Rửa tiền là gì? Tội rửa tiền bị xử phạt ra sao? Theo dõi bài viết của Nghề Nghiệp Việc Làm 24h để hiểu hơn về thế nào là rửa tiền, các hình thức rửa tiền phổ biến và mức xử phạt của pháp luật với hành vi này.
Rửa tiền là gì?
Khoản 1 và 2, Điều 3 trong Luật phòng chống rửa tiền 2022 có nêu: Rửa tiền là hành vi hợp pháp hóa tài sản có được do phạm tội. Đây là tài sản có được gián tiếp hoặc trực tiếp do phạm tội; thu nhập, lợi tức, hoa lợi sinh ra từ hành vi phạm tội.
Hiểu đơn giản hơn, rửa tiền (tiếng Anh là Money laundering) là hành vi tìm cách chuyển đổi khoản lợi nhuận hoặc tài sản có được do phạm tội trở thành tài sản, lợi nhuận hợp pháp.
Luật phòng chống rửa tiền 2012 & Luật hình sự 2015 (được sửa đổi vào 2017) quy định: các hành vi rửa tiền bao gồm:
- Tham gia gián tiếp, trực tiếp vào giao dịch tài chính nhằm mục đích che dấu nguồn gốc của tiền bất hợp pháp, tiền do phạm tội có, hoặc biết do người khác phạm tội có.
- Sử dụng tài sản, tiền có nguồn gốc phạm tội vào kinh doanh hoặc hoạt động khác.
- Che giấu thông tin về bản chất thực, nguồn gốc, vị trí, quá trình di chuyển, quyền sở hữu với tài sản, tiền có được do bản thân hoặc người khác phạm tội, cản trở công việc xác minh thông tin đó.
- Có hành vi vi phạm quy định ở các điểm trên với tiền, tài sản có được từ chuyển dịch, chuyển nhượng, chuyển đổi… do người khác phạm tội mà có.
- Giúp đỡ cá nhân, tổ chức liên quan đến tội phạm để trốn trách nhiệm pháp lý thông qua hợp pháp hoá nguồn gốc của tiền, tài sản có được do phạm tội.
- Chiếm hữu tài sản trong khi đã biết rõ đó là tài sản có được do phạm tội, nhằm hợp pháp hoá nguồn gốc của tài sản.
Khoản 1&2, Điều 1 thuộc Nghị quyết 03/2019/NQ-HĐTP quy định:
+ Tiền dùng trong rửa tiền bao gồm: ngoại tệ, Việt Nam đồng; tiền mặt hoặc tiền trong tài khoản.
+ Tải sản trong rửa tiền gồm: vật dụng, giấy tờ có giá, quyền tài sản theo Luật Dân sự quy định, tồn tại ở dạng phi vật chất hoặc vật chất, bất động sản hoặc động sản, vô hình hoặc hữu hình, chứng từ hoặc công cụ pháp lý chứng minh quyền sở hữu, chứng minh lợi ích với tài sản.
Quy trình rửa tiền là gì?
Thông thường, quy trình rửa tiền được thực hiện theo 3 bước:
- Placement (Sắp xếp): là giai đoạn đưa tiền bẩn vào hệ thống tài chính lần đầu nhằm giúp giảm lượng tiền mặt đang nắm giữ, và đưa tiền vào hệ thống tài chính hợp pháp.
- Layering (Phát tán): là giai đoạn tách tiền bất hợp pháp khởi nguồn, tạo ra lộ trình phức tạp, thường là quy trình chuyển tiền ra nước ngoài.
- Integration (Quy tụ): là giai đoạn đưa tiền bẩn quay về lại nguồn hoặc đưa tới địa điểm tài khoản chỉ định và trở thành hợp pháp.
Các hình thức rửa tiền
Có nhiều hình thức rửa tiền, trong đó phổ biến là 4 hình thức sau:
Qua ngân hàng, hệ thống tài chính
Điều 3 tại Quyết định 20/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 18/4/2013 quy định: tổ chức tài chính, cá nhân kinh doanh trong các ngành, nghề phi tài chính có chức năng chuyển tiền, gửi tiền có trách nhiệm báo cáo với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nếu muốn chuyển khoản tiền có giá trị trên 300.000.000 đồng ra nước ngoài.
Do đó, đối tượng thực hiện chia nhỏ các khoản tiền, chuyển nhiều lần hoặc thuê người chuyển để tránh sự chú ý của cơ quan chức năng với những khoản giao dịch giá trị lớn.
Một ví dụ khác về rửa tiền bằng cách lợi dụng hệ thống ngân hàng là đăng ký nhiều tài khoản ngân hàng khác nhau để chuyển tiền. Tuy nhiên, do hạn chế về giá trị nên khoản tiền cần chia nhỏ và chuyển đi chuyển lại nhiều lần.
Hình thức này cũng có thể thực hiện theo dạng chuyển tiền từ nước ngoài về Việt Nam thông qua những tài khoản giả rồi liên hệ phòng giao dịch để rút tiền mặt một lần hoặc nhiều lần.
Qua thương mại, doanh nghiệp
Ví dụ về hành vi rửa tiền theo hình thức này là hình thức lập công ty xuất nhập khẩu có đối tác ở nước ngoài. Sau đó đối tượng lập thủ tục tạm nhập tái xuất hàng hoá để che giấu hành vi vận chuyển tiền ra nước ngoài. Hình thức này giả mạo thanh toán hàng hoá, dịch vụ với đối tác quốc tế thông qua ngân hàng. Đây cũng là một trong những cách rửa tiền từ nước ngoài về Việt Nam phổ biến.
Một ví dụ về rửa tiền qua kinh doanh khác là lập công ty “bình phong” để hoạt động hợp pháp. Tuy nhiên, hoạt động của công ty không theo đúng chức năng đã đăng ký hoặc rất ít, thay vào đó sử dụng hoá đơn chứng từ giả, công bố luôn có lãi, và khoản tiền lãi từ đầu tư kinh doanh sẽ được hợp pháp trở thành lãi doanh nghiệp trả cho cổ đông hoặc chủ doanh nghiệp như thông thường.
Qua bất động sản, tài sản
Một hình thức rửa tiền khác là thông qua mua bán bất động sản hoặc những tài sản có tính thanh khoản cao, giá trị lớn như: đồng hồ, túi xách, kim cương…
Đối tượng mua đi bán lại tài sản nhiều lần và ở nhiều nơi, nhờ người khác đứng tên các tài sản mua bán để hợp thức hóa việc chuyển tiền và không bị phát hiện.
Qua tiền mã hoá, tiền điện tử
Các đồng tiền ảo, tiền mã hoá cũng được sử dụng làm công cụ rửa tiền. Bởi để sở hữu tiền ảo, người đầu tư cần thông qua ứng dụng và mua tiền ảo bằng tiền thật tại quốc gia mình. Tại Việt Nam, tiền ảo không được công nhận là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán, tuy nhiên, quy định về đầu tư mua bán tiền ảo chưa được công nhận cụ thể trong luật pháp do đó khả năng truy vết còn hạn chế.
Nếu muốn chuyển khoản tiền trị giá trên 300.000.000 đồng ra nước ngoài, tổ chức nhận gửi tiền cần báo cáo với Ngân hàng Nhà Nước. Nhưng nếu sử dụng 300.000.000 đồng mua tiền ảo theo hình thức cá nhân thì hiện chưa thể kiểm soát và xác minh. Tiền ảo sau đó có thể được chuyển đổi cho người khác hoặc bán trên thị trường, đổi sang ngoại tệ khác dễ dàng. Ngoài ra, tiền ảo còn có tính ẩn danh và giao dịch nhanh xuyên biên giới. Do dó, đây là một trong những hình thức rửa tiền phổ biến mà không sợ bị giám sát.
Qua từ thiện
Đây là hình thức thiết lập các dự án gây quỹ. Người ủng hộ sử dụng tên giả, địa chỉ IP giả để dựng lên mạng lưới từ thiện qua mạng. Bằng cách này, tội phạm rửa tiền thu hút được những khoản tiền xuyên biên giới. Đối tượng có thể chuyển khoản tiền lớn vào quỹ từ thiện rồi rút ra theo cách thức hợp pháp từ đầu bên kia.
Hậu quả của hoạt động rửa tiền là gì?
Hoạt động rửa tiền gây ra nhiều hậu quả đối với nền kinh tế vĩ mô. Mục đích chính của hành vi này là trốn thuế, trốn trách nhiệm với nền kinh tế. Những hậu quả cụ thể do hoạt động rửa tiền gây ra gồm:
- Lãng phí nguồn lực về kinh tế.
- Bóp méo sự phân bổ các nguồn lực cho phát triển kinh tế.
- Gây ra sai lệch báo cáo, thống kê về tài chính, kinh tế.
- Ảnh hưởng tới phân bố thu nhập.
- Làm mất sự tín nhiệm của xã hội với thị trường tài chính.
Tội rửa tiền bị xử phạt như thế nào?
Như vậy, hẳn bạn đã hiểu rửa tiền là gì. Hành vi rửa tiền được quy định trong Bộ Luật hình sự. Tội phạm rửa tiền sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự như sau:
Với cá nhân
Theo khoản 1,2,3,4,5 tại Điều 324, Luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017), cá nhân vi phạm tội rửa tiền bị truy cứu về trách nhiệm hình sự (TNHS) như sau:
- Phạt tù từ 01 đến 05 năm nếu thực hiện một trong các hành vi nêu trên.
- Phạt tù từ 05 đến 10 năm nếu có thêm một trong những dấu hiệu:
+ Có tổ chức
+ Lợi dụng quyền hạn
+ Lợi dụng chức vụ
+ Phạm tội từ lần thứ 02 trở lên
+ Tính chất chuyên nghiệp
+ Thủ đoạn tinh vi
+ Tài sản, tiền phạm tội có trị giá từ 200.000.000 đồng – dưới 500.000.000 đồng.
+ Thu lợi bất chính trị giá từ 50.000.000 đồng – dưới 100.00.000 đồng
+ Tái phạm nguy hiểm
- Phạt tù từ 10 đến 15 năm với các trường hợp sau:
+ Tài sản, tiền trị giá từ 500.000.000 đồng trở lên.
+ Thu lợi bất chính với giá trị 100.000.000 đồng trở lên.
+ Ảnh hưởng xấu lên an toàn hệ thống tiền tệ.
- Người chuẩn bị phạm tội có thể bị phạt tù từ 06 tháng tới 03 năm.
Ngoài ra, còn có một số hình phạt bổ sung với tội phạm rửa tiền như:
- Phạt từ 20 đến 100 triệu đồng
- Cấm hành nghề 01 đến 05 năm
- Cấm đảm nhận chức vụ 01 đến 05 năm
- Tịch thu tài sản một phần hoặc toàn bộ.
Với pháp nhân
Khoản 6, Điều 324, Luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) quy định về mức hình phạt đối với pháp nhân phạm vào tội rửa tiền như sau:
- Mức cao nhất: phạt tiền 10 tỷ đến 20 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động từ 01 đến 03 năm.
- Với pháp nhân thương mại: bị phạt từ 1 tỷ đến 5 tỷ đồng; cấm hoạt động, kinh doanh một số lĩnh vực; cấm huy động vốn trong vòng 01 đến 03 năm.
- Pháp nhân thương mại thành lập chỉ vì mục tiêu phạm tội: bị đình chỉ vĩnh viễn mọi hoạt động.
Lời kết
Trên đây, Việc Làm 24h đã cung cấp tới bạn những thông tin sơ lược về rửa tiền là gì, các hình thức rửa tiền cũng như mức xử phạt đối với hành vi này theo pháp luật. Đừng quên thường xuyên theo dõi Việc Làm 24h để cập nhật thêm nhiều kiến thức bổ ích.
Xem thêm: Phương pháp FIFO là gì? Áp dụng như thế nào để quản lý tồn kho hiệu quả?