Ngày nay, chúng ta dễ dàng bắt gặp các cụm từ “scam” hoặc “bị scam”, đặc biệt là khi tham gia mạng xã hội. Với sự phát triển của khoa học công nghệ hiện đại,các hình thức scam ngày càng tinh vi hơn. Scam là gì, có những loại scam nào và làm thế nào để “miễn nhiễm” với đầy rẫy các loại scam trên mạng? Cùng Nghề Nghiệp Việc Làm 24h tìm hiểu ở bài viết này nhé!
Scam là gì? Làm thế nào để biết mình đang bị scam?
Scam trong tiếng Anh có nghĩa là lừa đảo, sử dụng các hình thức, thủ đoạn bất hợp pháp để lừa tiền hoặc chiếm đoạt thông tin cá nhân của người khác.
Với scam, bạn không biết người đã lừa mình là ai, thậm chí còn không nhận thức được mình đã bị lừa bởi vì hành vi này rất nhanh chóng. Bạn có thể mất hết mọi thứ chỉ trong vòng một nốt nhạc và kẻ lừa bạn ở xa bạn đến nửa vòng trái đất.
Vậy bị scam là gì? Làm thế nào để biết bạn đang trở thành đối tượng bị scam? Dưới đây là những dấu hiệu nhận biết:
- Có người chủ động liên lạc với bạn để giới thiệu các cơ hội việc làm hoặc những món quà tặng mà bạn cảm thấy rằng nó quá hấp dẫn đến mức không tưởng.
- Có người cố gắng lôi kéo bạn tham gia vào một phi vụ, chương trình, tổ chức mà bạn phải bỏ tiền ra để có thể đăng ký hoặc tham gia.
- Họ yêu cầu bạn cung cấp thông tin cá nhân quá chi tiết.
- Họ yêu cầu bạn phải thanh toán trước một khoản tiền để nhận chương trình khuyến mãi, quà tặng…
Ngoài ra còn rất nhiều thủ đoạn tinh vi và “trông có vẻ đáng tin” hơn nữa nhằm lôi kéo bạn vào bẫy. Bạn hãy luôn thật tỉnh táo, bởi vì chẳng có gì miễn phí. Hãy luôn nhớ rằng “miếng phô mai miễn phí chỉ có trên bẫy chuột”, vì vậy đừng vội tin và làm theo bất cứ điều gì mà hãy dành thời gian đánh giá, cân nhắc và kiểm tra thật kỹ trước khi quyết định.
Các hình thức scam là gì?
Sau khi hiểu scam là gì và bị scam là gì, bạn sẽ nhận thấy rằng có rất nhiều hình thức scam khác nhau. Dưới đây là một số hình thức scam phổ biến mà có thể bạn đã gặp qua ít nhất một lần.
1/ Lừa đảo tham gia một chương trình, quà tặng, phần thưởng… mà bạn chưa từng tham gia
Bạn sẽ nhận được tin nhắn hoặc cuộc gọi thông báo rằng bạn là người may mắn trúng thưởng vì đã mua hàng tại một cửa hàng nào đó. Hoặc bạn là người được tri ân và sẽ được nhận một món quà hoàn toàn miễn phí Điều kỳ lạ là tên cửa hàng đó hoàn toàn lạ lẫm. Bạn chưa từng biết đến tên cửa hàng đó và lờ mờ không biết mình có thật sự từng mua hàng tại đó hay chưa.
Những kẻ lừa đảo đưa ra những mời chào hấp dẫn tiếp theo, bạn sẽ không phải trả một khoản phí nào, chỉ cần cung cấp tên họ, CMND, địa chỉ và số điện thoại để nhận quà.
2/ Scam chuyển tiền/ phí tạm ứng là gì?
Đây cũng là một hình thức phổ biến khi kẻ lừa đảo tìm mọi cách tiếp cận và yêu cầu bạn chuyển khoản chi phí cho một dịch vụ, hàng hóa. Họ có thể tìm mọi cách để bạn chuyển tiền bằng những lý do vô cùng chính đáng, chẳng hạn như để trang trải thuế phí, hoặc đầu tư vào một công ty hoặc cổ phiếu nào đó… Nếu không tỉnh táo, chúng ta sẽ rất dễ rơi vào bẫy và làm theo những gì chúng hướng dẫn khiến tiền mất tật mang.
3/ Scam lừa đảo hẹn hò, yêu đương qua mạng là gì?
Hẹn hò qua mạng là một hình thức scam không hề mới mẻ gì và mặc dù đã được cảnh báo, vẫn có rất nhiều người rơi vào cạm bẫy này. Đối tượng thường bị scam bằng hình thức này là phụ nữ, bởi vì những kẻ lừa đảo thường nắm bắt được tâm lý muốn được yêu thương và dễ dàng bị lóa mắt bởi tiền tài, danh vọng.
Để scam bằng hình thức này rất đơn giản, chỉ cần tạo một profile thật đỉnh trên mạng xã hội, thường là Facebook hoặc Instagram. Những kẻ lừa đảo sẽ xây dựng hình ảnh bản thân thật hào nhoáng với điều kiện tài chính có thể gọi là hoàn hảo, với những ngành nghề được trọng vọng trong xã hội như phi công, nhân viên của tổ chức phi chính phủ sĩ quan quân đội ở nước ngoài để dễ dàng thu hút sự chú ý của “con mồi”. Sau đó khi đã dụ dỗ và lấy được lòng tin của “con mồi” thì chuyện gì đến cũng đến, họ bắt đầu dở các mánh khóe để lừa tiền hoặc lừa tình.
4/ Lừa đảo bằng cơ hội nghề nghiệp béo bở
Nhắc đến scam là gì, chắc chắn không thể bỏ qua hình thức scam cơ hội nghề nghiệp béo bở. Chẳng hạn như việc nhẹ lương cao, chỉ cần ngồi ở nhà nhập liệu nhưng mức lương cao gấp mấy lần công việc văn phòng bình thường. Hoặc là các công việc ở nước ngoài với đãi ngộ và mức lương trên trời. Chúng cũng có thể yêu cầu bạn phải trả trước các khoản thanh toán dành cho kế hoạch kinh doanh, khóa đào tạo, phần mềm, đồng phục, kiểm tra an ninh, thuế phí… trước khi nhận việc.
Hình thức này dễ dụ dỗ những đối tượng sống ở các miền quê không có nhiều điều kiện tiếp xúc với công nghệ hiện đại cũng như không có đủ kiến thức và kinh nghiệm để đánh giá tình hình.
Xem thêm: Thủ đoạn lừa đảo qua mạng ngày càng tinh vi, người tìm việc hết sức cẩn thận!
5/ Scam bằng cách hack máy tính (phishing attack) là gì?
Đây là hình thức lừa đảo hòng đánh cắp thông tin cá nhân hoặc tấn công an ninh mạng vào các tổ chức, doanh nghiệp. Phishing attack thường được kẻ lừa đảo sử dụng bằng cách tạo các email hoặc đường link giả mạo (mã độc), rồi dụ dỗ mời gọi bạn ấn vào liên kết hoặc tệp đính kèm.
Một khi bạn nhấp chuột, phần mềm độc hại sẽ được cài đặt và hacker sẽ có quyền truy cập vào các tập tin, thông tin được lưu trữ trên máy tính của bạn. Email lừa đảo thường xuất hiện từ một tổ chức mà bạn biết và tin tưởng, chẳng hạn như ngân hàng hoặc tổ chức tài chính, yêu cầu bạn nhập mật khẩu tài khoản trên bản sao giả mạo trang đăng nhập của trang web. Nếu bạn cung cấp chi tiết tài khoản, kẻ lừa đảo có thể xâm nhập vào tài khoản n và chiếm quyền kiểm soát hồ sơ của bạn.
Scam bằng hình thức này cũng cực kỳ nguy hiểm, bởi vì thông tin cá nhân của bạn thường sẽ link với rất nhiều tài khoản, bao gồm cả tài khoản mạng xã hội và tài khoản ngân hàng. Cũng không loại trừ khả năng kẻ xấu có thể sử dụng thông tin cá nhân của bạn, mạo danh bạn để thực hiện nhiều hành vi lừa đảo khác.
6/ Scam ngân hàng, thẻ tín dụng và tài khoản trực tuyến
Những kẻ lừa đảo có thể gửi email hoặc tin nhắn văn bản có vẻ như đến từ ngân hàng, tổ chức tài chính hoặc dịch vụ thanh toán trực tuyến của bạn. Thông thường sẽ là thông báo có vấn đề với tài khoản của bạn và yêu cầu bạn xác minh thông tin chi tiết.
Ngoài ra, còn có một thủ đoạn tinh vi hơn đó là những kẻ lừa đảo đọc lướt thẻ của bạn bằng cách đặt một tệp đính kèm kín đáo vào máy ATM hoặc EFTPOS. Chúng thậm chí có thể cài đặt một camera để ghi lại mã PIN. Sau khi thẻ của bạn bị đánh cắp, những kẻ lừa đảo có thể tạo bản sao và ăn cắp tiền trong tài khoản dễ dàng.
7/ Lừa đảo từ thiện và y tế
Những kẻ lừa đảo vô đạo đức này sẽ lợi dụng lòng trắc ẩn của những người muốn quyên góp. Chúng sẽ giả vờ đang làm việc cho một tổ chức hoặc lấy danh nghĩa đứng ra quyên góp, kêu gọi ủng hộ từ các nhà hảo tâm. Thường là sau một thảm họa đã được báo đài đưa tin (lũ lụt, hạn hán, tai nạn nghiêm trọng…) hoặc các gia đình, hoàn cảnh khó khăn, nghèo đói… mà chúng khai thác được ở đâu đó hoặc tự hư cấu.
Scam liên quan đến y tế là việc cung cấp các sản phẩm hoặc dịch vụ như thuốc chữa bệnh hoặc phương pháp chữa trị cho những tình trạng bệnh lý nghiêm trọng. Hình thức scam này lợi dụng tâm lý cùng quẫn của người nhà bệnh nhân, bất chấp mọi thứ để cứu được người thân của mình.
Tại sao nhiều người dùng dễ bị rơi vào các bẫy scam và làm thế nào để né các chiêu thức lừa đảo này?
Mặc dù đã được cảnh báo rất nhiều trên các phương tiện truyền thông xã hội nhưng rất nhiều người vẫn không tỉnh táo trước các dấu hiệu lừa đảo, vậy lý do tại sao?
- Do tâm lý chủ quan, không đề phòng.
- Do sự nhẹ dạ cả tin và lòng ham muốn vật chất, tiền tài.
- Do không có đủ kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn.
Vì vậy, để “miễn nhiễm” với scam, bạn cần phải thật tỉnh táo và thông minh, cũng như chuẩn bị thật nhiều vốn sống để không trở thành miếng mồi béo bở cho những thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi này.
1/ Xác minh thông tin trước khi giao dịch
Các trò lừa đảo mạo danh ngày càng tinh vi hơn đặc biệt là các trò lừa đảo xâm phạm bằng email doanh nghiệp. Khi máy chủ của công ty bị tấn công, các email lừa đảo có thể được gửi trực tiếp từ địa chỉ email hợp pháp của những người trong công ty để hướng dẫn mọi người thực hiện các giao dịch ngay lập tức. Nếu bạn nhận được bất kỳ thông tin nào từ bất kỳ ai kể cả người thân của mình về việc chuyển tiền hoặc thanh toán khẩn cấp, hãy cẩn trọng xác minh với người đó trước khi thực hiện bất cứ giao dịch nào.
2/ Đừng nhấp vào liên kết trong tin nhắn văn bản hoặc email nếu bạn nghi ngờ
Các liên kết trong tin nhắn văn bản và email là cách phổ biến để những kẻ lừa đảo lấy thông tin cá nhân của bạn. Thông thường, chúng làm điều này bằng cách gửi một tin nhắn đánh vào tâm lý tò mò, khẩn cấp để khiến bạn nhấp chuột mà không cần suy nghĩ. Tuy nhiên, dù là liên kết gì và trong bất cứ hoàn cảnh nào, hãy dừng lại một vài giây để đánh giá và phân tích. Tuyệt đối đừng nhấp vào liên kết nếu bạn cảm thấy lạ hoặc có linh cảm chẳng lành, và hãy xác minh bằng cách liên hệ ngay với người/ tổ chức đã gửi liên kết cho bạn.
3/ Nghiên cứu kỹ lưỡng các nền tảng/cửa hàng mua sắm trực tuyến
Khi mua sắm trực tuyến, hãy thận trọng với những trang web mà bạn chưa từng mua hàng. Hãy tìm những trang web bắt đầu bằng https và kèm theo biểu tượng ổ khóa, cân nhắc kỹ với các trang web có cảnh báo kết nối không an toàn. Mặc dù không phải lúc nào cũng chính xác 100% nhưng cẩn trọng vẫn là điều tốt nhất.
Hãy nghiên cứu thật kỹ các cửa hàng mà bạn có ý định mua hàng. Đọc các bình luận, tham khảo ý kiến của những người đã từng mua hàng tại cửa hàng đó… cũng là một cách hiệu quả để đảm bảo bạn không bị scam.
4/ Hãy cẩn thận với những cơ hội quá hấp dẫn
Với những chiêu trò quảng cáo nghe có vẻ quá tốt như việc nhẹ lương cao, cơ hội nghề nghiệp tốt quá sức tưởng tượng, chương trình đầu tư sinh lời nhanh chóng hoặc các chương trình tặng quà miễn phí, hãy suy nghĩ thật cẩn thận và tốt nhất là không nên tin tưởng ngay.
5/ Tuyệt đối không tiết lộ thông tin cá nhân của mình cho bất kỳ ai
Những kẻ lừa đảo thường mạo danh ngân hàng hoặc tổ chức chính phủ để yêu cầu bạn cung cấp thông tin cá nhân qua điện thoại. Sau đó, thông tin này có thể được sử dụng để truy cập vào tài khoản và mạo danh bạn nhằm mục đích lừa đảo. Để an toàn, đừng cung cấp thông tin cá nhân của mình cho bất kỳ ai qua điện thoại. Hãy cúp máy và liên hệ với ngân hàng hoặc tổ chức theo số mà bạn tin tưởng.
Xem thêm: Deepfake là gì? Làm thế nào thoát khỏi bẫy lừa đảo Deepfake tràn lan?
6/ Không bao giờ cung cấp thông tin tài chính hoặc thực hiện thanh toán/ chuyển khoản trên mạng xã hội
Cuối cùng, đừng bao giờ thực hiện việc chuyển khoản hay cung cấp thông tin tài khoản thông qua mạng xã hội khi chưa xác minh được danh tính của người yêu cầu chuyển khoản. Những kẻ lừa đảo có thể mạo danh cả tài khoản mạng xã hội và tài khoản ngân hàng của người thân, bạn bè, người quen của bạn.
Không quá khó để hiểu scam là gì và bị scam là gì. Thậm chí rất nhiều hình thức scam mà bạn đã gặp qua ít nhất một lần nhưng bạn không ý thức được. Dù thế nào đi chăng nữa, cẩn thận khi tham gia mạng xã hội, chuẩn bịkiến thức, vốn sống và luôn có tâm lý tỉnh táo, đề phòng trong mọi tình huống để không trở thành nạn nhân của các bẫy scam tinh vi.
Trên đây là những kiến thức về scam và cách đề phòng Vieclam24h.vn muốn giới thiệu đến bạn. Hy vọng bạn có được những thông tin bổ ích và đừng quên theo dõi để cập nhật nhiều thông tin thú vị khác nhé!
Bên cạnh đó, Vieclam24h.vn hiện đã có tính năng tạo CV cực đơn giản với hàng ngàn mẫu CV ấn tượng, đầy đủ thông tin giúp bạn dễ dàng ghi điểm tuyệt đối với nhà tuyển dụng trong lần gặp đầu tiên. Truy cập ngay để thỏa sức sáng tạo CV cá nhân với chức năng tùy chỉnh màu sắc, nội dung, bố cục,… để tìm việc nhanh chóng tại môi trường làm việc mơ ước nhé.
Xem thêm: Ponzi là gì, vì sao nhiều người mắc bẫy lừa đảo Ponzi?