Revenge bedtime procrastination là cụm từ mới nhưng để chỉ một khái niệm đã cũ: thói quen ngủ muộn sau một ngày bận rộn. Vì sao nhiều người trẻ chọn “thức khuya trả thù”? Vì sao buồn ngủ díp mắt nhưng vẫn muốn thức? Cùng Nghề Nghiệp Việc Làm 24h tìm hiểu kỹ hơn về hiện tượng này qua bài viết sau nhé.
Revenge bedtime procrastination là gì?
Revenge bedtime procrastination (RBP) là “cố tình thiếu ngủ” trong xã hội bận rộn, hay thức khuya trả thù. Khái niệm này xuất phát từ một cụm từ tiếng Trung “報復性熬夜” (bàofùxìng áoyè) – mô tả việc những người ban ngày quá bận bịu, nhưng tối lại cố gắng thức khuya, hy sinh giờ ngủ cho giải trí cá nhân, bất chấp việc có thể gây hậu quả xấu về sức khỏe.
Bạn có thấy tình trạng này quen thuộc không: sau cả ngày mệt nhoài vì công việc, mắt đã díu lại nhưng bạn vẫn muốn dạo một vòng Facebook, xem vài video TikTok hay xem cố tập phim. Kết quả là khi thực sự buông điện thoại xuống đã 2-3 giờ sáng.
Hiện trạng này đã có từ lâu. Năm 2014, nghiên cứu khoa học đầu tiên đã miêu tả hành vi này. Năm 2020, Daphne K. Lee đã chia sẻ cụm từ Revenge bedtime procrastination (RBP) trên trạng thái Twitter – mô tả hành động từ chối đi ngủ sớm sau một ngày bận rộn. Việc không đi ngủ sớm được xem như hành động đòi lại chút cảm giác tự do cho bản thân, một cách để “trả thù” khoảng thời gian căng thẳng, vất vả ban ngày.
Đến nay, revenge bedtime procrastination đã nhanh chóng phổ biến trên toàn thế giới khi phần lớn người trẻ đang cảm thấy họ rơi vào tình cảnh tương tự.
Những dấu hiệu cho thấy bạn cũng đang “thức khuya trả thù”
Đôi khi không phải bạn cố gắng “đi tìm tự do” hay “trả thù” thời gian bận rộn ban ngày. Chỉ đơn giản bạn cảm thấy thoải mái, thư giãn hơn khi được thức khuya. Ví dụ: phụ huynh có con nhỏ thường chỉ có thể thư giãn sau khi con cái đã đi ngủ.
Với những người cả ngày dài bận rộn: việc nằm dài trên ghế thưởng thức chương trình TV yêu thích, chơi game hay đọc sách là thời gian duy nhất khiến họ thấy thả lỏng.
Với những người khác, việc lướt mạng xã hội, mua sắm trực tuyến là những việc dễ dàng, cho họ cảm giác cuốn đến nỗi không muốn dừng lại và từ chối giờ đi ngủ.
Những người có dấu hiệu của RBP đều giảm tổng thời gian ngủ mỗi đêm tự nguyện chứ không phải bất cứ lý do nào khác. Người thực hiện hành vi này hoàn toàn nhận thức được rằng nó có thể dẫn đến những hậu quả không tốt cho sức khỏe.
Nguyên nhân dẫn đến Revenge bedtime procrastination
Có nhiều nguyên nhân khiến RBP càng ngày phổ biến
- Tìm lại cảm giác kiểm soát đối với cuộc sống
Daryl Appleton – nhà tâm lý trị liệu – lý giải: Khi cảm thấy mất kiểm soát với những căng thẳng ban ngày, con người đôi khi nỗ lực “bù đắp” lại bằng thời gian rảnh ban đêm với những hoạt động đơn giản hơn để giảm tải áp lực.
- Không có ranh giới lành mạnh cho công việc – cuộc sống
Bận rộn đang được nhiều người xem là thước đo thành công trong cuộc sống hiện đại. Nhiều người chọn tăng ca hay mang việc về nhà khiến giấc ngủ bị ảnh hưởng. “Bận rộn ảo” là một khái niệm chỉ những người viện cớ đi ngủ muộn để tỏ ra bận rộn. Điều đó khiến họ trông có vẻ năng suất hơn, thành công hơn, dù chỉ trong suy nghĩ của bản thân.
- Khó ngủ hoặc overthinking (suy nghĩ quá nhiều)
Tình trạng mất ngủ và giờ ngủ lộn xộn khiến cho đồng hồ sinh học thay đổi nên đôi khi dù muốn bạn cũng khó lòng mà đi ngủ sớm. Không chỉ vậy, dùng thiết bị điện tử còn cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng khó ngủ. Trớ trêu thay, khi khó ngủ, chúng ta lại có thói quen muốn xem điện thoại. Càng xem lại càng khó ngủ. Nhiều nội dung ập đến khiến tâm trí cũng đi lang thang và suy nghĩ miên man nhiều hơn. Tất cả tạo thành vòng luẩn quẩn khiến bạn không ngủ sớm.
Revenge bedtime procrastination – nên hay không?
Cách “trả thù” theo kiểu này tựa như giải quyết một vấn đề bằng cách tạo ra vấn đề khác.
Bởi thiếu ngủ là nguồn cơn gây ra các vấn đề tiêu cực. Thiếu ngủ là nguyên nhân dẫn tới nhiều vấn đề như: suy giảm khả năng về tư duy, giảm trí nhớ, giảm khả năng ra quyết định. Dần dà sẽ dẫn đến vấn đề về tâm lý như: rối loạn lo âu, bất ổn tâm lý hay thậm chí trầm cảm.
Cơ thể thiếu ngủ cũng báo động bằng những bệnh lý như tiểu đường, đau dạ dày, suy nhược… Mọi vấn đề sẽ không đến một sớm một chiều mà âm thầm hủy hoại bạn.
Một thí nghiệm của Đại học Amsterdam (Hà Lan) với 71 tình nguyện viên là người trưởng thành và đang làm trong nhiều lĩnh vực đã chỉ ra hậu quả của thiếu ngủ. Cụ thể, tình nguyện viên ghi lại lịch trình hàng ngày để đánh giá xem họ có đạt năng suất hay không. Kết quả, những người ngủ càng ít càng hoàn thành ít mục tiêu.
Có thể thấy cái giá cho cảm giác “tự do” và thoải mái trong vài giờ là những hệ quả tai hại tới sức khoẻ trong tương lai.
Nếu thực sự bạn coi đó là “liều thuốc” để lấy lại sự “cân bằng” cho bản thân thì có vẻ như “tác dụng phụ” của nó là thứ tương đối đắt. Đương nhiên, lựa chọn vẫn là ở bạn.
Cách “trả thù” đúng đắn nhất là trả lại cho bản thân giấc ngủ ngon
Từ nguyên nhân của tình trạng Revenge bedtime procrastination, có thể thấy đó là do khả năng kiểm soát trong cuộc sống kém, khả năng cân bằng công việc hay quản lý thời gian không hiệu quả và thói quen xấu trước khi ngủ. Vậy cách hiệu quả nhất có lẽ là giải quyết nguyên nhân tận gốc, và đừng trả thù, vì chúng ta cần giấc ngủ.
- Thực hành đi ngủ đúng giờ để không bị lỗi nhịp sinh học.
- Nói không với các tác nhân gây mất ngủ như cà phê, trà, thiết bị điện tử trước khi ngủ.
- Giải quyết các vấn đề công việc bằng cách phân tích khoa học, khắc phục từng lỗi khiến công việc trì trệ hay căng thẳng, không phải lảng tránh bằng cách giải trí ban đêm.
- Phân định thời gian làm việc và thời gian riêng tư cho bản thân. Nếu bạn kiên quyết việc công ty để lại công ty, chắc chắn bạn sẽ đủ thời gian thư giãn.
- Sắp xếp lại lịch trình và tập kỷ luật bản thân để tuân thủ đúng lịch trình này. To-do-list sẽ là gợi ý hoàn hảo để bạn bắt đầu siết chặt kỷ luật.
Xem thêm: To do list là gì? Các app To do list và các mẫu To do list không thể bỏ lỡ
- Ưu tiên thời gian cho bản thân – đừng ôm đồm. Nếu cảm thấy quá tải công việc, hãy báo với sếp, nếu quá tải việc nhà, hãy bàn với bạn đời để họ chia sẻ hoặc thuê giúp việc.
- Nếu khó ngủ, hãy thử các thực phẩm tốt cho giấc ngủ như óc chó, cá hồi, cá ngừ, rau diếp cá, trà hoa cúc, hạnh nhân…
Lời kết
Với những chia sẻ trên đây từ Vieclam24h.vn, hẳn bạn đã hiểu hơn về Revenge bedtime procrastination. Mong rằng những chia sẻ này sẽ giúp bạn trả lời được câu hỏi: có nên thức khuya trả thù hay không cũng như tìm được cách “trả thù” thông minh. Đừng quên theo dõi Blog Vieclam24h.vn đều đặn để bỏ túi thêm nhiều kiến thức giá trị nhé.
Bên cạnh đó, Vieclam24h.vn hiện đã có tính năng tạo CV cực đơn giản với hàng ngàn mẫu CV ấn tượng, đầy đủ thông tin giúp bạn dễ dàng ghi điểm tuyệt đối với nhà tuyển dụng trong lần gặp đầu tiên. Truy cập ngay để thỏa sức sáng tạo CV cá nhân với chức năng tùy chỉnh màu sắc, nội dung, bố cục,… để tìm việc nhanh chóng tại môi trường làm việc mơ ước nhé.
Xem thêm: Bed Rotting – Nằm dài cả ngày: Phương pháp tự chữa lành hay hủy hoại bản thân?