Cuộc sống là một hành trình dài với vô vàn ngã rẽ. Mỗi người chúng ta đều đang di chuyển trong không gian và thời gian, tiếp nhận những thay đổi và đối mặt với nhiều thách thức. Trên con đường này, có những người sống mơ mộng và chỉ định hướng cuộc đời theo sự ngẫu hứng. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều người đã tự thiết kế cuộc đời theo cách riêng của mình. Vậy thiết kế cuộc đời là gì? Làm thế nào thiết kế cuộc đời hiệu quả? Nghề Nghiệp Việc Làm 24h sẽ cùng bạn thiết kế cuộc đời đáng mơ ước qua bài viết dưới đây nhé!
Thiết kế cuộc đời là gì?
Thiết kế cuộc đời (Life Design) là khái niệm được đúc kết từ quyển sách “Designing Your Life” của Bill Burnett và Dave Evans – hai giảng viên tại Đại học Stanford.
“You can use design thinking to create a life that is meaningful, joyful, and fulfilling. It doesn’t matter who you are or were – you can use the same thinking that created the most amazing technology, products, and spaces to design your career and your life.”
Tạm dịch: “Bạn có thể ứng dụng tư duy thiết kế để tạo ra một cuộc sống ý nghĩa, vui vẻ và viên mãn. Không quan trọng bạn là ai hay đã từng là ai – bạn có thể tận dụng tư duy sáng tạo tạo ra công nghệ, sản phẩm và không gian sống tuyệt vời để thiết kế sự nghiệp và cuộc đời của mình.”
- Trích từ: Designing Your Life của Bill Burnett & Dave Evans.
Thiết kế cuộc đời không đơn thuần là một khái niệm mà còn là một triết lý sống, là cách tiếp cận mọi thứ xung quanh để tạo ra cuộc sống mình hằng mong ước. Giống như việc thiết kế một công trình kiến trúc vĩ đại hoặc sản phẩm hữu ích, thiết kế cuộc đời cũng đòi hỏi bạn phải xác định mục tiêu, kế hoạch và hành động để chinh phục giấc mơ.
Điểm quan trọng của thiết kế cuộc đời là chúng ta hoàn toàn có thể trở thành “kiến trúc sư” cho bản thiết kế của mình. Chúng ta có quyền quyết định hướng đi, cách sống để dựng xây tương lai tươi sáng. Không chỉ giúp đạt được thành công, thiết kế cuộc đời còn là nền tảng để chúng ta biết ơn và trân trọng những gì mình đang có. Từ đó, bạn có thể tận hưởng từng phút giây ở hiện tại một cách trọn vẹn và đủ đầy hơn.
Muốn thiết kế cuộc đời, bạn cần lưu ý điều gì?
Không tự mình gánh vác toàn bộ trách nhiệm
Một trong những yếu tố giúp bạn biến cuộc đời của mình thành “bản thiết kế vĩ đại” là không áp đặt mọi trách nhiệm lên bản thân. Thay vào đó, thiết kế cuộc đời giúp bạn nhận thức và chấp nhận rằng có những thứ mình không thể kiểm soát hoặc tự gánh vác.
Nhận diện ra giá trị của bản thân
Thiết kế cuộc đời đòi hỏi chúng ta phải nhìn nhận bản thân một cách khách quan, xác định được giá trị, đam mê và tài năng của mình. Khi nhận thức đúng về bản thân, bạn sẽ xác định được mục tiêu phù hợp với năng lực, ưu điểm cá nhân.
Tạo ra định nghĩa thành công theo cách riêng
Thiết kế cuộc đời không gắn thành công với những tiêu chí hoặc định kiến có sẵn. Mỗi người trong chúng ta có quyền tự định nghĩa và tạo ra tiêu chuẩn thành công của riêng mình. Những định nghĩa và tiêu chuẩn này phù hợp với giá trị cũng như ước mơ của mỗi cá nhân.
Chủ động đi tìm lời giải cho câu hỏi “Tôi là ai?”
Thiết kế cuộc đời là cách tốt nhất để bạn hiểu rõ bản thân mình cần gì và muốn gì. Bạn sẽ tìm ra lời giải cho câu hỏi “Tôi là ai?” hay “Tôi sinh ra trên cuộc đời này để làm gì?”. Trên thực tế, có không ít người trẻ vẫn đang loay hoay không biết mình là ai. Điều này khiến họ chơi vơi, lạc lõng trong chính vòng tròn của bản thân. Vì vậy, thiết kế cuộc đời sẽ là giải pháp giúp bạn hiểu rõ hơn về mục tiêu và hướng đi trong cuộc sống.
Rạch ròi giữa mong muốn và nhu cầu
Một bản thiết kế cuộc đời đầy đủ giúp bạn phân định được những mong muốn và nhu cầu thật sự của bản thân. Nhờ đó, bạn sẽ không bị lạc lối trong việc theo đuổi những thứ không quan trọng. Đồng thời, bạn cũng có thể tập trung vào những gì thật sự cần thiết và đáng giá trong cuộc sống.
Không ngừng thiết kế cuộc đời qua những mục tiêu và hành động
Thiết kế cuộc đời là một hành trình dài, liên tục và không bao giờ kết thúc. Chúng ta không ngừng xây dựng mục tiêu, thay đổi và điều chỉnh hành động để tiến đến cuộc sống mà mình muốn. Hành trình này đòi hỏi bạn phải kiên nhẫn, quyết tâm để tiếp tục phát triển và trưởng thành.
Vì sao chúng ta cần thiết kế cuộc đời?
Định hướng cuộc sống
Thiết kế cuộc đời là “kim chỉ nam” giúp bạn xác định mục tiêu một cách rõ ràng. Khi hiểu rõ bản thân, bạn sẽ nhận ra giá trị, đam mê, năng lực và khao khát cá nhân của mình. Từ đó, bạn có thể lựa chọn những con đường phù hợp với sự phát triển và hạnh phúc mà mình muốn.
Tăng cơ hội thành công
Thông qua quá trình thiết kế cuộc đời, bạn có thể lên kế hoạch và định hướng rõ ràng cho sự phát triển cá nhân cũng như sự nghiệp. Khi xác định những mục tiêu cụ thể, thiết lập các bước để chinh phục đích đến, bạn sẽ dễ gặt hái thành công hơn.
Quản lý thời gian hiệu quả
Thiết kế cuộc đời giúp bạn sử dụng thời gian thông minh và hiệu quả. Thông qua giải pháp này, bạn có thể lựa chọn và ưu tiên những công việc quan trọng, tránh lãng phí thời gian vào các hoạt động vô bổ, không mang lại giá trị. Quản lý thời gian tốt chính là “chiếc chìa khoá” để bạn đạt được mục tiêu mình hướng đến.
Tạo động lực và khơi dậy tinh thần
“Bản vẽ” cuộc đời giúp bạn có cái nhìn tổng quan về chính mình trên nhiều phương diện, từ mục đích sống, định hướng nghề nghiệp đến các mối quan hệ xung quanh, tư duy phát triển,… Từ đó, bạn sẽ duy trì động lực, giữ lửa tinh thần để cống hiến và sống một cuộc đời ý nghĩa.
Tăng sự tự tin và độc lập
Thiết kế cuộc đời giúp chúng ta hiểu rõ hơn về bản thân và giá trị của mình. Đây cũng là tiền đề để chúng ta cải thiện sự tự tin khi đưa ra các quyết định và thực hiện những kế hoạch mà mình đề ra. Lúc này, chúng ta sẽ không phụ thuộc vào bất kỳ ai hay đổ lỗi cho hoàn cảnh. Khi nhìn nhận rõ cuộc đời, bạn có thể tự mình vững bước trên hành trình tìm kiếm ý nghĩa sống.
Xem thêm: Bạn là một cá thể đặc biệt, đừng thiếu tự tin vào chính mình!
Trước khi bắt đầu vẽ, hãy tập tư duy như một nhà thiết kế
Trước khi tự tay thiết kế cuộc đời đáng sống của mình, bạn cần học cách thay đổi tư duy và suy nghĩ như một nhà thiết kế. Để tạo nên một tác phẩm, nhà thiết kế thường dùng trí tưởng tượng, suy nghĩ phong phú của mình và hiện thực hoá chúng. Thế nên, nếu có tư duy của một nhà thiết kế, cuộc đời của bạn sẽ trở nên màu sắc và vi diệu hơn.
Vậy làm thế nào để trở thành nhà thiết kế cuộc đời thực thụ? 5 tư duy dưới đây sẽ giúp bạn thay đổi.
1. Tò mò
Tò mò mọi thứ xung quanh là cách giúp bạn thay đổi tư duy như một nhà thiết kế. Luôn tò mò, tìm hiểu về những lĩnh vực, chủ đề hoặc sự kiện mới giúp bạn nâng cao kiến thức. Từ đó, bạn có thể định hình được những mục tiêu, định hướng trong cuộc sống.
2. Luôn sẵn sàng hành động
Hành động quyết đoán, không ngừng thử nghiệm những ý tưởng, kế hoạch mới cũng là tư duy của một nhà thiết kế. Bạn hãy tạo ra những hành động cụ thể và bắt đầu thực hiện ngay. Sự chần chừ, lần lữa chính là rào cản ngăn chặn bạn chạm đến thành công. Tư duy sẵn sàng hành động giúp bạn hiện thực hóa những lý thuyết suông thành hiện thực.
3. Mở rộng góc nhìn đa diện, nhiều chiều
Hãy nhìn nhận vấn đề và cuộc sống theo nhiều góc độ, chiều hướng khác nhau. Bạn không nên giới hạn tầm nhìn của mình bởi những quan điểm cá nhân. Đồng thời, bạn cũng cần chấp nhận những quan điểm khác nhau vì “chín người mười ý”. Việc mở rộng góc nhìn giúp bạn hiểu rõ hơn về nguyên nhân, hậu quả và có khả năng giải quyết vấn đề thông minh.
4. Chấp nhận sai lầm
Chấp nhận sai lầm là một phần tự nhiên trong quá trình học tập và trưởng thành. Những sai lầm, thất bại đều là “món quà” vô giá để bạn vận dụng, đúc kết làm hành trang kinh nghiệm cho chính mình. Từ những vấp ngã đầu tiên, bạn mới có thể đứng vững và kiên cường hơn.
5. Đón nhận sự trợ giúp
Mở lòng và chấp nhận sự trợ giúp từ những người xung quanh cũng là cách giúp bạn nâng cấp tư duy của mình. Đôi khi, chúng ta cần sự hỗ trợ, lời khuyên từ người khác để tiến đến mục tiêu, định hướng cuộc sống. Không phải ai cũng đạt được mục tiêu một mình, và việc hợp tác, chia sẻ sẽ giúp chúng ta đi xa hơn.
6 bước giúp bạn thiết kế cuộc đời thịnh vượng
Bước 1: Xem xét cuộc sống hiện tại
Trước tiên, bạn cần có cái nhìn tổng quan về cuộc sống hiện tại của mình. Bạn có thể đánh giá những khía cạnh quan trọng trong cuộc sống như công việc, giải trí, tình cảm, sức khỏe, tài chính,…
Sau đó, bạn hãy lập một thang điểm từ 1 – 10 để đánh giá mức độ hài lòng và thành công của mình trong mỗi khía cạnh. Đây là cách giúp bạn nhận định rõ về điểm mạnh cũng như những hạn chế của cuộc sống hiện tại. Đồng thời, bước này cũng giúp bạn xác định được các khía cạnh mình cần phải cải thiện.
Bước 2: Tìm ra “kim chỉ nam” thiết kế cuộc đời
Trong cuốn sách 7 thói quen của người thành đạt, Stephen Covey xây dựng thói quen quan trọng chính là “bắt đầu từ mục tiêu cuối cùng”. Một khi bạn biết nơi bạn muốn đến, bạn có thể thiết kế con đường đến đó.
Bạn cần trả lời những câu hỏi sau:
- Lifeview (tư duy về ý nghĩa sống): Ý nghĩa của cuộc sống là gì? Điều gì thực sự quan trọng? Làm thế nào xây dựng cuộc sống có giá trị và ý nghĩa?
- Workview (tư duy về công việc): Công việc có ý nghĩa gì với bạn? Tại sao bạn lại làm công việc này?
- Bạn đang làm gì để tìm kiếm niềm vui: Những hoạt động nào thu hút bạn hoàn toàn và tiếp thêm năng lượng tích cực cho bạn? Điều gì mang lại cho bạn niềm vui? Khi nào bạn cảm thấy mình vui vẻ với những gì mình đang làm? Bạn làm gì vì đam mê mà không lo lắng về kết quả?
Tốt nhất, bạn hãy cố gắng xác định rõ những điểm mấu chốt trong cuộc sống mà mình muốn đạt được. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể đặt ra mục tiêu cụ thể cho từng điểm mấu chốt vừa xác định.
Bước 3: Gỡ bỏ niềm tin giới hạn, tìm giải pháp thay thế để thiết kế cuộc đời
Trong bước này, bạn cần học cách gỡ bỏ những niềm tin giới hạn, không cho phép chúng hạn chế cuộc sống của mình. Bạn hãy tin rằng mình có khả năng thay đổi và mọi thứ sẽ luôn ổn. Nếu cảm thấy mình đang bị giới hạn bởi những niềm tin tiêu cực, bạn hãy thử tập trung vào những giải pháp thay thế.
Tuy nhiên, bạn không nên dành hết thời gian cho một giải pháp duy nhất, hãy cố gắng khám phá thêm nhiều giải pháp khác nhau. Bởi nếu quyết định ngay khi có giải pháp đầu tiên, bạn chưa suy nghĩ thấu đáo. Bạn có thể gặp hiện tượng tâm lý mỏ neo – hành động phụ thuộc quá nhiều vào thông tin đầu tiên, ngay cả khi đó không phải là cách hành động tốt nhất cho vấn đề hiện tại.
Đồng thời, bạn có thể vẽ sơ đồ tư duy cho mỗi ý tưởng của mình. Thông qua đó, bạn sẽ xác định cụ thể hướng đi của từng ý tưởng, mình cần phải làm gì ở bước tiếp theo.
Xem thêm: Vì sao bạn mãi kìm hãm bản thân trong những niềm tin giới hạn?
Bước 4: Thiết kế cuộc đời
Sau khi tìm ra những giải pháp tiềm năng, bạn cần thiết kế con đường chinh phục mục tiêu cuối cùng của mình. Tuy nhiên, bạn không nên lập kế hoạch và thực hiện tất cả mọi thứ một cách vội vàng. Bạn hãy tập trung vào 3 giải pháp tối ưu nhất, xác định khung thời gian từng năm cho các giải pháp này.
Dựa vào đó, bạn có thể tạo ra bảng đánh giá cho mỗi giải pháp dựa trên nguồn lực và mức độ phù hợp với giá trị cá nhân.
Đồng thời, bạn hãy đặt ra 3 câu hỏi tương ứng với 3 giải pháp đã đề ra. Một số câu hỏi bạn có thể tham khảo như sau:
- Bạn có đủ nguồn lực (thời gian, tiền bạc, kỹ năng mềm, mối quan hệ) để thực hiện giải pháp này không? Nếu không, bạn cần phải làm gì để thực hiện giải pháp này?
- Bạn có đủ tự tin khi áp dụng giải pháp đã đặt ra không? Tỷ lệ phần trăm thành công là bao nhiêu?
- Các giải pháp này có phù hợp với những giá trị (Lifeview và Workview) bạn đặt ra không?
- Bạn có thật sự hứng thú với các giải pháp mình sắp thực hiện hay không?
Bước 5: Thử nghiệm
Để chắc chắn các giải pháp có thật sự phù hợp với mình hay không, bạn hãy thử nghiệm. Bạn có thể kết nối với những người đã thành công trong lĩnh vực mình quan tâm, học hỏi từ họ. Đồng thời, bạn hãy tìm hiểu thêm những khó khăn cũng như cơ hội trong lĩnh vực đó.
“Học đi đôi với hành”. Sau khi tiếp nhận được kiến thức, bạn có thể trải nghiệm thực tế, áp dụng một số giải pháp để kiểm tra hiệu quả mà chúng mang lại.
Bước 6: Quyết định và cam kết
Nếu đã xác định được những ý tưởng để giải quyết vấn đề, bạn cần thu hẹp danh mục ấy thành 3 phương án khả thi nhất. Đồng thời, bạn chỉ nên chọn 1 ý tưởng để thực hiện thay vì dùng cả 3 để xử lý vấn đề.
Trong quá trình đưa ra quyết định cuối cùng, bạn không nên để tâm lý “SỢ SAI LẦM” xâm lấn. Có không ít người trẻ tự đặt cho mình áp lực phải lựa chọn ĐÚNG trước khi đưa ra quyết định, vì họ sợ phải đối mặt trước thất bại, sai lầm. Nhưng thực tế là chẳng có một lựa chọn nào là đúng hay sai hoàn toàn. Và tất nhiên, nếu cứ chần chừ, bạn vẫn sẽ mãi “dậm chân tại chỗ” và không bao giờ gặt hái được kết quả mình mong muốn.
Thay vì cứ “bơi” trong hoang mang, lo lắng và nghi ngờ, bạn hãy chọn góc nhìn tích cực cho mọi quyết định của mình. Nếu quyết định sai, bạn sẽ nhận được một bài học. Ngược lại, nếu đúng, bạn sẽ hái được “quả ngọt”. Và dù đúng hay sai, bản vẽ cuộc đời của bạn cũng sẽ trở nên rực rỡ và thú vị hơn bao giờ hết!
Kết luận
Cuộc đời của chúng ta được ví như một “tác phẩm nghệ thuật”. Việc thiết kế cuộc đời là một hành trình tốn nhiều thời gian, công sức. Tuy nhiên, giá trị mà thiết kế cuộc đời mang lại không thể đong đếm bằng bất kỳ khoản thành công vật chất nào. Việc Làm 24h hy vọng bài viết đã phần nào giúp bạn hiểu rõ thiết kế cuộc đời là gì cũng như tầm quan trọng của hành trình này trong cuộc sống. Chúc bạn thành công và sớm hoàn thành bản thiết kế cuộc đời như ý nhé.
Series bài viết Mở khóa bản thân đánh dấu sự hợp tác giữa Việc Làm 24h và Vietnam Coaching Institute (VCI) nhằm cung cấp kiến thức về các kỹ năng mềm để người trẻ hiểu bản thân, tăng khả năng thấu cảm với những người xung quanh, tăng sức bật và sự linh hoạt trong thế giới đầy biến động. Vietnam Coaching Institute (VCI) là trường đào tạo Coach đầu tiên ở Việt Nam được chứng nhận của cả 2 tổ chức ICF (International Coach Federation) và CCA (Certified Coaches Alliance). VCI ra đời với mục tiêu khuyến khích, truyền cảm hứng và hỗ trợ cá nhân cũng như tổ chức, doanh nghiệp khai thác và phát triển tiềm năng để đạt được hạnh phúc và thành công toàn diện trong các lĩnh vực cuộc sống.
Xem thêm: Thời gian thử việc tối đa là bao lâu, có được nghỉ phép không?