Mỗi người đều có những nỗi lo lắng riêng của bản thân, đặc biệt là khi vòng quay cuộc sống hối hả và công việc ngày càng áp lực, con người lại càng phải đối diện với nhiều nỗi lo lắng, suy nghĩ hơn. Sẽ không phải đáng ngại nếu như những biểu hiện lo âu ấy ở mức vừa phải và hợp lý, tuy nhiên, nếu bạn có biểu hiện dễ lo lắng quá mức hay sợ hãi thường xuyên mà không rõ lý do thì rất có thể bạn đang mắc phải căn bệnh “rối loạn lo âu”. Vậy rối loạn lo âu là gì? Các triệu chứng của căn bệnh này và cách chữa bệnh rối loạn lo âu như thế nào? Bài viết dưới đây của Việc Làm 24h sẽ cùng bạn khám phá nhé!
1. Rối loạn lo âu là gì?
Lo âu là một trạng thái cảm xúc thường gặp khi bạn phải đối diện với một vấn đề khó khăn, nó khiến cho bạn cảm thấy căng thẳng, khó chịu hoặc không vì bất kì nguyên nhân nào cả. Tuy nhiên nếu trạng thái này thường xuyên xuất hiện và kéo dài sẽ khiến cho sức khỏe của bạn bị ảnh hưởng, hành vi cũng sẽ bị tác động nhiều hơn, từ đó hình thành nên rối loạn lo âu.
Rối loạn lo âu là sự sợ hãi quá mức, không có nguyên nhân, do chủ quan của người bệnh. Căn bệnh này khiến bệnh nhân không thể kiểm soát được các biểu hiện, cảm xúc của bản thân trong cuộc sống hằng ngày.
2. Các triệu chứng rối loạn lo âu phổ biến
Rối loạn lo âu là một bệnh tâm lý vì thế các triệu chứng của căn bệnh này có thể dễ dàng nhận thấy thông qua các biểu hiện tâm lý, tinh thần và thể chất:
Thường xuyên lo lắng
Tâm lý hay lo lắng chính là một trong những biểu hiệu đặc trưng của căn bệnh rối loạn lo âu, bạn sẽ cảm thấy bất an đối với tất cả mọi hoạt động, sự kiện diễn ra xung quanh. Thông thường cảm xúc lo lắng của bệnh nhân sẽ không xuất phát từ bất kỳ nguyên nhân nào, mức độ lo lắng sẽ tăng dần theo thời gian.
Mệt mỏi kéo dài
Bạn luôn cảm thấy mệt mỏi, không có năng lượng để hoạt động và thực hiện các công việc hàng ngày. Cũng bởi vì tâm lý thường xuyên lo âu, kích động quá mức làm cho người bệnh không thể tập trung, luôn bị phân tâm, lo lắng suy nghĩ.
Khó ngủ thường xuyên
Một trong những biểu hiện thường gặp khác với các bệnh nhân bị rối loạn lo âu đó chính là mất ngủ hay ngủ không ngon giấc. Người bệnh cảm thấy khó khăn khi bắt đầu ngủ, đôi lúc cơ thể cảm thấy mệt mỏi và rất buồn ngủ nhưng không thể chợp mắt. Nhiều bệnh nhân có thể thức trắng nhiều đêm gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần.
Cáu gắt vô cớ
Những người bị rối loạn lo âu có xu hướng dễ cáu gắt hơn so với người bình thường. Họ luôn cảm thấy khó chịu, không hài lòng với những việc xung quanh. Theo nghiên cứu và thống kê thì có khoảng hơn 90% các trường hợp bệnh rối loạn lo âu đều xuất hiện triệu chứng này.
Dễ bị kích động
Người bệnh rối loạn lo âu sẽ dễ dàng bị kích động, phản ứng thái quá đối với những vấn đề bình thường. Triệu chứng này sẽ kèm theo một vài biểu hiện cụ thể như chân tay run rẩy, tim đập nhanh hơn, lòng bàn tay bị đổ nhiều mồ hôi,…
Các triệu chứng rối loạn lo âu nếu ngày càng gia tăng sẽ rất nguy hiểm và ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống của người bệnh.
3. Một số kiểu rối loạn lo âu thường gặp
Vì là một căn bệnh xuất phát từ tâm lý của mỗi người, nên bệnh rối loạn lo âu rất đa dạng và có một số kiểu thường gặp như sau:
Rối loạn lo âu xã hội
Lo âu xã hội hay coi gòn là ám ảnh sợ xã hội thường bắt đầu ở tuổi thanh thiếu niên, biểu hiện sợ người khác nhìn mình chăm chú dẫn đến né tránh các hoạt động xã hội. Các biểu hiện rối loạn lo âu xã hội có thể là việc bạn sợ ăn uống ở nơi công cộng hoặc sợ nói trước công chúng hay sợ gặp người khác giới,…
Người bị rối loạn lo âu xã hội rất sợ bị phê bình bằng những lời phàn nàn, khi đó họ sẽ có xu hướng bị đỏ mặt, run tay, buồn nôn hoặc mót đi tiểu. Các triệu chứng này có thể tiến triển thành cơn hoảng sợ xã hội gây ám ảnh dài cho người bệnh.
Rối loạn hoảng sợ
Rối loạn hoảng sợ là những cơn tái diễn lo âu trầm trọng, không phụ thuộc vào bất kỳ hoàn cảnh nào hoặc tình huống đặc biệt nào và không lường trước được. Các triệu chứng thường bắt đầu đột ngột như: đau ngực, cảm giác bị choáng, chóng mặt. Bệnh nhân sẽ cảm thấy các nỗi sợ như sợ chết, sợ bị bệnh, sợ mất tự chủ,… đang đe doạ mình. Các cơn hoảng sợ cực độ sẽ kéo dài vài phút với tần số rất thay đổi và thường bệnh nhân sẽ né tránh không để cho hoàn cảnh đó lặp lại.
Rối loạn ám ảnh sợ chuyên biệt
Khi một người nào đó trải qua một nỗi sợ hãi quá mức ở trong một tình huống bất kỳ như sợ gần động vật, sợ độ cao, sợ sấm, sợ bóng tối, sợ đi máy bay, sợ không gian kín,.. họ sẽ xuất hiện ám ảnh khi rơi lại vào chính tình huống gây ra nỗi sợ đó. Lúc đó, nỗi sợ này không giảm đi mà còn bị kích hoạt. Nỗi sợ hãi của người bị rối loạn ám ảnh sợ chuyên biệt có thể là ở một nơi cụ thể nào đó, một tình huống cụ thể hoặc một đối tượng nhất định.
Tác động của nỗi ám ảnh sợ có thể gây ra các cảm giác khó chịu cho đến những biểu hiện nghiêm trọng khác ảnh hưởng đến học tập và công việc. Những người mắc chứng sợ hãi thường nhận ra nỗi sợ hãi của họ là phi lý, nhưng họ không thể làm gì với nó.
Rối loạn ám ảnh cưỡng bức
Người mắc dạng rối loạn lo âu này thường có những suy nghĩ ám ảnh không rõ nguyên nhân và thực hiện các hành vi lặp đi lặp lại không thể kiểm soát, điển hình như hành vi rửa tay liên tục, lau dọn, sắp xếp đồ đạc liên tục vì sợ vi khuẩn, vi trùng,…
Bệnh nhân cảm thấy phải thực hiện hành vi cưỡng bức để giảm bớt sự căng thẳng hoặc ngăn chặn một số sự kiện hoặc tình huống khiếp sợ.
Rối loạn lo âu lan toả
Đây là loại rối loạn lo âu có biểu hiện là lo lắng một các thái quá trước nhiều sự kiện và các dịp hoạt động quan trọng. Sự lo âu này thường khó kiểm soát đi kèm với các biểu hiện về thể chất như khó ngủ, căng thẳng cơ, bứt rứt, bực tức, khó chịu và gây ảnh hưởng lớn tới cuộc sống, công việc và học tập của người bệnh.
Người lớn mắc bệnh rối loạn lo âu lan toả thường lo lắng về sinh hoạt hàng ngày và thói quen cuộc sống như khả năng đáp ứng với công việc, tài chính, sức khoẻ của các thành viên trong gia đình, con cái hoặc các vấn đề nhỏ nhặt khác. Ngược lại, trẻ em bị rối loạn lo âu lan toả có xu hướng lo lắng quá mức về năng lực thực sự của bản thân.
Rối loạn lo âu do một chất
Điển hình là các triệu chứng lo âu quá mức gây ra bởi lạm dụng thuốc hay tiếp xúc với chất độc. Các triệu chứng khởi phát trước khi sử dụng thuốc, chất; các triệu chứng này kéo dài một khoảng thời gian (khoảng 1 tháng). Các rối loạn trên gây ra các triệu chứng lâm sàng rõ rệt như khó thở, đau ngực, buồn nôn, nổi mẩn đỏ, phát ban,… ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất lẫn tinh thần của người bệnh.
4. Những nguyên nhân gây ra rối loạn lo âu
Những nguyên nhân của chứng rối loạn lo âu thường không rõ ràng, nhưng dựa vào những biểu hiện của các loại rối loạn lo âu là gì mà các nhà khoa học có thể đưa ra một số nguyên nhân cơ bản sau:
- Sang chấn: người phải trải qua việc lạm dụng, các sang chấn tâm lý, hoặc chứng kiến những sang chấn tâm lý.
- Căng thẳng từ bệnh tật: người có vấn đề về sức khỏe và lo lắng đặc biệt về tình trạng bệnh tật của mình.
- Căng thẳng tiến triển: từ một sự việc, một căng thẳng nhỏ tiến triển dễ dàng gây rối loạn.
- Tách biệt bản thân: một số người sống tách biệt, tư duy cá nhân dễ dàng mắc rối loạn lo âu hơn người khác.
- Vấn đề sức khỏe tâm thần: trầm cảm dễ dẫn đến rối loạn lo âu.
- Tiền sử gia đình có rối loạn lo âu: yếu tố gen cũng có ảnh hưởng rối loạn lo âu.
- Thuốc, rượu: lạm dụng rượu, chất kích thích, thuốc hoặc cai rượu, cai thuốc cũng là nguyên nhân làm rối loạn lo âu tệ hơn.
5. Cách chữa bệnh rối loạn lo âu hiện nay
Sau khi đã tìm hiểu rối loạn lo âu là gì, các loại rối loạn lo âu và nguyên nhân dẫn đến căn bệnh này, chắc hẳn bạn cũng đã thấy mức độ nguy hiểm và ảnh hưởng nặng nề của căn bệnh này đối với cuộc sống. Vì thế nếu có các triệu chứng như trên bạn hãy nhanh chóng đến bác sĩ để làm các bài test rối loạn lo âu và nghe chẩn đoán từ bác sĩ để có hướng điều trị phù hợp và tốt nhất.
Thông thường các trường hợp bệnh nhẹ có thể điều trị tại nhà thông qua việc thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, đối với những đối tượng bệnh nặng cần có sự can thiệp của thuốc hoặc các phương pháp trị liệu tâm lý để giúp cho bệnh tình hồi phục nhanh chóng hơn.
Sử dụng thuốc Tây
Một số loại thuốc Tây có thể hỗ trợ kiểm soát tốt được các triệu chứng của bệnh rối loạn lo âu, giúp cho việc điều trị được thuận lợi hơn. Tuy nhiên, người bệnh không được tự ý mua thuốc về sử dụng khi chưa có chỉ định cụ thể của các bác sĩ chuyên khoa. Nếu sử dụng không đúng cách có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe và làm cho tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
Trị liệu tâm lý
Trị liệu tâm lý là hình thức được áp dụng nhiều nhất cho các bệnh nhân bị rối loạn lo âu. Với phương pháp này người bệnh sẽ được trò chuyện trực tiếp với các chuyên gia tâm lý để có thể giải tỏa các vấn đề đang gặp phải. Các chuyên gia qua những cuộc trò chuyện sẽ dần nắm được nguyên nhân gây ra bệnh, đồng thời giúp cho bệnh nhân nhận thấy những suy nghĩ, hành vi bất thường của mình, từ đó tìm ra hướng giải quyết tốt nhất.
Xem thêm: Tự do tài chính là gì? Đâu là bí quyết cho một cuộc sống an nhiên, vô lo vô nghĩ
Tạm kết
Có thể nói, rối loạn lo âu là một chứng bệnh khá phổ biến hiện nay, đặc biệt trong giới hành chính – văn phòng vì những áp lực từ công việc khiến cho người bệnh bị ảnh hưởng nhiều về tâm lý và sức khỏe trong cuộc sống hằng ngày.
Mong rằng, sau khi cùng Việc làm 24h tìm hiểu rối loạn lo âu là gì và những vấn đề xung quanh căn bệnh này có thể giúp bạn hiểu thêm về chứng bệnh và có những biện pháp phòng tránh bệnh một cách kịp thời.
Hãy tiếp tục đón đọc những bài viết hữu ích khác tại Nghề nghiệp Việc Làm 24h nhé!
Xem thêm: Dân văn phòng cần cẩn thận với 4 dấu hiệu của các bệnh tâm lý thường gặp