Đã bao giờ bạn tự hỏi quá trình kiếm tiền của một doanh nghiệp diễn ra như thế nào? Revenue Model (mô hình doanh thu), được xem là yếu tố then chốt quyết định sự thành công và phát triển của bất kỳ doanh nghiệp nào. Revenue Model là gì? Có các loại Revenue Model nào? Tất cả sẽ được giải đáp qua bài viết dưới đây của Nghề Nghiệp Việc Làm 24h!
Revenue Model là gì?
Revenue Model (Mô hình doanh thu) là cách thức mà một doanh nghiệp tạo ra doanh thu và lợi nhuận. Mô hình doanh thu là chiến lược quản lý các luồng doanh thu và nguồn lực cần thiết cho từng luồng doanh thu đó.
Revenue Model là một phần thiết yếu của Business Model (mô hình kinh doanh), nhờ vào mô hình doanh thu, doanh nghiệp có thể xác định cách thức tạo ra giá trị cho khách hàng, thu hút khách hàng mục tiêu và kiếm tiền từ sản phẩm/dịch vụ.
Tầm quan trọng của mô hình doanh thu
Định hướng chiến lược
Mô hình doanh thu cho thấy cách doanh nghiệp thu về doanh thu dựa trên chi phí phát sinh khi tạo ra sản phẩm/dịch vụ. Nhờ đó, doanh nghiệp có thể phân tích tỷ suất lợi nhuận, xác định thị trường mục tiêu và đưa ra chiến lược phát triển sản phẩm/dịch vụ phù hợp.
Thiết lập chiến lược giá, tối ưu lợi nhuận
Nhu cầu thị trường, mức độ cạnh tranh và giá thành sản phẩm là các yếu tố không thể thiếu trong mô hình doanh thu. Doanh nghiệp có thể dựa vào đó để cân nhắc thiết lập chiến lược giá và tối ưu doanh thu.
Hơn nữa, doanh thu được tạo ra từ nhiều nguồn khác nhau, mô hình doanh thu cho biết sản phẩm/dịch vụ nào tạo ra lợi nhuận cao nhất. Dựa vào Revenue Model, doanh nghiệp có thể tối ưu hoạt động và sử dụng nguồn lực hiệu quả.
Tài chính bền vững
Mô hình doanh thu giúp doanh nghiệp dự đoán khả năng tạo ra lợi nhuận hiện tại và tương lai. Dựa vào doanh thu mong đợi, doanh nghiệp có cơ sở đánh giá mức độ rủi ro và tiềm năng phát triển. Đồng thời, lập kế hoạch đầu tư, thiết lập các dòng thu nhập ổn định.
Thu hút đầu tư
Mô hình doanh thu có thể được coi là lộ trình để hiểu doanh nghiệp sẽ hoạt động tài chính như thế nào. Các nhà đầu tư sẽ xác định cách doanh nghiệp tạo ra doanh thu, trang trải chi phí và mang lại lợi nhuận. Một mô hình doanh thu càng rõ ràng càng giúp doanh nghiệp thu hút đầu tư tiềm năng.
Lợi thế cạnh tranh, mở rộng thị trường
Revenue Model là quyết định mang tính chiến lược, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng cạnh tranh và tính bền vững của doanh nghiệp trên thị trường.
Các thành phần của Revenue Model là gì?
Revenue Model nên phác thảo các nguồn doanh thu và chi phí khác nhau để doanh nghiệp ra quyết định liên quan đến chiến lược kinh doanh tổng thể, trong đó có:
- Các luồng doanh thu: Tất cả các luồng doanh thu trực tiếp và gián tiếp.
- Cơ cấu chi phí: Tất cả các chi phí cố định và chi phí biến đổi mà doanh nghiệp phải chịu để tạo ra doanh thu.
7 mô hình doanh thu phổ biến giúp doanh nghiệp bứt phá
Nắm rõ các loại mô hình doanh thu sẽ giúp doanh nghiệp lựa chọn và tính toán tốc độ tăng trưởng doanh thu tốt hơn.
1. Mô hình doanh thu quảng cáo (Advertising-supported revenue model)
Đây là một trong những mô hình doanh thu phổ biến hiện nay, với nguồn thu nhập chính đến từ việc hiển thị quảng cáo. Doanh nghiệp sẽ bán các vị trí quảng cáo cho các doanh nghiệp khác đang muốn tiếp thị sản phẩm. Doanh nghiệp muốn tiếp thị có thể chuyển hướng đến trang đích mình mong muốn, còn doanh nghiệp đặt quảng cáo kiếm tiền từ hoa hồng.
Với chi phí đầu tư thấp, mô hình doanh thu này có thể tạo ra nguồn thu nhập thụ động hấp dẫn nếu doanh nghiệp sở hữu nền tảng trực tuyến có lượng truy cập lớn.
Tuy nhiên, doanh thu này có thể biến động theo thời gian, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thị trường, nhu cầu của nhà quảng cáo và hành vi người dùng. Bạn cũng cần cân nhắc đến việc tích hợp quảng cáo quá nhiều hoặc không phù hợp có thể ảnh hưởng tiêu cực đến trải nghiệm người dùng.
Ví dụ: Spotify cung cấp dịch vụ nghe nhạc trực tuyến miễn phí với quảng cáo hoặc trả phí để nghe nhạc không có quảng cáo. Mô hình doanh thu quảng cáo giúp Spotify thu hút nhiều người dùng không muốn trả tiền mua gói. Tuy nhiên, người dùng có thể bị làm phiền bởi quảng cáo, Spotify gặp phải tỷ lệ thoát ứng dụng cao.
Xem thêm: Hyper Personalization là gì? Siêu cá nhân hoá có là tương lai ngành quảng cáo?
2. Mô hình doanh thu đăng ký (Subscription Revenue Model)
Mô hình doanh thu đăng ký dựa vào việc khách hàng đăng ký và trả phí định kỳ để sử dụng sản phẩm/dịch vụ. Mô hình này cho phép doanh nghiệp tạo ra doanh thu ổn định bằng cách cung cấp các gói đăng ký dài hạn, mang lại nguồn thu nhập lặp lại hàng tháng (MRR – Monthly Recurring Revenue).
Khách hàng đăng ký có xu hướng gắn bó lâu hơn so với khách hàng mua sản phẩm một lần. Doanh nghiệp có thể giới thiệu các sản phẩm/dịch vụ mới cho họ, việc bán thêm (upsell) và bán chéo (cross-sell) giúp tăng doanh thu hiệu quả.
Mô hình đăng ký giúp doanh nghiệp dự đoán nhu cầu của khách hàng, đầu tư vào nền tảng và mở rộng quy mô hoạt động dễ dàng. Việc nhận được khoản thanh toán định kỳ giúp doanh nghiệp đảm bảo dòng tiền ổn định, thông qua đó, lập kế hoạch tài chính và quản lý ngân sách hiệu quả.
Tuy nhiên, doanh nghiệp cần đầu tư vào việc phát triển sản phẩm/dịch vụ chất lượng cao và xây dựng chiến lược Marketing hiệu quả. Doanh nghiệp cần cung cấp bản dùng thử miễn phí hoặc giảm giá để thu hút khách hàng mới. Mặc dù không phải tất cả các mô hình đăng ký đều thành công nhưng Netflix là một ví dụ điển hình cho thấy mô hình này có thể mang lại lợi nhuận.
3. Mô hình doanh thu liên kết (Affiliate Revenue Model)
Đây là mô hình doanh thu cho phép cá nhân hoặc doanh nghiệp kiếm lợi nhuận thông qua việc quảng bá và bán sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp khác. Người tham gia tiếp thị liên kết đóng vai trò trung gian, kết nối khách hàng tiềm năng với các sản phẩm/dịch vụ.
Bạn không cần đầu tư vào sản phẩm/dịch vụ, cũng không cần lo lắng về việc vận chuyển hay chăm sóc khách hàng. Với chi phí đầu tư thấp, bạn có thể kiếm được hoa hồng cao cho mỗi lần sản phẩm/dịch vụ được bán đi ngay cả khi không trực tiếp bán hàng.
Tiếp thị liên kết là “mảnh đất” màu mỡ nhưng nhiều cạnh tranh. Do đó, bạn phải có chiến lược hiệu quả để thu hút khách hàng.
Xem thêm: Affiliate Marketing là gì? Cách hái ra tiền trong thời gian nhàn rỗi ngay tại nhà
4. Mô hình doanh thu hoa hồng (Commission-based Revenue Model)
Mô hình doanh thu hoa hồng giúp doanh nghiệp nhận hoa hồng từ mỗi giao dịch được thực hiện trên nền tảng, ở đây, doanh nghiệp đóng vai trò trung gian kết nối người bán và người mua. Doanh nghiệp chỉ kiếm tiền khi phát sinh giao dịch, khi thu hút được nhiều người dùng, nền tảng sẽ có nhiều giao dịch hơn, dẫn đến gia tăng doanh thu. Mô hình này khuyến khích người bán nỗ lực bán hàng để kiếm hoa hồng, từ đó thúc đẩy hiệu quả hoạt động của nền tảng.
Nhược điểm lớn của mô hình này là phụ thuộc vào khối lượng giao dịch. Nếu có ít giao dịch, doanh thu sẽ giảm. Doanh nghiệp có quyền kiểm soát giá cả sản phẩm/dịch vụ được bán trên nền tảng, dẫn đến cạnh tranh về giá giữa người bán và tỷ lệ hoa hồng.
Xem thêm: Tiền hoa hồng là gì? Tiết lộ 5 cách tính tiền hoa hồng chuẩn nhất hiện nay
5. Mô hình doanh thu tài trợ (Donation Revenue Model)
Mô hình doanh này kêu gọi và chấp nhận các khoản đóng góp tự nguyện thay vì bán sản phẩm/dịch vụ. Mô hình này thường được các tổ chức phi lợi nhuận, tổ chức từ thiện sử dụng.
Ưu điểm của mô hình này là huy động nguồn vốn linh hoạt, các tổ chức có thể nhận được tiền quyên góp từ nhiều nguồn khác nhau, giảm mức độ phụ thuộc vào một nguồn tài chính duy nhất. Tuy nhiên, nguồn thu từ quyên góp phụ thuộc vào lòng hảo tâm của các nhà tài trợ, thường không ổn định và khó dự đoán, gây khó khăn trong việc hoạch định ngân sách và hoạt động của tổ chức. Tiền quyên góp thường đi kèm với các điều kiện nhất định về mục đích sử dụng, có thể hạn chế tính linh hoạt của tổ chức trong việc phân bổ ngân sách.
Ví dụ: Hội Chữ Thập Đỏ (The Red Cross) sử dụng mô hình doanh thu tài trợ, đây là tổ chức nhân đạo toàn cầu, hoạt động dựa trên các khoản đóng góp tự nguyện.
6. Mô hình doanh thu dựa trên biên độ đánh dấu (Markup Revenue Model)
Đây là chiến lược tính giá bằng cách cộng thêm một tỷ lệ lợi nhuận (biên độ đánh dấu) vào giá gốc của sản phẩm để đảm bảo khả năng sinh lời. Mô hình này dễ dàng áp dụng, giúp việc tính toán lợi nhuận thuận lợi. Doanh nghiệp cũng có thể điều chỉnh tỷ lệ biên độ đánh dấu linh hoạt dựa trên các điều kiện về thị trường, nguồn cung, cạnh tranh,… để kiểm soát mức lợi nhuận mong muốn.
Tuy nhiên, mô hình doanh thu này có thể gặp khó khăn khi thị trường cạnh tranh khốc liệt. Duy trì biên độ lợi nhuận mong muốn gặp nhiều trở ngại khi các đối thủ cạnh tranh áp dụng chiến lược giá thấp. Chẳng hạn như việc giảm giá để thu hút khách hàng có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận.
7. Mô hình doanh thu lãi suất (Interest Revenue Model)
Mô hình doanh thu lãi suất là chiến lược kinh doanh mà các doanh nghiệp tạo ra thu nhập bằng cách hưởng lãi suất. Thay vì trực tiếp bán sản phẩm/dịch vụ, các doanh nghiệp kiếm tiền thông qua việc thu lãi từ các khoản cho vay.
Mô hình này cho phép các doanh nghiệp tạo ra thu nhập thụ động, đa dạng hóa nguồn thu nhập, số tiền lãi có thể tăng lên đáng kể dựa vào biến động lãi suất. Tuy nhiên, mô hình doanh thu lãi suất đi kèm với một số rủi ro nhất định khi người vay không thể trả. Ngành tài chính thường có nhiều quy định pháp lý chặt chẽ, doanh nghiệp cần tuân thủ các quy định này.
Công ty thẻ tín dụng là một ví dụ điển hình của mô hình doanh thu lãi suất. Các công ty này phát hành thẻ tín dụng cho khách hàng và thu lãi từ các khoản vay trên thẻ. Lãi suất được tính trên số tiền mà khách hàng sử dụng thẻ tín dụng. Ngoài ra, các công ty thẻ tín dụng có thể thu thêm phí thường niên, phí giao dịch quốc tế, phí trễ hạn,…
Kết luận
Lựa chọn mô hình doanh thu phù hợp là một bài toán hóc búa mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng phải đối mặt. Lựa chọn sai lầm có thể dẫn đến thất bại và ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn tại của doanh nghiệp. Hy vọng bài viết này của Vieclam24h.vn đã cung cấp cho bạn những kiến thức hữu ích về Revenue Model và các yếu tố cần lưu ý. Chúc bạn thành công!
Việc làm gợi ý
ㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤXem thêm >ㅤㅤㅤ
Ngoài ra, hiện Vieclam24h.vn đã trang bị tính năng tạo CV miễn phí giúp hành trình tìm việc trở nên đơn giản cho ứng viên. Hàng trăm mẫu CV với nhiều màu sắc, bố cục cho bạn thỏa sức sáng tạo và tùy chỉnh để sở hữu bộ CV xin việc cực ấn tượng.
Xem thêm: Due diligence là gì? Vì sao thẩm định kinh doanh rất quan trọng?