Từ lâu, thang đo Bloom là một trong những công cụ không thể thiếu trong giáo dục để phân cấp mục tiêu học tập và đánh giá trình độ, năng lực của người học. Trong những năm gần đây, thang đo Bloom được đưa vào việc đánh giá kết quả đào tạo nội bộ của các doanh nghiệp. Vậy thang đo Bloom là gì? Có mấy cấp độ thang đo Bloom? Ứng dụng thang đo Bloom trong doanh nghiệp như thế nào? Tất cả sẽ được Nghề Nghiệp Việc Làm 24h giải đáp qua bài viết dưới đây!
Thang đo Bloom là gì?
Thang đo Bloom (Bloom’s Taxonomy) là công cụ nền tảng giúp đo lường và phân cấp kiến thức và kỹ năng mà người hướng dẫn đặt ra cho người học (mục tiêu học tập) thành các cấp độ khác nhau.
Thang đo Bloom gồm 6 cấp độ: Ghi nhớ (Remember) – Hiểu biết (Understand) – Vận dụng (Apply) – Phân tích (Analyze) – Đánh giá (Evaluate) – Sáng tạo (Create). Mỗi cấp độ được xây dựng dựa vào cấp độ trước đó, khuyến khích người học phát triển kỹ năng và tư duy.
Nhà tâm lý học người Mỹ Benjamin Samuel Bloom đã phát triển thang đo nhận thức Bloom vào năm 1956. Ông là người tiên phong trong việc tái cấu trúc cách giảng dạy thông qua một loạt các mục tiêu học tập (phân loại Bloom) nhằm tối ưu hiệu suất của người học. Những nghiên cứu của ông đã tác động sâu sắc đến cấu trúc chương trình giáo dục cho đến hiện nay.
Lợi ích của thang đo Bloom trong giáo dục
Thang đo Bloom là công cụ tuyệt vời giúp người học có thể:
- Hiểu trước khi áp dụng khái niệm, lý thuyết.
- Phân tích trước khi đánh giá một quá trình.
- Đánh giá trước khi đưa ra một kết luận chính xác.
Dưới đây là các lợi ích của thang đo Bloom trong giáo dục:
- Xác định mục tiêu học tập: Thang đo Bloom giúp giáo viên xác định rõ các mục tiêu học tập cụ thể và phù hợp với từng cấp độ nhận thức của người học.
- Thiết kế bài giảng hiệu quả: Giáo viên có thể dựa vào thang đo Bloom để thiết kế các bài giảng phù hợp, đa dạng và đảm bảo phát triển mọi cấp độ nhận thức.
- Đánh giá định lượng: Thang đo Bloom cung cấp cơ sở đánh giá hiệu quả học tập của người học, dựa trên cách ghi nhớ, hiểu và ứng dụng kiến thức trong thực tiễn.
- Khuyến khích tư duy sâu sắc: Thang đo Bloom khuyến khích người học phát triển tư duy thông qua phân tích, đánh giá và sáng tạo ý tưởng mới.
6 cấp độ tư duy của thang đo Bloom
Nguyên tắc phân loại của thang đo Bloom là đi từ cấp độ thấp nhất và tiến dần lên. Các cấp độ Bloom thấp đòi hỏi trình độ nhận thức ít hơn nhưng lại cung cấp nền tảng quan trọng trong quá trình học tập. Các cấp độ Bloom cao hơn chỉ có thể đạt được khi các cấp độ Bloom thấp hơn đã được xử lý thành công.
Dưới đây là 6 cấp độ được sử dụng để cấu trúc kết quả học tập, bài học và đánh giá khóa học eLearning, hội thảo website hoặc các buổi đào tạo trực tiếp:
Cấp độ 1: Ghi nhớ (Remember)
Ghi nhớ là cấp độ đầu tiên trong thang đo, tượng trưng cho khả năng lưu giữ và tái hiện kiến thức đã học. Ở cấp độ này, người học có khả năng tiếp thu, ghi nhận, truy xuất, khôi phục và nhớ lại các sự kiện, số liệu hoặc thông tin cụ thể mà họ đã tiếp xúc. Dù là nhắc lại rập khuôn, học thuộc lòng nhưng đây là bước đầu tiên cũng là bước quan trọng để xây dựng nền tảng kiến thức và nâng cao cấp độ tư duy sau này.
Để kiểm tra mức độ ghi nhớ của người học, giảng viên có thể đặt ra các câu hỏi gợi nhớ như: Hãy mô tả, hãy liệt kê, hãy phân loại,… và gợi ý các từ khóa để học viên trích dẫn và trình bày thông tin từ trí nhớ.
Xem thêm: Tạm biệt não cá vàng với 8 cách ghi nhớ nhanh để học tập và làm việc hiệu quả
Cấp độ 2: Hiểu biết (Understand)
Cấp độ này thể hiện khả năng hiểu, diễn đạt và giải thích ý nghĩa của thông tin tổng quát và sâu rộng hơn. Ở cấp độ này, người học có thể hiểu, nắm chắc nội dung và phân loại, tóm tắt, so sánh, suy luận, diễn đạt,… thông điệp dựa trên hiểu biết của bản thân. Nhờ đó, học viên có thể hiểu biết toàn diện và áp dụng kiến thức vào các tình huống cũng như vấn đề mới.
Giảng viên nên đưa ra các ví dụ sống động và diễn giải nguyên nhân – kết quả,… để người học hứng thú và chủ động tiếp nhận thông tin.
Cấp độ 3: Vận dụng (Apply)
Ở cấp độ này, người học không chỉ ghi nhớ và hiểu biết những gì đã học, mà còn có khả năng sử dụng kiến thức đó để giải quyết các vấn đề, thực hiện các tác vụ hoặc đối mặt với các tình huống trong thực tế.
Giảng viên có thể đánh giá khả năng vận dụng của người học bằng cách đưa ra các case study hoặc thuyết trình nội dung được học,… để đưa ra đánh giá khách quan nhất.
Cấp độ 4: Phân tích (Analyze)
Ở cấp độ này, người học sẽ phân loại nội dung thành các phần nhỏ, nhằm hiểu rõ hơn về cấu trúc và mối quan hệ giữa các yếu tố. Người học sẽ phát triển khả năng phân biệt dựa trên quá trình so sánh, đối chiếu, phát hiện điều khác biệt và quy kết thông tin.
Đây là cấp độ quan trọng nhất trong thang đo, giúp người học xây dựng cái nhìn sâu sắc và phức tạp hơn về thông tin, từ đó có thể đưa ra nhận định phân tích và suy luận logic.
Cấp độ 5: Đánh giá (Evaluate)
Đây là cấp độ thể hiện khả năng đánh giá, so sánh và đưa ra nhận xét của người học về giá trị hoặc tính đúng đắn của thông tin, ý kiến, giải pháp. Điều này đòi hỏi người học phải có tư duy phản biện để đưa ra những nhận xét chính xác dựa trên tiêu chí đã đề ra.
Cấp độ 6: Sáng tạo (Create)
Đây là cấp độ cao nhất trong thang đo Bloom, tượng trưng cho khả năng đặt các yếu tố lại với nhau và tạo thành một tổng thể mạch lạc dựa trên thông tin đã học. Ở cấp độ này, người học có thể sáng tạo các ý tưởng, giải pháp hoặc sản phẩm mới. Đây là cấp độ đòi hỏi sự linh hoạt và khả năng tư duy độc lập, giúp người học làm chủ kiến thức toàn diện.
Xem thêm: Bạn thuộc nhóm nào trong 8 phong cách sáng tạo Creative Type Test?
Ứng dụng thang đo Bloom trong doanh nghiệp
Ngoài ứng dụng thang đo trong giáo dục, chúng ta có thể áp dụng thang đo này để đánh giá kết quả đào tạo nội bộ của doanh nghiệp. Các cấp quản lý có thể xây dựng mục tiêu đào tạo và hệ thống kiến thức, câu hỏi, bài tập, bài kiểm tra,… để nhân viên tiếp thu và thực hành kiến thức trong thực tiễn công việc.
Dựa vào thang đo, doanh nghiệp có thể đánh giá hiệu suất làm việc của nhân viên thông qua khả năng sáng tạo, phân tích và giải quyết vấn đề. Thang đo còn hỗ trợ nâng cao tư duy cá nhân, doanh nghiệp có thể dựa vào đó để kiến tạo môi trường làm việc khuyến khích sự sáng tạo và đóng góp từ đội ngũ nhân viên, đặc biệt là trong các dự án mới hoặc tạo ra sản phẩm/dịch vụ mới.
Kết luận
Thang đo Bloom là công cụ nền tảng giúp đo lường trình độ, năng lực của người học và đưa ra định hướng đào tạo hoặc phát triển nghề nghiệp phù hợp. Hy vọng thông tin tổng quan về thang đo Bloom mà Vieclam24h.vn giới thiệu trên có thể giúp bạn đọc hiểu và ứng dụng thang đo tư duy này cho mục đích phù hợp. Chúc các bạn thành công!
Việc làm gợi ý
ㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤXem thêm >ㅤㅤㅤ
Bên cạnh đó, Vieclam24h.vn hiện đã có tính năng tạo CV cực đơn giản với hàng ngàn mẫu CV ấn tượng, đầy đủ thông tin giúp bạn dễ dàng ghi điểm tuyệt đối với nhà tuyển dụng trong lần gặp đầu tiên. Truy cập ngay để thỏa sức sáng tạo CV cá nhân với chức năng tùy chỉnh màu sắc, nội dung, bố cục,… để tìm việc nhanh chóng tại môi trường làm việc mơ ước nhé.
Xem thêm: Đừng để suy nghĩ bị đi làm trở thành tư duy độc hại khiến bạn sống mòn!