Remarketing là chiến lược không thể bỏ qua giúp doanh nghiệp gia tăng lợi nhuận, tối ưu chi phí quảng cáo và tiếp thị thêm nhiều sản phẩm đến khách hàng tiềm năng. Cùng Nghề Nghiệp Việc Làm 24h hiểu kỹ hơn remarketing là gì và vì sao chiến lược này lại quan trọng.
Remarketing là gì?
Remarketing (tiếng Việt là “tái tiếp thị”, hay “tiếp thị lại”) là phương pháp marketing tiếp cận lại các đối tượng khách hàng trên Internet đã từng tương tác ít nhất một lần với thương hiệu.
Họ có thể từng mua hàng hoặc chưa từng là khách hàng nhưng từng tìm kiếm thông tin về thương hiệu, từng click vào quảng cáo, từng truy cập website, từng xem fanpage…
Nhiệm vụ của remarketing là khiến sản phẩm xuất hiện nhiều hơn trước mắt những người dùng tiềm năng, khiến họ nhớ đến sản phẩm và phát sinh nhu cầu mua hàng khi cần.
Nguyên lý hoạt động của remarketing là sử dụng một đoạn mã code (với Google) và pixel (với Facebook) để thêm vào landing page hoặc website bạn muốn tiếp cận khách hàng. Khi người dùng truy cập vào website hoặc landing page đã được gắn mã, hoạt động của họ sẽ được ghi nhận lại và trở thành khách hàng tiềm năng cho chiến dịch remarketing trong tương lai. Cụ thể, những nhóm khách hàng chủ yếu thường được hướng đến gồm:
- Khách hàng đã truy cập website nhưng không chuyển đổi (thực hiện các thao tác như: thanh toán, đặt hàng, đăng ký…).
- Khách hàng đã truy cập website nhiều lần (số lần tuỳ theo quy định của bạn).
- Khách hàng đã truy cập website và chi tiêu một số tiền cụ thể cho các sản phẩm trên web.
- Khách hàng click website từ quảng cáo.
Ví dụ về remarketing
Để hiểu rõ hơn remarketing là gì, bạn có thể xem ví dụ sau:
Bạn có nhu cầu cần tìm mua mỹ phẩm chăm sóc da và tìm kiếm trên Internet. Một trang web chuyên các sản phẩm skincare trông có vẻ hấp dẫn. Bạn click vào và xem qua vài sản phẩm, đọc review, bạn thậm chí còn “nhặt” vài món cho vào giỏ hàng. Tuy nhiên, vì do nào đó mà bạn chưa mua và rời khỏi trang web.
Một thời gian sau, bạn nhận được email thông báo đã quên đơn hàng (có thể bạn vẫn cần) đang nằm trong giỏ.
Hoặc khi đang lướt web vài hôm sau, bạn chợt thấy một quảng cáo sản phẩm tương tự với sản phẩm đã xem trên trang web nọ. Bạn nhớ ra mình chưa mua đồ skincare và (rất có thể) quay lại website nọ và mua hàng.
Như vậy, thông qua remarketing, đơn vị bán hàng đã nhắc nhở khách hàng tiềm năng rằng: sản phẩm vẫn ở đó, và nếu bạn vẫn còn nhu cầu (hoặc có những nhu cầu liên quan), hãy liên lạc hoặc ghé lại trang để mua hàng nhé!
Thay vì quảng cáo tới một khách hàng hoàn toàn mới và chưa biết nhu cầu, các khách hàng của remarketing là những người thực sự quan tâm và có nhu cầu mua sản phẩm, khiến quảng cáo thực sự hiệu quả và tiết kiệm hơn.
Google remarketing là gì?
Google remarketing là hình thức tiếp thị lại phổ biến. Bạn truy cập vào bất cứ trang web nào, cookie của bạn sẽ lưu lại trên trang website đó.
Cookie chính là một bản ghi được tạo và lưu lại trên trình duyệt khi người dùng truy cập vào trang web nào đó. Đây là dấu vết cho Google biết: bạn đã ghé website. Dữ liệu cookie này giúp cho marketer biết bạn đã ghé trang, xem sản phẩm nào, kéo xuống phần nào, dừng ở phần nào bao lâu?
Nghe có vẻ “đánh cắp thông tin”. Nhưng đừng lo, bởi thực tế, Google sẽ gán cho bạn ID riêng khi truy cập vào website. Trừ khi bạn để lại email hoặc thông tin riêng, nếu không, marketer sẽ chỉ biết bạn là một khách hàng với ID như vậy từng ghé website. Quảng cáo remarketing sẽ dựa trên những ID này (thông qua một đoạn mã code) để phân phối lại quảng cáo tới bạn.
Facebook remarketing là gì?
Bên cạnh Google, Facebook cũng là một nơi cực kỳ “đông dân” trên Internet, rất lý tưởng để triển khai các chiến dịch remarketing.
Nhiều lúc bạn thắc mắc tại sao một quảng cáo lại cứ “xuất hiện” trước mắt bạn 2 đến 3 lần khiến bạn không thể không quan tâm. Thực tế “tín hiệu vũ trụ” này đến từ các chiến dịch quảng cáo remarketing (thông qua pixel). Nguyên nhân xuất phát từ việc bạn ghé một fanpage, xem thông tin về sản phẩm, bình luận hoặc like một bài quảng cáo nào đó…
Remarketing có hiệu quả không?
Thực tế, nhiều khảo sát cho thấy chỉ 1 trên 100 người thực sự mua hàng ngay lần đầu tiên thấy sản phẩm trên Facebook. Họ cần xem xét thêm 2,3, thậm chí 4 lần trước khi thực sự mua.
Tới 96% khách truy cập website sau đó rời đi và không mua hàng. Khoảng 49% khách truy cập lại website từ 2 đến 4 lần trước khi thực sự mua.
Do đó, nhiệm vụ của marketer là khiến cho thông tin sản phẩm và thông điệp quảng cáo xuất hiện càng nhiều càng tốt để tăng sự ghi nhớ trong đầu khách hàng. Đó là lý do các Digital Marketer cần tới chiến dịch remarketing.
Cụ thể, remarketing sẽ giúp doanh nghiệp:
- Thu hút khách hàng quay trở lại fanpage, website hoặc trang bán hàng.
- Tăng nhận thức thương hiệu: Hơn 43% doanh nghiệp hiện nay dùng remarketing để tăng nhận thức về thương hiệu, kích hoạt giai đoạn đầu tiên của quy trình mua hàng.
- Tăng tỷ lệ chuyển đổi: Remarketing giúp hiển thị quảng cáo ngoài trang web, ví dụ trên blog, website tin tức, bài viết, video…; đồng thời nội dung chiến dịch remarketing có thể thay đổi linh hoạt để giải quyết khó khăn đang ngăn trở việc mua hàng.
- Tăng sự cạnh tranh: 11% doanh nghiệp dùng remarketing để nhắm tới khách của đối thủ.
- Xây dựng lòng tin với khách hàng: Việc xuất hiện liên tục, trên nhiều kênh với thông điệp khác nhau sẽ giúp tăng nhận thức của khách hàng về thương hiệu, từ đó tăng lòng tin.
- Bán thêm hoặc bán chéo sản phẩm liên quan: Việc bán sản phẩm liên quan cho khách hàng cũ đã có trải nghiệm về thương hiệu thường dễ hơn nhiều so với tìm cách bán cho khách hàng mới.
- Thu thập thêm dữ liệu khách hàng giá trị ví dụ như email, thông tin, đánh giá… – đây đều là những thông tin giá trị cho thương hiệu ngay cả khi chiến dịch đã kết thúc.
- CTR (click through rate – tỷ lệ nhấp chuột): Nhắm đúng đối tượng, đúng thông điệp nên các quảng cáo trong chiến dịch remarketing thường có tỷ lệ nhấp vào cao hơn từ 3 đến 10 lần so với quảng cáo thông thường, tăng hiệu suất quảng cáo cũng như tối ưu chi phí.
Ngoài ra, so với một chiến dịch marketing mới, remarketing sẽ:
- Rẻ hơn: Do bạn chỉ tiếp cận tới những người đã từng xem hoặc tiếp cận bạn, chi tiêu tập trung hơn, ít tiền hơn và đối tượng mục tiêu chất lượng hơn.
- Giúp khai thác hiệu quả SEO và SEM tốt hơn: Khi nhận được lượng truy cập ổn định tới website từ SEO và SEM, bạn có thể thêm cookie của khách hàng truy cập vào danh sách khách tiềm năng cho các chiến dịch remarketing.
- Remarketing rất phù hợp với các website có traffic tốt nhưng tỷ lệ thoát trang cao. Với mỗi chiến dịch remarketing, bạn có thể phân biệt từng nhóm khách hàng để tiếp thị đúng với nhu cầu hơn.
Khác biệt giữa retargeting và remarketing là gì?
Có một khái niệm mà nhiều người làm quảng cáo thường nhầm lẫn với remarketing chính là retargeting.
- Retargeting: Tập trung vào độ phủ sóng của quảng cáo, tái tập trung lại vào cùng một nhóm khách hàng để tăng nhận diện. Các chiến dịch retargeting thường lặp đi lặp lại để khiến khách hàng nhớ đến thương hiệu lâu thật lâu (ví dụ: OMO là để trẻ tự do lấm bẩn; sensodyne là dành cho răng ê buốt…).
- Remarketing: Quảng cáo hoặc chiến dịch tập trung vào tạo ra chuyển đổi (thường là mua hàng, đăng ký hơn là nhớ thương hiệu), “bám đuôi” tới khi nào khách hàng chuyển đổi.
Cách remarketing hiệu quả
Như vậy, hẳn bạn đã hiểu remarketing là gì. Để thực hiện remarketing hiệu quả, sau đây là 6 lưu ý:
- Phân loại insight trước khi triển khai: Hiện nay quảng cáo Google (Google adword) hay Facebook đều cung cấp các công cụ cho phép bạn phân tích khách hàng và thực hiện remarketing hiệu quả. Marketer có thể dựa theo hành động cuối cùng họ trên trang để hiểu hơn về insight khách hàng. Từ đó, phân loại khách hàng và lựa chọn thông điệp tiếp thị lại hiệu quả.
Xem thêm: Insight là gì? Hướng dẫn cách tìm insight khách hàng dễ thực hiện nhất
- Rõ ràng mục đích của chiến dịch remarketing là gì: Khác với tiếp thị thông thường, mục đích của tiếp thị lại là thôi thúc khách hàng thực hiện hành vi (mua hàng, đăng ký…). Do đó, thay vì tập trung vào những mục đích chung chung như tăng nhận diện, giới thiệu sản phẩm mới, thăm dò thị trường… mỗi quảng cáo remarketing đến từng nhóm khách hàng cần tập trung giải quyết những khó khăn khiến khách hàng chưa ra quyết định.
- Kết hợp linh hoạt kênh remarketing: Sau khi đã rõ mục tiêu chiến dịch, marketer có thể lựa chọn cùng lúc “bám đuôi” khách hàng qua nhiều kênh: Facebook, Instagram, email, quảng cáo google, SMS, thậm chí là triển khai các cuộc gọi chăm sóc khách hàng. Số lượng kênh bạn có thể lựa chọn tuỳ theo nguồn dữ liệu qua cookies hay Facebook.
- Thông điệp quảng cáo nên phù hợp, ngắn gọn: Remarketing không phù hợp vẫn có thể gây hậu quả ngược. Bởi, mọi quảng cáo về bản chất đều bị xem là làm phiền khách hàng. Thêm nữa, với chiến dịch remarketing, bạn có lợi thế là hiểu khách hàng hơn bởi họ đã từng tương tác với thương hiệu. Do đó, nội dung quảng cáo nên trọng tâm, ngắn gọn, đơn giản và tập trung vào đúng nội dung khách hàng quan tâm.
- Đúng thời điểm: đừng đợi tới nửa năm sau mới remarketing lại tới khách hàng ghé website; cũng như đừng đợi tới 1 năm sau mới quảng cáo remarketing lại khách hàng đã click vào quảng cáo. Tuỳ theo sản phẩm mà bạn chọn thời gian thực hiện chiến dịch tái tiếp thị phù hợp. Lưu ý, mọi chiến dịch quảng cáo online đều cần nhanh chóng, kịp thời.
- Kết hợp giảm giá, coupon hay freeship: Các ưu đãi vượt trội so với đối thủ hoặc các chương trình ưu đãi để kích thích mua sắm là cần thiết để thúc đẩy khách hàng ra quyết định.
Tạm kết
Trên đây là những chia sẻ ngắn từ Vieclam24h.vn về remarketing là gì. Bài viết mong rằng bạn đọc cũng sẽ có thêm thông tin cơ bản để giúp bạn triển khai các chiến dịch remarketing hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, Vieclam24h.vn hiện đã có tính năng tạo CV cực đơn giản với hàng ngàn mẫu CV ấn tượng, đầy đủ thông tin giúp bạn dễ dàng ghi điểm tuyệt đối với nhà tuyển dụng trong lần gặp đầu tiên. Truy cập ngay để thỏa sức sáng tạo CV cá nhân với chức năng tùy chỉnh màu sắc, nội dung, bố cục,… để tìm việc nhanh chóng tại môi trường làm việc mơ ước nhé.
Xem thêm: CPE là gì? Tính toán CPE như thế nào để đo lường hiệu quả Marketing?