Trong môi trường công việc đầy cạnh tranh, chỉ có kiến thức và kỹ năng chuyên môn thì không đủ để đưa bạn đi đến thành công. Một khía cạnh quan trọng khác giúp mỗi người toả sáng và thăng hoa trong nghề nghiệp – đó là EQ, hay còn gọi là chỉ số trí tuệ cảm xúc. Vậy chỉ số EQ trung bình ra sao? EQ bao nhiêu là cao? Làm cách nào để kiểm tra EQ? Hãy cùng Nghề Nghiệp Việc Làm 24h tìm hiểu rõ hơn về chỉ số EQ là gì cũng như các bài test EQ đúng chuẩn qua bài viết dưới đây nhé!
EQ là gì?
EQ – Emotional Intelligence là chỉ số trí tuệ cảm xúc, đây là khả năng nhận diện, sử dụng, kiểm soát và quản lý cảm xúc của bản thân. Theo nghiên cứu, hành vi của con người có mối liên hệ chặt chẽ với những cảm xúc bên trong như vui, buồn, giận, sợ hãi,… Do đó, chỉ số cảm xúc EQ kết nối mật thiết với những cảm xúc cá nhân, biến suy nghĩ thành hành động và đưa ra quyết định dựa trên cảm xúc.
Trong mọi tình huống, chỉ số EQ giúp mỗi người nhận biết và nhận thức cảm xúc của mình, cho phép họ xác định được cách tốt nhất để giải tỏa căng thẳng và giữ cho mình trong trạng thái cân bằng. Họ cũng có kỹ năng giao tiếp hiệu quả, đồng cảm với người khác và đối phó với xung đột một cách khéo léo. Bằng cách sử dụng EQ của mình, họ có thể xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp, vượt qua khó khăn, thử thách và đạt được sự cân bằng, thành công trong công việc và cuộc sống.
Xem thêm: Bạn có phải là người sở hữu trí thông minh cảm xúc, kiểm tra EQ ngay hôm nay
Những loại cảm xúc hình thành nên chỉ số EQ là gì?
Chỉ số EQ thường được xác định dựa trên 4 loại cảm xúc sau:
1. Khả năng nhận thức (Self-awareness)
Đây là chỉ số thể hiện mức độ nhận diện, hiểu rõ những cảm xúc đang tồn tại trong cơ thể và chấp nhận cách những cảm xúc này ảnh hưởng đến mọi quyết định. Chỉ số này giúp bản thân không chỉ cảm nhận cảm xúc mà còn có khả năng phân biệt và đặt tên cho chúng. Từ đó mỗi người mới nắm được cơ chế kiểm soát cảm xúc để điều chỉnh và quản lý cảm xúc một cách linh hoạt, hiệu quả.
Bên cạnh đó, chỉ số này giúp đánh giá bản thân khách quan, nhìn nhận rõ ràng điểm mạnh và điểm yếu của bản thân. Nhờ đó, họ biết cách khai thác và tận dụng những cảm xúc tích cực đồng thời kiềm chế những cảm xúc tiêu cực để xây dựng sự tự tin vào khả năng của bản thân, tránh những cảm xúc không lành mạnh ảnh hưởng đến quyết định.
2. Khả năng quản lý bản thân (Self-management) của EQ là gì?
Đây là mức độ làm chủ hành vi, cảm xúc và tư duy lành mạnh để đạt được mục tiêu và thích nghi với các tình huống, hoàn cảnh thay đổi khác nhau. Bạn có thể thiết lập mục tiêu cá nhân, lập kế hoạch và thực hiện các cam kết một cách nhất quán. Bên cạnh đó, chính động lực và quyết tâm sẽ là điều kiện thuận lợi để mỗi người đạt được hiệu suất cao trong công việc và cuộc sống.
3. Khả năng nhận thức xã hội (Social awareness)
Đây là mức độ nhận biết và cảm nhận được những tín hiệu về cảm xúc, nhu cầu, sở thích cũng như mối quan tâm của những người xung quanh được truyền tải thông qua cách họ giao tiếp ngôn ngữ và phi ngôn từ. Khi hiểu rõ người khác và môi trường xung quanh, bạn có thể chủ động tạo ra sự kết nối và tương tác tích cực với người khác.
Điều này thể hiện rõ nét qua khả năng lắng nghe, đồng cảm, nhận diện và hiểu rõ các quy tắc, giá trị xã hội. Bạn có khả năng phân biệt sự khác biệt văn hóa, đồng thời tôn trọng và thích ứng với đa dạng của những cá thể khác nhau.
4. Khả năng quản lý các mối quan hệ (Relationship management)
Đây là chỉ số thể hiện khả năng xây dựng, duy trì và quản lý các mối quan hệ lành mạnh, hiệu quả và đáng tin cậy với người khác. Bạn có khả năng giao tiếp rõ ràng, truyền đạt thông điệp hiệu quả và lắng nghe, đồng cảm với những người xung quanh. Dựa vào cách tạo dựng lòng tin và sự tương tác tích cực với người khác, bạn có thể xây dựng các mối quan hệ, tạo ra môi trường hợp tác và hỗ trợ trong các tình huống khác nhau dựa trên mức độ ảnh hưởng của bạn đến đối tượng.
Chỉ số EQ trung bình là bao nhiêu? EQ bao nhiêu là cao?
Chỉ số EQ thường được phân thành các nhóm sau:
- EQ dưới 85: Nhóm EQ thấp. Nhóm đối tượng này thường chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ dân số thế giới.
- EQ từ 86 đến 115: Nhóm EQ trung bình. Đây là mức độ phổ biến và chiếm đa số dân số trên thế giới.
- EQ trên 115 đến 131: Nhóm EQ cao, chiếm khoảng 15% dân số thế giới. Theo nghiên cứu, những người có EQ trong khoảng này thường dễ đạt được thành công công trong việc và cuộc sống.
- EQ trên 131: Nhóm EQ đặc biệt, cực kỳ hiếm và chỉ chiếm chưa đến 2% dân số trên thế giới
EQ là gì tại sao là chìa khoá đưa đến thành công?
Trong công việc và cuộc sống, không phải lúc nào những người thông minh nhất cũng là những người thành công và hài lòng với bản thân. Chắc hẳn bạn đã gặp những người có học vấn xuất sắc nhưng lại kém tự tin trong giao tiếp cũng như các mối quan hệ cá nhân. Chỉ số IQ – Intelligence Quotient – chỉ số thông minh không đủ để đưa bạn đạt được thành công. Hiểu đơn giản thì IQ có thể giúp bạn đỗ đại học, nhưng EQ sẽ giúp bạn giảm căng thẳng và bình tĩnh, tự tin khi đối mặt với những thách thức, khó khăn trong các cuộc thi khó nhằn. Có thể nói, chỉ số IQ và EQ tồn tại song song và đạt được hiệu quả nhất khi chúng tương thích và hỗ trợ lẫn nhau.
Hiệu suất làm việc: EQ cao giúp bạn tích cực vượt qua những rắc rối trong môi trường làm việc, tự tin và truyền cảm hứng cho những đồng nghiệp khác. Đặc biệt, người có EQ cao biết cách thúc đẩy sự hợp tác và tạo đà để đạt được kết quả cao trong công việc. Điều này thể hiện rõ nét nhất qua quá trình tuyển dụng, nhiều nhà quản lý sử dụng các bài test EQ nhằm xác định mức độ phù hợp với công việc.
Sức khỏe thể chất: Người có EQ cao thường có ý thức tốt về sức khỏe và đặt việc chăm sóc bản thân lên hàng đầu. Họ biết cách giảm bớt áp lực và căng thẳng trong công việc và cuộc sống hàng ngày. Khi biết cách điều chỉnh cảm xúc và quản lý stress, cơ thể sẽ được giải phóng khỏi những tác động tiêu cực của stress như tăng huyết áp, giảm hệ miễn dịch, tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch,… Đồng thời, họ biết cách tự thưởng cho mình, tạo ra các thói quen lành mạnh như ăn uống cân đối, tập thể dục đều đặn và thực hiện các hoạt động giảm stress như yoga hay thiền định.
Sức khỏe tinh thần: Cảm xúc không được kiểm soát ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tâm lý, khiến bạn dễ lo âu và nghiêm trọng hơn là trầm cảm. Người có EQ cao biết cách nhìn nhận và đối mặt với áp lực, căng thẳng trong cuộc sống. Họ có khả năng xác định nguồn gốc của stress và áp dụng các phương pháp tự chăm sóc để giảm bớt tác động tiêu cực của stress lên tâm trạng và trí tuệ. Ngoài ra, EQ còn thể hiện rõ nét qua kỹ năng giao tiếp và tâm lý đồng cảm, giúp tạo được mối liên kết bền chặt với những người xung quanh, điều này giúp tác động tích cực lên tâm lý cá nhân, giúp cải thiện tâm trạng và tăng cảm giác hài lòng trong cuộc sống.
Xem thêm: Mental health là gì? 4 cách chăm sóc sức khỏe tinh thần hiệu quả cho nhân viên
Các mối quan hệ: Bằng cách hiểu và kiểm soát cảm xúc, bạn có khả năng đồng cảm với người khác. Bạn biết nhìn nhận và lắng nghe những tình cảm, nhu cầu của người khác chân thành, nhờ đó ứng xử nhạy bén theo từng tình huống cũng như đối tượng giao tiếp khác nhau. Điều này tạo ra môi trường giao tiếp tích cực và tạo động lực cho mối quan hệ sâu sắc hơn.
Trí tuệ xã hội: Trí tuệ xã hội cho phép bạn nhận biết đâu là bạn bè đâu là đối thủ và đo lường sự quan tâm của người khác đối với bạn. Nhờ đó, giảm căng thẳng, cân bằng hệ thần kinh thông qua các hoạt động giao tiếp xã hội, để trái tim cảm nhận tình yêu và hạnh phúc.
Chỉ số EQ có thể được cải thiện không, bằng cách nào?
1. Nhận thức bản thân nhiều hơn
Theo nghiên cứu, trạng thái cảm xúc hiện tại của bạn có thể phản ánh theo quá trình phát triển thời thơ ấu. Khả năng nhận thức những cảm xúc cốt lõi như giận dữ, buồn bã, sợ hãi và vui sướng thường phụ thuộc vào sự nhất quán của những trải nghiệm cảm xúc thời thơ ấu. Quá trình trưởng thành tích cực sẽ giúp chỉ số EQ trở thành tài sản quý giá trong cuộc sống sau này. Ngược lại, nếu quá trình trưởng thành diễn ra theo hướng tiêu cực, tâm lý bạn xuất hiện nhiều vết trầy xước, điều này khiến bạn chối bỏ cảm xúc cá nhân.
Hãy bắt đầu bằng việc chú ý cảm xúc của bản thân bằng việc quan sát và tự hỏi mình rằng:
- Cảm xúc đó tác động như thế nào đến cách phản ứng của bạn?
- Cảm xúc đó có ảnh hưởng đến tương tác giữa bạn với mọi người không?
- Bạn giỏi giao tiếp với những người xung quanh đến mức nào?
- Bạn có hay mất kiên nhẫn, giận dữ hoặc nổi nóng khi giao tiếp không?
- Bạn có biết cách để ứng xử hiệu quả trước những cảm xúc tiêu cực chưa?
Đồng thời, hãy học cách chấp nhận các cảm xúc đó chân thành mà không đánh giá hay phê phán bản thân. Bạn nên tìm hiểu về sở thích, đam mê và những điều khiến bản thân cảm thấy hạnh phúc và đáng sống. Bên cạnh đó, bạn có thể viết nhật ký cảm xúc, thực hiện thiền định hoặc tìm lời khuyên từ những người đáng tin cậy để chấp nhận những cảm xúc đến một cách tự nhiên.
Xem thêm: Healing là gì? Bật mí TOP 5 bộ phim healing xoa dịu tâm hồn đáng xem
2. Học cách kiểm soát chính mình
Cảm xúc là những mảnh thông tin quan trọng giúp bạn thấu hiểu bản thân và người khác, nhưng khi đối diện với căng thẳng, bạn trở nên quá tải và mất kiểm soát. Bạn nên tránh hành động khi quá căng thẳng, những cảm xúc tiêu cực này có thể chi phối và khiến bạn ứng xử bốc đồng, không đúng mực.
Kiểm soát bản thân trong công việc có nhiều cách, chẳng hạn như lập thời gian biểu và phân chia công việc hợp lý, tạo không gian làm việc thoải mái, tận hưởng những hoạt động thư giãn nhẹ nhàng để giảm căng thẳng như đọc sách, xem phim, tập thể dục,….
Xem thêm: 3 cách giúp bạn kiểm soát bản thân khi công việc rơi vào bế tắc
3. Cải thiện các kỹ năng xã hội
Chỉ số EQ sẽ được nâng cao khi bạn cải thiện những kỹ năng xã hội sau:
- Kỹ năng lắng nghe: Bạn nên chủ động lắng nghe, quan tâm và tôn trọng những người xung quanh. Hãy đặt câu hỏi và chia sẻ lời khuyên khi cần thiết. Điều này không chỉ giúp bạn hiểu rõ hơn về suy nghĩ và cảm xúc của người khác, mà còn xây dựng mối quan hệ tốt đẹp, bền chặt hơn.
- Chú ý khi giao tiếp phi ngôn ngữ: Ngôn ngữ cơ thể cũng là một phần quan trọng trong giao tiếp. Lắng nghe không chỉ bằng tai mà còn cần quan sát bằng mắt và cảm nhận từ trái tim. Bạn có thể quan sát biểu cảm khuôn mặt, cử chỉ, ngôn ngữ cơ thể của người khác để thấu hiểu những thông điệp mà đối phương muốn truyền đạt.
- Trau dồi kỹ năng thuyết phục: Để thể hiện ý kiến và quan điểm của bản thân hiệu quả, hãy tập trung vào việc xây dựng vị thế và uy tín cá nhân. Bạn nên nghiên cứu và hiểu rõ vấn đề, tư duy logic, lựa chọn lập luận sắc bén và sử dụng chúng để thuyết phục người khác. Đừng quên thể hiện quan điểm cá nhân tinh tế, lịch sự lắng nghe phản hồi của người khác và linh hoạt thay đổi quan điểm khi cần thiết.
- Tránh xa drama chốn công sở: Trong môi trường làm việc, xung đột là điều không tránh khỏi. Điều quan trọng là bạn nên tập trung làm tốt việc của mình thay vì bị cuốn vào drama và những căng thẳng không cần thiết.
4. Đồng cảm với người khác
Nhìn nhận vấn đề từ quan điểm của người khác: Khi quan điểm khác biệt, hãy cố gắng đặt mình vào vị trí của người khác và nhìn nhận vấn đề từ góc nhìn của họ. Hiểu rằng mỗi người đều có quan điểm riêng và không phải lúc nào họ cũng phải đồng ý với quan điểm của bạn. Bên cạnh đó, bằng cách thể hiện sự tôn trọng và lắng nghe, bạn có thể tìm kiếm điểm chung và tạo sự hòa hợp giữa đôi bên.
Chú ý cách ứng xử: Bạn có sẵn lòng lắng nghe ý kiến của đối phương không? Bạn có thể chấp nhận ý kiến của đối phương dù bản thân không mấy đồng ý? Hãy hiểu rằng, bằng cách cho người khác biết rằng bạn đánh giá cao công sức và quan điểm của họ, họ cảm thấy được tôn trọng và có động lực để tiếp tục đóng góp ý kiến của mình.
5. Duy trì động lực cá nhân
Tập trung vào điều bạn yêu thích: Điều này giúp bạn tạo và duy trì cảm giác hứng thú cũng như động lực trong công việc hàng ngày. Hãy khai thác những mục tiêu hoặc dự án mà bạn đam mê và tìm cách tham gia.
Giữ thái độ tích cực: Hãy nhìn nhận những khó khăn, thử thách trong công việc thật lạc quan, tích cực, điều này giúp bạn tràn đầy năng lượng và truyền cảm hứng đến những người xung quanh.
Đặt mục tiêu cho bản thân: Đặt ra những mục tiêu cụ thể và cố gắng đạt được thành tựu nhỏ trên hành trình chinh phục mục tiêu lớn lao hơn. Khi đạt được mục tiêu đã đề ra, hãy tự thưởng cho bản thân để giúp bạn duy trì năng lượng chinh phục hành trình tiếp theo.
Kiểm tra EQ bằng cách nào? Chia sẻ bài test EQ đúng chuẩn
Các bạn có thể làm các bài test EQ của Tổ chức trí tuệ cao Việt Nam, TestIQFree hoặc Testonlinefree.com,… để kiểm tra chỉ số EQ của bản thân.
Kết luận
Trên hành trình chinh phục thành công, EQ đóng vai trò không thể thiếu giúp bạn trở nên nhạy bén hơn trong việc quản lý cảm xúc, xây dựng mối quan hệ tốt và vượt qua các thử thách trong môi trường làm việc. EQ không chỉ là chìa khóa để thành công cá nhân mà còn là yếu tố quan trọng trong xây dựng môi trường làm việc tích cực, tạo điều kiện để mỗi người phát triển. Hy vọng bài viết trên của Việc Làm 24h đã giúp bạn hiểu rõ chỉ số EQ là gì cũng như các bài test EQ đúng chuẩn để áp dụng vào thực tiễn công việc và đạt được thành công không xa trong tương lai.
Xem thêm: Các bài kiểm tra IQ nổi tiếng, dân văn phòng có thể làm để test trí tuệ