“6 chiếc mũ tư duy” là phương pháp được TS. Edward de Bono cho ra đời năm 1980 và chia sẻ trong sách “6 Thinking Hats” năm 1985. Ngay từ thời điểm ra mắt, phương pháp này đã nhanh chóng trở nên phổ biến bởi tính hiệu quả cũng như tiết kiệm cho người ứng dụng. Trong bài viết sau, Việc Làm 24h sẽ giới thiệu kỹ về 6 chiếc mũ tư duy và ứng dụng trong cuộc sống. Mời bạn tham khảo!
Tìm hiểu về phương pháp 6 chiếc mũ tư duy
“6 chiếc mũ tư duy” là phương pháp hỗ trợ ra quyết định dựa trên các quan điểm, góc nhìn khác nhau. Theo đó, 6 chiếc mũ (trắng, đỏ, đen, vàng, xanh lá cây và xanh dương) đại diện cho 6 quan điểm (dữ liệu, trực giác, tiêu cực, tích cực, sáng tạo, tổng quát) để chia sẻ về cùng một vấn đề.
Trong công việc, bất kỳ ai cũng cần có tư duy đa chiều, đặc biệt là từ các cấp Quản lý, Giám đốc, trưởng bộ phận/Chi nhánh… trở lên. Nếu bạn tự tin và nắm rõ về phương pháp tư duy này cũng như năng lực bản thân, bạn có thể truy cập Việc Làm 24h để tìm kiếm cho mình công việc phù hợp.
Đặc điểm của 6 chiếc mũ tư duy
1. Mũ trắng (Fact)
Chiếc mũ màu trắng là chiếc mũ đại diện cho tư duy dựa trên dữ liệu thực tế và thông tin có căn cứ, khách quan, lý trí. Người đội mũ màu trắng sẽ đưa ra các ý kiến dựa trên dữ liệu như doanh thu, số lượng khách hàng, tỷ lệ nghỉ việc, tỷ lệ tuyển mới…trong tháng. người này sẽ không đưa ra ý kiến, bình luận từ góc độ cá nhân của mình.
Những câu hỏi nên sử dụng:
- Mọi người đã có những thông tin gì về vấn đề này?
- Những thông tin nào liên quan trực tiếp đến vấn đề đang xem xét?
- Liệu chúng ta đã bỏ sót những thông tin, dữ liệu nào?
2. Mũ đỏ (Feelings)
Trái ngược với mũ trắng, người đội mũ đỏ sẽ là người đại diện cho tư duy về mặt trực giác, cảm tính. Lúc này, bạn chỉ cần dựa hoàn toàn trên cảm xúc của mình để đánh giá sự việc mà không cần bất cứ dữ kiện thực tế, lý luận chứng minh nào. Với phương pháp tư duy theo mũ đỏ, bạn sẽ dễ dàng thấu hiểu suy nghĩ và những phản ứng của người khác.
Các câu hỏi nên sử dụng khi tư duy mũ đỏ:
- Mình có thích vấn đề, giải pháp này không?
- Cảm giác lúc này của mình ra sao?
- Trực giác mách bảo mình cần làm gì?
3. Mũ đen (Cautions)
Chiếc mũ màu đen sẽ đại diện cho việc tư duy theo hướng phân tích và tìm ra các rủi ro, lỗi sai, sự bất hợp lý… của vấn đề đang trao đổi. Trong phương pháp 6 chiếc mũ tư duy thì việc tư duy theo mũ đen sẽ phù hợp khi bạn muốn xác định được những điểm yếu trong cách giải quyết của bản thân hoặc muốn phân tích mức độ rủi ro của dự án. Trên các thông tin có được đó, bạn sẽ tiến hành điều chỉnh hoặc lên kế hoạch dự phòng để không ảnh hưởng đến công việc.
Các câu hỏi nên sử dụng:
- Các rủi ro khi thực hiện dự án này?
- Khó khăn gặp phải khi triển khai?
- Công ty/Phòng ban/Mình sẽ gặp nguy cơ tiềm ẩn nào?
4. Mũ vàng (Benefits)
Mũ vàng tượng trưng cho lối tư duy tích cực nhất trong 6 chiếc mũ. Theo đó, khi đội chiếc mũ màu vàng, bạn sẽ đưa ra các ý kiến, phát biểu mang tính lạc quan, tích cực, hi vọng cho công ty để tiếp thêm động lực, niềm tin cho người nghe. Nhờ vào sự lạc quan này sẽ giúp bạn/đồng nghiệp thêm tự tin và không bỏ qua các cơ hội có thể có được nếu triển khai dự án.
Một số câu hỏi nên sử dụng khi tư duy theo mũ vàng:
- Kết quả chúng ta sẽ đạt được khi tiến hành dự án/điều này là gì?
- Góc nhìn tích cực của vấn đề này là gì?
- Chúng ta sẽ làm nhưng thời gian trong bao lâu?
5. Mũ xanh lá cây (Creativity)
Mũ xanh lá cây biểu trưng cho những tư duy sáng tạo trong phương pháp 6 chiếc mũ tư duy. Vậy nên, người đội chiếc mũ này sẽ cần tư duy theo hướng mới lạ mà chưa có ai từng đề cập đến để xử lý vấn đề. Hướng tư duy này có thể có giải pháp hiệu quả hoặc không nhưng bạn không nên bỏ qua để đa dạng các giải pháp cũng như rèn luyện tính sáng tạo, tránh việc phải đi vào lối mòn có sẵn.
Một số câu hỏi nên áp dụng:
- Liệu có cách khác để thực hiện không?
- Nếu làm khác rồi, liệu còn cách nào tối ưu hơn không?
- Phương pháp này có ai làm chưa?
6. Mũ xanh dương (Process, Control)
Trong 6 chiếc mũ tư duy thì mũ xanh dương đóng vai trò quản lý để điều phối tổ chức và kiểm soát các chiếc mũ khác. Người đội chiếc mũ này thường là các chủ tọa trong các cuộc họp hay các cuộc thảo luận, có nhiệm vụ tiếp nhận, phân tích các phát biểu được nêu và đưa ra quyết định cuối cùng.
Các câu hỏi nên áp dụng khi tư duy mũ xanh:
- Chúng ta ngồi ở đây với mục tiêu gì?
- Chúng ta cần thống nhất các quy tắc nào?
- Thứ tự phát triển của những người đại diện cho chiếc nón ra sao?
- Ai là người tập hợp mọi ý kiến, tóm tắt?
- Kết quả đạt được sau buổi họp là gì?
- Thời gian để bắt đầu hành động là khi nào?
- Thông tin đã đủ để giải quyết vấn đề chưa?
Nguyên tắc phương pháp 6 chiếc mũ tư duy
Theo chia sẻ từ TS. Edward de Bono, để áp dụng phương pháp 6 chiếc mũ tư duy hiệu quả, bạn cần giả định mình lần lượt đội từng chiếc mũ và đánh giá về một vấn đề. Khi đó, mỗi mũ sẽ tương ứng với một cách tư duy riêng. Và vì trong 6 chiếc mũ có 3 cặp mũ đối lập, tương ứng với các khía cạnh khác nhau trong việc ra quyết định nên bạn hoàn toàn có thể kết hợp để tư duy cùng một lúc.
- Cặp Trắng – Đỏ: Tư duy theo lý trí và cảm xúc
- Cặp Đen – vàng: Tư duy theo hướng bi quan và lạc quan.
- Cặp Xanh lá – Xanh dương: Tư duy theo sự sáng tạo và nguyên tắc
Các bước ứng dụng phương pháp 6 chiếc mũ tư duy
Trên thực tế, lối tư duy của một người sẽ đi theo một hướng nhất định phụ thuộc vào môi trường sống cũng như trải nghiệm cá nhân. Điều này sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phân tích cũng như đưa ra hướng xử lý cho một vấn đề.
Vậy nên, để phương pháp 6 chiếc mũ tư duy phát huy hiệu quả, bạn cần thực hiện theo trình tự nhất định theo các bước sau:
- Bước 1: Đội mũ trắng và tư duy dựa trên những dữ kiện, bằng chứng xác thực. Điều này sẽ giúp bạn đưa ra các nhận định khách quan, có cơ sở và loại bỏ tất cả các thành kiến, tranh cãi.
- Bước 2: Đội mũ xanh lá cây và tư duy theo hướng giải quyết bằng các phương pháp sáng tạo hơn.
- Bước 3: Tiến hành nhận định giá trị của các ý kiến mà khi bạn đội mũ xanh lá cây đã đưa ra đồng thời dùng tư duy của mũ vàng để liệt kê các lợi ích có thể nhận được. Sau đó, áp dụng tư duy mũ đen để phân tích, tìm ra các rủi ro, vấn đề có thể gặp phải trong vấn đề triển khai.
- Bước 4: Áp dụng tư duy mũ đỏ để có thể hình dung ra các phản ứng, cảm xúc, cảm giác của người nghe. Từ đó, có thể tìm luôn cách giải quyết để xử lý khi gặp phải.
- Bước 5: Áp dụng tư duy mũ xanh da trời để tổng hợp vấn đề một cách toàn diện, đúc kết giải pháp và đưa ra quyết định đúng đắn nhất.
Ưu và nhược điểm của phương pháp 6 chiếc mũ tư duy
Ưu điểm của phương pháp 6 chiếc mũ tư duy
Với việc thay đổi cách tư duy liên tục và linh hoạt, phương pháp này sẽ giúp bạn có cái nhìn một cách toàn diện.
- Áp dụng phương pháp này cũng giúp tránh sự tranh cãi và hao phí sức lực.
- Kích thích khả năng tư duy theo hướng song song và toàn diện
- Phát triển tư duy thiên về sáng tạo
- Rèn luyện khả năng điều phối, quản lý các cuộc họp, thảo luận, đàm phán
- Nâng cao hiệu suất làm việc, tương tác trong đội nhóm nhóm.
- Cải tiến sản phẩm, cải thiện quá trình quản lý dự án.
- Xây dựng phát huy tư duy hệ thống, tư duy phân tích, ra quyết định.
Nhược điểm của phương pháp 6 chiếc mũ tư duy
Vì số lượng là 6 nên trong một số trường hợp, phương pháp 6 chiếc mũ tư duy có thể gây ra sự nhiễu thông tin, khiến cho cuộc họp kéo dài. Do đó, chỉ nên áp dụng phương pháp này khi công ty, phòng ban cần giải quyết vấn đề hệ trọng, có sự ảnh hưởng đến nhiều người.
Phương pháp 6 chiếc mũ tư duy là phương pháp đã được nhiều tổ chức lớn trên thế giới như IBM, Pepsi, Polaroid, Federal Express, British Airways, Prudential, Dupont,… phát triển và giảng dạy. Do đó, bạn có thể tìm hiểu và ứng dụng nó vào trong công việc cũng như cuộc sống.
Để tìm hiểu sâu hơn về các phương pháp cải thiện kỹ năng cũng như tư duy, bạn hãy dành thời gian truy cập vào Nghề Nghiệp Việc Làm 24h thường xuyên để đọc các bài chia sẻ từ chúng tôi. Ngoài ra, đừng quên tìm hiểu và đăng ký ứng tuyển những công việc mới nhé.
Xem thêm: Pareto là gì? Nguyên tắc quản lý giúp cuộc sống và công việc hiệu quả hơn