Trong quá trình làm việc, người lao động sẽ được hưởng những ngày nghỉ phép theo quy định của đơn vị sử dụng lao động. Tuy nhiên, không phải ngày nghỉ phép nào cũng được hưởng lương, trong một số trường hợp, người lao động sẽ nghỉ việc không lương. Vậy nghỉ việc không lương là gì? Đâu là những mẫu đơn xin nghỉ việc không lương chuẩn cho người lao động? Hãy cùng Việc Làm 24h tìm hiểu chi tiết qua bài viết dưới đây bạn nhé!
Tổng quan về nghỉ việc không lương
Nghỉ việc không lương là gì?
Nghỉ việc không lương hay nghỉ phép không lương là đặc quyền của người lao động bên cạnh nghỉ việc có lương. Trong trường hợp này, người lao động có thể nghỉ việc trong thời gian nhất định mà không bị công ty, tổ chức, doanh nghiệp sa thải.
Dù là quyền lợi của người lao động nhưng nghỉ việc không lương vẫn phải thông qua sự đồng ý của đơn vị sử dụng lao động. Người lao động cần phải thực hiện viết đơn xin nghỉ việc dựa trên các mẫu đơn xin nghỉ việc không lương chuẩn theo quy định.
Dựa trên quy định tại Điều 115, nghỉ việc riêng hay nghỉ không hưởng lương trong Bộ Luật Lao động 2019 được quy định cụ thể như sau:
“1. Người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương và phải thông báo với người sử dụng lao động trong trường hợp sau đây:
- a) Kết hôn: nghỉ 03 ngày;
- b) Con đẻ, con nuôi kết hôn: nghỉ 01 ngày;
- c) Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi chết: nghỉ 03 ngày.
- Người lao động được nghỉ không hưởng lương 01 ngày và phải thông báo với người sử dụng lao động khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; cha hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn.
- Ngoài quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương.”
Các trường hợp cần viết đơn xin nghỉ việc không lương
Trên thực tế, người lao động không thể tránh khỏi những công việc riêng cần giải quyết và bắt buộc phải xin nghỉ phép dài hạn. Vậy trong trường hợp này, chế độ nghỉ việc không lương của người lao động được thực hiện như thế nào?
Một số trường hợp người lao động được phép nghỉ việc riêng mà không hưởng lương bao gồm:
- Nghỉ việc do có người thân là ông/bà ngoại; ông/bà nội, anh/chị/em ruột qua đời;
- Nghỉ việc do bố hoặc mẹ kết hôn, anh/chị/em ruột kết hôn;
Khi nghỉ việc không lương, người lao động vẫn phải thông báo đến đơn vị sử dụng lao động biết. Các trường hợp này đều là quyền nghỉ phép không lương liên quan đến công việc của người thân được pháp luật quy định cụ thể.
Xem thêm: Tìm hiểu cách tính ngày nghỉ phép năm chuẩn nhất người lao động cần biết
Ngoài ra, người lao động cũng có thể thỏa thuận với đơn vị sử dụng lao động để nghỉ phép không hưởng lương theo số ngày mình mong muốn. Dù vậy, bạn vẫn phải thông báo trước bằng cách viết đơn theo mẫu đơn xin nghỉ việc không lương theo quy định chung.
Lưu ý, thông qua quy định tại Khoản 3 Điều 85 Luật Bảo hiểm Xã hội 2014, người lao động không làm việc và không hưởng lương từ trên 14 ngày làm việc/tháng, công ty sẽ không thực hiện các chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động trong tháng đó.
Thời gian nghỉ việc không lương sẽ được tính tiếp tục vào thời gian thực hiện hợp đồng lao động. Nếu thời gian nghỉ việc không lương hết trước hoặc trùng vào thời điểm hết hạn hợp đồng, đơn vị sử dụng lao động và người lao động cần thực hiện chấm dứt hợp đồng hoặc thỏa thuận thiết lập hợp đồng mới.
Cách viết mẫu đơn xin nghỉ việc không lương chuẩn
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp sẽ có các quy định khác nhau về mẫu đơn xin nghỉ việc không lương. Vì vậy, khi muốn nghỉ phép, người lao động chỉ cần xin mẫu đơn có sẵn của công ty, điền đầy đủ thông tin theo yêu cầu và gửi đến cấp trên.
Tuy nhiên, đối với những doanh nghiệp không có quy định về mẫu lương xin nghỉ việc không lương, người lao động sẽ phải tự viết đơn. Theo đó, nội dung của mẫu đơn xin nghỉ việc không lương bao gồm những thông tin cơ bản sau:
- Phần quốc hiệu tiêu ngữ: Đây là yếu tố không thể thiếu trong hầu hết các văn bản hiện nay;
- Tên đơn xin nghỉ: Thông thường, phần này sẽ được viết bằng chữ in hoa, có dấu và căn giữa trang giấy, cụ thể là “ĐƠN XIN NGHỈ VIỆC KHÔNG LƯƠNG”.
- Phần kính gửi: Đây là phần kính gửi đến ban giám đốc công ty, trưởng bộ phận nhân sự hoặc trưởng bộ phận,…
- Thông tin người viết đơn bao gồm: Họ và tên, ngày tháng năm sinh, chức vụ, đơn vị công tác, hộ khẩu thường trú và số điện thoại để liên hệ.
- Lý do nghỉ việc không lương: Ở mục này, người lao động cần trình bày chi tiết lý do xin nghỉ việc không lương. Lưu ý, lý do càng chi tiết, hợp lý, càng dễ được cấp trên phê duyệt và chấp thuận. Ngoài ra, bạn cũng phải ghi rõ thời gian xin nghỉ việc từ ngày tháng năm nào đến ngày tháng năm nào.
- Bàn giao: Tại mục này, bạn cần ghi rõ thông tin về nội dung công việc đã bàn giao, nhân sự đảm nhiệm công việc được bàn giao (ghi rõ họ và tên).
- Phần kết: Đây là phần bạn ghi rõ thời gian và tên người viết đơn. Sau khi ký tên, bạn tiếp tục gửi đơn xin nghỉ việc không lương của mình đến bộ phận có thẩm quyền giải quyết như giám đốc, trưởng phòng nhân sự hoặc người quản lý.
Một số lưu ý khi viết mẫu đơn xin nghỉ việc không lương
- Đảm bảo bố cục đúng theo quy định, nội dung đơn cần được trình bày rõ ràng, sạch đẹp, tránh các trường hợp tẩy xoá khi viết mẫu đơn xin nghỉ việc không lương.
- Lý do xin nghỉ việc phải được trình bày rõ ràng, ngắn gọn để cấp lãnh đạo xem xét và giải quyết đơn theo quy định.
- Người viết đơn cần phải bàn bạc trước với người được bàn giao công việc và ghi rõ nội dung công việc đã được bàn giao.
- Khi viết đơn xin nghỉ việc không lương, người lao động cần lưu ý không vi phạm lỗi chính tả, lỗi ngữ pháp.
Gợi ý 3 mẫu đơn xin nghỉ việc không lương chuẩn
Mẫu đơn xin nghỉ việc không lương sẽ bao gồm những nội dung cụ thể như đã nêu ở phần trên. Bạn có thể tham khảo và thực hiện theo các mẫu đơn xin nghỉ việc không lương này.
Mẫu đơn xin nghỉ việc không lương số 1
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
ĐƠN XIN NGHỈ KHÔNG LƯƠNG
Kính gửi: Ban giám đốc công ty:………
Trưởng phòng nhân sự: …….
Trưởng bộ phận:…………….
Tôi tên là:
Ngày tháng năm sinh:
Chức vụ:
Đơn vị công tác:
Hộ khẩu thường trú:
Nay tôi làm đơn này xin Ban giám đốc công ty, Trường phòng nhân sự, Trưởng bộ phận cho tôi được nghỉ không hưởng lương từ ngày… tháng… năm… đến ngày…. tháng…. năm.
Lý do xin nghỉ:………
Tôi đã bàn giao công việc cho ………. trong suốt thời gian tạm nghỉ.
Các công việc được bàn giao: …………
Tôi cam kết sẽ trở lại làm việc sau khi hết thời gian nghỉ như trên. Nếu không tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm trước công ty.
Kính mong Ban giám đốc xem xét và chấp thuận.
Tôi xin trân trọng cảm ơn!
…….., ngày…… tháng….. năm……
Người làm đơn
(Ký, ghi rõ họ tên)
Mẫu đơn xin nghỉ việc không lương số 2
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
ĐƠN XIN NGHỈ VIỆC RIÊNG KHÔNG HƯỞNG LƯƠNG
Kính gửi: Ban giám đốc công ty: ………
Tôi tên là:
Ngày tháng năm sinh:
Chức vụ:
Đơn vị công tác:
Nay tôi làm đơn này xin Ban giám đốc công ty, Trường phòng nhân sự, Trưởng bộ phận cho tôi được nghỉ không hưởng lương từ ngày… tháng… năm… đến ngày…. tháng…. năm.
Lý do xin nghỉ:………
Địa chỉ, điện thoại liên hệ khi cần:…………
Tôi sẽ bàn giao công việc, hồ sơ, tài liệu đang quản lý với thủ trưởng trước khi được nghỉ và cập nhật nội dung công tác trong thời gian được nghỉ.
Kính đề nghị…………. xem xét, giải quyết.
Tôi xin trân trọng cảm ơn!
…….., ngày…… tháng….. năm……
Người làm đơn
(Ký, ghi rõ họ tên)
Mẫu đơn xin nghỉ việc không lương số 3
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
ĐƠN XIN NGHỈ VIỆC KHÔNG LƯƠNG
Kính gửi: Ban giám đốc công ty: ……
Phòng Hành chính – Nhân sự:
Tôi tên là:
MSNV:
Bộ phận:
Địa chỉ:
Điện thoại:
Nay tôi làm đơn này kính mong Ban giám đốc cho tôi được nghỉ việc không hưởng lương.
Thời gian từ ngày… tháng… năm… đến ngày…. tháng…. năm.
Lý do xin nghỉ:………
Tôi đã bàn giao công việc cho ………. Bộ phận:
Các công việc được bàn giao: …………
Tôi xin trân trọng cảm ơn!
…….., ngày…… tháng….. năm……
Người làm đơn
(Ký, ghi rõ họ tên)
Lý do xin nghỉ việc không lương phải được trình bày rõ ràng, ngắn gọn
Các quyền lợi không được hưởng khi xin nghỉ việc không lương
Về cơ bản, khi nghỉ việc không lương, bạn sẽ có những hạn chế nhất định về quyền lợi của người lao động. Tốt nhất, bạn nên nắm rõ những hạn chế này để đưa ra những quyết định đúng đắn hơn.
Quyền lợi về bảo hiểm
Theo quy định tại Khoản 4, Điều 42, Quyết định số 595/QĐ-BHXH, xin nghỉ việc không lương sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH) và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).
- Nghỉ việc không lương từ trên 14 ngày sẽ không được đóng BHXH.
- Nghỉ việc không lương từ trên 14 ngày sẽ mất quyền hưởng chế độ bảo hiểm.
- Đơn vị lao động có quyền cắt giảm nhân sự với những người nghỉ quá nhiều ngày.
- Nhân sự nghỉ việc không lương không được tham gia BHYT theo hộ gia đình (do còn nằm trong danh sách những người được công ty đóng). Quy định này được nêu rõ trong Khoản 1 và Khoản 2, Điều 5, Nghị định số 146/2018/NĐ-CP.
Xem thêm: Người lao động cần biết chính sách BHXH, tiền lương có hiệu lực từ tháng 10/2022
Quyền lợi về ốm đau/bệnh tật/tai nạn
Người lao động được phép hưởng chế độ ốm đau, bệnh tật khi tham gia BHXH. Tuy nhiên, tại Điểm C, Khoản 2, Điều 3 thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định rõ đối tượng, người ốm đau/bệnh tật/tai nạn phải là đối tượng không nằm trong thời gian:
- Nghỉ phép hằng năm.
- Nghỉ phép do có việc riêng.
- Nghỉ phép không lương theo quy định của Luật Lao động.
- Nghỉ chế độ thai sản theo quy định về BHXH.
Vậy nên, những người viết mẫu đơn xin nghỉ phép không lương không thuộc đối tượng được hưởng chế độ ốm đau/bệnh tật/tai nạn.
Xem thêm: Người lao động cần biết gì về bảo hiểm tai nạn lao động, cách tính như thế nào?
Quyền lợi tính nghỉ phép năm
Khi làm việc đủ 12 tháng, người lao động sẽ được quyền nghỉ phép từ 12 – 16 ngày theo quy định tại Khoản 1, Điều 113, Bộ Luật Lao động 2019. Tuy nhiên, tại điều 65 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, người lao động có thời gian nghỉ phép quá nhiều sẽ bị mất quyền lợi nghỉ phép năm so với những người làm đủ theo quy định.
Kết luận
Nhìn chung, mẫu đơn xin nghỉ việc không hưởng lương cần được trình bày đầy đủ những nội dung cơ bản. Tùy theo đặc thù, tính chất công việc, người lao động có thể sửa đổi, bổ sung và tùy chỉnh sao cho hợp lý. Hy vọng với những thông tin trên, bạn đã hiểu rõ quy định về việc viết đơn xin nghỉ phép không lương sao cho hợp lý.
Hiện tại, thị trường lao động cuối năm đang vô cùng sôi nổi. Vì vậy, bạn có thể tham khảo những công việc mới được cập nhật liên tục tại Nghề Nghiệp Việc Làm 24h. Với hệ sinh thái việc làm đa dạng, chuyên nghiệp, bạn chắc chắn sẽ tìm được vị trí mình mong muốn.