Đa số mọi người, ai cũng yêu thích sự ngăn nắp và sạch sẽ. Tuy nhiên, chắc hẳn có đôi lúc bạn chứng kiến hoặc biết đến một số người lại có những hành động, cử chỉ thái quái để đạt được một sự ngăn nắp không cần thiết. Điều đó không chỉ dừng lại ở sở thích cá nhân mà đã được y học liệt kê vào nhóm bệnh lý thần kinh, mang tên rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Vậy bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế là gì? Dân hành chính – văn phòng có dễ mắc bệnh này không? Hãy cùng Việc Làm 24h tìm hiểu về các biểu hiện cũng như cách chữa của bệnh nhé!
1. Rối loạn ám ảnh cưỡng chế là gì?
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế hay còn được gọi là OCD (viết tắt của Obsessive-Compulsive Disorder) là một rối loạn tâm thần. Những người mắc căn bệnh này thường trải qua những ám ảnh hoặc những suy nghĩ không mong muốn lặp đi lặp lại (ví dụ như: sợ bụi bẩn, sợ bệnh tật,..) khiến họ có cảm giác rất muốn thực hiện một hành vi cụ thể. Sau đó, họ hành động như thể bị thôi thúc hoặc ép buộc (những hành động này được gọi là cưỡng chế) để giúp giải tỏa những ý nghĩ ám ảnh trên.
Ví dụ trong trường hợp một người mắc OCD dọn dẹp sẽ luôn quan sát mọi thứ xung quanh và giữ cho chúng sạch sẽ hết mức có thể. Họ sẽ luôn dọn dẹp và sắp xếp lại mọi thứ ngay cả khi căn nhà đã rất sạch sẽ và hoàn hảo rồi. Mặc dù ít khi đe dọa đến sức khỏe nhưng OCD khiến các hoạt động sinh hoạt thường ngày, công việc, học tập và những mối quan hệ xung quanh người bệnh bị ảnh hưởng.
Bệnh rất phổ biến và có nhiều dạng khác nhau. Tổ chức OCD thế giới công bố rằng có đến 2% dân số đang gặp phải tình trạng này. Điều đó cho thấy trên toàn thế giới con số thống kê có thể sẽ lên đến hàng trăm triệu người mắc phải căn bệnh tâm lý này. Căn bệnh này cũng ảnh hưởng đến cả nam và nữ. Nếu để ý, rất có thể bạn sẽ phát hiện ra bạn bè hoặc người thân hay có thể chính bạn đang mắc phải chứng OCD này.
2. Những biểu hiệu của người mắc rối loạn ám ảnh cưỡng chế
Vậy để biết xem bản thân có phải đang mắc bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế hay không thì bạn có thể xem qua một số biểu hiện cụ thể sau đây:
Rửa tay quá nhiều lần
Đây là dấu hiệu phổ biến nhất của căn bệnh này. Người bệnh thường xuyên rửa tay và lau chùi kỹ càng bàn tay của mình và lúc nào cũng tỏ ra sợ hãi sự lây lan của mầm bệnh từ môi trường xung quanh.
Dọn dẹp nhà cửa quá đà
Người bệnh OCD thường có những nguyên tắc dọn dẹp nhà cửa riêng, bắt buộc phải tuân theo và lúc nào nhà cửa cũng phải ở trạng thái sạch sẽ. Người bệnh không bỏ qua việc dọn dẹp cho dù mệt mỏi đến thế nào, luôn có cảm giác vi trùng ở khắp nơi và trang bị rất nhiều dụng cụ vệ sinh nhà cửa.
Thường hay đếm số không cần thiết
Người bệnh thường hay ám ảnh bởi các con số, cảm thấy lo lắng thái quá khi gặp những con số không may mắn hay có thói quen thường đếm số người, số mục tiêu hoặc số lượng công việc một cách không cần thiết.
Luôn kiểm tra mọi thứ nhiều lần
Người bệnh thường có xu hướng kiểm tra mọi thứ nhiều hơn người bình thường, người bệnh luôn cảm thấy bất an về mọi thứ và cần phải kiểm tra lại nhiều lần mới thấy an tâm hơn.
Nỗi ám ảnh về tình dục
Người bệnh có thể có những suy nghĩ bất thường về xu hướng tình dục như muốn quan hệ với người lạ hoặc người đồng giới, thậm chí là cả với đồng nghiệp hay khách hàng trong công ty,… Họ không hề mong muốn những ám ảnh về tình dục này, nhưng chúng vẫn thường xuất hiện trong suy nghĩ của người bệnh một cách vô thức.
Hay theo ý kiến người khác
Người bệnh thường không tin tưởng vào quyết định của bản thân và thường hay hỏi ý kiến của mọi người xung quanh về các vấn đề cần tự quyết định bởi bản thân. Người bệnh luôn có cảm giác làm theo ý kiến của mọi người thì bản thân sẽ cảm thấy an tâm hơn.
Có rất nhiều dấu hiệu để nhận biết bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế, tuy nhiên, ranh giới giữa bị bệnh và không bị bệnh thường rất mong manh và còn tùy thuộc vào mức độ của sự rối loạn. Vì thế để đảm bảo chắc chắn, bạn có thể thực hiện các bài test hoặc đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán chính xác nhất.
Xem thêm: Quyết định là gì? Bật mí 5 tuyệt chiêu giúp rèn kỹ năng ra quyết định nhanh chóng
3. Nguyên nhân của bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế
Đến nay, nguyên nhân chính xác vẫn chưa được xác định cụ thể. Tuy nhiên, thông qua nghiên cứu những trường hợp bị bệnh, các chuyên gia nhận thấy một số yếu tố chung làm tăng nguy cơ mắc bệnh như:
- Tuổi từ 15 – 25
- Khởi phát sớm ở nam hơn so với nữ
- Tỷ lệ nữ mắc cao hơn so với nam giới
- Di truyền cũng được xem là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh (nguy cơ cao hơn ở người có người thân mắc OCD hoặc rối loạn TIC)
Ngoài ra, theo Viện Sức khỏe Tâm thần Hoa Kỳ, sự phát triển không thường xuyên và suy giảm ở một số khu vực của não cũng có liên quan đến tình trạng này. Một số bằng chứng cho thấy có thể liên quan một phần đến cách bộ não của bạn phản ứng với serotonin. Serotonin là chất dẫn truyền thần kinh có chức năng chính giúp điều chỉnh tâm trạng và giấc ngủ, vì thế sự mất cân bằng chất dẫn truyền thần kinh serotonin cũng có thể là nguyên nhân gây ra căn bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế cho nhiều người.
4. Các cách chữa bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế
Việc chẩn đoán hay test rối loạn ám ảnh cưỡng chế chủ yếu dựa trên các biểu hiện lâm sàng. Khi thăm khám, bệnh nhân nên trung thực thông báo với bác sĩ các suy nghĩ, hành vi bất thường để quá trình chẩn đoán diễn ra thuận lợi.
Thường được điều trị và cải thiện bằng một số phương pháp sau:
Điều trị bằng thuốc
Một số người khi mắc OCD sẽ được bác sĩ kê đơn điều trị bằng việc uống thuốc. Tuy thuốc không xóa bỏ hoàn toàn những đặc điểm của hội chứng ám ảnh cưỡng chế biểu hiện lên người bệnh nhưng chúng hỗ trợ giúp kiểm soát một phần tình hình bệnh.
Thông thường, thuốc chống trầm cảm sẽ được sử dụng đầu tiên và có thể bao gồm:
- Clomipramine (Anafranil)
- Fluvoxamine (Luvox CR)
- Fluoxetine (Prozac)
- Paroxetin (Paxil, Pexeva)
- Sertraline (Zoloft)
Điều trị bằng trị liệu
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế được hình thành từ những suy nghĩ không mong muốn, vì thế có một số phương pháp trị liệu để quản lý những suy nghĩ ấy và thay đổi các hành vi cưỡng chế giúp thư giãn và đối phó với cảm xúc đau khổ.
Các phương pháp trị liệu được khuyến khích bao gồm:
- Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT): Giúp người bị rối loạn biết cách xác định, điều chỉnh lại các kiểu suy nghĩ và hành vi không mong muốn hoặc tiêu cực.
- Phòng ngừa tiếp xúc và phản ứng (ERP): Đây là một loại nhận thức hành vi bao gồm việc tiếp xúc từ từ với các tình huống sợ hãi, hoặc mối quan tâm gốc rễ của những ám ảnh/cưỡng chế. Mục tiêu của ERP là học cách quản lý những nỗi ám ảnh đau khổ gây ra mà không cần tham gia vào các hành vi cưỡng chế.
- Liệu pháp nhận thức dựa trên thiền chánh niệm: Liệu pháp này cũng giúp người bệnh đối phó với tình trạng đau khổ do những suy nghĩ ám ảnh gây ra.
Tạm kết
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế là một căn bệnh tâm lý phổ biến hiện nay, tuy mức độ không nguy hiểm đến sức khỏe, nhưng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và hiệu suất làm việc của những ai mắc phải.
Nếu bạn nghi ngờ người thân hoặc bạn bè xung quanh mình mắc phải chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD), hãy hỗ trợ và khuyên bảo họ bằng những kiến thức trên. Chúc mọi người luôn có một sức khoẻ thật tốt nhé!
Đừng quên đón những bài viết hữu ích khác tại Nghề Nghiệp Việc Làm 24h.
Xem thêm: Tự do tài chính là gì? Đâu là bí quyết cho một cuộc sống an nhiên, vô lo vô nghĩ