiêu kinh tế ngắn hạn của doanh nghiệp?
Một chiến dịch CSR thỏa mãn lợi ích của doanh nghiệp lẫn lợi ích xã hội không phải lúc nào cũng dễ dàng.
Việc xác định đúng mục tiêu của chiến dịch giúp bạn tìm được điểm chạm cân đối giữa lợi ích xã hội cùng lợi ích doanh nghiệp và thiết lập được chiến dịch CSR có hiệu quả tốt nhất.
Phù hợp thế mạnh của doanh nghiệp
Hoạt động CSR cũng cần phù hợp với ngành nghề hoạt động hay thế mạnh của doanh nghiệp. Cụ thể, bạn cần đảm bảo doanh nghiệp có đủ nguồn lực để triển khai chiến dịch được trọn vẹn và đem về hiệu quả tốt nhất.
Biết rõ đối tượng của chiến dịch CSR hướng đến, họ mong muốn giá trị gì?
Cộng đồng mà doanh nghiệp bạn mong muốn giúp đỡ là những ai? Họ quan tâm điều gì? CSR chỉ thực sự thành công khi mang tới những giá trị đích thực và có ý nghĩa cho đối tượng chiến dịch hướng đến. Bởi vậy, để xác định mối quan tâm thực sự này, bạn nên thực hiện khảo sát hoặc phỏng vấn chính nhóm đối tượng doanh nghiệp đang muốn hướng tới qua chiến dịch CSR, sau đó mới bắt đầu lên kế hoạch triển khai.
Thực tế, 87% người tiêu dùng trong nghiên cứu của Cone Communication (****) về CSR đã trả lời rằng, họ sẽ mua sản phẩm của doanh nghiệp có các hoạt động CSR tới vấn đề xã hội mà họ quan tâm.
Xuất phát từ sự trung thực
Dù mục tiêu thực hiện CSR là gì, mọi chiến dịch CSR cần xuất phát từ sự chân thực mới có thể gây dựng được lòng tin.
Gắn kết CSR với sự tăng trưởng bền vững (sustainable growth)
Những hoạt động như tài trợ, quyên góp, thiện nguyện là cách tiếp cận CSR phổ biến tuy nhiên chỉ mang tính ngắn hạn.
Doanh nghiệp muốn phát triển lâu dài cùng cộng đồng, nên nghĩ tới việc đưa CSR vào một phần trong chiến lược tăng trưởng bền vững và nghiêm túc đầu tư cho CSR như một hành trình dài hạn.
Honda Việt Nam đã từng có chiến dịch dài hơi “Tôi yêu Việt Nam” với các hoạt động về hướng dẫn an toàn giao thông, kỹ năng lái xe an toàn hay tặng mũ bảo hiểm cho trẻ em tại các trường học.
Tập đoàn TH True Milk cũng thực hiện chiến lược dài hạn về xây dựng thương hiệu và hình ảnh qua chiến dịch “Vì tầm vóc Việt”, chương trình Sữa học đường… hướng tới cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần cho trẻ em.
Thu hút nhân viên tham gia, cam kết ngay từ nguồn lực nội bộ.
Nhân viên vừa là người hưởng lợi từ các hoạt động CSR, vừa là người truyền tải thông tin tự nhiên và đáng tin cậy. Do đó, doanh nghiệp nên thu hút nhân viên ở mọi cấp bậc cùng tham gia vào mọi hoạt động CSR.
Một case study nổi tiếng về hoạt động CSR với sự tham gia của nhân viên chính là IKEA Với sứ mệnh “tạo ra cuộc sống tốt đẹp” với lối sống tối giản, bền vững, IKEA đã tạo ra danh mục sản phẩm flat packing đa năng có giá thấp – nhằm giúp bất cứ ai cũng có thể mua và sử dụng. Trong dự án Live Lagom (sống vừa đủ) từ 2014, các nhân viên IKEA đã tham gia sử dụng sản phẩm để tiết kiệm điện và nước. Chiến dịch People & Planet năm 2020, IKEA lại kêu gọi toàn bộ chuỗi cung ứng của hãng đổi mới để tái chế sản phẩm giảm thiểu rác và đạt tới mức bền vững 100%.
Phản ứng nhanh với biến động xã hội
Bởi CSR hướng tới giải quyết các vấn đề cộng đồng, do đó việc phản ứng nhanh với các biến động của tình hình xã hội là điều tất yếu.
Ví dụ nổi bật nhất chính là trong 2020-2021, đại dịch Covid-19 đang là ngòi nổ khiến nhiều doanh nghiệp đẩy nhanh và mạnh hơn các hoạt động chung tay để ứng phó đại dịch cùng cộng đồng.
Lifebuoy chính là thương hiệu đã khéo léo cân bằng giữa truyền thông, kinh doanh và CSR khi đưa ra các chiến dịch kêu gọi rửa tay thường xuyên giúp hỗ trợ kiểm soát dịch bệnh tới các trạm rửa tay dã chiến có mặt khắp nơi.
Để khách hàng hoặc đối tác trở thành một phần của chiến dịch CSR là gì?
Trong 4 giai đoạn phát triển của các hình thức CSR, khi chính khách hàng hoặc đối tác của doanh nghiệp chủ động tham gia, phát triển và trở thành một phần của câu chuyện ý nghĩa, cũng là giá trị cao nhất mà CSR mang tới được cho cộng đồng.
4 giai đoạn phát triển của CSR gồm:
CSR 1.0: Từ thiện – doanh nghiệp trao đi vật chất hoặc một khoản tiền hỗ trợ cho cộng đồng yếu thế, dễ tổn thương trong xã hội. Hoạt động thường ngắn hạn, kết thúc mà không quan tâm quá nhiều tới tác động của hành vi này tới cộng đồng tiếp nhận.
CSR 2.0: Tạo trải nghiệm – doanh nghiệp tổ chức các hoạt động định kỳ tại địa phương mang tới niềm vui hoặc một giá trị nhất định, nhưng vẫn dừng lại ở mục tiêu ngắn hạn.
CSR 3.0: Tăng gắn kết – doanh nghiệp cung cấp các buổi tập huấn kỹ năng, đào tạo chuyên môn cho cộng đồng nhất định, tạo ra sự gắn kết lâu dài hỗ trợ cộng đồng tự phát triển được trong tương lai.
CSR 4.0: Trao quyền – doanh nghiệp kiến tạo nên hệ sinh thái để cộng đồng chủ động phát triển.
Tiêu chuẩn trở thành nhân viên CSR là gì?
Như vậy, hẳn bạn đã hiểu CSR là gì. Để trở thành nhân viên CSR, bạn cần trang bị cho mình nhiều kiến thức chuyên môn lẫn kỹ năng mềm. Cụ thể, sau đây là những yếu tố cơ bản.
Vững chuyên môn về truyền thông và CSR
Về bản chất, CSR cũng là một phần hoạt động gắn liền với truyền thông và xây dựng hình ảnh thương hiệu. Do đó, để trở thành nhân viên CSR bạn cần hiểu rõ các kiến thức liên quan tới truyền thông và hoạt động CSR. Từ đó biết cách lên một kế hoạch triển khai và thực thi các hoạt động CSR sao cho hiệu quả nhất.
Hiểu rõ thị trường và ngành hàng
Để giúp doanh nghiệp triển khai các chiến dịch CSR thông minh, hiệu quả, phù hợp với đối tượng mục tiêu, bạn cần hiểu rõ về thị trường, đối thủ, ngành hàng. Từ đó, bạn lựa chọn được phương pháp và hình thức triển khai CSR phù hợp với doanh nghiệp, đáp ứng được các tiêu chí nêu trên và đem về hiệu quả tốt nhất.
Sáng tạo
Cuối cùng, mỗi ngành hàng, mỗi thương hiệu có những đặc thù riêng, nhóm đối tượng khách hàng riêng. Mục tiêu của các hoạt động CSR tại từng thời điểm khác nhau cũng khác nhau. Do đó, nhân viên CSR cần có sự linh hoạt, sáng tạo, nhạy bén với thị trường, nắm bắt được các vấn đề cộng đồng đang quan tâm để đưa ra được những chiến dịch CSR phù hợp.
Lời kết
Trên đây, Việc Làm 24h đã giới thiệu tới bạn những điều cần biết về CSR là gì, các hình thức CSR cũng như lưu ý khi xây dựng chiến lược CSR cho doanh nghiệp. Nếu đang quan tâm tới CSR hay muốn trở thành nhân viên CSR, bài viết hy vọng giúp bạn có thêm thông tin về lĩnh vực này. Đừng quên thường xuyên theo dõi Việc Làm 24h để có thêm kiến thức cũng như năm bắt ngay những cơ hội nghề nghiệp mới.
Xem thêm: NDA là gì? Vì sao doanh nghiệp không thể bỏ qua thỏa thuận NDA?