Gaslighting (thao túng tâm lý) là một hình thức lạm dụng tâm lý hoặc cảm xúc, xuất hiện trong nhiều mối quan hệ cuộc sống và ảnh hưởng lớn đến sức khỏe tinh thần của nạn nhân. Bạn đã hiểu tường tận các dấu hiệu của gaslighting là gì chưa, liệu bạn có đang bị thao túng nơi công sở. Hãy cùng Việc Làm 24h tìm hiểu kỹ càng về vấn đề này nhé.
Gaslighting là gì?
Gaslighting là thủ thuật thao túng tâm lý thường xảy ra trong các mối quan hệ lạm dụng. Trong đó, kẻ bắt nạt hoặc kẻ lạm dụng đánh lừa nạn nhân bằng cách liên tục tạo ra những câu chuyện sai lệch thực tế và khiến họ nghi ngờ về khả năng đánh giá, mức độ nhận thức, sự tỉnh táo, trí nhớ và giá trị của bản thân.
Thủ phạm thường sử dụng kiểu lạm dụng này để thao túng bạn bè, thành viên gia đình hoặc thậm chí là đồng nghiệp. Với môi trường đầy tính cạnh tranh như công sở, không tránh việc sử dụng Gaslighting xảy ra khá phổ biến. Nhưng không phải ai cũng nhận biết được mình đang bị thao túng hay thao túng người khác.
Dấu hiệu nhận biết Gaslighting nơi công sở
Sau khi hiểu được gaslighting là gì, bạn cần nhận ra những dấu hiệu của tình trạng này. Tại nơi làm việc, kẻ gian có thể là một người quản lý tiêu cực, một đồng nghiệp đầy mưu mô, một nhóm làm việc nhiều thành kiến, một khách hàng đầy bất mãn hoặc một đối thủ kinh doanh thường hay chơi bẩn. Thao túng tâm lý nơi làm việc cũng có thể là kết quả của sự thiên vị, của thể chế, hoặc tiêu cực từ phương tiện truyền thông.
1. Nói dối trắng trợn
Những người muốn thao túng bạn thường là những kẻ nói dối trắng trợn. Họ nói dối về những việc rất rõ ràng và hiển nhiên, ngay cả khi bạn có bằng chứng rằng họ đang nói dối thì họ trông vẫn rất thuyết phục. Thậm chí, họ còn kể lại những chuyện đã qua theo hướng có lợi cho họ.
Cuối cùng, bạn bắt đầu tự suy đoán lần nữa về mọi thứ và trở nên không chắc chắn về những vấn đề đơn giản nhất. Họ có thể nói điều gì đó như: “Tôi không nhớ”, “Tôi không biết”, “Bạn đang bịa ra mọi thứ”, “Điều đó chưa bao giờ xảy ra” hoặc “Bạn thật điên rồ.”
2. Hạ thấp uy tín của bạn
Trong những buổi họp hay đánh giá hiệu quả công việc, những người này thường tung tin đồn thất thiệt về bạn, cố tình hạ thấp uy tín và năng lực của bạn. Mục đích của họ là tấn công bạn, chọc tức bạn và làm bạn “bẽ mặt”. Nên những lời nhận xét của họ chẳng dựa trên một dữ liệu hay bằng chứng cụ thể nào.
Nghiêm trọng hơn, những “thủ phạm” này sẽ cố gắng để lôi kéo “đồng phạm” là những đồng nghiệp của bạn. Khiến mọi người nghĩ bạn “xấu xa” như lời họ nói. Vì vậy, Gaslighting có thể khiến mọi người thiếu đi cái nhìn khách quan về một người nào đó mà họ chưa từng tiếp xúc.
Ví dụ như khi bạn yêu cầu thêm thời gian cho một nhiệm vụ nào đó, nhưng lại bị từ chối ngay vì lý do “Người khác có thể làm việc này trong nháy mắt là xong!”, “Việc bạn đang làm là lãng phí thời gian và nguồn lực của công ty!”. Lời nói này khiến bạn cảm thấy mình thua kém năng lực và trình độ người khác, cũng như dần mất đi những giá trị bạn tin tưởng.
3. Làm giảm thiểu suy nghĩ và cảm xúc của bạn
Những câu nói như: “Bình tĩnh”, “Bạn đang phản ứng thái quá” hoặc “Tại sao bạn lại nhạy cảm như vậy?”, làm giảm sự nhạy cảm, suy nghĩ của bạn và làm bạn nghĩ rằng bạn đã sai. Việc “tầm thường hóa” cảm xúc này sẽ cho phép người đang chọc tức bạn có được quyền lực đối với bạn.
Khi đối mặt với một người không bao giờ thừa nhận suy nghĩ, cảm xúc hoặc niềm tin của bạn, bạn có thể bắt đầu suy nghĩ và tự vấn. Hơn nữa, bạn có thể không bao giờ cảm thấy được thấu hiểu, dần dần bạn cảm thấy bị cô lập và xấu hổ.
4. Đùa cợt và chê bai bạn
Những người muốn thao túng bạn sẽ thường phủ nhận công việc bạn đang làm dưới dạng một lời nói đùa, như: “Đùa tí thôi!”, “Giỡn ấy mà!”, “Làm gì đâu mà căng”,… Với mục đích trêu chọc, chế nhạo và hạ thấp,… nạn nhân.
Ngoài ra, thay vì đưa ra những lời đóng góp mang tính xây dựng, họ đưa ra những lời nhận xét và chê bai thiếu cơ sở. Trong môi trường làm việc, bạn sẽ có thể nghe thấy những câu nói đại loại như “Trông người ta làm bao nhiêu việc khó khăn, chút việc nhỏ này mà em cũng không làm được” hay “Từ khi em vào nhóm đã xảy ra biết bao nhiêu chuyện!”.
5. Đối xử bất công
Bạn bị phủ nhận một cách vô căn cứ về những thành tích, nỗ lực và trình độ chuyên môn. Bạn bị đánh giá là thiếu năng lực và khả năng để đảm nhiệm một công việc thử thách hơn hay được thăng tiến cao hơn. Từ đó, bạn đánh mất đi nhiều cơ hội phát triển sự nghiệp và công việc.
Bên cạnh đó, bạn bị so sánh kinh nghiệm và thành tích với những đồng nghiệp khác. Và kẻ lạm dụng cố tình phủ nhận và làm lơ mọi đóng góp và thành tích bạn đạt được. Đồng thời, họ cũng có xu hướng đổ lỗi ngược lại bạn. Ví dụ như: “Tôi không thiên vị ai cả, tôi công bằng với tất cả mọi người”, “Nếu bạn cư xử khác đi thì tôi đã không làm như vậy”.
6. Sử dụng những lời “có cánh”
Đôi khi, một người muốn thao túng bạn sẽ dùng những lời lẽ tử tế và yêu thương để cố gắng làm dịu tình hình. Họ nhẹ nhàng, khen ngợi và động viên, cổ vũ bạn để bạn không nghi ngờ họ là người xấu. Họ có thể nói: “Bạn biết tôi yêu mến bạn nhiều như thế nào. Tôi sẽ không bao giờ cố ý làm tổn thương bạn.” Những từ này có thể là những gì bạn muốn nghe và chiếm được sự tin tưởng của bạn, nhưng chúng không xác thực, đặc biệt nếu cùng một hành vi được lặp lại.
Cách đối phó với Gaslighting nơi công sở
Gaslighting có thể gây ra những tổn thương về tâm lý cho nạn nhân. Nhận biết và đối phó với Gaslighting từ sớm để tránh đổ lỗi cho bản thân bạn và tiếp tục công việc một cách tốt nhất. Nếu nhận ra mình đang là nạn nhân của Gaslighting, bạn có thể thực hiện những việc sau:
- Tăng khoảng cách và đặt ranh giới: Bạn phải xác định rõ ai đang muốn thao túng bạn và những hành vi họ đang thực hiện. Đặt ranh giới để cho người khác biết bạn sẵn sàng chấp nhận điều gì trong một mối quan hệ. Hãy nói rõ rằng bạn sẽ không cho phép người kia phủ nhận, chê bai, mỉa mai,… bạn.
- Lưu lại bằng chứng: Viết nhật ký, lưu các cuộc trò chuyện bằng văn bản hoặc lưu giữ email để bạn có thể nhìn lại chúng sau này và nhắc nhở bản thân rằng bạn không nên nghi ngờ hoặc tự vấn bản thân.
- Tìm kiếm sự giúp đỡ: Nói chuyện với một người bạn hoặc thành viên trong gia đình về những gì bạn đang trải qua. Hoặc bạn cũng có thể tìm kiếm sự giúp đỡ từ những chuyên gia sức khỏe hoặc nhà trị liệu tâm thần.
- Dành thời gian để thiền định: Thiền sẽ giúp bạn bình tâm và giữ được quan điểm, chính kiến của mình khi bạn nghi ngờ bản thân.
Gaslighting có thể bao gồm một loạt các hành vi bao gồm nói dối, đánh lạc hướng, giảm thiểu, phủ nhận và đổ lỗi. Những việc này mang đến tổn thương tinh thần cho nạn nhân nếu không sớm phát hiện ra. Khi bạn đối phó với một người sử dụng Gaslighting như một công cụ thao túng, hãy chú ý đến những gì họ làm, không phải những lời họ nói. Hãy tự nâng cao nhận thức và sự tự tin của mình để vượt qua Gaslighting nơi công sở.
Việc Làm 24h hy vọng bạn đã nắm rõ được thông tin gaslighting là gì, những dấu hiệu và cách đối phó. Môi trường công sở độc hại không chỉ khiến bạn làm việc không hiệu quả dẫn đến mất tự tin mà còn gây ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của bạn. Nếu không thể cải thiện tình hình, hãy thử nghĩ đến phương pháp tìm cho mình một công việc mới nhé.