Tư duy tích cực giúp cuộc sống của bạn hạnh phúc, cải thiện sức khỏe tinh thần và mở ra nhiều cơ hội tốt đẹp. Vậy tư duy tích cực là gì? Hãy cùng Việc Làm 24h điểm qua bí quyết rèn luyện và duy trì tư duy tích cực trong mọi hoàn cảnh hiệu quả ngay bên dưới đây!
Đôi nét về tư duy tích cực
Tư duy tích cực là gì?
Tư duy tích cực được hiểu là cách mà bạn tiếp nhận sự việc theo chiều hướng hăng hái, tập trung vào những điều tốt đẹp, cởi mở trong mọi hoàn cảnh. Tuy nhiên, chúng ta tránh hiểu nhầm tư duy tích cực với lối tư duy thiếu thực tế, nhìn mọi thứ xung quanh qua lăng kính màu hồng. Thay vì đón nhận những khó khăn, thử thách với một thái độ bi quan, tư duy tích cực sẽ giúp bạn suy nghĩ theo hướng tốt nhất có thể.
So với những loại hình tư duy khác, việc tư duy tích cực thể hiện rõ thái độ sống lạc quan, linh hoạt của cá nhân trong mọi tình huống. Sức mạnh của tư duy tích cực là những suy nghĩ vui tươi, thể hiện niềm tin ở tương lai.
Tư duy tích cực được nhìn nhận dưới góc độ nào?
Lối sống và tư duy tích cực không tự nhiên có sẵn, đó là kết quả có được sau một thời gian trải nghiệm. Thông thường, khi đối mặt với những thách thức trong cuộc sống, chúng ta thường cảm thấy chán nản, tức giận,… Lúc này, một loạt các cảm xúc tiêu cực nảy sinh, được gọi là “bản năng con người”. Đây là những cảm xúc khó để tránh khỏi.
Ngoài ra, bạn không thể thay đổi được hoàn cảnh sống cũng như thay đổi các yếu tố khách quan. Tuy nhiên, bạn lại có thể điều chỉnh cách thức nhìn nhận của mình và phương án giải quyết. Tư duy tích cực sẽ giúp bạn giải quyết được nhiều vấn đề theo hướng tốt nhất.
Thông thường, tư duy tích cực được nhận định dưới 3 góc độ chính. Đó là sinh học, tâm lý và xã hội.
Về mặt sinh học
Tư duy tích cực tạo ra những năng lượng tâm trí, kích thích các hoạt động trong cơ thể con người bao gồm trí não. Vì thế, con người thường cảm thấy vui vẻ, hào hứng, tập trung học tập và làm việc tốt hơn.
Về mặt tâm lý
Ở khía cạnh này, tư duy tích cực sẽ giúp cá nhân rèn luyện sự tự tin, sẵn sàng khám phá những khả năng mới của bản thân.
Về mặt xã hội
Tư duy tích cực là khả năng sáng tạo trong mỗi người. Sự tích cực của mỗi cá nhân trong gia đình, cộng đồng và từng hoàn cảnh cụ thể sẽ góp phần hình thành môi trường lành mạnh để nuôi dưỡng nhân cách, phát triển tài năng tốt hơn.
Ví dụ về tư duy tích cực
Nhận ra chưa hoàn thành tất cả các gạch đầu dòng trong “Danh sách những việc cần làm trong ngày”, bạn lo lắng sẽ bị sếp khiển trách và đánh giá vào hiệu suất làm việc. Hãy bình tĩnh! Dù sao mọi việc cũng đã xảy ra, nỗi buồn và lo sợ sẽ không giúp bạn thay đổi mọi thứ. Có thể bạn không thể hoàn thành hết nhưng vẫn cho thấy sự nỗ lực và nhìn nhận điểm sai của bản thân.
Bạn gặp đối tác khó và sếp giao cho bạn nhiệm vụ phải sửa đi sửa lại bản kế hoạch nhiều lần. Điều này có thể khiến bạn mệt mỏi, chán nản muốn bỏ cuộc giữa chừng. Tuy nhiên, nếu suy nghĩ theo hướng tích cực, việc này đã tạo điều kiện cho bạn nâng trình độ, thành thạo hơn trong công việc lẫn cách ứng xử. Sau khi dự án kết thúc, bạn sẽ thu nhận cho bản thân rất nhiều kinh nghiệm hữu ích để làm những dự án tiếp theo.
Vì sao tư duy tích cực lại cần thiết?
Tiếp nhận và giải quyết vấn đề tốt
Thử tưởng tượng nếu bị đuổi việc, tâm trạng bạn như thế nào? Hờn trách, căm ghét sếp của mình hay buồn bã, giận bản thân mình đã không đủ cố gắng?
Bạn đừng nên để những cảm xúc tiêu cực len lỏi vào suy nghĩ. Điều này không chỉ khiến bạn mệt mỏi, công việc kém hiệu quả mà còn lãng phí thời gian. Khi trau dồi khả năng tư duy tích cực, mọi vấn đề dù tồi tệ đến đâu cũng sẽ được xoay chuyển linh hoạt, giải quyết vấn đề nhanh chóng.
Tiếp thêm sức mạnh và sự tự tin cho bản thân
Xây dựng lối suy nghĩ tích cực sẽ đem lại cho bạn sự tự tin, bản lĩnh đương đầu với mọi thứ.tư duy tích cực sẽ mang đến cho bạn sự tin tưởng vào bản thân, bạn có thể làm được những điều mình mong muốn.
Cải thiện mối quan hệ giao tiếp
Tư duy tích cực sẽ giúp bạn gắn kết mối quan hệ xung quanh. Nếu người thân hoặc bạn bè của bạn luôn phiền, bi quan, bạn sẽ nhận được gì từ họ? Phải chăng bạn nhận về là sự u ám, buồn phiền? Điều này có thể khiến cho mối quan hệ trở nên tồi tệ hơn, ảnh hưởng đến cảm xúc của bạn.
Với tư duy tích cực, bạn sẽ dễ dàng giao tiếp với mọi người. Suy nghĩ về người khác theo hướng tích cực, cởi mở trò chuyện và thấu hiểu đối phương là những hành động thiết thực giúp các mối quan hệ của bạn tốt đẹp hơn.
Bí quyết luôn giữ sự tích cực trong lúc khó khăn
Thể hiện sự biết ơn
Biết ơn mọi thứ diễn ra trong cuộc sống của chính bạn là cách rèn luyện tư duy tích cực. Hãy biết ơn công sinh thành và dưỡng dục của cha mẹ, tri ân những bài học tốt đẹp mà thầy cô đã dạy dỗ chúng ta hay trân quý những người bạn xung quanh.
Sự biết ơn sẽ giúp hình thành và phát triển lối tư duy tích cực. Ngay với những người xa lạ, có hành động xấu với bạn, hãy nhìn theo một hướng tích cực rằng họ đã dạy cho bạn bài học cảnh giác và cẩn thận hơn trên đường đời. Đừng để những hận thù, oán ghét làm bạn trở nên tiêu cực.
Tìm điểm tốt đẹp trong tình huống xấu
Trót rơi vào tình huống xấu, bạn hãy cho phép bản thân nhìn nhận những điều tốt đẹp, hài hước trong đó. Đừng quên nhắc nhở bản thân rằng biết đâu tình thế sẽ xoay chuyển tốt hơn, biến khó khăn thành lợi thế. Đây là cách chuyển niềm tin của bạn từ những cảm xúc tiêu cực sang tích cực để thay đổi thế giới quan.
Trong cuộc sống, bạn sẽ không thể tránh khỏi những khó khăn. Bởi chẳng có gì là hoàn hảo, cuộc sống đâu mãi chỉ màu hồng. Khi đối diện với thử thách, bạn hãy tập trung vào những điều tốt. Chẳng hạn như khi gia đình bạn có người thân bị bệnh, thay vì suy sụp, buồn bã, bạn nên học cách chấp nhận sự thật. Việc bạn lạc quan, tin tưởng người thân của mình sẽ mau khỏe mạnh sẽ tiếp thêm sức mạnh cho họ chiến đấu với bệnh tật tốt hơn
Tự nhủ với bản thân những điều tích cực
Khả năng tư duy tích cực sẽ ngày càng tiến bộ nếu bạn biết cách tự nhủ lòng mình về những điều tích cực. Thay vì nói rằng “mình nấu ăn rất tệ”, hãy tự an ủi và khích lệ bản thân rằng “chắc chắn mình sẽ học và nấu ăn ngon hơn vào lần sau”. Mỗi ngày thức dậy, bạn hãy chủ động tạo cho bản thân động lực bằng những câu nói truyền cảm hứng.
Học hỏi từ những sai lầm trong quá khứ
Bạn bị sếp quở trách vì không hoàn thành công việc? Thay vì mãi đắm chìm trong nỗi buồn vì lời chê của sếp, bạn nên nhìn nhận sai lầm của mình và cố gắng hơn nữa để chứng minh năng lực bản thân.
Bạn không nên để tâm quá nhiều, bởi cứ in sâu trong lòng câu nói ấy sẽ khiến bạn luôn ám ảnh và nghĩ rằng mình kém cỏi, không còn hứng thú để làm việc. Thực tế, khi vừa nghe những lời phán xét tiêu cực không ít người sẽ thấy nhụt chí, ngại cố gắng, không dám thay đổi. Và kết quả là họ thất bại thật.
Vấn đề cốt lõi ở đây chính là niềm tin kết quả tiêu cực sẽ trở thành hiện thực, bạn không làm gì để thay đổi chúng. Vì thế, hãy nghĩ đơn giản “lời nói trách mắng từ sếp là lời góp ý để bạn tốt lên”, cố gắng tiếp tục thật tốt công việc hiện tại của mình.
Chẳng ai là hoàn hảo. Bạn cũng vậy. Sai lầm và trải nghiệm thất bại trong nhiều hoàn cảnh là điều không thể tránh khỏi. Thay vì tập trung vào thất bại và buồn chán, bạn hãy nghĩ về những gì bạn có thể làm và cố gắng ra sao trong công việc sắp tới. Bạn nên nhìn nhận sai lầm của mình, biến thất bại thành bài học để cố gắng hơn.
Kết bạn cùng những người tích cực và lạc quan
Có câu “Hãy kể cho tôi về 5 người bạn của bạn, tôi sẽ cho bạn thấy tương lai của mình”, ngụ ý: bạn là trung bình của 5 người bạn dành nhiều thời gian ở bên nhất và chịu ảnh hưởng rất nhiều từ họ. Tuy nhiên, chúng ta lại thường phớt lờ sự thật này.
Phần lớn chúng ta đều tự lừa mình rằng có thể chơi với những người có lối sống không lành mạnh cũng chẳng sao. Tuy nhiên, trong bài báo “Good Vibes Are Contagious” của Brad Stulberg trên trang Outside đã giải thích rất rõ về sự lan truyền cực kỳ nhanh chóng của cảm xúc, bao gồm cả tích cực lẫn tiêu cực.
Một người đồng nghiệp hay than thở, khiến bạn xao nhãng. Nhưng nếu tiếp xúc với những nguồn năng lượng vui vẻ, tích cực, tâm trạng của bạn cũng sẽ tốt hơn rất nhiều.
Thử nhìn xem, trẻ con thường quan sát và bắt chước rất nhanh lời nói của cha mẹ. Nếu cha mẹ hay quát nạt, cộc cằn, trẻ cũng bị ảnh hưởng từ thói quen cư xử thô lỗ. Đây là một thực tế căn cứ vào khoa học, não bộ của con người thường tự động bắt chước các hành vi của người xung quanh. Đừng ngần ngại và khép mình. Hãy ra ngoài gặp gỡ, giao lưu với những người sống tích cực. Khi tiếp cận với người có tư duy tích cực, bạn sẽ được nghe những câu chuyện tích cực, học được thái độ cởi mở và sẵn sàng đón nhận mọi thứ. Điều này sẽ ảnh hưởng một phần đến suy nghĩ, tác động lên lời nói và hành động của bạn.
Thấu hiểu quan điểm và đặt mình vào vị trí của người khác
Trong cuộc sống, không phải lúc nào ý kiến của bạn cũng được mọi người đồng tình hoặc suy nghĩ giống bạn. Có thể bạn đúng nhưng cũng có lúc sai. Điều quan trọng bạn nên nhìn nhận mọi thứ xung quanh từ góc độ của bản thân, “đời sẽ dịu dàng hơn biết mấy, khi con người biết đặt mình vào vị trí của nhau”.
Cách bạn cho đi hoặc đối xử với người khác như thế nào cũng sẽ ảnh hưởng đến việc bạn tự suy nghĩ với bản thân mình vậy. Vì thế, hãy cho đi những giá trị và điều tích cực trong cuộc sống để mọi người quanh mình tốt lên. Dù bạn là ai, ở đâu, trong hoàn cảnh nào cũng đều có thể áp dụng bài học này để rèn luyện lối tư duy tích cực. Khi bạn suy nghĩ và hành động tích cực, mọi cơ hội sẽ tự tìm đến với bạn, cuộc sống sẽ trở nên dễ dàng và ý nghĩa hơn.
Kết luận
Tư duy tích cực là kỹ năng vô cùng quan trọng và giúp ích cho bạn trong công việc cũng như cuộc sống.
Suy nghĩ lạc quan không phụ thuộc vào bản năng. Bạn hoàn toàn có thể rèn luyện qua những bài học trải nghiệm trong cuộc sống. Việc lắng nghe bản thân, khám phá năng lực tiềm ẩn bên trong sẽ giúp bạn đón nhận và hành động mọi thứ trong cuộc sống tốt đẹp hơn, mở rộng cơ hội trong học tập và công việc.
Đừng quên đón đọc Nghề Nghiệp Việc Làm 24h để trang bị thêm nhiều kỹ năng quan trọng cho bản thân nhé!