Khi đi siêu thị hay các cửa hàng quần áo, quán cafe, nhìn vào hóa đơn tính tiền chắc chắn sẽ thấy mục thuế VAT. Đây là một loại thuế phổ biến, nhưng liệu bạn đã hiểu rõ thuế VAT là gì chưa? Hãy cùng Nghề Nghiệp Việc Làm 24h tìm hiểu về chủ đề này qua bài viết dưới đây.
Thuế VAT là gì?
VAT là từ viết tắt của Value-Added Tax có nghĩa là thuế giá trị gia tăng – một loại thuế được tính trên giá trị gia tăng của hàng hóa và dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến người tiêu dùng.
Mức thuế VAT là gì?
Thuế GTGT thường được xác định dưới dạng phần trăm của giá trị sản phẩm hoặc dịch vụ và thay đổi tùy thuộc vào từng loại cụ thể như 0%, 5%, 10% và 15%.
Thời điểm tính thuế VAT là khi nào?
Thời điểm tính thuế VAT đối với hàng hóa, dịch vụ được xác định theo Điều 8 Thông tư 219/2013/TT-BTC như sau:
– Đối với bán hàng hóa: thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
– Đối với cung ứng dịch vụ: thời điểm hoàn thành việc cung ứng dịch vụ hoặc thời điểm lập hóa đơn cung ứng dịch vụ, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
– Đối với dịch vụ viễn thông: thời điểm hoàn thành việc đối soát dữ liệu về cước dịch vụ kết nối viễn thông theo hợp đồng kinh tế giữa các cơ sở kinh doanh dịch vụ viễn thông nhưng chậm nhất không quá 2 tháng kể từ tháng phát sinh cước dịch vụ kết nối viễn thông.
– Đối với hoạt động cung cấp điện, nước sạch: ngày ghi chỉ số điện, nước tiêu thụ trên đồng hồ để ghi trên hóa đơn tính tiền.
– Đối với hoạt động kinh doanh bất động sản, xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nhà để bán, chuyển nhượng hoặc cho thuê: thời điểm thu tiền theo tiến độ thực hiện dự án hoặc tiến độ thu tiền ghi trong hợp đồng. Căn cứ số tiền thu được, cơ sở kinh doanh thực hiện khai thuế GTGT đầu ra phát sinh trong kỳ.
– Đối với xây dựng, lắp đặt, bao gồm cả đóng tàu: thời điểm nghiệm thu, bàn giao công trình, hạng mục công trình, khối lượng xây dựng, lắp đặt hoàn thành, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
– Đối với hàng hóa nhập khẩu: thời điểm đăng ký tờ khai hải quan.
Đối tượng nộp thuế giá trị gia tăng là ai?
Người nộp thuế VAT thường là doanh nghiệp, tổ chức hoặc cá nhân kinh doanh cung cấp hàng hóa hoặc dịch vụ chịu thuế.
Thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng là khi nào?
Người nộp thuế phải tuân thủ thời hạn nộp thuế được quy định bởi cơ quan thuế. Thông thường các doanh nghiệp phải nộp thuế VAT hàng tháng hoặc hàng quý.
Hoàn thuế VAT là gì?
Hoàn thuế VAT đề cập đến việc cơ quan nhà nước trả lại khoản thuế mà người nộp thuế đã nộp thừa vào Ngân sách Nhà nước. Số tiền thuế được hoàn trả bao gồm số tiền thuế đầu vào, tức là số tiền thuế đã được đóng khi mua hàng hóa hoặc dịch vụ mà đơn vị kinh doanh không được khấu trừ trong kỳ tính thuế hoặc đơn vị, cá nhân đó không phải chịu thuế.
Các trường hợp được hoàn thuế VAT theo quy định của pháp luật bao gồm:
– Cơ sở kinh doanh nộp thuế VAT theo phương pháp khấu trừ.
– Cơ sở kinh doanh mới thành lập từ dự án đầu tư đã đăng ký kinh doanh.
– Hoàn thuế VAT đối với dự án đầu tư.
– Hoàn thuế đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu.
– Cơ sở kinh doanh chuyển đổi sở hữu, chuyển đổi doanh nghiệp, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động.
– Hoàn thuế VAT đối với các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) không hoàn lại hoặc viện trợ không hoàn lại, viện trợ nhân đạo.
– Đối tượng được hưởng quyền ưu đãi.
– Người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
– Cơ sở kinh doanh có quyết định xử lý hoàn thuế.
Thời gian hoàn thuế VAT bao lâu?
Thời gian hoàn thuế VAT đối với từng trường hợp như sau:
– Hoàn trước – kiểm sau: 15 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ hoàn thuế đầy đủ.
– Kiểm trước – hoàn sau: 60 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ hoàn thuế đầy đủ. Lưu ý hình thức này sẽ áp dụng đối với doanh nghiệp hoàn thuế lần đầu hoặc hoàn thuế lần 2 trở đi nhưng hồ sơ hoàn lần đầu phát hiện có sai sót.
Giảm thuế VAT là gì?
Căn cứ khoản 1 Điều 1 Nghị định 15/2022/NĐ-CP, những nhóm hàng hoá, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% sẽ được giảm thuế GTGT trừ các nhóm sau đây:
– Viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản…
– Sản phẩm hàng hoá, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
– Công nghệ thông tin.
Theo đó, mức giảm thuế VAT được quy định như sau:
– Với các cơ sở kinh doanh tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ: Được áp dụng mức thuế suất thuế VAT 8% với hàng hoá, dịch vụ thuộc mặt hàng được giảm thuế.
– Với các cơ sở kinh doanh tính thuế VAT theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu: Được áp dụng mức tỷ lệ % là 80% để tính thuế VAT khi xuất hoá đơn với hàng hoá, dịch vụ được giảm thuế.
Cách tính thuế VAT
Theo quy định tại Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 và các văn bản hiện hành thì hiện nay tính thuế VAT theo 2 cách:
– Phương pháp khấu trừ thuế.
Số thuế VAT phải nộp = Thuế VAT đầu ra – Thuế VAT đầu vào
Trong đó:
- Thuế VAT đầu ra = tổng số thuế VAT của hàng hóa, dịch vụ ghi trên hóa đơn VAT.
- Thuế VAT đầu vào = tổng số thuế VAT ghi trên hóa đơn VAT mua hàng hóa, dịch vụ (bao gồm cả tài sản cố định) dùng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế VAT, số thuế VAT ghi trên chứng từ nộp thuế của hàng hóa nhập khẩu hoặc chứng từ nộp thuế VAT thay cho phía nước ngoài theo hướng dẫn của Bộ Tài chính áp dụng đối với các tổ chức nước ngoài không có tư cách pháp nhân Việt Nam và cá nhân nước ngoài kinh doanh hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam.
– Phương pháp tính trực tiếp trên VAT:
Số thuế GTGT phải nộp = Tỷ lệ % x Doanh thu
Về nguyên tắc thì công thức tính thuế VAT như sau:
Thuế VAT = Giá trị bán hàng x Thuế suất thuế VAT
Trong đó:
- Thuế VAT: Số tiền thuế giá trị gia tăng cần nộp.
- Giá trị bán hàng: Số tiền nhận được từ việc bán hàng hoặc cung cấp dịch vụ.
- Thuế suất GTGT: Tỷ lệ phần trăm áp dụng cho sản phẩm hoặc dịch vụ cụ thể. Thuế suất này do cơ quan thuế quy định và thay đổi tùy theo loại sản phẩm hoặc dịch vụ.
Ví dụ: Cơ sở kinh doanh A bán một sản phẩm với giá trị 3.000.000đ và thuế suất VAT là 10% thì thuế VAT sẽ là: 3.000.000 x 10% = 300.000đ.
Với bài viết trên, hy vọng đã giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về thuế VAT là gì cũng như cách tính thuế VAT phổ biến nhất. Đừng quên truy cập blog của Vieclam24h.vn để đón đọc những chủ đề bổ ích khác nhé!
Bên cạnh đó, Vieclam24h.vn cung cấp công cụ tạo CV online với hàng trăm mẫu CV hoàn toàn miễn phí. Ngoài nội dung đúng chuẩn dựa theo vị trí công việc và lĩnh vực ứng tuyển, các bạn có thể thỏa sức sáng tạo CV cá nhân với chức năng tùy chỉnh màu sắc, nội dung, bố cục,… để tìm việc nhanh chóng tại môi trường làm việc mơ ước.
Xem thêm: Thu nhập chịu thuế là gì? Cách tính thu nhập chịu thuế TNCN đúng chuẩn